Người phụ nữ làm giàu từ... nấm
Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân cũng như nhiều gia đình chị em khác ở xã Quảng Điền, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vật lộn với mấy sào ruộng nhưng chỉ mới đủ cái ăn, không khấm khá lên được. Tình cờ xem truyền hình giới thiệu về mô hình trồng nấm cho bà con nông dân và chị liên hệ lại địa phương mình cũng thấy dồi dào nguồn nguyên liệu nào là rơm rạ, mùn cưa sao mình không làm thử?.
Nghĩ thế, chị Bích Vân liền đi mua sách, tài liệu viết về kỹ thuật làm nấm, đồng thời, khăn gói lặn lội đến các cơ sở làm nấm ở các địa phương Ea Kar, thậm chí, sang cả Lâm Đồng để học tập kinh nghiệm làm nấm của các bậc đàn anh, đàn chị đi trước.
Thế là về chị bắt đầu tổ chức sản xuất thử, mang lại kết quả, nấm rơm to, dày bước đầu để gia đình cải thiện bữa ăn, biếu hàng xóm, còn lại một ít mang ra chợ xã bán ai cũng khen ngon, lại rẻ, nhiều người hẹn lần sau nếu có bán thêm cho họ (khách hàng). Vạn sự khởi đầu nan, đầu năm 2007, chị lập "dự án" và được Ngân hàng Chính sách-Xã hội huyện Krông Ana cho vay 15 triệu đồng, vay mượn thêm của bạn bè, hàng xóm láng giềng cải tạo lại mảnh vườn trước nhà, làm nhà lồng sản xuất thêm hai loại nấm: nấm sò, nấm mèo.
Các loại nấm (nấm rơm, nấm sò, nấm mèo) của gia đình chị Bích Vân sản xuất không những có chất lượng tốt mà giá cả lại phải chăng thế là tiếng lành đồn xa, thương lái trong, ngoài tỉnh đến tận nhà chị để đặt hàng, ngày nào cũng xuất bán nấm không còn cảnh ngày nào cũng "cọc cạch" đưa nấm ra chợ huyện, chợ tỉnh để bán nữa!.
Tích luỹ dần mỗi ngày một ít đến nay chị Nguyễn Thị Bích Vân đã tạo dựng nên một cơ ngơi sản xuất nấm tương đối bề thế ở một địa bàn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn này. Hiện nay, trang trại sản xuất nấm của chị Bích Vân có trên 1.000 mét vuông, được phân chia khoa học, theo từng khu vực, khu phối trộn nguyên liệu, khu cấy meo, khu ủ nguyên liệu, nhà lồng chăm sóc nấm.
Chị Bích Vân hồ hởi nói với chúng tôi, "Để sản phẩm nấm có chất lượng, đẹp mẫu mã, trại nấm phải luôn đủ độ ẩm, thoáng gió, ánh sáng vừa phải và phải thật vệ sinh. Nếu không giữ được sạch thì nấm không ra. Khi bẻ nấm phải chú ý hái luôn cả nấm nhỏ còn sót lại vì nếu một chân nấm bị hư hỏng sẽ làm thối cả bịch. Bên dưới mỗi giàn nấm đều có lưới để hứng các chất thải khi hái nấm rơi xuống...".
Chị cho biết tiếp, việc kết hợp trồng ba loại nấm (nấm mèo, nấm rơm, nấm sò) cũng rất hợp lý, khoa học. Cụ thể, mùn cưa sau khi phối trộn, đóng bịch sẽ được sử dụng tối đa để trồng nấm mèo, nấm sò xong lại tiếp tục trồng nấm rơm trên chính mùn cưa đó. Khai thác hết lượt, chị bán các bịch xơ này cho các nhà vườn làm phân hữu cơ bón cho cà phê...
Hiện nay, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân không những trả hết nợ vay ngân hàng, nợ của bà con mà còn có tích luỹ. Theo tính toán của chị Bích Vân, mỗi ngày lợi nhuận thu về từ các loại nấm từ 300.000 đến 500.000 đồng, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 140 đến 145 triệu đồng. Thăm trang trại, chúng tôi thấy hàng chục luống nấm rơm, trên 7.000 bịch nấm mèo, nấm sò đang nhú mầm phát triển hứa hẹn một mùa bội thu mới.
Không chỉ biết lo làm giàu cho riêng mình, chị Nguyễn Thị Bích Vân còn tạo điều kiện giúp đỡ về kỹ thuật trồng, làm nhà lồng, pha trộn nguyên liệu... cho hàng chục chị em trong xã, trong huyện muốn xoá nghèo vươn lên làm giàu bằng mô hình trồng nấm.
Chị Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Điền Đặng Thị Loan cho biết, "... Hội tổ chức cho chị em phụ nữ các dân tộc ở các thôn, buôn tham quan, tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình sản xuất nấm này nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập góp phần đẩy lùi nghèo đói ở nông thôn..."