Thông tin mới nhất về liệt sĩ trở về sau 33 năm
- Bức thư kỳ lạ của một liệt sĩ
- Có một dòng sông mang tên Liệt sĩ
- Vợ liệt sĩ Công an nhân dân giữa thời bình
“Từ nay không làm đám giỗ nữa!”
Đó là câu nói khiến bà Huỳnh Thị Nía (88 tuổi, mẹ ruột ông Chóng, ngụ ấp Định Hoà B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vui nhất khi ông Chóng trở về nhà sau 33 năm bà làm đám giỗ cho con.
Bà Nía, gương mặt đầy nếp nhăn của tuổi già nhưng ánh mắt trìu mến khi nhìn người con trai sau hàng chục năm tưởng đã chết, kể: “Rạng sáng mùng 5 Tết, người con thứ 8 vào buồng gọi tôi dậy nói thằng Chóng về. Lúc đó tôi đã run rẩy tay chân. Khi ra gặp mặt thằng Chóng, tôi khóc rồi ngất đi”.
Được chăm sóc, người mẹ già tỉnh dậy ôm đứa con khóc nức nở. Rồi anh chị em, hàng xóm xung quanh đến nhà bà Nía để gặp mặt ông Chóng, tiếng cười tiếng khóc pha lẫn trong căn nhà nhỏ đến sáng.
“Tôi đi chiến trường Campuchia mấy chục năm trước, sau đó bị thương rồi không nhớ gì cả. Tôi được một Việt kiều tại Campuchia cứu giúp, sau đó tôi lấy vợ sinh con bên đó. Khoảng 8 năm nay tôi trở về Tây Ninh sinh sống cùng vợ con nhưng không nhớ gì về người thân”.
Ông Chóng (X) bên mẹ già và người thân sau hàng chục năm xa cách. |
Nhưng trong đầu ông Chóng lúc nào cũng nhớ cái tên Trương Văn Cao, ở Vàm Nhon (TP Cần Thơ) là anh thứ 4 của ông Chóng, ngoài ra không nhớ gì về người thân, quê hương hay những đồng đội. Sau thời gian dò hỏi, ông Chóng biết địa danh Vàm Nhon ở Cần Thơ nên ông quyết đi tìm. Khuya mùng 4 Tết năm nay, ông đem theo xe máy, bắt xe đò đến quận Ô Môn (TP Cần Thơ) và hỏi đường vào Vàm Nhon.
Khi đến Vàm Nhon, ông may mắn gặp người quen với gia đình nên họ chỉ ông đường vào nhà. “Tôi chạy xe đến trước cửa nhà gọi anh Cao ơi anh Cao thì có thằng em thứ 8 ra hỏi ai vậy. Tôi mới nói tên Chóng, lúc đầu thằng em không tin, sau đó nó mở cửa kêu tôi vào nhà, rồi anh em kế bên qua xem mặt thì họ mừng ôm tôi khóc”, ông Chóng nói.
Không gì hạnh phúc hơn con trở về
Bà Trương Thị Hồng (50 tuổi, em ông Chóng), kể: “Tôi nghe anh tư gọi anh Chóng còn sống mà rụng rời tay chân. Tôi gọi chồng con dậy, lấy xe chạy xuống nhà má liền. Thấy anh mình còn sống, tôi mừng phát khóc”. Trong mâm cơm quây quần có mặt anh chị em trong nhà, ông Chóng nghẹn ngào pha lẫn xúc động vì dịp Tết này ăn được bữa cơm đoàn viên.
Theo lời bà Nía, ông Chóng đi lính năm 1983, được báo hy sinh năm 1985 và được công nhận là liệt sĩ năm 1993. Mấy chục năm qua, hằng năm bà Nía đều làm đám giỗ cho con và hàng tháng nhận tiền chế độ cho người có con là liệt sĩ từ năm 1994.
“Nhận tiền bao nhiêu đi nữa cũng không bằng việc con mình còn sống trở về”, bà Nía khẳng định.
Nói về dự định cho tương lai, ông Chóng cho biết: “Lúc tôi đi lính bị thương ở tay, sau đó bị tai biến nữa nên không lao động gì được. Lúc ở Tây Ninh tôi đi hứng mủ cao su kiếm tiền. 3 đứa con cũng đi làm thuê kiếm sống…
Ông Phan Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn thông tin: “Ông Chóng được công nhận là liệt sĩ năm 1993. Việc ông Chóng trở về, bằng Tổ quốc ghi công không thu hồi được, UBND xã đã làm tờ trình gửi Phòng LĐ-TB&XH đề nghị trên cắt chế độ cho người có con là liệt sĩ mà bà Nía nhận hàng tháng”.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết huyện cũng đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH để có hướng giải quyết. Trước mắt đề nghị cắt chế độ mà bà Nía đang hưởng là có con là liệt sĩ. Sau đó, sẽ hướng dẫn ông Chóng làm lại hồ sơ để hưởng chế độ thương binh...