Huyền thoại về võ Bình Định:

Người thông thạo 18 binh khí võ thuật cổ truyền

Thứ Ba, 04/12/2007, 12:03
"...Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền...". Lần theo câu ca ấy đưa tôi về đất võ Bình Định, quê hương người Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ và tôi được sống lại với những đường roi xé gió chọc trời, được gặp lại những đại danh võ một thời và bây giờ ở vùng đất anh hùng... 

Con đường đến nhà võ sư Phan Thọ gập ghềnh khó tả. Nhìn cánh đồng quê Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định sau lũ xác xơ không một bóng người. Bao nhiêu năm rồi trở lại, dường như ở miền quê này vẫn mồn một cái nghèo gần giống như xưa.

Có điều khác xưa nhiều lắm là người lừng danh đất võ Tây Sơn, Bình Định bây giờ đã không còn như ngày nào, tuổi già ngày một đến nhanh trên mái đầu tóc bạc. Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, mái ngói rêu phong, võ sư Phan Thọ nói: "Tui đã nghỉ dạy võ từ 3 năm nay".

Dẫu không còn mở lớp dạy học trò nhưng giới biết võ, thầy võ trẻ ở Bình Định bây giờ mỗi khi cần giúp là Phan Thọ sẵn sàng. Dẫu đã bước sang tuổi 82, nhưng tâm huyết với nghề võ vẫn luôn trĩu nặng trong lòng.

Võ sư Phan Thọ kể rằng, đời võ của ông cũng đã từng kinh qua bao thăng trầm biến cố, để học được 18 môn binh khí ông phải tự thân vận động, vừa học vừa rèn trong suốt 18 năm và hàng chục người thầy khác nhau. "Biết được 18 môn binh khí thì học trong 18 năm nhưng vận dụng giỏi được thì cả cuộc đời", võ sư Phan Thọ nói.

Trong 18 môn tương ứng với 18 binh khí gồm: côn, kiếm, đao, thương, giáo, kích, xà mâu, đinh ba, bồ cào, thiết bản, song tô, song xỉ, song câu, bút, phủ (búa), chùy, cung tên, lăn khiên.

Ngoài ra, ông còn thông thạo sử dụng các loại vũ khí như rựa quéo, lao, đòn xóc, nạng, ná, khăn xéo, dù trong chiến đấu ở các tình huống. Đây là những thế đòn được vận dụng, sáng tạo linh hoạt xuất phát từ thực tế cuộc sống, lao động sản xuất áp dụng trong võ.

Cùng với các binh khí, quyền cũng là một thế mạnh của võ sư Phan Thọ. Ông cho biết, quyền gồm tất cả các môn võ không trang bị vũ khí, chỉ dùng tay chân, chia làm cương quyền và nhu quyền, với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp.

Quyền lợi hại ở chỗ có thể không để dấu tích bên ngoài nhưng lại gây chấn thương mạnh bên trong, nếu đánh vào các yếu huyệt làm đối phương chết ngay hoặc mang trọng bệnh mà không tìm ra người biết cách giải huyệt thì không cứu chữa được.

Từ nhỏ Phan Thọ được người bác ruột là Phan Kỳ Nguyên truyền nghề. Sau khi bác chết, Phan Thọ tiếp tục lặn lội đi "tầm sư học đạo" khắp nơi. Điểm qua những người thầy võ nổi tiếng lúc bấy giờ như Cai Bảy, Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Tàu Sáu, Chín Ngạnh, Đinh Hương... đều nhận Phan Thọ là người học trò ngoan.

Vì nhà nghèo, quanh năm tảo tần với ruộng đồng nên để có tiền học võ, Phan Thọ phải lăn lộn với đủ nghề từ nhỏ. Ngày đi chăn trâu, thả bò và làm lụng đủ việc, đêm tối về lại theo đuổi học võ và cậu bé nhà nghèo ấy từ khổ luyện đã trở thành con người huyền thoại trong làng võ cổ truyền Bình Định.

Nhờ kiên tâm khổ luyện, võ sư Phan Thọ là một trong những người hiếm hoi ở đất võ Bình Định tinh thông thập bát ban binh khí, cũng như các tuyệt chiêu của môn phái Tây Sơn như quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên và Siêu công; côn pháp Bát quái, Thấp bộ Xà đản…

Ông còn áp dụng thông thạo các loại vũ khí hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở dân bản địa Tây Sơn, Bình Định, theo cách gọi dân gian là "võ thế", "võ vườn" như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chĩa ba mũi nhọn)…

Câu chuyện võ sư Phan Thọ "song đấu" tay đôi với con heo rừng độc suốt 3 giờ đồng hồ ở rẫy mía và cuối cùng ông đã hạ gục chú heo sát thủ này mãi vang vọng trong làng võ Bình Định.

Ông kể, một hôm bà con phát hiện một con heo rừng xuống phá rẫy mía nên vác cây đuổi đi, không ngờ chú heo to khỏe xông tới cắn nhiều người bị thương tích nặng. Hàng chục thanh niên trong làng dùng dao, cuốc xông vào nhưng đều bị chú heo húc chạy.

Võ sư Phan Thọ hay tin đã băng đến giải cứu. "Tui phải vận dụng đến tuyệt kỹ hồi đầu yểm nguyệt mới hạ gục được con heo hung dữ này trong tiếng hò reo vang dội của dân làng", võ sư Phan Thọ kể.

Rồi ông mở tủ lấy ra bộ răng nanh con heo rừng mình đã chiến thắng được lưu giữ hơn 50 năm qua cho tôi xem và nói: "Tui giữ mãi cái nanh này làm kỷ niệm".

Võ sư Phan Thọ cũng là người một mình từng đuổi hổ chạy khắp núi rừng. Ông kể, hôm đó mình đi lên núi gặp chú hổ gầm thét, dân làm rẫy bỏ chạy tán loạn, ông đã vung đao chỉ trời và chú hổ lắc đầu tháo chạy.

Rồi mới đây, năm 1998, khi ông đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng một đoàn võ sĩ Nhật lại tìm đến tận nhà thách đấu. "Tui đã già rồi, chẳng mơ màng gì chuyện hơn thua nữa đâu", võ sư Phan Thọ nói.

Nhưng phía bên kia lại cố tình không để cho ông yên nên Phan Thọ đã ra tay so tài. "Tui vận dụng những đòn thế hiểm để chống trả đối phương và bắt được điểm yếu một cú đá trượt của đối phương nên chớp thời cơ, quét chân hạ gục".

Đến đây, họ mới chịu chắp tay bái phục: "Võ Tây Sơn, Bình Định danh bất hư truyền, xin được chỉ giáo!". Kể rồi ông cầm đao ra sân xuống tấn, múa vài đường đại đao chân phương nhưng ẩn chứa những nét võ nghệ cao cường.  

Ngày 9 tháng Giêng hằng năm đến dự ngày giỗ tổ của võ đường võ sư Phan Thọ, chúng ta chứng kiến những điều nhân nghĩa của học trò với tinh thần tôn sư trọng đạo. Không tiền bạc, quà cáp bì thư nhưng nặng trĩu một tấm lòng thượng võ, yêu chính nghĩa, quyết chí diệt gian tà.

"Võ thuật đã ra đời từ rất lâu, nhưng tổ võ thì chúng tôi thờ ba anh em nhà Tây Sơn, vì chính ở thời kỳ Tây Sơn võ đã được hội tụ hoàn chỉnh, phát triển lên một tầm cao mới, phục vụ cho mục đích nghĩa hiệp và đánh giặc cứu nước", võ sư Phan Thọ nói. 

Bây giờ ở tuổi xế chiều của cuộc đời, võ sư Phan Thọ sống nơi làng quê nghèo sớm tối với cọng rau, hạt lúa nhưng ông cảm thấy hạnh phúc. Ông luôn tâm niệm rằng, tinh thần thượng võ và lòng tự hào dân tộc là điều giúp ông vượt qua khó khăn làm nên những huyền thoại.

"Cái mà tui luôn dạy cho lớp con cháu là phải hiểu được cội rễ sâu xa của võ thuật, đó chính là lòng nhân từ và tinh thần hiệp nghĩa", võ sư Phan Thọ tâm niệm

Ngọc Như
.
.
.