Loay hoay chuyện sống chung với “kinh tế vỉa hè”

Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:58
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng hơn 30 năm không xử lý được triệt để việc kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường ở TP Hồ Chí Minh đã được một số nhà nghiên cứu về vấn đề đô thị và kinh tế thành phố chỉ ra rằng: từ lâu trên địa bàn đã tồn tại một ngành kinh tế vỉa hè. Ngành này đã, đang trực tiếp, gián tiếp góp phần nuôi sống cả triệu người dân.

Việc quản lý lòng lề đường kéo dài đã luôn có sự thay đổi, từ “cấm đoán” đến “hạn chế thích nghi”, rồi từ năm 2008 đến nay là “cho phép”. Và mới đây chính quyền quận 1 đã có động thái đầu tiên trong việc công nhận hoạt động kinh tế trên vỉa hè là thí điểm quy hoạch một số điểm, tuyến vỉa hè để những người nghèo có chỗ buôn bán. Nhưng nếu không có những giải pháp căn cơ, việc ngăn chặn tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh ở thành phố sẽ còn không ít chuyện nan giải.

Bài 1: Nhu cầu thực của phần đông người dân

Mới chỉ chọn 10 trong số 35 tuyến đường trọng điểm, không cho phép buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè để khảo sát thực tế, TS Dư Phước Tân, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đã thống kê được khoảng 500 người buôn bán lưu động; 2.100 người buôn bán cố định trên vỉa hè và 5.000 hộ kinh doanh mặt tiền có dấu hiệu lấn chiếm lề đường.

Những người buôn bán lưu động phải di chuyển bình quân từ 10-19km mỗi ngày. Trong số những người kinh doanh buôn bán trên vỉa hè này, phụ nữ chiếm hơn 63%, nhóm tuổi 36-55 chiếm 52% và gần một nửa trong số đó là người lao động nhập cư với trình độ học vấn thấp.

Trả lời câu hỏi khảo sát, rằng vì sao chọn vỉa hè để kinh doanh khi chính quyền đã ngăn cấm, đã có đến 73% số người kinh doanh ở các tuyến đường trên cho rằng do chưa có việc làm thích hợp để có thể thay thế chuyện mưu sinh.

Có đến 70% số người kinh doanh cố định trên vỉa hè khẳng định chính quyền dẹp thì né sau đó sẽ tiếp tục buôn bán trở lại. Kết hợp với việc thu thập, phân tích một loạt những vấn đề liên quan khác, TS Dư Phước Tân đã đưa ra kết luận: nhu cầu thực sự về hàng hóa, dịch vụ trên vỉa hè là khá lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao để chính quyền quản lý tốt khu vực hoạt động này theo hướng đáp ứng cùng lúc 2 mục tiêu là vừa đảm bảo trật tự ATGT và mỹ quan đô thị, vừa có thể tạo điều kiện cho một bộ phận cư dân đô thị có thu nhập để kiếm sống.

TS Dư Phước Tân cũng đưa ra đề xuất: Đối với vỉa hè có bề rộng trên 3m, cần cho phép người dân được phép sử dụng 1,5m, thậm chí là nên sắp xếp cho phép dịch vụ giữ xe gắn máy ở những đoạn vỉa hè phù hợp. Vấn đề đặt ra là làm sao phải hài hòa giữa việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng lề đường gắn với quản lý chặt không để kinh doanh tự phát, tràn lan.         

Ngoại trừ một số khu dân cư mới phát triển gần đây như Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn… cấu trúc đô thị của các khu nhà ở tại TP Hồ Chí Minh hầu hết phát triển theo dạng nhà ống.

Kinh doanh, mua bán ở lòng, lề đường đã trở thành thói quen với phần đông người dân.

Do vậy, với thực tế khó tiếp cận với phương tiện vận tải công cộng, sử dụng xe gắn máy lại thuận tiện về chỗ đậu xe cả trong nhà lẫn đậu ngay trên vỉa hè; các tuyến vỉa hè hiện nay đều được thiết kế theo kiểu hạ thấp gờ để xe máy thuận tiện leo lề tiếp cận với các căn hộ mặt tiền đường; hầu hết nhà mặt tiền các tuyến đường đều kết hợp ở với việc kinh doanh buôn bán…

Nội dung khảo sát về thực trạng lao động ở khu vực phi chính thức, phi tập trung của Thạc sỹ Trần Thị Thanh Hằng - Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cũng thể hiện rằng, ở TP Hồ Chí Minh, khu vực này chiếm tỷ lệ việc làm lên đến 33%. Đây cũng là khu vực góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tạm thời, ổn định an sinh xã hội cho số lao động bị mất việc từ các khu vực chính thức và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Chỉ cần đầu tư 3-4 triệu hoặc 300 – 800 ngàn đồng, người thất nghiệp hoặc lao động nhập cư không kiếm được việc làm tại thành phố có thể kiếm sống bằng nghề xe ôm hoặc bán hàng rong trên vỉa hè.

Điều này đã tạo cho các chợ “cóc”, chợ tự phát, hàng rong, buôn bán ngoài vỉa hè tồn tại. Hầu hết các hộ gia đình ở thành phố, người nội trợ và số đông phụ nữ vẫn có nhu cầu mua bán tại đây.

Tại TP Hồ Chí Minh hiện có tới 2.600 tuyến đường không có vỉa hè, chiếm khoảng 60% tổng số tuyến đường của thành phố. Việc xử phạt người đi bộ dưới lòng đường ở những tuyến này đã là không hợp lý.

Những tuyến có vỉa hè rộng nhất cũng chỉ đạt trên dưới 6m. Với mặt bằng kinh doanh mặt tiền đường thường là nhà ống, bề ngang mỗi hộ chỉ 4-5m, cao nhất nếu để một hàng cũng chỉ được 5-6 xe gắn máy. Xe của chủ hộ kinh doanh, chủ cửa hàng và nhân viên bán hàng… để trên vỉa hè đã chiếm hết chỗ, nên những lúc khách tập trung vào ăn uống, mua sắm hàng hóa dịch vụ ở điểm kinh doanh nào là nơi đó buộc phải để xe hai hàng, kín hết vỉa hè hoặc đậu xe ngay dưới lòng đường.

Tình trạng bít lối khách bộ hành trên vỉa hè khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường, dễ gặp nguy hiểm. Các cửa hàng, quán ăn thường xuyên dắt xe lên xuống lòng đường càng gây cản trở giao thông và nguy cơ dẫn đến TNGT.

Dù vậy, giải pháp dựng rào chắn bằng thép hay bằng inox trên vỉa hè để chống lấn chiếm, giữ lối cho người đi bộ như một số nơi đã làm cũng tỏ ra không khả thi và ít hiệu quả. Cách này chỉ có thể thực hiện được ở những đoạn vỉa hè xung quanh tường rào công sở, công trình công cộng hay dọc theo hông tường nhà dân… nhưng đây lại là những nơi ít bị lấn chiếm do vắng người qua lại hoặc đã có lực lượng bảo vệ tại chỗ trông giữ.

Với những đoạn vỉa hè trước cửa nhà dân, việc dùng rào sắt chặn lối riêng cho người đi bộ là không thể thực hiện do người dân phải chạy xe băng ngang vỉa hè để ra vào nhà hàng ngày.

Đức Thắng
.
.
.