Người liệt sĩ Công an hy sinh tại Trại Davis

Chủ Nhật, 26/07/2009, 16:29
Liệt sĩ Nông Văn Hưởng (còn gọi là Nông Văn Kiên) sinh năm 1932, quê tại Chợ Đồn (Bắc Kạn). Sau khi thoát ly gia đình, ông được đào tạo trở thành một sĩ quan an ninh, thuộc lực lượng trinh sát kỹ thuật. Ông được vinh dự tham gia bảo vệ, phục vụ Hội nghị Paris. Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, Thượng úy Nông Văn Hưởng được đưa vào Trại Davis tham gia Ban bảo vệ an ninh do đồng chí Vũ Nam Bình làm Trưởng ban.

Sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết, Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên được thành lập, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

Hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đóng trụ sở tại "Trại Davis" trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ban bảo vệ an ninh của hai phái đoàn gồm chủ yếu các sĩ quan Quân đội, Công an dày dạn nghiệp vụ và bản lĩnh; đã ngăn chặn mọi âm mưu thâm độc của các cơ quan tình báo gián điệp Mỹ - ngụy. Nhưng chỉ một ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, hai cán bộ của Trại Davis đã anh dũng hi sinh, trong đó có một sĩ quan an ninh, là đồng chí Nông Văn Hưởng...

"Tôi và nhà tôi cùng là người dân tộc Tày, được giác ngộ cách mạng rồi vào Công an. Lấy nhau được hai mặt con, đúng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thì nhà tôi hy sinh"... bà Lê Thị Vân (tên thường gọi là Lọn) mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Trưa tháng bảy gay gắt nắng.

Căn hộ tầng một ở khu Trung Tự (Hà Nội) của gia đình bà Vân càng thêm nóng bức vì mất điện. Những hồi ức về người chồng thân yêu chợt hiện về khiến bà xúc động và tự hào về ông. Bà vui vẻ kể: Bây giờ tôi mới nói nhiều đấy, chứ hồi trước tôi ít nói lắm. Ông ấy cũng hiền lành, ít nói như tôi. Lấy nhau rồi, hiếm khi vợ chồng to tiếng với nhau. Chúng tôi nên vợ nên chồng là nhờ sự giới thiệu của anh Hoàng Mai (Thiếu tướng Hoàng Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường C500, nay là Học viện ANND - PV)... Giờ thì, nhà tôi đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ của quê nhà. Hôm nay, nhân ngày 27/7, con gái tôi cũng từ Sài Gòn ra thăm rồi về quê thắp hương cho cha.

Liệt sĩ Nông Văn Hưởng (còn gọi là Nông Văn Kiên) sinh năm 1932, quê tại Chợ Đồn (Bắc Kạn). Sau khi thoát ly gia đình, ông được đào tạo trở thành một sĩ quan an ninh, thuộc lực lượng trinh sát kỹ thuật. Ông được vinh dự tham gia bảo vệ, phục vụ Hội nghị Paris. Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, Thượng úy Nông Văn Hưởng được đưa vào Trại Davis tham gia Ban bảo vệ an ninh do đồng chí Vũ Nam Bình làm Trưởng ban.

Trong thời gian làm nhiệm vụ trinh sát kĩ thuật trong Ban Bảo vệ an ninh, Thượng úy Nông Văn Hưởng và các đồng sự của mình đã phát hiện, ngăn chặn nhiều hoạt động gián điệp của Mỹ - ngụy. Ngoài âm mưu móc nối, lôi kéo người của ta; đặt máy nghe trộm, ly gián gây mất đoàn kết nội bộ của ta; địch còn tính tới những thủ đoạn hèn hạ như đầu độc nguồn nước, thực phẩm, bắt cóc lãnh đạo phái đoàn; thậm chí cho bọn lưu manh, côn đồ khiêu khích và kiếm cớ tấn công vào trại tàn sát anh em ta.

Trải qua 823 ngày đêm hoạt động công khai, kiên cường giữa trung tâm đầu não của kẻ địch, phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thi hành Hiệp định Paris; trong đó có sự đóng góp cực kì quan trọng của công tác an ninh.

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, lãnh đạo đoàn ta tại Trại Davis đã tính tới những phương án, tình huống xấu nhất như: Địch sẽ điên cuồng tấn công vào trại sát hại cán bộ, nhân viên của ta. Vì vậy, công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ người, phương tiện, tài liệu được tính toán chi tiết.

Ông Phạm Văn Lãi, một sĩ quan Chính trị của Trại Davis (người đã cắm lá cờ của Cách mạng trên tháp nước Trại Davis lúc 9h30' sáng 30/4/1975, hiện đang công tác tại Văn phòng Chính phủ) nhớ lại: Anh Hưởng rất đẹp trai, thư sinh; tính tình điềm đạm và chín chắn. Chúng tôi kém anh Hưởng nhiều tuổi nhưng anh em sống hòa đồng, rất thân thiết, gắn bó với nhau...

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu tỉ mỉ. Trong một cuộc tập dượt sơ cứu thương binh, tôi nêu câu hỏi: nếu chẳng may có người bị trúng mảnh pháo gây đứt động mạch cảnh thì cấp cứu thế nào.

Một bác sĩ trả lời: Đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm, hầu như không thể cứu chữa được, trừ trường hợp gần cơ sở y tế Trung tâm có thể tiến hành đại phẫu... Có ngờ đâu, sau này chính anh Hưởng đã hy sinh trong tình huống này, chỉ trước 1 ngày Sài Gòn được giải phóng!

Nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử ấy, ông Lãi kể: Từ rạng sáng ngày 29/4/1975, trọng pháo của quân ta dồn dập giội xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Các thành viên phái đoàn vẫn người nào việc nấy. Đồng chí Hưởng được giao nhiệm vụ chụp ảnh các đơn vị chiến đấu của quân ngụy đang vội vã tháo chạy...

Những anh em cảnh vệ vẫn kiên quyết bám sát mục tiêu bảo vệ. Bất ngờ, có một quả đạn pháo 130 ly nổ rất gần. Hai cán bộ ta đang làm nhiệm vụ bị trúng mảnh pháo là đồng chí Hưởng và đồng chí Hòa, bị thương nặng. Đồng chí Hưởng bị mảnh pháo găm vào cổ, máu trào ra rất nhanh. Các đồng chí đã hy sinh vào khoảng cuối giờ chiều 29/4.

Giữa cảnh bom rơi, đạn nổ, tôi và anh Phạm Văn Hồng (cán bộ hậu cần) và một số anh em cảnh vệ đã tiến hành khâm liệm cho hai liệt sĩ. Hai anh được mặc quần áo mới, đi tất, giày. Lúc đó cũng chưa biết chính xác bao lâu nữa thì Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, nên chúng tôi kiếm được hai túi ni-lông loại lớn và đào hố dưới một căn hầm dã chiến để các anh nằm tạm.

Chiều hôm sau, khi quân Giải phóng đã làm chủ Sài Gòn, chúng tôi tìm gỗ và đóng hai áo quan, rồi đưa các anh ra an nghỉ tại phía sân bóng rổ của Trại Davis... Sau giải phóng vài năm, thì cơ quan và gia đình anh Hưởng đưa hài cốt về quê

Trần Duy Hiển
.
.
.