Nghề lấy nước thiêng ở ngã ba sông
Ngã ba sông Việt Trì, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà và sông Lô từ lâu đã được mệnh danh là nơi ngút ngàn linh khí với truyền thuyết khai sinh ra dân tộc Việt và đất Tổ vua Hùng. Ngày nay, với sự thiêng liêng trong tâm linh, nước tại ngã ba sông này đã được nhiều người tìm đến để cầu may. Nghề lấy nước ở ngã ba sông Việt Trì đã hình thành từ nhu cầu ấy.
Lấy nước thiêng về cầu may
Đến thăm chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì vào buổi sáng sớm. Ở nơi đây đã tụ hội với rất nhiều ôtô đủ loại. Hỏi ra mới biết họ từ khắp nơi từ Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, thậm chí Quảng Nam, Đà Nẵng… cũng lặn lội đến đây để lấy nước thiêng. Họ nhờ những người dân ở địa phương am hiểu vùng nước giao lưu dòng chảy ở ngã ba sông này để lấy nước thiêng. Có cầu ắt có cung, sau khi nhận lời, nhiều người dân nơi đây đã nổ máy chạy thuyền ra ngã ba lấy nước.
Trên chiếc thuyền lá tu, tôi được anh Nguyễn Vinh, người dân địa phương đưa ra khu vực hợp lưu giữa ngã ba sông nơi được coi là chỗ nước thiêng tụ hội. Đó là nơi giao nhau giữa sông Hồng, sông Đà và sông Lô cách chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc) khoảng 4km. Chiếc thuyền lá tu dập dềnh sóng nước đưa chúng tôi đến nơi được coi là nguồn nước thiêng. Ở giữa ngã ba thiêng nơi linh khí hội tụ, tôi lại nghĩ về truyền thuyết xưa khi Hùng Vương thứ nhất đã chọn ngã ba này đến núi Nghĩa Lĩnh để đóng đô, đúng là nơi thiên thời địa lợi, trời đất giao hoà. Nhanh thoăn thoắt, anh Vinh vục can xuống dòng nước để lấy nước thiêng. Nước được lấy đầy 20 can, với đủ các thể tích từ 3 lít, 5 lít, 10 lít, thậm chí 20 lít.
Chiếc thuyền đi lấy nước ở ngã ba sông Việt Trì. |
Vừa cho thuyền trở về bến, anh Vinh cho biết, số người ở khắp nơi đổ về đây lấy nước ngày càng đông, nhất là vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Nước ở ngã ba sông này nổi tiếng là thiêng nên người ta nhờ lấy về để cất nhà, bốc mộ, cưới xin, hiếu hỉ… Bình quân mỗi ngày anh lấy khoảng 40 can cho khách.
Thuyền vừa cập bến, trên bờ đã có nhiều khách đứng chờ đợi. Sao chú đi lâu thế, làm tôi chờ hoài. Ông Nguyễn Văn Vinh ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc tỏ ra sốt ruột. Ông cho biết, hôm nay gia đình ông xuống móng cất nhà, đã xem giờ từ trước nên ông đến đây từ rất sớm để nhờ lấy nước thiêng ở ngã ba sông cho nhà xây xong bền vững, luôn mát mẻ trong lành.
Trái với tâm trạng ông Vinh, bà Nguyễn Thị Hoa ở Từ Liêm, Hà Nội lại khá điềm tĩnh, tâm sự với chúng tôi bà cho biết, bà đi lễ đền Hùng, nghe nói nước ở ngã ba sông rất thiêng nên muốn xin về để cuối tháng tổ chức giỗ chạp cho chồng bà. Khi cầm can nước 10 lít, bà phấn khởi cho biết, bây giờ tôi bắt xe khách về Hà Nội, nước xách theo hơi nặng nhưng là nước thiêng nên tôi quyết tâm phải mang bằng được về nhà.
Nghề làm chơi mà ăn thật
Cứ tưởng việc lấy nước thiêng là việc làm giúp, nào ngờ số tiền kiếm được từ việc lấy nước thiêng về cũng đem lại cho những người đi lấy nước khoản thu nhập không nhỏ. Theo anh Vinh, một can nước lấy từ ngã ba Việt Trì về không có giá cả cụ thể. Trả thế nào là tuỳ tâm của khách. Tuy nhiên, do liên quan đến tâm linh nên số tiền khách trả cho mỗi can nước là không nhỏ. Vừa lấy can nước 10 lít từ tay anh Vinh, bà Hoa vừa đưa cho anh Vinh 300.000 đồng để cảm ơn, bày tỏ lòng thành.
Anh Vinh cho biết, việc lấy nước về là làm theo cái nghĩa ở đời, đã là vấn đề tâm linh thì không ai được mặc cả kỳ kèo, khách đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Cũng là một can nước 10 lít nhưng khách trả tiền với nhiều mức giá khác nhau, có người đưa 50 ngàn, có người đưa 100 ngàn, thậm chí cũng có người trả đến 1 triệu, nên số tiền kiếm được là không nhỏ.
Chính vì vậy mà ở phường Bạch Hạc và các địa phương lân cận có rất nhiều người đi lấy nước ở ngã ba sông. Anh Nguyễn Hà, người dân ở đây cho biết, đã hơn 5 năm sống với việc lấy nước ở ngã ba sông, anh cũng đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, không phải ai cũng lấy được nước thiêng, người đi lấy nước phải là người am hiểu về ngã ba sông, nước phải lấy ở đúng vùng giao nhau giữa 3 sông mới là nước thiêng.
"Mình đi lấy nước trước hết phải có tâm trong sáng, không màng vụ lợi, những người đi lấy nước về không bao giờ mặc cả với khách, nhiều khi anh không đưa tiền cũng vui vẻ lấy nước", anh Hà cho biết.
Cùng chung suy nghĩ với anh Hà, bà Nguyễn Thị Lan, một người lấy nước cho khách cho biết, lấy nước thiêng tấm lòng phải luôn hướng thiện, nhiều khi đêm xuống, có người sáng mai bốc mộ đến nhờ lấy nước thiêng về rửa cho người quá cố, dù mưa lạnh mình cũng đi, thậm chí không nhận tiền thù lao, vì đó là ơn nghĩa ở đời.
Khi ra về, bà Lan cũng tặng tôi một can nước ở ngã ba sông và nói: "Sống ở đời phải có nhân có nghĩa, phải sống sao cho có ích cho xã hội, giữ được tấm lòng trong như nước sống kia, sống sao cho xứng đáng là con Lạc cháu Hồng”. Chia tay ngã ba sông theo truyền thuyết là nơi khởi đầu của dân tộc Việt Nam khi chiều chạng vạng tối, người dân nơi đây cũng đã nghỉ những chuyến đi lấy nước ở ngã ba sông, trong lòng tôi có nhiều xúc cảm vừa ngạc nhiên vừa ngỡ ngàng, ngạc nhiên vì trong xã hội có những nghề thật bình dị như nghề lấy nước song cũng ngỡ ngàng bởi nghề này không tính toán bon chen mà tất cả đều xuất phát từ chữ tâm trong mỗi con người