Người phụ nữ Êđê nặng lòng với văn hóa Tây Nguyên
Nằm trong buôn Akô Dhông, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, một trong những buôn làng giàu nhất Tây Nguyên, cà phê Arul mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đầu xuân, chúng tôi đến quán cà phê Arul đúng lúc bà chủ quán Hlen đang say sưa giới thiệu văn hóa của người Êđê cho một đoàn du khách từ Hà Nội.
Không phải đến để uống cà phê mà đoàn khách xa muốn được tận mắt nhìn thấy hiện vật và nghe những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa Tây Nguyên của bà chủ quán. Chị Nguyễn Thanh Thủy, thành viên trong đoàn chia sẻ: “Tôi được nhiều người giới thiệu về quán cà phê Arul, quả thật thực tế khác xa với những gì tôi nghĩ. Không ồn ào, náo nhiệt, không DJ, không sang trọng như hàng trăm quán cà phê khác, Arul ấn tượng theo cách riêng mang đậm văn hóa Êđê”.
Bà Hlen Niê với không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Êđê. |
Bà Hlen cho biết: “Đứng trước thực trạng hiện vật văn hóa truyền thống dần ra khỏi buôn làng Tây Nguyên, chứng kiến hàng loạt bộ chiêng, ché cổ bị bán như phế liệu đồng nát, cuộc sống buôn làng hiện đại hóa quá nhanh. Chưa bao giờ tôi thấy văn hóa dân tộc mình mai một nhanh đến thế. Những ngôi nhà dài truyền thống, buôn làng cổ dần biến mất. Tôi sợ rằng lớp trẻ sau này sẽ không được biết thế nào là ghế Kpan, trống Hgor… vì thế tôi càng quyết tâm lưu sưu tầm, lưu giữ để bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với nhiều người”.
Chính khát khao bảo tồn văn hóa dân tộc, bà Hlen Niê đã tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Êđê trong ngôi nhà sàn cổ, biến ngôi nhà của gia đình thành quán cà phê độc, lạ. Bà Hlen giữ gìn nguyên bản từ kết cấu nhà sàn đến các vật dụng sinh hoạt đời thường đặt rải rác khắp không gian quán cà phê.
Trụ cổng gỗ điêu khắc theo kiến trúc tượng nhà mồ, hàng chục chiếc cối bằng gỗ của đồng bào Tây Nguyên xếp hàng dài từ cổng đến hiên nhà dài; hàng trăm hiện vật khác như chiêng, ché, ghế Kpan, trống Hgor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc... được sắp xếp cẩn thận bên trong nhà dài. Yên tĩnh, nhẹ nhàng, nhưng Arul lại trở thành điểm hẹn ấn tượng giữa thủ phủ cà phê có hàng nghìn quán nhộn nhịp khác.
Đặc biệt là trưng bày theo kiểu tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng của một gia đình truyền thống của người Êđê trong ngôi nhà dài cổ: hai cầu thang lên nhà dài, Kpan ngồi đánh chiêng ở gian khách, phòng ngủ và không gian bếp truyền thống gồm những vật dụng sinh hoạt đời thường của đồng bào Tây Nguyên như niêu đất, trái bầu khô, khung dệt thổ cẩm, gùi, giàn bếp…
Để có khối di sản này, bà Hlen đã phải mất nhiều năm kỳ công đi khắp các buôn làng sưu tầm. Nghe nói ở đâu có người bán đồ truyền thống là bà tìm đến, có những hiện vật bà Hlen đi hàng trăm cây số mới mua được như chiếc ché thần gió. Mỗi chiếc ché, chiếc gùi có kiểu dáng khác nhau thể hiện đặc trưng của từng dòng họ, vùng địa lý của người Êđê và một số dân tộc Tây Nguyên khác mà chỉ cần nhìn hiện vật, người lớn tuổi hoặc hiểu biết về văn hóa có thể nhận ra nơi xuất xứ.
“Nhưng bảo tồn là để nhiều người biết đến văn hóa của mình chứ mang thật nhiều hiện vật về cất vào kho cho riêng mình thì không còn ý nghĩa gì nữa. Vì thế, tôi kinh doanh quán cà phê là để có không gian giới thiệu văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Bày các hiện vật ra đây để những người yêu văn hóa Êđê đến đây thoải mái tham quan, tìm hiểu mà không nhất thiết phải uống cà phê”, bà Hlen vui vẻ nói.
Tháng 7-2013, bà Hlen bắt tay sửa ngôi nhà dài truyền thống của gia đình làm nơi trưng bày hiện vật. Ngoài căn nhà cổ của tổ tiên để lại, bà dựng thêm một ngôi nhà dài khác để mở rộng không gian quán. Đầu năm 2015, quán cà phê hoàn thành, bà lấy họ cha là Arul đặt tên quán.
Từ khi hoạt động quán cà phê Arul đã tạo ấn tượng đặc biệt với nhiều du khách, đặc biệt là những người am hiểu về văn hóa. Có nhiều khách đến đây không phải để thưởng thức cà phê mà đến vì văn hóa, vì không gian mang đậm chất đặc trưng đời thường, mộc mạc đơn sơ của dân tộc Êđê.
Không chỉ trưng bày hiện vật, bà Hlen rất am hiểu văn hóa Êđê nên dù bận pha chế cà phê nhưng nếu khách từ xa đến có nhu cầu tìm hiểu văn hóa bản địa, bà Hlen đều vui vẻ giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết từng hiện vật văn hóa. Từ ý nghĩa hai chiếc cầu thang đực, cái bắc lên nhà sàn, Kpan, trống Hgor cho đến bếp lửa truyền thống và các phong tục tập quán… Điều đó tạo nên một sắc thái riêng và gây ấn tượng với khách khi đặt chân đến nơi đây.
Ngoài giới thiệu văn hóa Êđê đến với du khách, bà Hlen còn liên hệ với các trường để học sinh đến tham quan, học văn hóa dân tộc miễn phí và đã thực hiện được một vài khóa. Để việc lưu giữa bài bản, khoa học, bà mời người lớn tuổi, có am hiểu sâu sắc về hiện vật văn hóa đến thẩm định ghi tên tuổi, nguồn gốc của từng hiện vật để làm nguồn tư liệu. “Tôi đã liên hệ với các chuyên gia văn hóa cùng hợp tác để viết thành sách nói rõ nguồn gốc, đặc trưng, ý nghĩa của từng hiện vật trong văn hóa của người Tây Nguyên”.