Nên có quyền được chết hay không?

Thứ Bảy, 21/05/2005, 07:15

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam vừa đưa ra thảo luận vấn đề “Quyền được chết”. “Quyền” này có trở thành luật và có được xã hội đồng tình hay không thì vẫn cần rất nhiều thời gian, nhiều ý kiến của mọi tầng lớp.

Thật ra, “quyền được chết” ở một số nước phương Tây không phải là vấn đề mới mẻ. Tại Pháp, luật cho phép bệnh nhân nếu còn tỉnh táo, được quyền từ chối điều trị trong trường hợp bệnh tật (ung thư chẳng hạn) đã ở vào giai đoạn cuối, và thuốc men cùng các liệu pháp khác khi đó chẳng đem lại hiệu quả gì. Nếu bệnh nhân hôn mê, không nhận thức được thì bác sĩ - sau khi đã thông báo cho thân nhân người bệnh biết về mọi diễn tiến và tiên lượng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hỏi ý kiến của thân nhân về việc thực hiện “quyền được chết” với người bệnh. Nếu thân nhân người bệnh đồng ý, thì sự đồng ý này phải được thể hiện rõ ràng bằng văn bản, để tránh những rắc rối về sau.

Tại Hà Lan, quốc gia đầu tiên trên thế giới, cho phép bác sĩ có quyền giúp người bệnh “về nơi vĩnh hằng” một cách thanh thản, nhẹ nhàng, thì luật quy định việc này chỉ được thực hiện khi người bệnh mắc phải chứng bệnh mà Y học đến nay vẫn không điều trị được, hoặc bệnh gây ra sự đau đớn, thống khổ kéo dài (thí dụ như ung thư vòm họng), hoặc người bệnh lúc còn tỉnh, đã có yêu cầu.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, thì vấn đề này lại không hoàn toàn đơn giản bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như tôn giáo, tâm linh, tình cảm. Vì thế, khi “quyền được chết” được Quốc hội đưa ra bàn thảo, đã xuất hiện nhiều ý kiến chưa giống nhau. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Tp.HCM, nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quyền này vì thực tế, một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não chẳng hạn, sống đời sống thực vật kéo dài từ năm này sang năm khác, thì sự “ra đi” của họ chính là sự giải thoát cho bản thân họ. Tuy nhiên, các nhà làm luật phải soạn thảo kỹ lưỡng, lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân vì “quyền được chết” liên quan đến nhiều vấn đề trong xã hội”.

Đồng tình với ý kiến của bác sĩ Trần Thanh Mỹ, anh X. đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện gia đình anh: “Bố tôi bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường đã 12 năm. Từ ấy đến nay, mẹ tôi xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc. Trong suốt 12 năm, bố tôi luôn ở trạng thái hôn mê - mà bác sĩ nói là sống đời sống thực vật. Thức ăn, nước uống, đưa vào miệng thì nuốt. Vệ sinh thì không kiểm soát được. Ngày nào mẹ tôi và anh em tôi cũng phải lau rửa, rồi  thay đổi tư thế nằm cho bố tôi nhiều lần để cụ không bị lở loét. Mặc dù cả nhà tôi đều thương cụ, đều không muốn một sáng nào đó, thức dậy mà không có cụ nhưng chẳng ai bảo ai, tất cả đều nghĩ chỉ có cái chết mới giải thoát cho cụ, đồng thời giải thoát cho gia đình tôi. Tuy nhiên, nếu có luật, thì ai đứng ra quyết định vì giả sử sau này, trong gia đình có xích mích, rồi có người nói: "Mẹ, hay chị, hay anh đã... giết bố thì sao?”.

Ý kiến của bác sĩ Phan Quý Nam, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lại khác: “Chúng tôi ở trong ngành Y, đã từng gặp nhiều bệnh nhân và biết là không thể làm được gì. Nhưng theo Y đức thì vẫn phải “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, có trường hợp nếu “tát”, sẽ kéo dài thời gian đau đớn cho bệnh nhân, tốn kém cho gia đình. Nhưng, đứng về mặt đạo lý phương Đông, thì “quyền được chết” nêu ra vào thời điểm này, có lẽ chưa phù hợp vì bên cạnh đó, còn có những ràng buộc về tình cảm, rồi ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm. Theo tôi, chỉ khi nào xã hội thay đổi được ít nhiều về quan niệm “sống” và “chết” thì mới nên đặt ra”.

Cũng cùng quan điểm như vậy, bác sĩ Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, nói: “Đã là con người thì việc định đoạt số phận mình là quyền rất chính đáng. Nhưng về mặt tình cảm và về luật thì theo tôi, chưa nên đưa ra vội nếu chưa thật an toàn. Hiện nay, trong các bệnh viện, kinh tế thị trường đã tác động không ít đến quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân nên nếu luật không chặt, thì sẽ có kẽ hở và biết đâu, sẽ có người lợi dụng kẽ hở này”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Như thẳng thắn nói: “Tôi đã gặp trường hợp, một gia đình rất khá giả nhưng người cha bị tai biến mạch máu não. Trước khi cha hôn mê, anh con trưởng đã kịp làm di chúc, rồi nói cha ký tên, lăn tay vào - và dĩ nhiên là phần lớn tài sản sẽ thuộc về người con ấy. Bây giờ, nếu "quyền được chết" có hiệu lực, và anh con trưởng đại diện gia đình, yêu cầu bác sĩ giúp cho cha mình sớm “siêu thoát” thì sao? Về luật, chúng tôi được phép làm nhưng về lương tâm, đạo lý, làm như thế chẳng khác gì tiếp tay cho anh con trưởng”.

Rất đồng ý với “quyền được chết”, nhưng bác sĩ Lê Văn Quang, giảng viên Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược Tp.HCM, đồng thời là Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Thống Nhất, mở rộng hơn: “Tôi đồng ý "quyền được chết" với những bệnh nhân bị bệnh nan y mà trong một tương lai gần, Y học vẫn không thể chế tạo ra những loại thuốc đặc trị. Nhưng, nếu áp dụng quyền được chết một cách đại trà thì các nhà làm luật cần xem xét kỹ. Một số bệnh nhân bị bệnh trầm cảm - nghĩa là không phải bệnh hiểm nghèo, hoặc một số người rất khỏe mạnh, nhưng gặp một cú sốc trong tình cảm, trong làm ăn kinh doanh thì  họ có thể tự tử bất cứ lúc nào. Nếu “quyền được chết” đi vào đời sống thực tế, thì những trường hợp đó phải giải quyết ra sao đây khi mà họ tự tử nhưng không chết, và khi vào bệnh viện cấp cứu, họ từ chối tất cả những biện pháp nhằm cứu sống họ vì họ có... quyền được chết kia mà!”.

Ý kiến của các bác sĩ là thế. Còn về khía cạnh luật pháp, luật sư Bùi Văn Bình, Phó đoàn Luật sư tỉnh Long An, nói: “Nếu xét về "quyền được chết", thì nên xem xét cả hai khía cạnh. Một là quyền định đoạt bản thân mình và hai là các quan hệ xã hội. Một số tôn giáo cấm tín đồ không được tự tử - mà "quyền được chết" về một mặt nào đó, chính là tự tử. Vì thế, nếu một người mắc bệnh nan y, nhưng vẫn minh mẫn thì họ có quyền định đoạt sinh mệnh của họ, còn nếu họ hôn mê thì lại là chuyện khác, nên các nhà làm luật cần nghiên cứu kỹ hơn”.

Tóm lại, “quyền được chết” là quyền chính đáng. Nhưng trường hợp nào, và đối tượng nào được phép sử dụng quyền này? Chúng tôi xin thận trọng đặt lên bàn của những nhà làm luật tất cả mọi ý kiến mà chúng tôi thu thập được để trong tương lai, nếu "quyền được chết" ra đời, thì sẽ được xã hội đồng thuận

Vũ Cao
.
.
.