“Lò bát quái” Chí Hòa - Những chuyện sau cửa ngục
Tại miền Nam, từ trước năm 1975, khám Chí Hòa, cùng với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Đề lao Gia Định... là nơi giam cầm, hành hạ với đủ các hình thức dã man nhất đối với những người cách mạng. Nhưng chính những nơi này đã hun đúc ý chí chiến đấu, thử thách lòng kiên trung của các chiến sĩ Cộng sản...
Thời gian đi như chớp mắt và khép lại nhiều quá khứ đau thương... Nhưng với những ai đã và từng bị giam ở Chí Hòa thì họ không bao giờ có thể quên được những chuyện xảy ra sau cửa ngục ấy.
Ban Biên tập Chuyên đề ANTG cùng tác giả chân thành cảm ơn bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Lê Hồng Tư; Vũ Quang Hùng, cựu tù chính trị Trại giam Chí Hòa; nhà báo Phan Kim Thịnh (tức Lý Nhân), Ban Giám đốc Công an TP HCM; Ban Giám thị Trại giam Chí Hòa... đã giúp hoàn thành tư liệu này.
Phần I - “Lò bát quái” Chí Hòa
Tôi vào Trại giam Chí Hòa vào một ngày đầu tháng 6.
Nếu như trại giam của Công an Hà Nội nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông của xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm thì Trại giam Chí Hòa lại nằm gần trung tâm TP HCM, và con đường Hòa Hưng đi qua cổng trại lúc nào cũng nườm nượp người xe. Con đường vốn đã chật hẹp nay lại như bị nút lại bởi những “lô cốt” của hệ thống thoát nước đang được thi công bằng tốc độ của rùa... Và với những anh em lái xe của trại giam thường ngày phải đưa bị cáo ra xét xử thì quãng đường chỉ hơn 4 cây số từ trại đến Tòa án thành phố là dài... miên man bởi nạn tắc đường. Gặp những lúc như vậy, dù có dùng còi ưu tiên cũng vô ích bởi cả một biển người như đặc lại, chèn trước mũi xe.
Mô hình “lò bát quái” Chí Hòa. |
Các đồng chí trong Ban Giám thị Trại giam Chí Hòa đưa tôi đến thẳng buồng giam cấm cố mang số 2F, nơi ngày xưa từng giam người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Từ ngoài cổng trại đi vào, tới được buồng giam 2F, tôi đếm được đúng 9 lần cửa sắt và nếu thêm cánh cửa buồng cấm cố được làm bằng gỗ có nẹp sắt, thì người tù, khi vào buồng này, phải qua 10 lần cửa... Nếu như ở một số trại giam khác do thực dân Pháp xây dựng, các buồng giam cấm cố được đặt khá biệt lập thì tại Chí Hòa, các buồng cấm cố lại được để ngay góc của hai khu. Mỗi góc có 3 buồng giam cấm cố và sát hành lang.
Căn buồng cấm cố nơi anh Nguyễn Văn Trỗi đã bị giam cho đến khi ra pháp trường chỉ rộng khoảng hơn 4m2 và được dùng làm “kho” chứa quần áo có lẽ đã lâu lắm rồi. Trên trần, có một bóng đèn điện tỏa thứ ánh sáng vàng đục, và không gian ngột ngạt bởi sự tù túng, bốc mùi ẩm mốc... Tôi đứng vào trong buồng cấm cố, và khi cánh cửa buồng đóng lại thì bỗng dưng thấy mất hẳn cảm giác ngày hay đêm, không còn biết phương hướng, và một sự im lặng nặng nề đến nghẹt thở ập đến làm tôi lạnh cả người...
Tôi đã đến nhiều trại giam, trong đó có những trại được xây từ thời Pháp như Trại Hỏa Lò ở Hà Nội, Trại giam Hải Phòng... Nhưng quả thật, không đâu có thể so sánh được với Trại giam Chí Hòa bởi lối kiến trúc độc đáo: vừa mang những đặc trưng cơ bản của một nhà tù là kiên cố, kín đáo, bí hiểm, nhưng dễ kiểm soát, lại vừa mang nét thần bí của phương Đông.
Để lần tìm lại lịch sử khám Chí Hòa từ thời Pháp cũng như lịch sử của trại suốt từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước cho đến ngày miền Nam hoàn hoàn giải phóng vào tháng 4/1975 là một điều cực kỳ khó khăn. Hồ sơ, tài liệu về khám Chí Hòa đã mất hết sạch. Các đồng chí trong Ban Giám thị hiện nay thì đa phần là người mới đến, và cũng chẳng được bàn giao lại những gì gọi là tài liệu cũ, cho nên hầu như không hiểu về lịch sử khám Chí Hòa qua các thời kỳ Pháp - Mỹ.
Theo Trung tá Phạm Văn Hồi, cán bộ Phòng 5 của Cục Hồ sơ cảnh sát thì từ hơn 30 năm trước, anh đã nhiều lần vào Trại giam Chí Hòa làm công tác hướng dẫn cán bộ quản giáo của trại lập hồ sơ theo dõi phạm nhân. Và anh thấy rất nhiều tài liệu của Trại giam Chí Hòa từ thời kỳ trước để lại. Anh khẳng định rằng ngày trước, công tác quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước của cảnh sát chế độ Sài Gòn đã được làm khá chặt chẽ và rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, sau này, một phần hồ sơ của trại được chuyển về các trung tâm lưu giữ, nhưng chủ yếu là lý lịch phạm nhân, còn những thứ khác dần dà biến mất!
Cổng Trại giam Chí Hòa hôm nay. |
Bây giờ, muốn tìm hiểu về lịch sử xây dựng khám Chí Hòa như thế nào, có lẽ phải sang... Pháp. Mà ở đó, chắc chắn người ta lưu giữ vô cùng cẩn thận. Có câu chuyện nhỏ thế này: Vào năm 1996, khi tiến hành sửa chữa, trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội để chuẩn bị cho Hội nghị Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, thì các nhà kiến trúc Việt
Khám Chí Hòa được thực dân Pháp xây từ năm 1943 (cũng có tài liệu nói là từ năm 1939) nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn.
Cũng phải nói thêm chút ít về Khám Lớn Sài Gòn.
Bây giờ, mỗi khi đi trên đường Lý Tự Trọng và đến gần ngã tư nối với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ai cũng thấy một tòa nhà bề thế ba tầng mang lối kiến trúc phương Tây - đó là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia khu vực II. Nhưng không phải nhiều người đã biết nơi đây, hơn 60 năm trước, khu đất này là nơi đặt nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp có tên: Khám Lớn Sài Gòn.
Khám Lớn Sài Gòn được xây dựng trên khu đất của chợ Cây Đa Còm và xung quanh có 4 con đường là Lagran Diere (nay là đường Lý Tự Trọng); Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và đường Filippini (nay là đường Nguyễn Trung Trực). Từ Khám Lớn Sài Gòn đi sang Tòa án Sài Gòn chỉ không đầy trăm mét và dưới thời Pháp, hai nơi này cùng với Dinh Thống đốc Nam Kỳ tạo thành một “tam giác quỷ”. Vào ngày 8/3/1953, sau khi Khám Chí Hòa đã xây dựng hoàn chỉnh thì Bảo Đại cho phá Khám Lớn Sài Gòn và xây Trường đại học Văn khoa.
Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon) được xây từ năm 1886 và sau hơn 4 năm thì xong. Khởi đầu, khám chỉ dài hơn 30 mét và rộng 15 mét, có lối đi hẹp ở giữa. Hai bên là hai gian nhà giam, có hai bệ xi măng được tráng một thứ nhựa giống như nhựa đường màu đen, trên cùng trổ một cửa sổ nhỏ, nhỏ đến mức không đủ cho ánh sáng mặt trời lọt vào.
Vào những năm đầu thập niên 30, do số tù nhân tăng cho nên thực dân Pháp cho xây thêm nhiều buồng giam và phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều loại tù nhân khác nhau. Khám Lớn Sài Gòn là nhà giam lớn nhất Việt
Trong khám này có khu biệt giam tù chính trị, có nơi giam người bị kết án tử hình, gọi là “xà lim án chém”; có phòng để máy chém... Chiếc máy chém đặt tại Khám Lớn Sài Gòn là được đưa từ Pháp sang. Máy chém cao 4,5 mét và có lưỡi dao vát cạnh nặng 50kg. Đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1931, bọn Pháp đã dùng chiếc máy chém này để xử tử Lý Tự Trọng. Sự hy sinh của anh đã làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn Sài Gòn, và cũng từ đấy, bọn cai ngục ở đấy luôn gọi Lý Tự Trọng là Ông Nhỏ.
Còn xà lim án chém, là một gian buồng hẹp, chiều dài khoảng 30 mét, chiều ngang 5 mét... thì đã được ông Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng viết trong hồi ký “Trong xà lim án chém” như sau: “Một miếng sắt đục lỗ li ti không đút lọt điếu thuốc lá. Xà lim tối như bưng, suốt ngày thắp một ngọn đèn đỏ đòng đọc. Lại nóng vô chừng; phải ở trần truồng mới chịu được. Nằm ngay xuống sàn xi măng, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà lim. Vài ba tháng, bọn mã tà mở cùm cho đổi chân một lần. Mỗi lần tôi đổi chân thì chúng phải đóng kín tất cả các khám khác, tập trung lính tráng, mã tà, gác dan rầm rập đến y như là tập trận rồi mới dám vào mở khóa còng. Trong xà lim, không có một tý gì bằng kim khí. Bát gáo dừa, thùng gỗ đai bằng mây. Chỉ có cái bô ỉa đái là bằng tôn...”.
Về thiết kế và cấu trúc của Khám Chí Hòa có một điều lạ là không hiểu tại sao người Pháp lại lấy thiết kế của một nhóm kiến trúc sư người Nhật. Chắc hẳn người kỹ sư trưởng thiết kế công trình này phải là người am hiểu Kinh Dịch và có lẽ cũng là người “mê Tam quốc Diễn nghĩa” vì thế họ mới thiết kế Khám Chí Hòa là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch là: Càn - Đoài - Ly - Chấn - Tốn - Khảm - Cấn - Khôn. Và nếu như theo trận đồ bát quái của Khổng Minh thì 8 quẻ này tương ứng với 8 cửa trận là: Hưu - Sinh - Thương - Đỗ - Cảnh - Tử - Kinh - Khai.
Nhưng cũng không hiểu rằng Trại giam Chí Hòa có 8 cạnh như vậy thì cửa ra vào tương ứng với quẻ nào, có người nói tương ứng với quẻ Càn và trong trận đồ bát quái là cửa Sinh. Do cổng trại ứng với quẻ Càn cho nên thường có hai vị thần là Lôi Công và Lôi Mẫu đến “viếng thăm”. Mà Lôi Công, Lôi Mẫu là “sét ông, sét bà” vì vậy đã có mấy lần sét đánh trúng cổng trại vào những năm 1956; 1964; 1965? Nhưng những người nào đã bị giam ở Chí Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì đều nói, Chí Hòa có một cửa ra là cửa Tử, còn cửa Sinh là cửa nào thì không biết. Do được xây dựng theo bát quái cho nên Khám Chí Hòa rất “sát”, tù nhân bị giam ở đây bảo rằng, người chết linh hồn không siêu thoát được vì bị bát quái cầm giữ, nên “âm khí” ở Chí Hòa thường rất nặng nề.
Để giải thoát “âm khí”, năm 1954, cai ngục Khám Chí Hòa cho xây bên ngoài “lò bát quái” (nhưng vẫn nằm trong khuôn viên khám) một ngôi chùa và có tượng Phật... Sau này ngôi chùa đã bị phá và hiện nay chỉ còn một tượng Phật nằm trơ trọi trên một cái hồ nước nhỏ và cách pháp trường đã xử bắn Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chỉ hơn 200 mét.
Khám Chí Hòa được xây dựng từ năm 1943 nhưng sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương thì bị đình chỉ và mãi đến năm 1950 việc xây dựng mới được tiếp tục và hầu như toàn bộ vật liệu như xi măng, sắt, thép đều chở từ Pháp sang.
Đường hầm dẫn vào một khu giam. |
Khám Chí Hòa có 3 lầu. Tầng trệt là nơi làm việc của giám thị và các lực lượng bảo vệ, các khu dịch vụ. Đồng thời có 2 khu giam phạm nhân nữ. Lầu 1 (người ngoài Bắc thường gọi là tầng 2) là nơi để giam giữ tù chính trị, lầu 2 và lầu 3 là nơi giam giữ thường phạm. Khám Chí Hòa có 8 khu tất cả và đặt từ A đến H. Ví dụ, tầng trệt được gọi là O, phòng số 1 khu F, dưới tầng trệt sẽ được đặt số hiệu là OF1, nếu là trên tầng 2 thì sẽ đặt là 2F...
Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có 4 buồng giam. Ở giữa bát quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20 mét, trên đó có bể chứa nước và có chòi canh. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.
Có thể nói với cách kiến trúc như của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì không thể trông mong gì việc tìm đường vượt ngục. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những chiến sĩ Cộng sản bị giam ở đây cũng đã nhiều lần bàn mưu tính kế tìm cách vượt ngục, nhưng đều không thành. Lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày hôm nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công.
Lần thứ nhất là vào đêm ngày 9/3/1945, lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, những người tù Cộng sản đã tổ chức cướp trại và giải thoát hết số tù chính trị giam tại đây. Còn lần thứ hai là vào năm 1995, tên tử tù Nguyễn Hữu Thành đã cưa còng, khoét tường rồi xé quần áo bện làm dây, tụt xuống... và trốn thoát. (Chuyện Phước “tám ngón” trốn khỏi Trại giam Chí Hòa như thế nào, và một số cuộc trốn trại của phạm nhân, chúng tôi sẽ phản ánh trong một phóng sự khác)
(Còn nữa)