Nghề gác chắn tàu

Chủ Nhật, 08/07/2007, 09:45
Chị H., quê ở Quảng Ninh, Quảng Bình, nhân viên gác chắn tàu đang đứng chắn tàu qua thì bất ngờ một chiếc xe tải mất thắng lao thẳng vào chị. Chị H. đã ra đi để lại hai người con nhỏ...

Có người nói với tôi, nghề gác chắn tàu thật nhàn và ít nguy hiểm nhất, nhưng khi gặp gỡ, trò chuyện với những nhân viên, đặc biệt những người phụ nữ làm công việc này, tôi mới thấu hiểu được sự vất vả và hiểm nguy mà hằng ngày họ phải đối mặt.

Tôi đã đi qua nhiều con đường có chốt chắn tàu nhưng mỗi lần ngang qua đường 9D (Đông Hà - Quảng Trị), nơi có chốt chắn km 624+250, tôi thực sự có ấn tượng về những người phụ nữ nơi đây. Chỉ 5 phút đứng đợi tàu nhưng thấy họ gồng mình đẩy những thanh chắn ngang một cách khó nhọc, bất kể nắng mưa hay rét buốt, trong tôi dấy lên một sự cảm thông xen lẫn lòng cảm phục.

Chốt có 6 người, trong đó, chị Võ Thị Vương là người nhiều tuổi nhất, năm nay đã gần 50 tuổi, với thâm niên hơn 10 năm trong nghề. Cùng với chị có hai thiếu nữ tuổi cũng đã tròn đôi mươi.

Chị Vương cho biết: "Chốt này thuộc Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên, Đội Quản lý đường sắt 3, cung chắn Đông Hà và là điểm gác chắn do phụ nữ đảm nhận. Công việc hằng ngày là đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và phương tiện giao thông qua lại trên tuyến đường 9D. Nhân viên ở đây thay nhau làm theo ban, bình quân mỗi tháng mỗi người làm 26 ban, mỗi ban 12 tiếng. Trong đó có 10 ban đêm".

Ban đầu, tôi tưởng với công việc như vậy, các chị sẽ được ngủ tại chốt. Thấy tôi thắc mắc sao trong chốt chẳng có giường, chẳng có chiếu để các chị ngủ, Ngọc Bích hóm hỉnh: "Anh không thấy khuôn mặt chúng em nổi đầy mụn vì phải thức đêm đấy sao?". Tôi tròn mắt ngạc nhiên! Chị Vương cười xòa: "Ừ, đó là nguyên tắc của công việc, đòi hỏi nhân viên phải thức để canh tàu đến...

Đôi mắt nhìn xa xăm, chị Vương trầm ngâm tâm sự: "Cái công việc ai nhìn vào cũng tưởng là nhàn hạ. Nhưng thực ra, rất vất vả và thường xuyên đối diện với nguy hiểm đấy chú ạ".

Ngày qua ngày, không biết bao nhiêu lần các chị phải đối mặt với sự phàn nàn của người đi đường, thậm chí là văng tục, dọa nạt và xúc phạm. Ngọc Bích cho biết, mới hôm gần đây, có ba người đàn ông say rượu, khi đến thấy gác chắn đã dọa và đòi hành hung chị Vương bởi chị kiên quyết không cho qua khi tàu đã sắp đến. Rồi cách đây không lâu, cũng một cậu thanh niên choai choai đã túm cổ áo đòi "ăn thua" với chị Vương khi chị không cho cậu ta vượt qua gác chắn tàu.

Bích kể tiếp, cách đấy hai hôm, khi em và Hằng đang trực ca đêm vào lúc 2h sáng thì thấy xuất hiện một thanh niên đứng trước cửa, khuôn mặt hốc hác giống như người nghiện ma túy. Hắn cứ nhìn chằm chằm vào hai chiếc xe máy của Bích và Hằng. Lấy hết can đảm, Bích mới lên tiếng và cũng may hắn đã bỏ đi, nếu không thì...!

Chị Vương mỉm cười: "Vậy đó, với những nỗi buồn là vậy, nhưng vì tình yêu nghề, vì tinh thần trách nhiệm, chúng tôi phải nín nhịn". Nhưng điều nguy hiểm nhất chính là những nguy cơ về tai nạn mà các chị phải luôn đối diện.

Nhắc lại cái ngày mà người đồng nghiệp của chị phải vĩnh viễn ra đi, chị Vương không cầm được nước mắt: "Đó là một ngày gần cuối năm 2006, chị H., quê ở Quảng Ninh, Quảng Bình đang đứng chắn tàu qua thì bất ngờ một chiếc xe tải mất thắng lao thẳng vào chị, đồng thời hất tung Hằng qua bên vệ đường. Chị H. đã ra đi để lại hai người con nhỏ, còn Hằng phải đi nằm viện điều trị gần cả tháng trời mới hồi phục". Tai nạn để lại nỗi bàng hoàng cho chị và có lẽ cũng cho không ít nhân viên chắn tàu.

Bích cho biết, có một chốt chắn tàu cũng thường gặp nguy hiểm là chốt Mỹ Chánh (Hải Lăng - Quảng Trị) cũng do 7 người phụ nữ đảm nhận. Hằng ngày, có hàng ngàn lượt xe cộ qua lại và tính bình quân cứ vài ngày lại có một sự cố đáng tiếc xảy ra.

Bích kể lại, mấy tháng trước, khi em đang đứng làm nhiệm vụ tại đó thì nghe tiếng hét vang của cô Huyền, nhân viên trong chốt, Bích chỉ kịp quay lại nhìn rồi vọt tránh qua thì cũng là lúc một xe tải mất thắng lao vào, hất Bích sang bên đường, thật may tai nạn chỉ gây xây xát nhẹ, nếu không hậu quả chắc sẽ rất đau lòng...

Đặc biệt vào tháng 3/2006, với sự nhanh nhạy và trách nhiệm cao, những người phụ nữ đó đã không để một đoàn tàu khách rơi vào tai họa. Khi ấy, chốt chắn tàu sắp hoạt động thì một chiếc xe tải chở sạn vượt qua và bất ngờ chết máy ngay giữa đường ray. Mọi người cố gắng đẩy chiếc xe qua nhưng thật vô vọng.

Tình thế trở nên cấp bách khi chỉ còn vài phút nữa, tàu khách SE3, đoàn tàu tốc hành Bắc - Nam chạy đến, tiếng còi tàu cũng đã vang vọng ở phía xa kia. Chị Vương và chị H. đã lấy hết sức lực, chạy về hướng đoàn tàu đang đến và nhanh chóng bắn pháo báo hiệu.

Đoàn tàu xình xịch kéo phanh để dừng lại cách chốt hơn 200m. Tất cả mọi người chứng kiến đều thở phào nhẹ nhõm, bởi nếu sự việc không được xử lý kịp thời thì có lẽ, một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra...

Công việc của chị Vương, chị Bích, chị Hằng cũng như hàng ngàn nhân viên lằm nghề chắn tàu trên đất nước ta thầm lặng, vất vả, hiểm nguy nhưng thật đáng trân trọng. Cuộc sống của họ cũng bình dị và giản đơn như chính công việc của họ vậy. Nhưng bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, đêm cũng như ngày, nắng cũng như mưa, họ vẫn lặng lẽ đẩy những thanh chắn đường ngang để cho những chuyến tàu qua thật bình yên

Hoàng Quốc Tiến
.
.
.