Nghiện ma túy tổng hợp – cơn lốc tàn phá nhiều gia đình

Thứ Hai, 25/06/2018, 09:35
Cùng với việc sản xuất, siêu lợi nhuận của việc mua bán ma túy khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào để hoạt động. Các đối tượng phạm tội có sự câu kết chặt chẽ, hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia và có yếu tố nước ngoài...


Bài cuối: Cuộc chiến ngăn chặn sự thẩm lậu của ma túy tổng hợp

Có cầu ắt có cung, trong những năm trở lại đây, tình hình sản xuất, mua bán, sử dụng ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng diễn biến hết sức phức tạp.

Tại Việt Nam, nếu như trước đây, nguồn ma túy tổng hợp vào Việt Nam chủ yếu là từ Trung Quốc qua các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng… sau đó được đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh thì vào những tháng đầu năm 2018 đã có sự thay đổi.

Do phía các tỉnh giáp biên giới Lạng Sơn, Lào Cai siết chặt, các đối tượng chuyển hướng vận chuyển. Cùng với đó là lợi nhuận khiến tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng.

Theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 12.863 vụ, 18.472 đối tượng phạm tội ma túy; thu giữ 880kg heroin, 414kg và 484.849 viên ma túy tổng hợp, 81kg thuốc phiện, 229kg quả cây thuốc phiện, 127kg cần sa khô, 962kg cần sa tươi, 2,5 tấn lá Khát cùng nhiều tang vật liên quan (tăng 1.029 vụ, 792 đối tượng, tang vật thu giữ tăng 438kg heroin, tăng 136.938 viên ma túy tổng hợp so với cùng kỳ năm 2017). Trong sáu tháng đầu năm 2018, số vụ tăng 8,7%, số đối tượng bắt giữ tăng 4,5%, heroin thu giữ được tăng 50%, ma túy tổng hợp dạng viên thu giữ được tăng 30%.

Trong đó, số lượng bắt giữ ma túy tổng hợp ngày càng tăng. Năm 2015 thu giữ hơn 631kg và hơn 421.000 viên; năm 2016 là 845kg và hơn 427.000 viên. Đến năm 2017 đã thu giữ 982 kg và gần 1 triệu viên. 6 tháng đầu năm 2018, thu giữ 393kg và 1,2 triệu viên ma túy tổng hợp, lượng ma túy thu giữ tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ còn số đó đã cho thấy mức độ đáng báo động của tình trạng mua bán, sử dụng và tàng trữ ma túy hiện nay.

Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ đối tượng sử dụng ma túy đá, đâm trọng thương một cán bộ khi đang thi hành nhiệm vụ.

Theo Thiếu tướng, PGS. TS Ngô Sĩ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì trong những năm gần đây, bọn tội phạm về ma túy triệt để lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật - công nghệ vào hoạt động phạm tội, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các lực lượng chức năng. Các chất ma túy xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều kiểu mẫu khác nhau, để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng và nhằm che giấu sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.

Số lượng chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp (như thuốc phiện, heroin) có xu hướng giảm. Tuy nhiên các chất ma túy tổng hợp, kích thích thần kinh mạnh (như thuốc lắc, hàng đá), những chất hướng thần mới (NPS) lại tăng mạnh. Thủ đoạn sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại có chứa tiền chất Pseudoephedrine và Ephedrine được nhiều đối tượng sử dụng.

Nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, khả năng gây nghiện để thu được lợi nhuận cao, nhiều đối tượng đã pha trộn các loại ma túy với nhau, ma túy với chất khác như chế cần sa thành bánh, trộn tinh thể Methamphetamine với các loại thuốc tân dược, hóa chất, chất tạo màu để sản xuất viên nén ma túy tổng hợp; sử dụng chất Dimethyl Sulfone, phèn chua, viên thuốc tân dược làm giả ma túy để lừa bán cho con nghiện. Một số loại ma túy tổng hợp được pha trộn để xử dụng với những tên gọi như: “Trà sữa”, “Kẹo”, “Nước vui”… thường được các đối tượng sử dụng trong các cuộc “đi bay” tại các quán bar, Karaoke, sàn nhảy.

Loại ma túy này được hòa vào các loại nước có ga như: Nước tăng lực hoặc cocacola rồi uống trực tiếp. Sau khi ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài, nhất là khi sử dụng kết hợp với nghe nhạc mạnh. Qua giám định đã tìm thấy thành phần các chất ma túy gồm: Ketamine; Methamphtamine; MDMA; Nimetazepam.

Tham luận của TS Ngô Sĩ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự nhấn mạnh: Những năm gần đây, qua công tác khám nghiệm và giám định, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã phát hiện một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất các chất ma túy tổng hợp, chất hướng thần chưa có trong danh mục chất ma túy của Chính phủ Việt Nam, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng phòng chống ma túy trên cả nước như loại chất ma túy tổng hợp mà các đối tượng gọi là “Cỏ Mỹ”, K2/spice, Fake week, Moon Rocks… Các đối tượng buôn bán quảng cáo chúng không chứa chất gây nghiện, mua bán hợp pháp, không bị cấm, không bị phát hiện bởi các loại thử nhanh chất ma túy và có tác dụng mạnh hơn nhiều lần cần sa.

Phần lớn tội phạm điều chế ma túy Methamphetamine tại Việt Nam thường có thời gian sinh sống, làm việc và học tập tại các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Nga,… hoặc có liên quan đến các đối tượng phạm tội ở các nước này. Phương pháp điều chế này rất đơn giản, không cần thiết bị và dụng cụ thí nghiệm phức tạp, người không có chuyên môn về lĩnh vực hóa học theo chỉ dẫn ghi trong quy trình truyền tay cũng làm ra sản phẩm, mặt khác nguồn tiền chất rất dễ thu gom từ nguồn tự do trên thị trường.

Trong khi đó, phần lớn các hóa chất: axeton, toluen, ethanol, acid HCL, NaOH, iôt, phốt pho đỏ, axit H3PO4… có nguồn gốc Trung Quốc, rất phổ biến và dễ mua tại các cửa hàng hoá chất trên thị trường. Tiền chất được chiết xuất từ cây Ma Hoàng hoặc từ các loại thuốc đông dược, thuốc tân dược. Các vụ sản xuất Methamphetamine được phát hiện gần đây đều lấy từ các dược phẩm có chứa thành phần Pseudoephedrine, Ephedrine được bán rộng rãi trên thị trường để chữa hen, cảm cúm, hạ sốt như TIFFY, DECOGEN, PATAMOL… Các đối tượng đặt mua được với số lượng lớn mà không bị kiểm soát, sau đó chiết tách lấy Pseudoephedrine, Ephedrine.

Cùng với việc sản xuất, siêu lợi nhuận của việc mua bán ma túy khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào để hoạt động. Các đối tượng phạm tội có sự câu kết chặt chẽ, hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia và có yếu tố nước ngoài. Phương thức thủ đoạn cất giấu của các đối tượng rất tinh vi, tính chất hoạt động phạm tội manh động, liều lĩnh. Các đối tượng tự trang bị các loại vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện và bắt giữ.

Về giải pháp để ngăn chặn sản xuất ma túy tổng hợp, cần làm tốt công tác cai nghiện để giảm “cầu”. Thực tế hiện nay, công tác cai nghiện còn nhiều bất cập, vướng mắc như việc đưa người nghiện vào trung tâm chữa bệnh bắt buộc gặp nhiều khó khăn, số người được đưa đi cai nghiện rất ít và quan trọng hơn chưa có phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.

Để giải quyết vấn đề này, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành làm tốt công tác cai nghiện để giảm nguồn “cầu” ma túy. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy tới người dân, nhất là giới trẻ để không bị sa ngã vào con đường hút, chích.

Mặt khác, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng quản lý tiền chất chặt hơn nữa; phối hợp với các đơn vị, các ngành kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính và đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Cục đã đề nghị các ngành chức năng sớm nghiên cứu phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.

Về phía lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, các đơn vị nghiệp vụ của Cục, cũng như Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy các địa phương chủ động nắm chắc tình hình các điểm, tụ điểm phức tạp về tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp, đi sâu vào công tác nghiệp vụ, sớm phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp, các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp.

Xuân Mai- Vũ Linh
.
.
.