Làm gì để thoát nạn thực phẩm bẩn?

Thứ Hai, 21/11/2016, 09:10
Thực trạng rau, củ quả, thịt gia súc nhiễm chất cấm được coi như một vấn nạn nan giải với nhà quản lý. Nhưng trong vòng vây của thực phẩm bẩn, nhìn lại công tác giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ đầu mối khu vực TP Hồ Chí Minh khiến người ta không khỏi giật mình.

Trong hàng ngàn tấn thực phẩm nhập về các chợ đầu mối hàng đêm, nơi chiếm một khối lượng chủ yếu cung ứng rau củ quả cho hàng chục triệu dân thành phố, nhưng chỉ có chừng vài mẫu được xét nghiệm làm "đại diện" để tìm tồn dư chất cấm. Kinh phí là rào cản duy nhất khiến hàng rào bảo vệ này có những lỗ hổng quá lớn, theo giải thích của các đơn vị quản lý và cơ quan liên quan.

Liên quan đến việc kiểm soát hóa chất trong thực phẩm, khoảng giữa 2015 về trước, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh mỗi đêm lấy 10 mẫu rau củ quả tại chợ đầu mối Bình Điền để kiểm nghiệm. Nhưng do chi phí để thực hiện kiểm nghiệm mẫu quá cao, trong khi đơn vị này không chỉ lấy mẫu ở chợ Bình Điền mà phải lấy mẫu kiểm nghiệm tại tất cả các chợ đầu mối.

Vì vậy, nên giữa cuối năm 2015 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh chỉ lấy mẫu định kỳ để kiểm tra định lượng (kiểm tra phòng thí nghiệm, khoảng 7-10 ngày mới có kết quả). Hiện nay, Chi cục BVTV TP Hồ Chí Minh lấy bình quân 10 mẫu/tháng rau củ quả để kiểm tra định lượng. Từ đầu năm đến nay, kết quả kiểm tra mặt hàng rau củ quả đều đạt tỷ lệ 100%.

Với mặt hàng thủy hải sản, Chi cục Quản lý chất lượng & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh lấy mẫu kiểm nghịệm định kỳ, bình quân 100 mẫu/quý. Đối với mặt hàng thịt heo, cơ quan thú y lấy 34 mẫu/tháng để kiểm tra. “Do mẫu kiểm tra không nhiều nên Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền tự bỏ kinh phí ra kiểm tra định tính (test nhanh) với số lượng 5 mẫu rau củ quả/đêm (phí kiểm tra 800.000đ/mẫu) để cho ra kết quả nhanh và chỉ tập trung kiểm tra các chỉ tiêu thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, với nhân sự 15 người, hàng đêm nhân viên Trạm Thú y Bình Điền đã kiểm tra lượng thịt heo vào chợ bằng cảm quan, nếu phát hiện thịt bị tái, rỉ nước, bị bệnh trước khi giết mổ, có dấu hiệu bất thường thì niêm phong, tiêu hủy không cho đưa vào chợ. Tương tự, với ngành hàng thủy hải, Trạm Kiểm soát chất lượng thủy sản chợ Bình Điền cũng có 8 người để kiểm tra, giám sát nguồn hàng đưa vào chợ”, đại diện công ty cho biết.

Chợ đầu mối khu vực TP Hồ Chí Minh hoạt động về đêm.

Trước thực trạng thực phẩm mất an toàn đang lan rộng, người tiêu dùng đang có xu hướng “tự cung tự cấp” như tự trồng “vườn rau sạch gia đình”, tìm thực phẩm sạch có nguồn gốc từ các vùng nông thôn, vùng núi. Thậm chí, để có thịt sạch, nhiều hộ dân còn góp tiền đê í“đặt hàng” những người nuôi nhỏ lẻ, giám sát tận chuồng cách nuôi mới an tâm.

Chị Trần Kim Ngân (ngụ quận 7) cho biết, gia đình chị tận dụng khoảng sân thượng để trồng rau sạch nhưng cũng chỉ trồng được những loại phổ biến như: Dền, muống, cải, bầu, mướp, chứ không trồng đầy đủ các loại rau vì diện tích đất không nhiều. Vì vậy, hàng ngày chị cũng phải ra chợ để mua thêm một vài loại rau, gia vị mà nhà không trồng.

Tuy nhiên, những “mô hình thực phẩm sạch” này không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tự thực hiện. Vì vậy một số người đã tìm mua thực phẩm tận gốc từ người thân, người quen từ dưới quê gửi lên. Những thực phẩm này được đảm bảo bằng uy tín cá nhân, nuôi trồng từ vườn nhà, bán trực tiếp không thông qua kênh phân phối, thương mại.

Chị Thu Trang (quận Bình Thạnh) cho biết, mỗi tuần chị đặt hàng cho một cô bạn ở quê gửi lên, nào là cá đồng, thịt heo, thịt bò, rau, trái cây vườn nhà… Thỉnh thoảng có 1 con heo rừng ngon, xẻ thịt một mình ăn không hết, chị rủ bạn mua chung, để họ gởi cùng một lần cho đỡ mất công. Tuy nhiên, hình thức cung cấp thực phẩm này cũng chỉ phục vụ một số lượng nhỏ những người thân, người quen, và cũng không đủ số lượng để phục vụ cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Đông – Giám đốc Công ty Nông trang Xanh (quận 8), đơn vi chuyên tư vấn giải pháp và cung cấp dinh dưỡng cây trồng cho các nông trang, cho biết, hiện tượng người người tự trồng rau, nuôi gà, nuôi heo để có thực phẩm sạch cũng chỉ là giải pháp tình thế, chứ không thể một người  tự cung tự cấp cho gia đình mình tất cả các loại thức ăn được.

Mô hình “ tự cấp tự túc” thực phẩm sạch đang nở rộ, nhưng việc này chỉ giải quyết một phần nhỏ nhu cầu ăn uống hàng ngày của gia đình. Người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ thực phẩm khác ngoài thị trường. Do vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình, Ths.Bs Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: Nên mua phẩm có nguồn gốc, nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị,….).

Ưu tiên chọn mua thực phẩm có bao gói, nhãn mác với thông tin rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, chọn mua tại các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y, có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định. Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn: Tỏi, sả xay, rau củ đã thái sẵn, ngâm nước, thịt, cá xay nhuyễn,… vì nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, hàn the. Chọn lọc để tiếp cận các nguồn thông tin chính thống về tình hình ATTP, về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, loại thực phẩm bẩn bị “bêu tên” để có thông tin và biện pháp phòng tránh...

Tuy nhiên theo bà Mai, người tiêu dùng tránh hoang mang không cần thiết do tiếp cận quá nhiều thông tin chưa được kiểm chứng như thông tin trên các trang cá nhân, trang mạng xã hội. Đặc biệt, hãy thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về ATTP để hỗ trợ cơ quan chức năng trong cuộc chiến loại trừ thực phẩm bẩn.

Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, có rất nhiều các biện pháp của người tiêu dùng và cơ quan chức năng đã và đang thực hiện, song hiện cứ như một cuộc rượt đuổi mà những kẻ sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm bẩn luôn ở thế cầm cái cuộc chơi. Cứ mỗi lần nhà quản lý nắm bắt được thì họ lại thay đổi sản phẩm hoặc phương pháp khác.

Không thể để tình trạng nông thôn hóa các thành thị đang phát triển. Không thể để kinh tế tự cung tự cấp bóp nghẹt sản xuất lớn, an toàn. Không thể để hàng kém chất lượng không an toàn cho dân Việt Nam dùng vì không thể xuất khẩu.

Đã đến lúc cần mạnh tay hơn, nếu không, ngay tại sân nhà của một đất nước nông nghiệp mà sản phẩm từ nông nghiệp cũng sẽ bị tẩy chay.

 

Nhóm PV
.
.
.