Nghề nuôi nghêu - vẫn còn nhiều trắc trở

Thứ Năm, 24/03/2011, 17:00
Cũng thời điểm này năm ngoái, người nuôi nghêu Tiền Giang vô cùng hoang mang khi nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành chết hàng loạt với tổng giá trị thiệt hại lên đến 259,62 tỷ đồng. "Nỗi đau" đó đến nay vẫn còn âm ỉ đâu đây, thế mà hơn nửa tháng nay nghêu nuôi ở khu vực này lại tiếp tục có hiện tượng chết bất thường trên diện tích hơn 60 hecta. Điều đáng nói ở đây là khi nghêu chết, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân và có biện pháp hạn chế thiệt hại.

Trên 60ha nghêu thiệt hại chưa rõ nguyên nhân

Những ngày cuối tháng 2, nghêu nuôi ở khu vực biển Tân Thành và Tân Điền (huyện Gò Công Đông) bắt đầu có hiện tượng chết rải rác. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng địa phương, hiện nay có 13 hộ nuôi nghêu bị thiệt hại trên diện tích khoảng 62ha. Khi nghêu có biểu hiện chết bất thường, người dân nuôi nghêu ở khu vực này rất lo lắng, bởi đợt nghêu "chết trắng" năm ngoái vẫn còn trong tâm trí nhiều người.

Ông Nguyễn Văn Hai - nông dân nuôi nghêu ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) chia sẻ: "Năm ngoái, sân nghêu 4ha của tôi chết hơn 70%, thiệt hại trên 800 triệu đồng làm cho gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì phải lo đáo nợ ngân hàng. Mấy ngày nay, nghêu lại chết lai rai nên tôi đứng ngồi không yên".

Nhận định về nguyên nhân gây chết nghêu, ông Trần Quang Hải - nông dân nuôi nghêu ở xã Tân Điền cho rằng: Nghêu chết do ảnh hưởng môi trường, bởi khi độ mặn tăng cao và gió chướng thổi mạnh liên tiếp 4-5 ngày thì nghêu bắt đầu chết. "Nếu tình hình gió chướng thổi mạnh kéo dài cộng thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao thì nghêu tiếp tục chết nhiều", ông Hải dự đoán.

Theo khảo sát, các hộ nuôi nghêu bị thiệt hại đang tích cực thu gom nghêu chết và chuyển ra ngoài khu nuôi nghêu để tránh làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh, ảnh hưởng đến lượng nghêu nuôi còn lại theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Ngay khi nhận được thông tin thiệt hại nghêu, Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp cùng với Chi cục Thú y lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh và thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi nghêu hằng ngày để theo dõi. Tuy nhiên, kết quả quan trắc môi trường và mầm bệnh trong những ngày qua đều nằm trong giới hạn sinh trưởng bình thường của con nghêu.

Nghề nuôi nghêu đem lại thu nhập cho hàng vạn nông dân.

Trăn trở với con nghêu

Từ khi nghề nuôi nghêu ở Tiền Giang hình thành và phát triển đến nay, người nuôi nghêu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn qua nhiều năm. Việc học tập, nghiên cứu thông qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng đối với con nghêu là rất hạn chế, bởi tài liệu nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đối với con nghêu rất ít, ngay cả cơ quan Khuyến nông - Khuyến ngư địa phương cũng chưa có tài liệu kỹ thuật chính thức đối với con nghêu.

Mặt khác, con nghêu được thả quanh năm và phụ thuộc vào nguồn giống, trước nay chưa có khuyến cáo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp đối với loài này.

Ông Nguyễn Văn Khá - nông dân nuôi nghêu xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cho biết: "Hiện nay, mỗi hộ nuôi nghêu có kinh nghiệm khác nhau nên kỹ thuật nuôi cũng khác nhau - nhất là cỡ giống và mật độ thả, mỗi người một kiểu. Thêm vào đó, việc thả giống cũng vô chừng có thể làm tăng độ rủi ro vì thời gian nuôi có thể rơi vào thời điểm bất lợi cho nghêu (thường nghêu chết vào tháng 1-3)". Vì vậy để nghề nuôi nghêu ổn phát triển ổn định và bền vững, theo ông Khá, các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần có nghiên cứu về kỹ thuật và lịch thời vụ trong nuôi nghêu.

Không như các đối tượng thủy sản nuôi khác, con nghêu sinh trưởng và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên, bởi trong nuôi nghêu, nông dân chỉ cần thả giống, san nghêu cho đều và chờ ngày thu hoạch. Người nuôi nghêu không cần cung cấp và cũng không thể cung cấp thức ăn cũng như áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh cho nghêu vì chúng sống ở bãi biển mênh mông. Do đó, việc quan trắc môi trường, từ đó có cơ sở so sánh các chỉ tiêu an toàn môi trường để cảnh báo cho bà con nuôi nghêu là vô cùng cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Vinh (Bảy Vinh) - nông dân đầu tiên thành công với quy trình sản xuất nghêu giống ở ĐBSCL - còn đặt ra 2 vấn đề còn bất cập trong nghề nuôi nghêu hiện nay là: kiểm dịch nghêu giống và tác động nước thải công nghiệp đến vùng nuôi nghêu.

Ông Vinh cho rằng: hiện nay, cơ quan chức năng dường như thả nổi chất lượng nghêu giống, việc kiểm dịch loài thủy sản này còn lỏng lẻo, bởi cụm từ "kiểm dịch nghêu giống" dường như quá xa lạ với nông dân nuôi nghêu. "Các nhà khoa học giúp nông dân nghiên cứu xem nước thải công nghiệp có ảnh hưởng tới vùng nuôi nghêu không?", ông Vinh đề xuất. Theo ông Vinh, từ năm 2000 trở về trước, nghêu nuôi không chết dù gió thổi mạnh, nhưng từ thời điểm này trở về sau thì nghêu chết nhiều.

Trao đổi về những vấn đề trên, ông Phan Hữu Hội - Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết: Nghêu là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực ở địa phương chỉ sau con tôm, với diện tích nghêu nuôi lên đến 2.150ha, sản lượng 17.000 tấn/năm. Ba năm trở lại đây, Chi cục Thủy sản đều thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi nghêu định kỳ hằng tháng. Kết quả quan trắc được Chi cục gửi về địa phương và thông báo trên Đài Truyền hình tỉnh để bà con tiện theo dõi.

Trong năm 2011, Chi cục Thủy sản phối hợp cùng với Chi cục Thú y thực hiện quan trắc môi trường và mầm bệnh tại vùng nuôi nghêu định kỳ 1 lần/tháng và quan trắc tăng cường 2 lần/tháng vào các tháng thường có nghêu chết nhiều (tháng 1-3 âm lịch). Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh vừa có khuyến cáo kỹ thuật để hạn chế thiệt hại trong nuôi nghêu.

Tuy nhiên, theo ông Hội, việc khuyến cáo kỹ thuật trong nuôi nghêu của cơ quan quản lý địa phương gặp nhiều khó khăn. Do hiện nay, các nghiên cứu, tài liệu kỹ thuật làm cơ sở cho việc khuyến cáo rất hạn chế. Để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững hơn, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý địa phương, sự hợp tác của nông dân thì rất cần sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước...

Thành Công
.
.
.