Mối nguy từ thị trường “súng” bật lửa
Chúng tôi có mặt tại huyện Sa Pa (Lào Cai) - điểm du lịch thu hút đông du khách vào một ngày đầu tháng 9-2017. Trên dọc tuyến đường thuộc khu du lịch bản Cát Cát (Sa Pa), chúng tôi bắt gặp nhiều sạp hàng kinh doanh đồ lưu niệm có cả “súng” bật lửa. Nằm cách không xa điểm soát vé du lịch, sạp hàng của nam thanh niên vận bộ quần áo người dân tộc bày các sản phẩm lưu niệm, xuất hiện 4-5 khẩu “súng” bật lửa.
Thấy tôi lại gần và chăm chú nhìn khẩu “súng” bật lửa, anh chủ sạp hàng liền “lia” một tràng: “Anh mua “súng” bật lửa đi!”. Theo anh chủ sạp hàng, khẩu “súng” này phát ra lửa là nhờ khí gas. Giá của nó là 450 ngàn đồng/khẩu.
“Súng” bật lửa bày bán ở khu du lịch Cát Cát, Lào Cai. |
Cầm trên tay khẩu “súng” bật lửa có hai nòng, chúng tôi thấy giật mình khi khẩu “súng” này được thiết kế bằng kim loại, cũng có cò súng, nòng súng…Và khi bóp cò, ngọn lửa theo đó sẽ xuất hiện phía trên thân khẩu “súng”.
Tại nhiều sạp kinh doanh đồ lưu niệm khác trên dọc tuyến đường liên bản Cát Cát thuộc khu du lịch này cũng xuất hiện các loại “súng” bật lửa. Đáng chú ý, tại một sạp kinh doanh đồ lưu niệm nằm cách đó không xa còn có sự xuất hiện của loại “súng” bật lửa nhái súng Colt quân dụng.
Giá của khẩu “súng” Colt bật lửa này là 180 ngàn đồng/khẩu. Để hút khách tìm mua và sử dụng “súng” bật lửa, chủ các sạp kinh doanh ở đây không ngừng đưa ra những lời quảng cáo có cánh đính kèm là lời bảo hành như đúng rồi, đại loại như: ““Súng” bật lửa đang bán chạy. Nhiều người còn mua một lúc 2-3 khẩu liền…(!)”.
Không chỉ bày bán trôi nổi tại các điểm du lịch, thời gian qua, nhiều “đầu nậu” còn sử dụng mạng Internet làm phương tiện để phục vụ cho việc quảng cáo, rao bán những sản phẩm này. Từ “súng” bật lửa có kiểu dáng giống súng Colt quân dụng cho đến súng săn, súng lục… tất cả đều được rao bán khá công khai.
Theo Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM ngày 18-1-2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác, súng bắn nước…) là những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trên thực tế, đã có không ít vụ việc, các đối tượng xấu sử dụng “súng” bật lửa, “súng” đồ chơi có kiểu dáng giống súng quân dụng để đe dọa, cưỡng đoạt, cướp tài sản.
Trao đổi với ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, chúng tôi cũng được biết, thời gian qua, đơn vị này đã phát hiện và xử lý nhiều vụ tàng trữ, kinh doanh các loại đồ chơi bạo lực trong đó có các loại súng đồ chơi bắn đạn nhựa, “súng” bật lửa v.v...
Ông Lưu Bách Chiến khuyến cáo, người dân cần nhận thức rõ những hệ lụy đi kèm với việc tìm mua và sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm, bạo lực. Cũng theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 2, tới đây, lực lượng QLTT sẽ thành lập tổ công tác kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh đồ chơi bạo lực (trong đó có các loại súng đồ chơi bắn đạn nhựa, “súng” bật lửa…).
Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ việc sẽ phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm. |