Người chế tạo rất nhiều máy móc nhưng không đăng ký sáng chế độc quyền

Thứ Hai, 07/09/2009, 20:35
Có thể nói, bên cạnh cái máu đam mê chế tạo máy móc và sẵn sàng... bán cả nhà đi để chế tạo, thì Trần Quốc Hải còn có một tính khí rất khác người. Tất cả những loại công cụ mà anh đã làm ra như xe rơmoóc tự hành, giàn cày, giàn bừa cải tiến, máy giặt mủ cao su, máy thổi lá cao su, máy bón phân cao su, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm xác củ khoai mì..., không một cái nào được anh đưa đi đăng ký lấy bằng sáng chế độc quyền nên vì thế, sản phẩm vừa ra đời hôm trước, hôm sau bị người khác làm nhái kiểu dáng mà cụ thể như chiếc máy thổi lá cao su.

Hiện tại, chỉ riêng địa bàn tỉnh Tây Ninh, ít nhất cũng đã có 7, 8 cơ sở cơ khí sản xuất loại máy ấy nên rất nhiều người không hề biết rằng Trần Quốc Hải là cha đẻ của nó, nên phần thiệt thòi vẫn luôn thuộc về anh. Có lần, anh cưỡi chiếc xe cà tàng đi nhận giải thưởng "Điển hình sáng tạo Việt Nam", và khi vừa đến địa điểm tổ chức lễ trao giải ở Dinh Thống Nhất, Hải thấy một người khác bước ra từ chiếc ôtô Mercedes bóng lộn, có tài xế xách cặp đi kèm. Thoạt đầu, Hải nghĩ đó là một quan chức. Ai dè khi lên nhận giải, người đó đứng bên cạnh Hải, nhận bằng khen vì đã sáng chế ra một chiếc máy phục vụ việc chăn nuôi. Kể lại chuyện này với tôi, anh nói: "Máy nhỏ mà đi xe to".

Tôi cười: "Đó là vì họ đã đăng ký sáng chế của họ, và chiếc máy do họ độc quyền sản xuất nên họ giàu là đúng thôi. Còn anh?". Đến lượt Hải cười: "Tôi không đăng ký độc quyền là vì tôi muốn để cho người ta làm nhái sản phẩm của tôi. Như vậy, tôi dễ dàng nhận ra những khuyết điểm của nó khi vận hành rồi đến những chiếc máy sau, sẽ ngày càng hoàn thiện".

Buổi trưa, trời Tân Châu nắng hầm hập. Tôi chở Trần Quốc Hải trên chiếc Honda, len lỏi qua những hàng cây cao su xanh mướt. Đến trước một ngôi nhà, mà Hải giới thiệu là nhà ông Lê Văn Thanh, chúng tôi dừng lại. Sau vài câu giới thiệu, anh nói: "Từ trước đến nay, khi cạo mủ cao su, lượng mủ rơi rớt xuống đất dính lẫn lá cây, tạp chất, đất cát, thường bị coi là mủ phế phẩm, thương lái mua với giá rất thấp". Không để bà con nông dân thiệt thòi, Trần Quốc Hải mày mò nghiên cứu và cuối cùng, chiếc máy giặt mủ cao su ra đời. Nguyên tắc hoạt động của nó khá đơn giản: Máy gồm một thùng lớn bằng kim loại, giữa có một trục, xung quanh trục gồm nhiều "cánh tay". Khi cho trục chạy bằng một máy nổ hay một môtơ điện, hoặc nối trực tiếp với động cơ máy cày, mủ cao su phế phẩm trong thùng có chứa nước sẽ bị các "cánh tay" đánh cho... tơi tả. Kết quả là mọi tạp chất đều bị tách ra.

Ông Thanh nói: "Tôi mua máy của chú Hải, giá 25 triệu. Từ hồi có nó đến giờ, thu nhập mỗi tháng tăng thêm vài triệu đồng". Chỉ tay vào cô con gái 19 tuổi, ông Thanh nói tiếp: "Hàng ngày, nó chạy xe chở hai chiếc "cần xé" đi thu mua mủ đất (mủ dính đất) của bà con bữa nào ít cũng được chục ký". Tôi hỏi Trần Quốc Hải: "Tổng cộng anh đã làm ra bao nhiêu chiếc máy giặt mủ loại này?". Hải trả lời: "Chừng 60-70 chiếc gì đó. Nhiều loại quá, nhớ không hết".

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất là phần lớn những máy công cụ do Trần Quốc Hải chế tạo, đều hoạt động bằng cách tận dụng lực kéo của máy cày chứ không cần phải có thêm một động cơ khác, gây tốn kém. Tây Ninh nói chung, huyện Tân Châu nói riêng, nông nghiệp chiếm đa số nên số lượng máy cày trong dân rất lớn - dù đó chỉ là loại máy nhỏ, đẩy tay. Thông thường, đi kèm máy cày là một chiếc rơmoóc. Nó đưa người từ nhà ra rẫy rồi từ rẫy về nhà, trên đó nó chất đủ thứ, nào là củ mì, củ khoai lang, mủ cao su, cà phê hạt hay đôi khi là những bó củi, cành làm chất đốt.

Trần Quốc Hải nói: "Rơmoóc ở vùng này là loại rất lớn, tải trọng từ 5 đến 7 tấn. Qua khảo sát, tôi nhận thấy khi kéo theo rơmoóc, máy cày chỉ tận dụng được tối đa khoảng 70% công suất, 30% còn lại bị bỏ phí". Điều đó dẫn đến việc khi phải vượt qua những địa hình phức tạp, lầy lội, nông dân buộc phải giảm tải trọng rơmoóc xuống còn 3, 4 tấn - Trần Quốc Hải nói tiếp - Sau nhiều nghiên cứu, tôi lắp thêm cho rơmoóc một bộ truyền động, hoạt động bằng chính sức kéo máy cày, nâng công suất tận dụng từ máy cày lên 90%. Tôi gọi nó là rơmoóc tự hành. Đến nay, xưởng cơ khí của tôi đã cho ra lò hơn 300 cái". Và mặc dù cụm từ "rơmoóc tự hành" thật ra chưa chính xác bởi lẽ nếu không nhờ vào chiếc máy cày, thì rơmoóc không thể tự mình vận hành được nhưng dẫu sao, nó cũng là một đóng góp thiết thực cho bà con nông dân.

Chiếc "rơmoóc tự hành" ra đời thì chỉ một thời gian ngắn sau, nó được nhiều xưởng cơ khí khác ở Tây Ninh, Bình Phước "nhái" lại y chang, nhưng thay vì sử dụng bộ truyền động của một loại ôtô như Trần Quốc Hải đã làm, những xưởng cơ khí này... có gì làm nấy. Nhìn ra nhược điểm của nó, Trần Quốc Hải cải tiến thế hệ thứ hai với bộ truyền động nhỏ hơn, nhưng tận dụng được lực kéo nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Bình, ở huyện Dương Minh Châu, cho biết: "Tôi mua chiếc rơmoóc tự hành của chú Hải, giá 100 triệu đồng. Sau mấy chuyến chở 5 tấn mía mà nó vẫn chạy băng băng, tôi nối thêm thành rơmoóc cho cao hơn. Bây giờ, 7 tấn tôi cũng... chơi tuốt!".

Anh Trần Quốc Hải bên cạnh máy hút xác củ mì.

Ra khỏi nhà ông Lê Văn Thanh, Trần Quốc Hải bảo tôi chạy thẳng: "Đi xem máy hút xác mì nhé", rồi sau ba, bốn lần rẽ phải, rẽ trái, Hải kêu tôi dừng lại trước một căn nhà ở ấp 3. Chưa kịp chào chủ nhà - là ông Hưng, tôi đã nghe thoang thoảng đâu đây cái mùi chua chua đặc trưng của xác củ khoai mì đang lên men. Trước kia, khi thu hoạch khoai mì rồi khi băm, xay, lọc lấy tinh bột, nông dân Tân Châu thường đào hầm, đổ xác mì xuống. Đến khi đầy, họ thuê người xúc lên, bán cho những cơ sở làm thức ăn chăn nuôi. Tùy theo dung tích hầm lớn hay nhỏ, mà nhân công phục vụ cho việc xúc xác mì có thể là 2, 3 hay 5 người, làm việc trong vài ngày. Như nhà ông Hưng chẳng hạn, với 10 hécta trồng mì, hầm chứa xác mì của ông có thể tích 10m3. Ông nói: "Bình thường, tôi phải thuê 2 người, xúc trong 2 ngày mới hết. Chưa kể xúc lên lại phải có người cho vào bao, chất lên xe".

Bây giờ, có chiếc máy hút xác mì do Trần Quốc Hải chế tạo, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, 10m3 xác mì đã được giải quyết xong. Nếu làm một con tính để hạch toán kinh tế, thì 4 người được thuê xúc xác mì, ông Hưng phải chi phí tiền công tổng cộng 400 nghìn, chưa kể bữa cơm trưa. Nếu hút bằng máy, chỉ tốn 10  lít dầu - là 150 nghìn mà thời gian rút ngắn, chỉ còn 1/3. Vẫn dựa vào lực kéo của máy cày, Trần Quốc Hải thiết kế một hệ thống hút - đẩy, khi cần sử dụng thì lắp vào, không cần thì tháo ra và đến nay hơn 50 chiếc máy loại này đã xuất xưởng. Hải nói: "Hút, bơm  nước thì dễ, nhưng hút, bơm xác mì khó hơn bởi lẽ nó là dạng đặc, nhão. Nếu không tính toán kỹ, sẽ xảy ra hai hiện tượng - hoặc là phải tăng ga để tăng lực hút, đẩy, dẫn đến lượng nhiên liệu tiêu hao lớn. Và hai là cháy hệ thống bơm của máy hút vì quá tải".

Một chiếc máy nữa - và đây cũng là loại máy đang phổ biến ở hầu hết các nông trường cao su vùng Tây Ninh, Bình Phước, lên tận Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, kể cả các vườn cao su tiểu điền: Đó là máy thổi lá. Hàng năm, cứ đến mùa khô, người trồng cao su lại phải quét những đống lá cao su khô ra xa khỏi gốc cây để phòng cháy. Hãy cứ tưởng tượng những rừng cao su lắm khi lên đến cả trăm hécta - hay chí ít cũng là chục hécta, thì phải cần đến bao nhiêu người, quét bao nhiêu ngày. Bằng một hệ thống bình hơi nén với ống dẫn, hoạt động dựa vào lực kéo của máy cày, nó thổi ra luồng khí tốc độ 90km/giờ, đủ để làm sạch gốc cây và tốc độ thổi khí có thể điều chỉnh được.

Với phát minh ấy, Trần Quốc Hải đã đơn giản hóa công việc vốn đòi hỏi nhiều nhân lực mà công suất hoạt động trong 8 tiếng của máy, thổi được 25 hécta, tương đương với 50 người cùng quét. Hải nói: "Tới nay, tôi đã sản xuất được 70 chiếc", còn nếu kể cả máy "nhái", thì con số lên đến cả nghìn. Nhưng chẳng nhiều người biết Trần Quốc Hải là ai. Thậm chí có người còn quả quyết, Trần Quốc Hải... bắt chước máy thổi lá của người khác!

Tôi theo Trần Quốc Hải qua nhà ông Nguyễn Sang, ở Suối Dây. Biết tôi háo hức muốn nhìn thấy tận mắt, ông Sang - giữa trưa nắng đã không ngần ngại cho nổ máy cày, rồi chở tôi vào trong lô cao su. Từ phía sau, chiếc máy thổi lá nhìn y như một con ốc sên màu đỏ, thò đầu ra khỏi vỏ. Sau khi khởi động, một luồng khí phun ra ở miệng “con ốc sên”, đẩy lá khô dạt sang hai bên. Giây lát, những gốc cao su sau khi được thổi, đã sạch bóng. Ông nói: "Chi phí cho một chiếc máy  chỉ khoảng 25 triệu đồng nên bà con nông dân đặt mua rất nhiều". Thậm chí có người còn sử dụng luồng khí, để... sàng lúa.

Ông Sang nói tiếp: "Ngoài máy thổi lá, tôi còn đặt chú Hải làm cho tôi bộ giàn cày, giàn bừa". Giàn cày ấy, Hải bố trí chảo cày thưa hơn, độ nghiêng của chảo cũng khác hơn độ nghiêng nguyên thủy, thay bánh lái "bệ" cho phù hợp với địa hình, dẫn đến luống cày sâu hơn, đất thoát dễ hơn mà không cần phải tăng công suất động cơ. Riêng chiếc máy bón phân mới là đặc biệt: Máy gồm ba hộc làm bằng sắt hoặc thép không gỉ, mỗi hộc chứa một loại phân (Natri, Phosphat, Kali). Tùy theo yêu cầu, nông dân có thể tự động điều chỉnh tỉ lệ pha trộn thích hợp bằng các cần điều khiển chứ không phải dùng tay. Sau đó, phân theo những chiếc máng, chảy xuống từng gốc cây.

Trần Quốc Hải cho biết: "Giá thành của chiếc máy này dao động từ 30 đến 50 triệu đồng tùy theo vật liệu. Nó hoạt động cũng nhờ vào... máy cày" và đến nay, anh đã bán được hơn 40 chiếc.

Tất cả những thành công của Trần Quốc Hải có thể tóm gọn trong mấy chữ: "Nghĩ ra, và sáng tạo không ngừng" mặc dù có người cho rằng máy móc mà Hải đã làm, chẳng có gì mới. Nó khiến tôi nhớ đến câu chuyện về Christopher Colombo khi tìm ra châu Mỹ. Lúc nghe ý kiến, rằng châu Mỹ cả nghìn năm nay vẫn nằm sờ sờ ra đấy nên nếu Colombo không tìm ra, cũng sẽ có người khác tìm ra, thì Colombo đặt lên bàn một quả trứng, rồi hỏi ai dựng đứng quả trứng lên được?

Máy phun thuốc trừ sâu bệnh của Trần Quốc Hải.

Dĩ nhiên là chẳng ai dựng quả trứng lên được mà không đổ. Cuối cùng, Colombo đập bẹp một đầu quả trứng, và đặt nó đứng thẳng. Ông nói: "Vấn đề là nghĩ ra cách làm, chứ không phải là làm như thế nào". Sự "nghĩ ra" ấy, Trần Quốc Hải đang đặt vào chiếc máy hái cà phê và máy chặt mía. Hải nói: "Một chuyện rất đơn giản mà ai cũng biết: Đó là trái chín thì rụng. Máy hái cà phê của tôi dựa trên nguyên tắc này. Máy gồm nhiều cánh tay, ở đầu các cánh tay tôi thiết kế như một chiếc kẹp, kẹp vào từng cành cà phê. Với một tần số rung thích hợp, tất cả những quả cà phê chín sẽ rụng xuống một tấm bạt đặt quanh gốc. Còn lại những trái xanh, khi nào chín sẽ hái tiếp".

Chả thế mà theo lời ông Lâm, chủ một rẫy cà phê gần nhà Hải, thì đến mùa trái chín, Trần Quốc Hải lại xách theo lỉnh kỉnh máy móc, xin vào rẫy nhà ông, rồi lắc rồi rung, rồi đo rồi đếm, cốt để tính ra tần số chính xác  cho chiếc máy của mình. Theo lời Hải, khi chiếc máy hái cà phê ra đời, công suất của nó trong 1 ngày sẽ tương đương với 50 người thợ, mà chỉ cần 1 người điều khiển cùng 2 người thu gom sản phẩm: "Nó cũng được vận hành bằng máy cày, nhưng là máy cày tay cho phù hợp với địa hình chật hẹp trong vườn cà phê".

Tôi hỏi giá thành của máy sẽ là bao nhiêu? Anh cười: "Bí mật. Nhưng chắc chắn sẽ vừa với túi tiền của nông dân". Thấy tôi tò mò nhìn cậu con trai anh, đang chăm chú hàn một vật giống như cái chong chóng, Hải lại cười: "Đó là máy hái búp trà, tôi làm cho Đà Lạt"...

"Chưa bay được trên trời, thì tôi bay dưới đất". Trần Quốc Hải cười lúc tiễn tôi ra cổng: "Ít bữa nữa, khi nào làm xong máy chặt mía, mời anh quay lại đây coi. Máy sẽ chặt, làm sạch gốc, ngọn, đánh vỏ và bó thành từng bó".

Nhưng để "bay" được dưới đất với những máy nông cụ như Trần Quốc Hải, đâu dễ có mấy người...

Vũ Cao
.
.
.