Làng dệt lụa Nha Xá, Hà Nam: Trăn trở đổi nghề

Thứ Sáu, 05/09/2008, 08:15
Làng Nha Xá từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề dệt lụa. Nhưng nay trước dòng chảy tấp nập của thời gian, sản phẩm mà họ làm ra, dù tốn biết bao công sức, nhưng ngày càng bị hờ hững bởi nhiều lẽ. Cho nên, dù làng rất muốn bỏ nghề, nhưng những người còn muốn lưu giữ nghề của tổ tiên vẫn cố gắng duy trì, lời lãi chẳng được là bao. Trước sự xâm thực của công nghệ và thời đại, những người trẻ tuổi đang tìm cách đổi nghề.

Một nghề qua nhiều thăng trầm

Đã có biết bao làng nghề ra đời từ cổ chí kim. Và theo dòng chảy của thời gian, nhiều làng nghề đã mất hẳn, những làng nghề khác mới hơn đang ra đời đáp ứng nhu cầu xã hội. Lại có những làng nghề truyền thống độc đáo đang thoi thóp. Sự thoi thóp hay mất đi bao giờ cũng để lại những đau đớn, tiếc nuối với người nhiều năm gắn bó, yêu nghề. Làng dệt Nha Xá là một ngôi làng như vậy.

Làng Nha Xá thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Theo các cụ già nói lại, làng nghề bắt đầu từ khi Nhân vệ Vương Trần Khánh Dư về tu ở chùa Nha Xá. Ông đào ao, thả cá, rồi nghĩ ra cách ươm tơ để làm vợt vớt cá. Từ đó Nha Xá theo nghề này.

Khung dệt làng Nha Xá. Ảnh: D.K.

Từ những năm 1954, người dân chuyên dệt tơ bóng (gia công) cho Nhà nước, tất cả được thu gom về trạm gia công Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam). Sau đó làng thành lập Hợp tác xã (HTX) gia công tơ lụa từ năm 1959 đến năm 1981. Trong khoảng thời gian đó, làng nghề phát triển mạnh.

Khi nhu cầu nhân công cho việc dệt tăng cao thì làng để cho những làng xung quanh làm công việc ươm tơ và chuyển sang chuyên dệt. Những người như: cụ Khiển, cụ Tiến, cụ Cựu… đặc biệt là cụ Khiển là những người có công đóng góp cho thời hoàng kim của làng dệt này, nên công việc làm ăn thịnh vượng trong nhiều năm, nghề được lan sang nhiều xã của huyện Duy Tiên.

Đến những năm 1981, làng nghề chùng xuống do thời thế thay đổi. Sự thịnh suy của làng nghề phụ thuộc nhiều vào thời thế. Khi đó, người ta bỏ làm dệt vì lụa làm ra không ai mua. Dân nghèo túng không đủ ăn, nhiều gia đình chuyển sang buôn bán,  làm thuê làm mướn. Trước thời buổi khó khăn đó, sự khủng hoảng của nghề khiến những nghệ nhân của làng hết sức lo lắng. Nghệ nhân Lê Văn Khiển cố gắng trấn an bà con.

Nhưng trước sự khó khăn trầm trọng ấy, dù có cố gắng đến mấy thì người dân vẫn cứ bỏ cái nghề không kiếm ra tiền. Đời sống nhân dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người đã phải mang bị đi ăn xin. Mãi đến năm 1986 mở cửa, cách quản lý thoáng phá bung cách quản lý cũ, cụ Khiển lại đi vận động bà con khôi phục làng nghề để phát triển kinh tế.

Để làm được việc đó cụ phải lặn lội đi nhiều nơi để tìm thị trường, học hỏi kinh nghiệm của một số làng nghề khác, rồi vận động bà con ở xã Chuyên Ngoại ươm tơ mang về Nha Xá để bán cho bà con nơi đây. Nguy cơ mất nghề, sự đói kém của bà con dân làng thôi thúc những nghệ nhân. Họ đoàn kết, họp thôn, quyết đưa đời sống nhân dân đi lên, chẳng cách nào khác hơn là khôi phục nghề. Bởi làng rất ít ruộng, không có đất màu, chẳng tiện buôn bán.

Đến năm 1989 về cơ bản những khó khăn đã được giải quyết. Bà con tìm được thị trường cả trong nước và nước ngoài, đời sống khá dần lên. Cũng chính nghệ nhân Lê Văn Khiển là người đã cải tiến công cụ máy móc của dân làng, để tăng năng suất lao động, người dân đỡ vất vả hơn. Năm 2004, với sự phát triển rực rỡ của làng nghề, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã về thăm và nói chuyện với các nghệ nhân, khuyến khích phát triển kinh tế làng.

Làng nghề thoi thóp

Nha Xá từ xưa vẫn là ngôi làng văn hóa, sống có nề nếp, lịch sự. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ không bị ô nhiễm, không có trâu bò chăn thả ngoài đường làng. Ấn tượng khi đến đây là một bầu không khí thoáng mát, trong lành, tiếng thoi đưa văng vẳng. Đã có những lúc các ngôi làng xung quanh ghen tỵ với "thương hiệu" của Nha Xá.

Những năm 2004 khi tôi còn là một cậu bé  bán rau rong ở làng này, tôi nghĩ chắc chắn ngôi làng sẽ yên tâm sống với nghề. Ai ngờ, cũng có lúc sự giàu có thịnh vượng ấy bị đe dọa. Ngày xưa, các cụ trong làng bắt con gái không được lấy chồng bên ngoài vì sợ người ta học mất nghề, nay thì nghề dệt đã quá phổ biến, mà người ta hờ hững với nó. Đến năm 2006, làng nghề suy thoái.

Chúng tôi tìm về nhà cụ Lê Văn Độ, 81 tuổi, tiếng máy dệt nhà cụ vẫn đều đặn vang. Là một người làm nghề nhiều năm, nối tiếp nghề của cha ông. Hỏi về chuyện làm nghề, cả cụ ông và cụ bà đều lắc đầu: "Chẳng ăn thua gì đâu, mấy người làm thế này, ngày công của mỗi người chỉ được 5 đến 7 ngàn. Nhiều người mấy năm trước làm nhiều nay cũng đã bỏ nghề, vì chẳng còn mấy ai chuộng lụa tơ tằm nữa. Để dệt được một tấm lụa, tốn bao công sức, mà bán đắt thì ai người ta mua". Tôi cảm nhận được sự "giẫy chết" của làng nghề trong hơi thở dài của hai cụ. Con cháu cụ trước đây sở hữu ba đến bốn máy dệt thì nay chỉ dùng một gọi là... để cho vui.

Gặp nghệ nhân Lê Văn Khiển, lúc cụ đang ngồi quay tay mấy cuộn tơ. Mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng tinh thần còn tinh anh. Lúc này, thực sự lo cho làng nghề, nhưng cụ đã già rồi, lực bất tòng tâm, đâu còn trẻ như ngày trước mà xông xáo nay đây mai đó.

Cụ tâm sự: "Sở dĩ lụa làng bị hờ hững là do hàng từ Trung Quốc tràn sang, giá rẻ. Không phải chỉ Nha Xá khó khăn, mà nhiều làng khác cũng chịu cảnh như vậy. Phụ huynh trong làng đã nghĩ đến chuyện cho con em học hành đến nơi đến chốn để ra ngoài".

Năm 2007, làng có 6 em đỗ đại học, năm 2008 có 7 em đỗ, do làng có Quỹ khuyến học để khuyến khích các em. Các em cố gắng học, đỗ đạt vừa làm rạng rỡ dòng họ, vừa là phương pháp để làm giàu có tri thức, thoát ra ngoài làm nghề khác. Một số phụ huynh cho biết, nhiều năm làng gắn bó với nghề, việc học hành bị bỏ bễ, nên việc khuyến khích học hành lên cao là cực kỳ cần thiết. Đó là lối thoát duy nhất cho sự thất nghiệp của thanh niên làng.

Lúc tôi sắp chia tay về, cụ Khiển ngậm ngùi: "Tôi rất buồn, nhiều người không muốn làm gì đó để khôi phục. Tôi thì già rồi, chẳng ai ủng hộ cả". Vâng, đó là sự thật mà người dân Nha Xá phải đối mặt và vượt qua

Diên Khánh
.
.
.