Ngăn ngừa những án mạng đau lòng
Khi tìm hiểu về chuyên đề này, một câu hỏi đặt ra đối với phóng viên là vì sao người chồng hoặc người vợ lại có xu hướng tiêu cực, cướp đi mạng sống của người bạn đời, khi một trong hai bên quyết định chia tay? Và trong những tình huống như vậy, cần làm gì để giảm bớt những nỗi đau không đáng có. Để trong trường hợp xấu nhất, khi không thể chung sống cùng nhau dưới một mái nhà, cả hai cũng có thể trở thành bạn bè...
Những năm trở lại đây, các vụ ly hôn trên địa bàn cả nước đang có dấu hiệu gia tăng. Có rất nhiều lý do dẫn đến ly hôn: Một số cặp vợ chồng kết hôn khi cả hai còn quá trẻ, việc tìm hiểu nhau chưa kỹ càng... Vì thế, khi bước vào cuộc sống chung, trước những khó khăn cuộc sống, cả hai đều không tìm được tiếng nói chung. Một nguyên nhân nữa là do ngoại tình của người vợ hoặc chồng; vấn đề bạo lực gia đình hoặc do người chồng nghiện ngập dính vào các tệ nạn xã hội.
Cực chẳng đã, cả hai mới phải ra tòa... Nhưng trong quá trình giải quyết ly hôn, giữa họ tiếp tục xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân thì rất đa dạng, trong đó phải kể đến việc phân chia tài sản.
Những mâu thuẫn trong gia đình nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dễ xảy ra hậu quả đau lòng. |
Vụ một cô giáo mầm non tại xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên bị sát hại vào sáng 18-5 là một ví dụ. Người phụ nữ đáng thương đó là chị Đặng Thị Thu Hà (46 tuổi), giáo viên Trường Mầm non xã Minh Đức; đối tượng gây án là Bùi Văn Dâng (45 tuổi, ở xã Minh Đức), chồng cũ của nạn nhân. Chị Hà và Dâng đã có với nhau một con chung.
Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, chị Hà nộp đơn ly hôn nhưng Dâng không thuận tình. Sau phán quyết của tòa, giữa hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn liên quan đến việc phân chia tài sản. Đến khoảng 8h10 ngày 18-5, Dâng đến Trường Mầm non xã Minh Đức tìm chị Hà. Trong cơn điên loạn, người chồng cũ đã dùng dao tước đoạt mạng sống của chị Hà. Sau khi gây án, đối tượng tìm cách kết liễu cuộc đời anh ta...
Có vụ án, người chồng sát hại vợ ngay tại phiên tòa hòa giải ly hôn bất thành. Vụ việc xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng vào những ngày đầu năm 2016 là một ví dụ. Đối tượng gây ra vụ án là Lý Văn Chiến (57 tuổi, ngụ ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc), đã bị Công an tỉnh Sóc Trăng bắt giữ về hành vi giết người.
Gia đình ông Chiến thuộc hộ nghèo, cả gia đình với 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào có 2 ruộng lúa, trong khi đó, vợ chồng họ lại có một người con tật nguyền. Khi người con gái tật nguyền qua đời, thì vợ ông và người con gái út cũng bỏ nhà ra đi. Một thời gian sau đó, cô con gái trưởng cũng lên TP Hồ Chí Minh sinh sống, bỏ mặc ông Chiến trong căn nhà trống trải, chứa đầy kỷ niệm của gia đình.
Các con đã vậy nhưng ngay cả người vợ đã từng một thời má ấp, môi kề, bà Nguyễn Thị Bích Hợp (52 tuổi) cũng ghẻ lạnh với ông. Bà Hợp chẳng mấy khi về quê. Nếu có về thì cũng chỉ là để giải quyết các công việc về giấy tờ, chẳng mấy khi quan tâm đến ông... Vì thế, khi nhận được giấy triệu tập của tòa án giải quyết ly hôn, ông Chiến có lẽ vì quá sốc đã gây án.
Dù biện minh với bất kỳ lý do nào thì hành động bạo lực của những người trong cuộc dù là người vợ hay người chồng cũng đều không thể chấp nhận được. Phía sau những vụ án mạng thương tâm này, có biết bao hệ lụy đã xảy ra... Người chịu đau đớn nhất ngoài kẻ gây án, hằng ngày, hằng giờ chịu sự trừng phạt của lương tâm và pháp luật là những đứa trẻ vô tội, kết tinh tình yêu của hai con người.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Tình trạng trẻ hóa tội phạm đã được báo động mà nguyên nhân từ phía gia đình đã được chỉ rõ, đặc biệt, tình trạng "thiếu cha" hoặc "vắng mẹ" đã dẫn đến sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của trẻ.
Có 18% người phạm tội có căn nguyên từ việc gia đình ly tán, có bố thì không có mẹ hoặc ngược lại. Trong những trường hợp ấy, những đứa trẻ thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình dễ dàng rơi vào vòng lao lý.
Trong cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Trong khi đó, khi đã phát sinh mâu thuẫn, hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung. Khi nóng giận, cả hai thường dùng những lời nói tàn độc nhất để xúc phạm, lăng mạ nhau. Trong một số trường hợp còn có những lời nói thách thức nhau...
Đặc biệt là trong quá trình giải quyết ly hôn. Vợ chồng sống với nhau một ngày cũng nên nghĩa, vì thế nếu không thể cùng nhau đi đến “đầu bạc, răng long” thì mỗi người hãy chọn cách hành xử thật đẹp.
Để hạn chế các vụ việc đau lòng trên, cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp; vai trò của tổ dân phố và hội phụ nữ. Chính quyền địa phương, nơi cư trú của công dân cần chủ động nắm bắt tình hình; tránh tâm lý đèn nhà ai, nhà đấy rạng. Về phía người trong cuộc, cần phải kiềm chế, tránh xảy ra xô xát trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn; hai bên không nên có những hành động và lời nói làm tổn thương nhau...
Đồng quan điểm về vấn đề này, Thượng tá Mai Thế Oanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ: Trong các vụ trọng án bắt nguồn từ mâu thuẫn vợ chồng; đặc biệt là quá trình giải quyết ly hôn, mâu thuẫn của gia đình thường đã lên đến đỉnh điểm.
Trong trường hợp này, cả hai đều còn đủ lý trí để kiểm soát hành vi và suy nghĩ của mình. Vì thế, vai trò của cán bộ tòa án làm công tác hòa giải cũng rất quan trọng. Nếu cán bộ hòa giải làm tốt công tác tâm lý; phân tích cho người vợ, người chồng hiểu được quy định của pháp luật; đạo lý vợ chồng... thì sẽ góp phần ngăn ngừa, hạn chế được những vụ án mạng đau lòng.