Hướng tới kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:

LS Vũ Trọng Khánh với việc giành chính quyền ở Hải Phòng

Chủ Nhật, 07/08/2011, 11:07
Cùng với bác sĩ Trần Văn Lai - Thị trưởng TP Hà Nội, luật sư Vũ Trọng Khánh - Thị trưởng TP Hải Phòng đã có công lao rất lớn trong việc chuyển chính quyền vào tay Việt Minh thắng lợi trọn vẹn.

Trong Hồi ký "Tôi làm Thị trưởng Hải Phòng" cụ Vũ Trọng Khánh viết:

"… Không ai tin thuyết Đại Đông Á của Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim được vua Bảo Đại thành lập dưới cái ô Đại Đông Á, nhân dân lặng thinh theo dõi một cách dè dặt. Dư luận thấy tên nhiều nhân vật có danh tiếng, có học thức tham gia Chính phủ đó, nhiều người đánh giá họ cũng có tâm huyết dân tộc, không phải là kẻ phản bội. Nhưng dư luận không thể tin cậy ở tài năng chính trị và trí dũng cảm bất khuất của họ, vì họ không có quá trình đấu tranh cách mạng, chưa có từng trải gian nan sinh tử, nhất là họ không có lực lượng tinh thần và vật chất nào trong tay. Có người suy tính xem có thể lợi dụng thuyết Đại Đông Á của Nhật làm lợi cho công cuộc giải phóng dân tộc được không?

Ví như luật sư Trịnh Đình Thảo đi từ Sài Gòn ra Huế nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong nội các Trần Trọng Kim, ông đã xục vào các trại giam ở dọc đường thả hết các chiến sĩ Cộng sản bị cầm tù - trong đó có một số về sau trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước - bất chấp sự phản đối gay gắt của sĩ quan Nhật.

Tôi đứng trong chiều hướng nhận thức đó cho nên đã nhận chức thị trưởng Hải Phòng (…) vào giữa tháng 7/1945, với ý đồ là lợi dụng ưu thế riêng nắm lấy địa bàn Hải Phòng, chiếm lĩnh bộ máy chính quyền, bảo vệ dân, bảo vệ Việt Minh, rồi giao lại thành phố cho Việt Minh được toàn vẹn nhất".

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng ngày 23/8/1945. (Ảnh tư liệu).

Không phải ngẫu nhiên việc giành chính quyền tại Hải Phòng lại diễn ra suôn sẻ như vậy. Đó là nhờ sự giác ngộ tinh thần yêu nước và xu hướng theo chủ nghĩa mác-xít rất sớm của ngài Thị trưởng Vũ Trọng Khánh. Phó giáo sư Vũ Trọng Khải, giảng viên cao cấp ngành Kinh tế nông nghiệp, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh) - con trai út của luật sư Vũ Trọng Khánh - cho biết, từ khi theo học ở trường Lyceé Albert Sarraut, trường Đại học Luật Đông Dương, tham gia tổng hội sinh viên, chàng thanh niên Vũ Trọng Khánh đã gặp và mến anh Nguyễn Thế Rục, một cán bộ đào tạo ở Nga về, đã dự nhóm nghiên cứu mác-xít của anh Phan Tử Nghĩa, đã theo anh Đào Duy Kỳ thành lập tổ thanh niên dân chủ và được bầu làm tổ trưởng, đã quen anh Võ Nguyên Giáp, sinh viên trường Luật và giáo sư trường Thăng Long, theo nhóm làm báo Le Travail (Báo Lao động) đón phái đoàn Godard ở Hà Nội...

Sau khi đã là cử nhân Luật (1938), Vũ Trọng Khánh đi làm tại Hải Phòng. Ông đã được luật sư Laubies giao quyền thay mặt mình để tranh tụng trước tòa nhiều vụ án. Với tài hùng biện của mình, luật sư Vũ Trọng Khánh đã bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng tại tòa án của chính quyền thực dân Pháp. Trong thời kỳ này, luật sư Vũ Trọng Khánh đã chứa cán bộ Việt Minh và đã giúp Việt Minh mua súng đạn…

Vì vậy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, luật sư Vũ Trọng Khánh đã ra làm Thị trưởng thành phố Hải Phòng (tại Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai).

Ít ai có thể ngờ rằng, em trai của Thị trưởng Vũ Trọng Khánh là Vũ Trọng Tống (sau này là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, mới mất năm 2009) lại là cán bộ Việt Minh: ban ngày nằm ngủ trong nhà Thị trưởng, tối thì cầm súng lục của Thị trưởng đi tuyên truyền xung phong, sáng mang tài liệu Việt Minh về cho bà Thị trưởng đọc, đồng thời dạy các cháu là con của ông Thị trưởng hát bài "Tiếng gọi thanh niên" của Lưu Hữu Phước, "Tiến quân ca" của Văn Cao.

Là người trí thức yêu nước, sớm có xu hướng theo chủ nghĩa mác-xít nên luật sư Vũ Trọng Khánh không tin tưởng vào Chính phủ Trần Trọng Kim. Vì vậy, khi anh một đồng nghiệp là luật sư Vũ Văn Hiền - Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ Trần Trọng Kim mời ra làm Thị trưởng Hải Phòng, luật sư Vũ Trọng Khánh đã lên Hà Nội gặp cán bộ Việt Minh là đồng chí Vũ Đình Huỳnh để xin ý kiến Tổng bộ. Nhưng chưa được trả lời, thì cụ đã nhận chức Thị trưởng Hải Phòng. Trong Hồi ký của mình, cụ viết rõ:

 "Lý do cấp bách tôi phải nhận làm Thị trưởng là sau khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương; công chức và nhân dân tụ tập, bàn tán, nghe ngóng, không ai cầm đầu. Viên lãnh sự Nhật Nô-mi chịu trách nhiệm hành chính thực ra chẳng biết làm gì, quân đội và hiến binh Nhật nắm chặt an ninh. Những tên Việt gian tống tiền; dịch vụ hốt rác đổ thùng phân trì trệ, nước điện chập chờn… Không có người lương thiện ra nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương chạy chọt sẽ nhảy vào ghế Thị trưởng để dựa vào Nhật làm hại dân. Nhất thiết tôi phải nắm ngay ghế Thị trưởng.

Sau lễ nhậm chức đơn giản, trước sự chứng kiến của anh Vũ Văn Hiền, việc đầu tiên của tôi là chiếm lĩnh các cơ quan, đặt người Việt làm thủ trưởng, đôn đốc điện, nước, vệ sinh rác rưởi, hố tiêu, không cho phép làm kém thời Pháp thuộc. Rồi chiếm lĩnh ngân hàng, nắm lấy cảnh sát, trại giam, bảo an binh, ngăn cản bọn thân Nhật mở sòng bạc… Quản lý hành chính không có gì khó đối với tôi là luật sư khá lâu năm, nhất là trong điều kiện chính trị hết sức thuận lợi. Những tư tưởng yêu nước giành độc lập của Việt Minh lan truyền từng đợt sóng ngầm vào lòng mọi tầng lớp nhân dân, kể cả các anh chị em công chức mà lòng tin và phục Chính phủ Pháp không còn nữa…

Tôi biết mình là người đứng mũi chịu sào với danh nghĩa công khai là Thị trưởng, còn nền tảng bí mật bên trong là tinh thần cách mạng đã được Việt Minh nhen lên trong lòng dân và nuôi dưỡng thành sức mạnh mà kẻ thù phải e sợ".

Ngày 19/8/1945, khi Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ở Hải Phòng vẫn chưa thấy động tĩnh gì, đồng chí Vũ Quốc Uy, một cán bộ nhiều năm bám trụ công tác tại Hải Phòng, bồn chồn suốt đêm. Sáng sớm ngày 20/8, đồng chí Vũ Quốc Uy tìm gặp đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Xứ ủy, rồi về ngay Hải Phòng.

Chập tối ngày 20/8/1945, về tới thành phố cảng, quên cả mệt và đói đồng chí Vũ Quốc Uy đã đi gặp ngay đồng chí Nguyễn Kim Tuấn (tức Nguyễn Mạnh Ái), người cán bộ chủ chốt của phong trào Việt Minh Hải Phòng. Hai người bàn ngay việc thi hành lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng.

Đồng chí Vũ Quốc Uy đã liên hệ ngay với Thị trưởng thành phố - Luật sư Vũ Trọng Khánh để thống nhất hành động.

"Đêm 21/8/1945, anh Vũ Quốc Uy, cán bộ Việt Minh phụ trách Hải Phòng đến nhà tôi ở số 9 ngõ Thuận Thái, đường Cát Dài, làm việc đến 3 giờ sáng, bàn kế hoạch chuyển giao chính quyền…".

Cả hai bên cùng đi đến quyết định khởi nghĩa vào sáng 23/8/1945.

Mọi việc được tiến hành đúng như kế hoạch. Sáng 23/8/1945, Hải Phòng giành chính quyền thắng lợi trọn vẹn. Trong cuộc mít tinh mừng thắng lợi tại Quảng trường Nhà hát thành phố với hơn một vạn quần chúng tham dự Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng do đồng chí Vũ Quốc Uy làm Chủ tịch ra mắt đồng bào, luật sư Vũ Trọng Khánh là uỷ viên hành chính.

Ba hôm sau, ngày 26/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh điện xuống Hải Phòng mời luật sư Vũ Trọng Khánh về Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong buổi Chính phủ Lâm thời nước  ra mắt quốc dân vào chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh có mặt trên Lễ đài cùng Hồ Chủ tịch và các thành viên khác trong Chính phủ.

Hồ Chủ tịch với luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giáo sư Đặng Thai Mai, ông Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị), ông Vũ Đình Huỳnh (người đeo kính đen đứng sau ông Vĩnh Thụy) - Bí thư của Hồ Chủ tịch, ông Ngô Quang Châu, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, ông Lưu Văn Lợi, ông Nguyễn Đình Thi (từ trái sang phải).

Trước tình hình mới của đất nước, sau cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên (6/1/1946) với sự ra đời của Chính phủ Liên hiệp (2/3/1946), luật sư Vũ Trọng Khánh chuyển giao chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho người kế nhiệm là luật sư Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục sang thay. Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày (từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 đến ngày 2 tháng 3 năm 1946) nhưng cụ đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ. Cụ là một trong bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (1946); Ủy viên Hội đồng tư luật, có nhiệm vụ thảo những dự án luật cho nước Việt Nam (1949)…

Sau ngày quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Hải Phòng (5.1955), luật sư Vũ Trọng Khánh là Ủy viên Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng (Chủ tịch là đồng chí Đỗ Mười), Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố (1956-1957), Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố. Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng… Cụ về nghỉ hưu năm 1973, và được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh  năm 1994. Đầu năm 1996, luật sư Vũ Trọng Khánh qua đời

Kiều Khải
.
.
.