Loay hoay tìm sân chơi cho trẻ ngày hè

Thứ Bảy, 28/05/2016, 06:06
Trẻ em đã bước vào kỳ nghỉ hè với đợt oi nóng đầu tiên. Kết thúc một năm học, bao giờ cũng là những ngày nghỉ ngơi, vui chơi cho các lứa tuổi từ mầm non cho đến học sinh, sinh viên. Làm thế nào để có một kỳ nghỉ bổ ích? Sân chơi nào phù hợp mà an toàn với trẻ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng thực tế thì các điểm vui chơi vẫn thiếu và nhiều khu vui chơi công cộng thì bị xuống cấp, không được đầu tư.


Bể bơi chen chúc, bãi tắm tự phát mọc lên

Một trong những điểm vui chơi có ích, vừa rèn luyện sức khỏe, kỹ năng, vừa vui chơi trong dịp hè chính là bể bơi. Vào hè, hầu hết các bể bơi ở Hà Nội đều đông nghịt người, nhất là vào ngày cuối tuần. Cũng như mọi năm, vừa mới vào đầu hè nhưng các bể bơi đều quá tải. 

Hà Nội có các bể bơi từ bình dân đến cao cấp, giá từ 30.000đ – 60.000đ/người như bể bơi Thủy Lợi, bể bơi Đống Đa ở Thái Hà, bể bơi Phương Anh ở Xa La ở quận Hà Đông, bể bơi Quan Hoa ở quận Cầu Giấy, bể bơi Đức Giang ở quận Long Biên...

Hệ thống bể bơi chất lượng hơn thì có giá từ 80 – 100.000 đồng/người như bể bơi Tăng Bạt Hổ, Cung thể thao dưới nước… Trong một số trung tâm vui chơi thì giá có thể lên đến hơn 250.000đ/người như Royal City… đắt nhưng đảm bảo vệ sinh và an toàn hơn. 

Trò chơi vận động trong Công viên Thống Nhất bị xuống cấp, hỏng hóc nhiều năm nhưng không được đầu tư, sửa chữa.

Tại các bể bơi có giá bình dân, tình trạng ô nhiễm do quá tải và thiếu vệ sinh luôn ở mức báo động. Ở một bể bơi thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày thứ 7 và chủ nhật đặc kín người lớn và trẻ em bơi lội. Tuy nhiên, dù đứng trên bờ người ta cũng ngửi thấy mùi hóa chất sực lên trong không khí. Vì quá tải nên nước trong bể luôn bị vẩn đục bởi rác, nước thải của người đến bơi cộng với việc ít thay nước và lọc nước. Tuy vậy, cả khu vực rộng mà chỉ có một bể bơi nên người dân không có cơ hội lựa chọn nên vẫn phải đưa con em đến để rèn luyện kỹ năng. 

Ở nhiều bể bơi, khu vực tắm tráng bẩn, nước ô nhiễm mà mức giá vẫn cao so với thu nhập của người lao động. Đây là lý do khiến cho những bãi tắm tự phát luôn xuất hiện vào mùa hè và là mối nguy hiểm khó lường. Ven bờ sông Hồng, sông Đuống, hồ Tây, hồ Linh Đàm… là những nơi năm nào cũng có bãi tắm tự phát.

Các điểm vui chơi công cộng đơn điệu và xuống cấp

Vào hè, các bậc phụ huynh thường cố gắng cho các con một chuyến du lịch đâu đó. Ngoài các điểm du lịch lớn thì hiện nay đã xuất hiện nhiều dịch vụ vui chơi cho trẻ em được tư nhân hóa, như các hệ thống vui chơi giáo dục, trung tâm vui chơi trẻ em, trang trại cho trẻ vui chơi, trồng trọt… 

Tuy nhiên, những điểm đó không phải là nơi vui chơi thường xuyên cho trẻ trong cả một dịp hè dài. Bởi vậy, các công viên, điểm vui chơi công cộng ở khu dân cư mới là nơi cần phải tập trung cơ sở vật chất để phục vụ các mầm non của đất nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đã bao năm trôi qua, nhiều công viên vẫn trong tình trạng đơn điệu, thiếu đầu tư, đổi mới các trò chơi cho trẻ. Với vé vào cổng có giá 5.000 đồng, những gì mà trẻ em được thấy trong Công viên Thủ Lệ bao năm qua vẫn là hình ảnh của chú voi bị xích chân mình lấm lem bùn đất, những chú khỉ “nhốt” trong những chiếc chuồng bé xíu bốc mùi nồng nặc… 

Số lượng và chủng loại thú tại đây hầu như không thay đổi mà còn ngày càng “teo tóp” đi. Vào những ngày nghỉ, đặc biệt các dịp lễ, số lượng khách vào Công viên Thủ Lệ thường trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, các trò chơi như tàu điện, đu quay, nhà bóng… trong công viên không những không đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ mà cũng đã cũ kỹ, xuống cấp lại thu vé riêng khá đắt.

Khi Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội đi vào hoạt động năm 2014, người dân Thủ đô đã kỳ vọng đây sẽ là không gian rộng rãi, thú vị cho các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho trẻ em ở khu vực ngoại đô. 

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm mở cửa, lượng khách đến với Công viên Yên Sở lại khá vắng vẻ. Mặc dù được mở cửa miễn phí hàng ngày nhưng trẻ em lại tỏ ra không hứng thú bởi lẽ, ngoài không gian rộng rãi, xanh mát thì Công viên Yên Sở không có bất cứ trò chơi gì dành cho trẻ em. Có chăng, những “vị khách” quen thuộc của Công viên Yên Sở lại chủ yếu là những đôi nam nữ.          

Từ chục năm nay, Công viên Thống Nhất đã có một khu vui chơi thực sự bổ ích cho trẻ em với các trò chơi vận động. Được biết đây là một dự án được tài trợ cùng với các thiết bị chất lượng cao đặt trên nền cát sạch. Khu vui chơi này đã thu hút đông trẻ em vui chơi trong thời gian mới có. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, các trò chơi xuống cấp, dây đứt, thiết bị gãy, mất mát không được bổ sung, cát không đảm bảo để cho trẻ vui chơi an toàn.

Hà Nội hiện có một số điểm vui chơi công cộng tuy không lớn nhưng được đánh cao như Công viên Nghĩa Đô và Công viên Cầu Giấy. Ở đó có đồi cỏ nhân tạo, có các trò chơi đơn giản nhưng thiết thực cho trẻ em và mang tính bền vững vì ngày nào trẻ cũng có thể đến chơi mà không phải chi phí, không mất thời gian và tiền bạc của phụ huynh.

Thủ đô Hà Nội không thiếu điểm vui chơi cho trẻ em nhưng thiếu nơi vui chơi chất lượng, thiếu sự đầu tư, duy trì và phát triển cái đã có. Để trẻ em có chỗ vui chơi tốt hơn, cho trẻ một môi trường phát triển thể chất và tinh thần, cần có sự đặc biệt quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, của chính quyền các cấp và ngành văn hóa.

Hà Hương
.
.
.