Người gặp "rồng" trên đỉnh Đền Đô

Thứ Năm, 23/02/2006, 14:03

Đôi bàn tay méo mó, không lành lặn của ông nhẫn nại quặp chiếc ấm pha trà rồi nghiêng nó một cách khó khăn để rót nước mời khách. Đó là di chứng của căn bệnh phong mà mấy chục năm trước ông mắc phải. Thế nhưng, cũng từ đôi bàn tay không bình thường ấy, ông đã miệt mài chép sử làng gần 20 năm để cho ra đời ấn phẩm "Di tích lịch sử văn hóa đền Đô" dày 214 trang và nhanh nhẹn chụp được những bức ảnh hiếm hoi về những đám mây lạ vần vũ trên đỉnh đền Đô trong ngày giỗ tổ...

Ông là Nguyễn Đức Thìn - Anh hùng Lao động, nguyên là thầy giáo, thành viên của đội "Hướng dẫn viên du lịch tình nguyện" ở đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Khi cuốn sách giới thiệu về lịch sử đền Đô dày hơn 200 trang được ông chủ biên bắt đầu định hình, người dân Đình Bảng mới vỡ lẽ việc ông dày công sưu tầm, cất giữ những tư liệu, hiện vật lịch sử của quê hương đã ngót nghét 18 năm trời. Những tư liệu, hiện vật đó đã tạo nên liên quan tới một cuộc triển lãm hoành tráng về Đình Bảng tại Hội trường UBND xã ngay từ năm 1989. Ngay từ những năm tháng tuổi thơ, Đội Du kích thiếu niên Đình Bảng mà ông tham gia đã nức tiếng vang trong và ngoài nước, làm kẻ thù bao phen kinh hồn bạt vía. Hết chiến tranh, ông trở thành thầy giáo làng truyền tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ quê mình liên tục 35 năm. Vừa dạy học, ông vừa say mê nghiên cứu tổng kết một số vấn đề khoa học giáo dục.

Ông Thìn kể cho tôi nghe nhiều chuyện về đền Đô. Khi đến sự kiện “rồng giáng” trên quê hương 8 vị vua Lý, ông cười, nụ cười sảng khoái tự hào và hạnh phúc. “Tớ” may mắn được sinh ra trong cõi đời này, hai lần gặp rồng thiêng như vậy là mãn nguyện lắm rồi!”. Ông Thìn kể: Đúng 8 giờ sáng ngày 26/8/1998 (ngày 5/7 âm lịch) là ngày giỗ Vua Lý Anh Tông - vị vua thứ 6 của Vương triều nhà Lý. Giữa lúc trống giong, cờ mở và lễ hội rực rỡ sắc màu, các bô lão đang tiến hành tế lễ thì trên trời bỗng xuất hiện 11 vầng mây trắng. 11 vầng mây này đậu lại trên đỉnh “Thọ lăng Thiên đức” - nơi đặt 11 lăng của các đời nhà Lý. Qua hồ bán nguyệt, 3 đám tự nhiên rã ra và 8 vầng mây tụ lại trên trời xanh thăm thẳm, ứng với 8 vị vua nhà Lý.

Sự kỳ diệu của tạo hóa có lẽ là ngẫu nhiên, song nó đã làm nức lòng bao người có mặt. Không khí lễ hội trở nên trang trọng lạ thường. Trong niềm tôn nghiêm, ông Thìn sực tỉnh: cơ hội ngàn năm có một, phải ghi lại bằng hình ảnh. Và thế là, chiếc máy ảnh du lịch hiệu Kodak của ông có dịp sử dụng. 36 kiểu phim, ông gom được 10 tấm hình có vầng mây trắng. Ông cũng không tính trước được việc làm ấy đã ghi dấu một khoảnh khắc diệu kỳ của tạo hóa: 8 vầng mây hình rồng nằm song song giữa nền xanh thiên thanh, phủ phục trên đỉnh đền cổ kính cho tới khi buổi tế kết thúc. Bức ảnh ấy, ông Thìn đặt tên là “Cổ Pháp tường vân”, nghĩa là giải mây tốt lành trên đình Cổ Pháp. Đến bây giờ, du khách đến đền Đô được ngắm nhìn bức ảnh “Vân long” treo trang trọng trong đền.

Trước khi “chộp” được cảnh “Vân long giáng thế”, ngày 8/3/1997, ông đã ghi được quả dứa lạ tại chùa Ứng Tâm: quả dứa trổ hoa đúng ngày giỗ của Lý Thánh Mẫu. Duyên may hay là sự sắp đặt thế nào, ông luôn gặp được những kỳ tích của tạo hóa.

Ông Thìn hì hụi tìm kiếm, rồi lôi được cuốn album cất mãi dưới đáy tủ để đưa ra những “chứng cứ” cho lần “gặp rồng” lần hai của mình. Đó là ngày 1/9/1998, khi các vị bô lão của đền Đô chuẩn bị một đám rước bát hương về Thủ đô để cùng cả nước tổ chức chào mừng ngày Sài Gòn 300 tuổi. 4 giờ 45 phút sáng, nền trời nhá nhem bỗng bừng sáng. Một đám mây vàng từ Thủ đô bay về. Nhìn đồng hồ, đúng giờ Dần. Ông nhẩm tính: Giờ Dần, rồng bay về, thế là “long hổ tương phùng”, đó là điềm tốt! Giây phút ấy khiến ông choàng tỉnh cầm lấy máy ảnh. Và bức ảnh “Hoàng long vân giáng” đã được đặt tên. Ông cười hóm hỉnh: “Chẳng biết tại sao mà “tớ” hay gặp “rồng giáng” thế.

Ngồi kể chuyện với tôi, hai bàn tay ông co quắp với những ngón tay không lành lặn khó khăn quắp ấm trà và cẩn trọng rót ra chén mời khách. Tôi dè dặt hỏi về nguyên nhân khiến hai bàn tay như vậy, ông nói đó là di chứng của căn bệnh phong. Thời trai trẻ, ông là đội viên của Đội Du kích thiếu niên Đình Bảng lừng danh. Say mê với việc chụp ảnh, ông cầm máy từ năm lên 10. Lúc đó, nhiệm vụ của ông là chụp những bức ảnh để tố cáo tội ác của giặc Pháp, cái máy ảnh ROC nhỏ bằng hai bao diêm, không chỉnh được cự ly, mỗi lần chụp ông phải bò lom khom để tới gần đối tượng cho ảnh rõ hơn.

Hòa bình lập lại (năm 1954) ông trở thành thầy giáo làng dạy môn sử. Trong thời gian công tác, ông đề ra phong trào “nghìn việc tốt” cho các em học sinh của Trường cấp II Đình Bảng. Không ngờ sáng kiến của ông mang lại hiệu quả thiết thực trở thành phong trào chung cho cả nước. Phong trào “thiếu nhi ngàn việc tốt” được nhân rộng lớn mạnh và duy trì đến tận bây giờ. Có lần, ông dẫn đầu đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam đi dự Hội nghị Thiếu nhi quốc tế tại Béclin, ông đã vận động mở ngay một cuộc triển lãm về Việt Nam tại Đức.

Ông cười, nụ cười của người đã đi qua bao sự kiện, gian khổ có, ngọt bùi cũng có: “Ông Hàn Mặc Tử có cái tài thơ. Tôi chỉ là một anh giáo làng. Nhưng tôi là người may mắn hơn Hàn Mặc Tử vì đã chữa khỏi bệnh, được sống đến bây giờ”. Năm 1989, ông được Nhà nước tặng Huân chương Anh hùng Lao động. Năm 2006 này đã sang cái tuổi cổ lai hy, ông vẫn có mặt trong Tiểu ban tuyên truyền của Ban quản lý Di tích đền Đô, trở thành “hướng dẫn viên du lịch tình nguyện” của làng

Thái Bình
.
.
.