Kỳ 2: Vì sao việc lấn chiếm đất rừng gia tăng?

Thứ Tư, 02/11/2016, 07:52
Một thực tế cho thấy, từ việc buông lỏng quản lý rừng, đất lâm nghiệp; giao đất rừng, dự án cho các tổ chức, cá nhân yếu kém, chưa khảo sát kỹ khi giao dự án... đã để xảy ra tình trạng mất đất rừng, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, ảnh hưởng nghiêm trọng ANTT địa bàn...

 

Theo UBND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nhiều DN do năng lực tài chính yếu kém, chậm triển khai dự án, không có kế hoạch và lực lượng, phương tiện bảo vệ đất rừng được giao nên từ khi được giao đất đến khi thực hiện dự án đã bị dân xâm chiếm gần hết.

Cụ thể như Công ty Lê Khanh được UBND tỉnh Gia Lai cấp dự án từ năm 2006, với diện tích đất tạm giao ban đầu hơn 2.300 ha để trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm trễ, không hiệu quả, để xảy ra cháy rừng trồng... nên nhiều lần đã bị tỉnh Gia Lai thu hồi đất. Đến nay, diện tích đất còn lại khoảng 410 ha nhưng dự án vẫn không hiệu quả, một phần bị người dân lấn chiếm.

Có một thực tế là không ít người dân khi hay tin đất rừng khu vực nào giao cho DN đầu tư dự án thì họ tìm cách vào xâm chiếm, phát rẫy, trồng hoa màu... để đòi DN thương lượng trả tiền đền bù. Đây là việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước về vấn đề DN tự thỏa thuận bồi thường với dân khi triển khai dự án trên đất hoa màu của dân.

Tuy nhiên, cũng thấy rằng sơ hở của DN khi triển khai dự án không giám sát, quản lý dự án một cách kịp thời, ngăn chặn sự xâm chiếm của dân để xử lý ngay từ đầu. Để khi người dân xâm chiếm lâu ngày, phát dọn trồng hoa màu thì mới phát hiện nên thường xảy ra tranh chấp phức tạp.

Có những dự án khi DN thuê đơn vị khảo sát không kỹ lưỡng, nhiều diện tích rừng đã bị dân chiếm làm rẫy lâu đời nhưng vẫn quy hoạch đưa vào dự án nên xảy ra tranh chấp không thực hiện được.

Còn theo khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông mới đây cho thấy, hầu hết các dự án nông lâm nghiệp của các DN thực hiện không mấy hiệu quả. Việc triển khai các dự án có nhiều sai phạm như sử dụng đất sai mục đích, tự ý chuyển đổi cây trồng; phần lớn diện tích rừng khoanh nuôi, quản lý bảo vệ theo dự án bị phá, sang nhượng, mua bán đất trái phép.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho rằng, tồn tại vướng mắc lớn nhất của các dự án là tình hình lấn chiếm đất đai của người dân diễn ra phức tạp, các doanh nghiệp không thể giải quyết được do người dân rất manh động, tập trung đông người, không hợp tác để giải quyết. Tồn tại này đã tạo ra hệ lụy xấu như tranh chấp đất đai, khiếu kiện và làm thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Một nguyên nhân khác là vào thời điểm giao đất cho các công ty, doanh nghiệp, do điều kiện địa lý còn nhiều khó khăn nên nhiều nơi được giao đất trên giấy tờ mà chưa có ranh giới chính xác phần đất nào đã giao hay chưa giao.

Từ đó, trong nhiều năm qua, việc tranh chấp đất đai ranh giới giữa người dân với các công ty, DN vẫn diễn ra âm ỉ, có nhiều lúc dẫn đến xung đột gay gắt. Ngoài ra, tại một số DN, sau khi được giao đất thì phần đất lại nằm trên địa bàn canh tác của người dân trước thời điểm giao đất nhưng DN không bồi thường đầy đủ cho người dân dẫn đến xung đột quyền lợi gay gắt, gây bức xúc cho người dân.

Trở lại vụ việc xô xát giữa người dân với Công ty TNHH Thương mại Long Sơn đang còn gây xôn xao dư luận cho thấy, mâu thuẫn này đã trở nên gay gắt và được đẩy lên đỉnh điểm. Ông Hoàng Trung Tuấn, một người dân có rẫy trồng điều tại tiểu khu 1535 (nơi xảy ra vụ việc) cho biết, ông cùng hàng trăm hộ dân khác đã vào canh tác, trồng điều, cao su, hoa màu từ hàng chục năm nay.

“Năm 2008, Công ty TNHH Thương mại Long Sơn vào nói là đã được Nhà nước giao đất nên sẽ lấy lại đất để làm dự án, đồng thời tuyên bố không bồi thường vì đất là do người dân lấn chiếm trái phép. Sau khi tuyên bố, DN này đã thường xuyên tự ý đưa lực lượng vào đất canh tác của dân san ủi nhằm giành lại đất mà không hỏi ý kiến chúng tôi”, ông Tuấn bức xúc.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng sáng 23-10 là do Công ty TNHH Thương mại Long Sơn đã tự ý đưa lực lượng đi giành lại đất đang có tranh chấp với người dân nhưng không hề báo cáo với chính quyền và nhân dân địa phương. Việc công ty không thỏa thuận, nôn nóng giành lại đất và tự tổ chức lực lượng đi cưỡng chế là sai.

“Trước đây, DN này cũng đã nhiều lần tổ chức người đi san ủi đất mà người dân đang trồng cây, huyện đã mời lên yêu cầu hai bên phải thỏa thuận. Mỗi lần như vậy, DN này có hứa sẽ thỏa thuận với dân để bồi thường, hỗ trợ nhưng đùng một cái họ lại tự ý đi cưỡng chế nên xảy ra án mạng”, ông Huân nói.

Ông Huân thừa nhận, một vấn đề khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu đó là quản lý dân di cư tự do. Để mưu sinh, họ đã tự ý vào khai đất, dựng nhà, trồng cây. Những khoảnh rừng họ khai phá năm nào giờ là những vườn cây đang cho thu hoạch. Việc xác định người dân đến trước hay sau dự án vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Theo chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông, khi thực hiện dự án, trên các diện tích bị xâm canh trước đó, các DN phải xem xét hỗ trợ bồi thường dân. Công bằng mà nói, cũng đã có một số đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo này để trục lợi. 

Họ thuê người hoặc trực tiếp lấn chiếm để dựng nhà, trồng cây rồi đòi tiền bồi thường. Song cốt lõi của vấn đề là sau khi được giao đất, các DN không đủ sức giữ, để người dân lấn chiếm trái phép. Tình trạng này ngày càng trở nên mất kiểm soát ở các dự án đất rừng ở Tây Nguyên và trở thành vấn đề tranh chấp phức tạp.

Theo báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 50.975 ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, trong đó diện tích bị phá, lấn chiếm trước năm 2008 là 24.503 ha, từ năm 2008 đến nay là 26.471 ha. Để cưỡng chế, thu hồi và trồng mới rừng trên diện tích đất này đang là bài toán nan giải đối với các ngành chức năng địa phương.

Người dân tự khai hoang sản xuất trên diện tích đất rừng của lâm trường quản lý.

Ngọc Như - Văn Thành
.
.
.