Ký ức Đại thắng mùa Xuân 1975

Thứ Hai, 20/04/2015, 08:59
Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Không khí cơ quan Bộ Tổng tư lệnh sôi nổi hẳn lên. Mọi người rất vui mừng thấy cuộc tiến công chiến lược phát triển nhanh hơn dự kiến.

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng đã tạo ra một bước phát triển đột biến trong tình hình chiến cuộc. Thời cơ chiến lược xuất hiện.

Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm “Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975”.

Đây là một quyết tâm rất lớn, rất kịp thời, phát hiện thời cơ chiến lược, nắm bắt thời cơ để chuyển biến cục diện chiến tranh.

Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gọi tôi đến giao nhiệm vụ: “Cử đồng chí làm phái viên của Tổng cục Chính trị theo dõi mặt trận Huế - Đà Nẵng. Đồng chí lên đường ngay. Huy động lực lượng báo chí, văn nghệ trong và ngoài Quân đội bám sát mặt trận. Giải phóng đến đâu phải có tin, bài, phim, ảnh đến đó. Các đoàn văn công Quân đội sẵn sàng tiến vào vùng giải phóng”. Đồng chí Song Hào, nguyên là Chính ủy Đại đoàn Quân tiên phong 308 khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã nhắc nhở tôi kinh nghiệm ngày giải phòng Thủ đô năm 1954.

Trước đó, Điện ảnh Quân đội đã cử một bộ phận quay phim bám sát Sư đoàn 316, đã quay được những hình ảnh sinh động quân ta đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và các mục tiêu khác trong thị xã Buôn Ma Thuột.

Tôi huy động các lực lượng báo chí, văn nghệ ra trận rồi lên đường ngay. Nhưng tôi đến chậm. Đường Hồ Chí Minh nườm nượp những đoàn xe chở quân của Quân đoàn 1 được lệnh lên đường chiến đấu. Vinh dự được vào chiến trường vào thời điểm lịch sử, nét mặt các chiến sĩ tươi rói. Xe tôi bị kẹt, tôi phải bỏ xe, dùng mọi phương tiện, kể cả xe lam của đồng bào vùng mới giải phóng để đến được Đà Nẵng một ngày sau khi thành phố được giải phóng.

Đồng chí Phạm Hồng Cư (đứng hàng đầu, thứ tư từ phải sang) cùng cán bộ, chiến sĩ trong ngày giải phóng Quảng Trị.

Tôi gặp đồng chí Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2. Chúng tôi ôm nhau giữa Đà Nẵng giải phóng, trong lòng xiết bao vui sướng. Đồng chí Lê Linh với tôi là bạn thân từ trong kháng chiến chống Pháp, khi ấy anh là Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 mà tôi là Phó Chính ủy.

Đồng chí Lê Linh hồ hởi kể: “Từ ngày 19/3, quân ta đã giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 được lệnh gấp rút đưa quân xuống đồng bằng, nhanh chóng cắt đứt đường số 1, không cho địch rút về co cụm ở Đà Nẵng. Quân ta khẩn trương đánh chặn, chia cắt đội hình địch, đánh tan Sư đoàn 1 nguỵ, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên Huế. Ta chiếm lĩnh đèo Hải Vân, bịt cửa Thuận An không cho địch rút chạy. Pháo tầm xa của ta bắn phá sân bay Phú Bài.

Hàng chục ngàn quân ngụy cùng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép bị ta tiêu diệt và bắt sống. Cảnh thảm hại trên đường số 7 ở Tây Nguyên lại diễn ra trên đường từ Huế xuống Cửa Thuận An. Quân ta tiến vào thành phố Huế, phối hợp với quần chúng nổi dậy giải phóng hoàn toàn cố đô Huế ngày 26/3. Lá cờ cách mạng nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh được kéo lên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn”.

Đồng chí Lê Linh nói tiếp: “Quân đoàn 2 được lệnh nhanh chóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Mặt trận Quảng Đà được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tình hình chuyển biến rất nhanh, Tư lệnh và Chính ủy mặt trận Quảng Đà chỉ làm việc với nhau bằng điện đài, không kịp họp hành gì cả”.

Đồng chí Lê Linh cho biết: Bộ Tổng tư lệnh hạ lệnh: Ngày 27/3, Quân đoàn 2 và một sư đoàn của Quân đoàn 1 tiến công phía Bắc Đà Nẵng, Sư đoàn 304 tiến công từ hướng Tây. Phía Nam Đà Nẵng, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho Quân khu 5 đưa Sư đoàn 2 dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Chu Huy Mân bỏ qua các mục tiêu dọc đường, tiến thẳng về Đà Nẵng. Pháo binh ta nã đạn khống chế bến cảng và sân bay, bán đảo Sơn Trà và Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy.

Ta tập trung lực lượng từ hai phía: từ Thừa Thiên Huế đánh vào, từ Nam Ngãi đánh ra, quyết không cho địch rút chạy để co cụm vào giữ Sài Gòn. Ngày 29/3/1975, cả hai cánh quân cùng tiến công vào thành phố Đà Nẵng; phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An; tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trong bộ máy quân sự, hành chính của ngụy quân ngụy quền tại thành phố lớn miền Trung này”.

Đồng chí Lê Linh nói tiếp: “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đôn đốc ráo riết. Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục có 3 ngày mà ta đã tiêu diệt và làm ran rã hơn 10 vạn quân địch, giải phóng tỉnh Quảng Đà, đặc biệt là căn cứ quân sự Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất và quan trọng nhất của địch ở miền Nam Việt Nam. Anh Văn gửi điện khen cả hai cánh quân: Cánh Quân đoàn 2 phía Bắc do các đồng chí Nguyễn Hữu An, Lê Linh, Hoàng Đan chỉ huy và cánh quân phía Nam: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) do Nguyễn Chơn làm Sư đoàn trưởng.

Ngày hôm sau, tôi nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị đón đồng chí Lê Quang Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Đà Nẵng để cùng với đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng thành lập cánh quân Duyên Hải có nhiệm vụ tiến theo đường số 1 vào tham gia mặt trận Sài Gòn.

Ngày 7/4/1975, tại Đà Nẵng mới giải phóng, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh ấy như một lời hịch của non sông đất nước.

Tôi được cử làm phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải. Tôi giúp đồng chí Lê Quang Hòa truyền đạt tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải, truyền đạt đến tận đảng viên, chiến sĩ.

Cánh quân Duyên Hải này mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước, gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban Cán sự Đảng lâm thời.

Cánh quân Duyên Hải hồ hởi lên đường như được chấp cánh bay. Nhưng mới ra khỏi Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp trở ngại đầu tiên: Cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá sập hai nhịp, công binh khắc phục bắc cầu tạm cho các đơn vị nhẹ đi trước, triển khai một bến phà quân sự để chở loại xe trọng tải lớn.

Cứ như vậy thì quá chậm. Một người dân vùng mới giải phóng cho biết, phía thượng lưu cách cầu Câu Lâu khoảng hơn 10km có một cây cầu, thế là cả đoàn xe tăng rầm rập cơ động dọc theo bờ sông Thu Bồn cố gắng bù lại thời gian đã mất.

Dọc đường qua các tỉnh miền Trung mới giải phóng, đông đảo đồng bào ra đứng hai bên đường hoan hô bộ đội. Tôi gặp một tốp phụ nữ đứng chỉ chỏ bên đường. Hỏi ra thì trong tốp phụ nữ này, có mấy chị chờ chồng đã 20 năm nay, thấy bộ đội giải phóng về, vội chạy ra đón, hi vọng được thấy các anh ấy trở về!.

Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên phái viên của Tổng cục Chính trị trong Đại thắng mùa Xuân 1975)
.
.
.