Vĩnh Long:

Một lão nông đào 227 căn hầm bí mật cho cách mạng

Chủ Nhật, 24/04/2005, 07:37

Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống… đều từng ở an toàn trong căn hầm đặc biệt do ông đào. Đóng góp công lao cho sự nghiệp cách mạng như thế, nhưng lão nông này chưa một lần viết thành tích để được huân chương hay công nhận danh hiệu này nọ.

Năm nay ông 83 tuổi. Tên khai sinh của ông là Lê Tấn Hưng. Thế nhưng, khi tôi hỏi đường đến nhà ông, anh Tiến - cán bộ làm công tác thương binh xã hội xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), lưu ý: "Phải hỏi là ông Ba Đại hoặc ông Ba đào hầm, người ta mới biết!".

Nhà ông dễ tìm hơn tôi nghĩ. Nghe tôi hỏi tên quen dùng và cả tên "cúng cơm", ông già tóc bạc trắng đang cầm xà beng đào đất cười khà khà và nói: "Hưng đúng là tên cha mẹ tôi đặt. Nhưng sau đó mới biết, nó trùng với tên của ông nội tên địa chủ ở khu vực Bần Chát (nay thuộc xã An Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh - PV) nên phải gọi chệch là Đại. Chứ gọi tên ông nội nó, nó bắt đánh! Thời còn địa chủ, tá điền mà!".

Ông Ba Đại tham gia cách mạng vào ngày 10/8/1945, khi đó ông 23 tuổi. Sau 10 ngày làm thanh niên cứu quốc, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng Đội cảm tử xã Tích Thiện. Mấy ngày hôm sau, ông được lệnh tập trung tại xã Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn) để qua Cầu Kè (Trà Vinh) tham gia cướp chính quyền. Ông kể: "Từ hồi nhỏ, tui chỉ biết chăn trâu. Cha mẹ tui đều là tá điền của địa chủ Diệp. Làm bao nhiêu lúa, nó lấy hết. Nên khi tui được đứng vào hàng ngũ cách mạng, tui mê lắm! Đầu năm 1946, ông Trịnh Bá Thâu - Huyện ủy viên Cầu Kè sang chỉ đạo cho tui lo căn cứ cho anh em. Ông trực tiếp dạy tui cách đào hầm. Tui nhận lệnh ngay. Ba tui lúc đó là thợ mộc nên ông cấp tốc truyền một số động tác cơ bản của nghề này lại cho tui. Thoạt đầu, tui chỉ dùng cây (nhiều nhất là gỗ dầu, sao) xả thành tấm be rồi cắt ra (0,3 x 0,5m) để làm nắp. Sau đó, tôi dùng be để lót phía dưới và cả hông hầm, cho cán bộ trú ẩn ở dưới được khô ráo, lên xuống ít bị lấm bùn hoặc để lại dấu chân phía trên".

Sáu căn hầm bí mật đầu tiên ông đào là ở ấp Tích Phú (Tích Thiện). Ông kể: "Thường bọn địch đi ruồng theo 3 hướng: cặp mé sông, giữa tim vườn hoặc cặp mé vườn giáp với ruộng. Biết được thói quen này, tui chẳng khi nào đào hầm trùng vào 3 hướng đó". Điểm mà ông chọn làm hầm thường kín đáo nhưng đôi lúc cũng khá bất ngờ, địch không tài nào phát hiện được. Hầm của ông đào thường sâu xuống đất hơn 1m, có hình chữ L hoặc chữ Z, có lỗ thông hơi hẳn hoi. Mỗi hầm chứa được từ 3 đến 5 người.

Ngày 1/1/1947 là sự kiện trọng đại đối với ông Lê Tấn Hưng. "Tui được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương!". Ông được phân công thêm công tác vận động quần chúng, nuôi giấu cán bộ. Không chỉ ở xã Tích Thiện, ông mở rộng công việc ra các xã Vĩnh Xuân, An Phú Tân. Đến năm 1954, ông đã đào được 77 căn hầm bí mật. Và cho đến năm Đồng Khởi 1960, ông đã vượt sông Hậu đào thêm 19 hầm nữa.

Công việc đào hầm của người nông dân này "quyết liệt" nhất là giai đoạn 1961 - 1968. "Theo đề nghị của anh Bảy Sách - Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh, 7 năm này, tui đào được 107 cái, nhiều nhất vẫn là vùng Trà Ôn". Giai đoạn 1968 - 1972, ông là Thường vụ chi ủy Chi bộ Đảng ở Tích Thiện, rồi là Phó Bí thư Chi bộ Tích Thiện, chính tay ông lại đào được 24 cái hầm bí mật nữa. "Tui nhớ, cái thứ 126 là đào cho anh Sáu Xuyên - Khu ủy viên Khu 9 và cái thứ 127 là cho anh Sáu Phát - bác sĩ của Trung đoàn 3, Khu 9".

“Đào đến 227 cái hầm, ở nhiều địa phương khác nhau, sao bác nhớ kỹ đến như thế?” - tôi hỏi. Ông trả lời: "Đúng là nhiều. Nhưng trước khi đào hầm, tui phải tìm hiểu nhiều thứ lắm, và đặc biệt là làm sao cái hầm phải thỏa mãn được mấy mục tiêu: Đào xong phải ở được ở trong hầm, mình thấy địch mà địch chẳng thấy mình. Hầm càng gần địch, càng gần tâm điểm của quân ta đóng để tiện bề theo dõi địch, tiện bề chỉ huy hoặc triển khai phương án quân ta chiến đấu mà không bị lộ thì càng tốt. Thế mới táo bạo!". Yếu tố thứ hai khiến ông nhớ chính xác số lượng, vị trí hầm là: "Sau mỗi lần đào, tui đều lên sơ đồ hẳn hoi. Hầm này đến hầm nọ bao xa; đào khi nào, hầm nào có lối thoát hiểm, xã nào hầm nhiều, xã nào hầm ít. Hồi đó, cây cối um tùm chứ đâu phải quang đãng hay có điều kiện di chuyển thoải mái như bây giờ đâu. Không quản lý "mạng lưới hầm" như vậy, khi địch đi ruồng đột xuất, hoặc máy bay đến thả bom, tàu từ sông Hậu nã đạn pháo vào thì thời gian đâu mà lo chạy tìm hầm rút xuống!".

Chính sự cẩn trọng này của ông mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, các bậc lão thành cách mạng như Lê Duẩn, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống… cùng rất nhiều cán bộ lãnh đạo bấy giờ của Khu 9, của các tỉnh được chở che an toàn khi dừng chân lại. "Đây là điều khiến tui sung sướng và tự hào nhất!".

Bước lên con đê nhỏ phía trước cửa, chỉ vào mấy bụi tre, ông quay sang tôi: "Hồi trước, dưới gốc nó đều có hầm hết đấy!". Con trai thứ ba của ông, anh Hà - hiện là Phó Bí thư Chi bộ ấp Mương Điều kể: "Giải phóng rồi, những hố bom, những hầm bí mật được lấp lại hết. Và di vật duy nhất gắn với công việc của ba tui lúc đó là chiếc lu không đáy kia". Ông Ba cho biết: "Hầm dạng lu như vầy chỉ được mấy chục cái và sau này thôi. Chứ hồi trước, chủ yếu vẫn là hầm đất. Sợ rắn xuống đó cắn cán bộ mình, cha con tui chạy tìm đào củ lùn bỏ xuống. Con rắn kỵ mùi củ này, chẳng dám mon men tới!". ở vùng đất Nam Bộ thành đồng này, có biết bao nông dân đã âm thầm đóng góp công lao, trí tuệ và tính mạng cho sự nghiệp cách mạng như thế? Rất nhiều! Tùy điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình mà cách đóng góp của mỗi người mỗi khác. Duy chỉ có niềm mong mỏi là giống nhau và điều đó từ cách nay 30 năm đã trở thành hiện thực: ấy là hòa bình, là độc lập, là tự do, là thống nhất, sum họp Bắc - Nam! Điều đáng quý là sau 3 thập kỷ, trong dòng đời cuộn chảy hôm nay, những nông dân như ông Ba Đại vẫn ngày đêm cùng cháu con viết tiếp kỳ tích trong công cuộc dựng xây đất nước đẹp giàu

Thái Bình
.
.
.