Kỹ nghệ moi tiền của các "me tây"

Thứ Năm, 13/10/2005, 06:47

Nói về chuyện "me tây" móc tiền của khách thì phải dùng từ "kỹ nghệ". Dù là cặp bồ lâu dài hay chỉ một lần "qua đường" với khách, các cô cũng tìm mọi cách để móc tiền của họ. Có thể là xin công khai, hoặc đòi mua vật này vật nọ, cũng có thể là lợi dụng sự sơ hở của khách để lấy trộm tiền hoặc các vật dụng khác có giá trị.

Có tìm hiểu về cuộc sống của các "me tây" mới thấy nhiều điều kỳ quái, mà nếu không phải là người trong cuộc chắc chắn không thể biết được. Những người chấp nhận sống cảnh "me tây" không chỉ đơn thuần là gái làm tiền, nhiều người trong số họ có học thức hẳn hoi.

Sau khi tốt nghiệp tới hai bằng đại học loại khá tại Trường Đại học N., cô cử nhân Thanh Thương, quê ở Thanh Hoá vác hồ sơ xin việc đôn đáo nhiều nơi, nhưng vẫn chưa được một cơ quan nào tiếp nhận. Với mục tiêu bám trụ ở Hà Nội, nên trong thời gian vừa nộp hồ sơ chờ cơ quan Nhà nước tuyển dụng, Thương vừa tự tìm kiếm một công việc hợp khả năng để có thể tự nuôi sống bản thân, cô đã tìm tới trung tâm giới thiệu việc làm. Ở đây, người ta giới thiệu cô đi làm phiên dịch cho một người Pháp sang Việt Nam công tác. Khi người đàn ông này về nước, Thương lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Thay đổi mãi, cô mới được người ta giới thiệu tới gặp Kim Hy Jul- người Hàn Quốc. Anh này dự định mở một cửa hàng đồ da ở chợ Đồng Xuân nên đang tìm phiên dịch.

Khi bản hợp đồng được ký kết, Thương nghiễm nhiên trở thành trợ lý kiêm cửa hàng trưởng của Kim Hy Jul. Một thời gian ngắn, thấy Thương làm việc có hiệu quả, lại biết cách quản lý nhân viên nên Kim rất vui. Những lúc rảnh, Kim thường bảo Thương đưa dạo quanh Hà Nội để anh vừa tham quan phong cảnh, vừa có điều kiện nói chuyện với cô trợ lý. Biết Thương đang gặp khó khăn về chỗ ở và phương tiện đi lại, Kim rủ Thương về ở cùng tại ngôi nhà 3 tầng anh đang thuê lâu dài ở gần đường Kim Mã. Lúc đầu, Thương nhất quyết từ chối nhưng nghe Kim nói chỉ ở đây ít ngày lại phải vào Tp.HCM quản lý cửa hàng trong đó, rồi lại phải về nước lo hàng hoá… nên mong Thương nhận lời về ở cùng trông coi đồ đạc cho anh.

Một tuần kể từ ngày Thương về ở cùng, Kim đã mua tặng cô một chiếc xe máy trị giá gần 30 triệu đồng để cô có phương tiện đi làm. Từ chỗ thất nghiệp, giờ đây, Thương đã trở thành người quản lý một cửa hàng đồ da lớn. Hơn hai năm nay, ngoại trừ lúc Kim về nước hoặc vào Tp.HCM, người ta lại thấy Kim và Thương đưa nhau tới các điểm chơi ở Hà Nội. Rồi điều gì đến đã đến, Thương gần như công khai thừa nhận mối quan hệ theo kiểu "bồ bịch" với Kim, dẫu cho Kim đã có vợ và một con trai đang sống ở Hàn Quốc. Hiện nay, Thương đã có một khoản tiền kha khá gửi ngân hàng, có thể đủ mua một căn nhà chung cư. Tuy nhiên, mỗi lần gặp những người bạn thân thiết, Thương vẫn nói rằng: "Phải nhờ Kim giúp một khoản tiền nữa trước khi chia tay". Và sau đó, cô sẽ xin một công việc cho ổn định để còn lấy chồng.

Có thể nói Thương là một trong những "me tây" gặp hên nên mới được như thế. Còn nhiều người bạn cùng khoá của Thương đến nay vẫn vất vả xoay sở đủ mọi việc kiếm sống với quyết tâm bám trụ ở Hà Nội. Thương cho biết, nhiều người bạn của cô đi làm phiên dịch thời vụ cho khách nước ngoài sang Việt Nam du lịch, thường xuyên phải đi xa mà thu nhập lại thất thường. Cuộc sống bên ngoài lại nhiều cám dỗ... Thế nên, trong những lúc không làm chủ được bản thân, một số người bạn của cô cũng tặc lưỡi chấp nhận trở thành "me tây" một cách bất đắc dĩ. Song cuộc tình của họ thường nhanh đến nhanh đi. Hết thời gian du lịch, họ lại chia tay ai đi đường nấy. Vậy nên mới có chuyện, một số người bạn của Thương sau khi "quan hệ" với khách nước ngoài đã tìm mọi cách lấy tiền của họ.

Bạn thân của Thương là Thy Hoa - một phiên dịch viên tự do kể lại phi vụ đào mỏ 3.000 USD của một người đàn ông Đức. "Quan hệ" với nhau được khoảng mười ngày, Hoa nói dối người đàn ông ấy là có thai. Rồi cô vờ khóc lóc kêu la và nằng nặc đòi tự tử. Bí quá, người kia hỏi cô cần bao nhiêu tiền để giải quyết hậu quả. Hờn dỗi mãi, cuối cùng cô cũng cầm tạm 3.000 USD và nói với người kia còn phải đưa nữa để lo thuốc men phục hồi sức khỏe sau khi nạo thai. Dù rằng trong thời gian quan hệ trước đó, người ấy vẫn thường cho tiền Thy Hoa, mỗi lần vài trăm USD.

Trường hợp của Hoài, một cô gái trẻ đẹp không nghề nghiệp, đang thuê nhà trọ ở ngõ Nam Đồng, Hà Nội lại thuộc một diện khác. Đường học hành của Hoài dở dang, giao tiếp với người nước ngoài, cô chỉ sử dụng thứ tiếng Anh bồi. Ngay cả chủ nhà trọ cũng không biết cô làm gì, ở đâu. Hàng ngày, cô chỉ ở nhà buổi sáng. Từ trưa đến sáng hôm sau cô lang bạt khắp mọi nơi. Có lẽ, người biết rõ nhất về Hoài là "Hùng trọc" - một "má mì" đang quản lý nhiều cô gái dạng này. Nơi Hoài thường xuất hiện là quán bar Es nằm trên đường Hồng Hà. Khách mà Hùng "trọc" giới thiệu cho Hoài thường là những người thích "qua đường", chứ không có ý định cặp lâu dài. Từ điện thoại đến quần áo và các vật dụng trang điểm của Hoài toàn đồ xịn. Trông những thứ quần áo này, người ta biết ngay chủ nhân của nó phải là người ăn chơi đến mức sành điệu và có thể tới mức xa xỉ nữa... Và nếu như  không xảy ra việc “Hùng trọc” cấm vận Hoài  vì chuyện hay “mổ” của khách, thì có lẽ người ta vẫn không biết việc Hoài là một “me tây” chuyên nghiệp...

Không ai có thể biết được số lượng "me tây" đang hoạt động dưới các dạng hiện nay là bao nhiêu. Nhưng theo một số "má mì" ở Hà Nội thì số gái chuyên "phục vụ" người nước ngoài họ đang quản lý cũng tới hàng trăm người. Những phút tự bạch, giới "me tây" đều thừa nhận với nhau để kiếm được nhiều tiền, họ có thể làm tất cả mọi chuyện xấu xa, như: vòi vĩnh, xin xỏ, bắt đi mua sắm... đến cả việc ăn cắp tiền của bạn tình. Bởi theo họ, đó là những mối quan hệ theo kiểu đánh đổi giữa cái gọi là tình và tiền. Và trong thời gian cặp với Tây, nếu ai không biết tận dụng mọi cơ hội kiếm tiền thì đúng là dở hơi...

Như một đồng nghiệp của tôi đã nhận xét, ranh giới giữa cái gọi là "me tây" và "cave" là quá gần nhau. Lao vào những cuộc chơi vô độ như thế, những cô gái trẻ đã bao giờ nghĩ hết đến sự được mất. Bệnh tật và mọi sự rủi ro khác đều có thể xảy ra từ các cuộc chơi như thế này. Ngày mai của họ sẽ ra sao, nếu như tất cả vẫn còn tiếp diễn?

Nguyễn Lan
.
.
.