Khi thày giáo dạy ngoại ngữ là “Tây ba lô”

Thứ Tư, 17/05/2006, 12:52

John, một “Tây ba lô” kiêm giáo viên ngoại ngữ, kể, chẳng ai yêu cầu anh phải dạy như thế nào, họ ấn cho quyển giáo trình là xong, thậm chí có cuốn giáo trình dưới dạng photo. Vậy mà nhiệm vụ của anh là phải giúp học viên hiểu đây là “công nghệ giảng dạy vượt trội đến từ Hoa Kỳ”.

Trong số hàng ngàn giáo viên “Tây balô” đang mưu sinh tại Việt Nam thì Kenny có lẽ là người có thâm niên dạy ngoại ngữ cao nhất - ngót 8 năm. Tôi mạo muội nhận định như vậy vì phần lớn “Tây balô” sang ta chủ yếu theo con đường du lịch, mà thời hạn visa theo diện này chỉ kéo dài 30 ngày. Tôi quen Kenny cách đây hơn 3 năm, khi đó anh đang theo học tiếng Việt tại một trường đại học. Hồi đó, vốn tiếng Việt duy nhất mà Kenny biết chỉ là một câu nói thuần Việt: “Tôi xấu như... ma”.

Vậy mà sau ngần ấy năm sống ở Việt Nam, dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam, giờ gặp lại tôi, vốn tiếng Việt của anh vẫn gần như zero, phát âm rất chật vật. Chúng tôi phải dùng từ điển song ngữ để trao đổi thông tin. Kenny cho biết, ngoài giờ ăn, ngủ, phần lớn thời gian trong ngày, anh dùng để “chạy sô” dạy tiếng Anh. Một tháng, Kenny kiếm được gần 2.000 USD từ dạy tiếng Anh. Có 4 cơ sở giáo dục lớn ở Hà Nội thuê Kenny dạy, trong đó có một trường mầm non.

Kenny thật thà bảo tôi, người Việt Nam quá “nệ ngoại” nên thủ tục nhận người nước ngoài vào làm giáo viên dễ không thể tưởng tượng được (trong khi ở quê anh, một người ngoại quốc muốn vào dạy học tại một trường phổ thông ít nhất phải trải qua ba lần sát hạch trình độ, phải có báo cáo nghiên cứu khoa học...). Kenny đọc báo, tìm địa chỉ các trung tâm đang tuyển giáo viên.

Khi thày thị phạm từ mới

Anh đến, chìa ra tấm chứng chỉ sư phạm “mua” được ở Australia. Người phụ trách trung tâm ngắm nghía tấm chứng chỉ, có cả con dấu tròn như đồng xu và gật đầu “OK” dù chưa chắc họ đã hiểu chữ nghĩa của chứng chỉ đó là thế nào, con dấu kia đại diện cho ai? Kenny bất ngờ hơn khi chẳng ai biết anh bao nhiêu tuổi, nhân thân thế nào, mục đích nhập cảnh vào Việt Nam ra sao. Kenny sang Việt Nam đúng vào thời điểm các cơ sở giáo dục ngoại ngữ bung ra như nấm, lại “khát” giáo viên nước ngoài nên ngày đầu vác “chứng chỉ” đi xin việc, anh được 4 cơ sở nhận vào dạy học, toàn là những cơ sở có mức thu học phí ở đẳng cấp “sao” cả.

Tôi ngạc nhiên vì Kenny ngần ngại khi tôi ngỏ ý muốn xem anh dạy  học. Anh bảo tôi phải xin phép người quản lý vì họ rất thận trọng. Tôi làm theo gợi ý của anh, đóng giả là học viên học thử, sẵn sàng đóng tiền một buổi học (100.000 đồng/buổi), nhưng người quản lý sau khi nhìn tôi xét nét từ đầu đến chân vẫn không cho tôi vào học, yêu cầu tôi chờ lớp mới đóng tiền cả khóa học là 350USD. Thấy tôi bực mình, Kenny nháy tôi ra một góc, thì thào vào tai tôi: “Give her money!” (Cho cô ta ít tiền). Tôi lại làm theo lời Kenny và hiệu quả phát huy rõ rệt.

Lớp của Kenny chỉ có 8 học viên, toàn thế hệ 8X. Mang tiếng là lớp học “đẳng cấp quốc tế” nhưng những giáo cụ để phục vụ cho một buổi dạy tiếng của Kenny sơ sài quá mức. Không tai nghe, không máy chiếu, cũng chẳng có băng hình như trong quảng cáo, chỉ có chiếc máy cátxét “cối” từ những năm 90 thế kỷ trước dùng để nghe băng. Vậy mà cơ sở này thu học phí đắt kinh khủng: gần 10 USD/buổi/học viên. Giáo trình Kenny dạy là New Cutting Egde, bán rất nhiều ở ngoài phố. Một tiếng đồng hồ trôi qua nhưng vì Kenny nói như gió, mấy cô cậu học trò tóc “high light” cứ nghệt ra chẳng hiểu gì.

Tôi xem bài đọc hiểu có rất nhiều kiến thức ngữ pháp quan trọng, nhưng tuyệt nhiên không thấy Kenny giảng, câu cú ở thời đó thì vận dụng trong ngữ cảnh nào. Thầy dạy hệt như “cưỡi máy bay xem hoa”, thỉnh thoảng lại gật gù: “Good! Good!”. Buồn cười nhất là phần giải nghĩa từ mới. Chẳng hạn đến từ “frog” (nghĩa tiếng Việt là con ếch), Kenny nói thế nào họ cũng không luận ra (để đặt ví dụ). Bí quá, Kenny vẽ một con ếch lên bảng, rồi ngồi giữa lớp nhảy cóc vài bước, miệng kêu “ộp, ộp”, cả lớp lăn ra cười.

Kenny giao cho học sinh đặt 10 ví dụ với thời tương lai gần, rồi ngồi dựa vào tường, đưa tay che miệng ngáp liên tục, chốc chốc lại xem đồng hồ. Tôi biết anh rất sốt ruột vì ngay sau ca dạy này, anh còn một tua nữa ở trung tâm A. trên đường Tô Hiến Thành... May cho Kenny, chưa kịp kiểm tra ví dụ của học trò thì chuông reo. Học viên và thầy giáo lục tục ra về, kết thúc một buổi học có mức học phí gần 10 USD/học viên. Quả là ném tiền qua cửa sổ.

Không bằng cấp, không chứng chỉ sư phạm cũng đứng lớp

Xin đề cập đến hai giáo viên “Tây balô” là nạn nhân của SITC tại Việt Nam. Đó là hai anh em Peter và John, đến từ Canada. Hôm tôi đến thì Peter đi vắng, chỉ có John đón tôi. John sống trong một căn nhà hai tầng đã bạc màu vôi ve và đồ đạc thì tuềnh toàng quá sức tưởng tượng, quần áo bày la liệt, hệt cảnh sinh viên ngoại tỉnh đi thuê nhà. Lạ là nhà John không hề có một cuốn giáo trình ngoại ngữ, không có băng nghe tiếng.--PageBreak--

Tôi bảo John muốn làm một bài “test” để kiểm tra trình độ. John đồng ý và đưa cho tôi một bài “test” dưới dạng photo. Cũng võ vẽ chút ngoại ngữ từ thời đại học, tôi có thể xử lý được những ví dụ ở thì hiện tại, thì tương lai, đổi câu trực tiếp sang câu gián tiếp, thể chủ động sang thể bị động. Song tôi lại cố tình chia sai, xem phản ứng của John thế nào. Nhưng lạ quá, John vừa chấm bài cho tôi vừa khen: “You learn well!” (Bạn học tốt đấy). John cho tôi 80/100 điểm, nhưng tôi biết  thực chất tôi chỉ được 10/100 điểm. Có thể John muốn động viên tôi, nhưng có thể trình độ của anh có hạn thật.

Tôi hỏi John, chương trình giảng dạy của các trung tâm mà anh đứng lớp có được đăng ký và kiểm định chất lượng không. Anh lắc đầu vì chẳng ai yêu cầu anh phải dạy như thế nào, họ ấn cho quyển giáo trình là xong, thậm chí có cuốn giáo trình dưới dạng photo, vậy mà nhiệm vụ của anh là phải giúp học viên hiểu đây là “công nghệ giảng dạy vượt trội đến từ Hoa Kỳ”, là “chương trình đi sâu tổng hợp lý thuyết hàng đầu thế giới”... Đúng là cái vỏ hão!

Khi đổ vỡ thảm hại, Trung tâm SITC còn nợ 3 tháng lương của cả hai anh em, nhưng họ biết tìm ai để đòi lương vì có gì ràng buộc đâu, họ không được ký hợp đồng lao động, cũng không bảo hiểm. Giờ John đã xin dạy ngoại ngữ tại một trung tâm ở phố Đội Cấn, nhưng anh không biết chút thông tin nào về chủ đầu tư người Hàn Quốc, năm thì mười họa mới thấy họ xuất hiện ở Hà Nội, mà nghe nói, trung tâm này cũng đã chuyển đổi chủ đầu tư một đôi lần nhưng cơ quan chức năng chẳng hay. Tôi ngỏ ý muốn xem chứng chỉ sư phạm của John nhưng anh lắc đầu bảo không có. Tất nhiên, ở trung tâm mới này, anh cũng chẳng được ký hợp đồng lao động, chẳng có giấy phép lao động.

Ông Trần Việt Cường, Giám đốc trung tâm ngoại ngữ trên đường Thanh Xuân thở dài tâm sự: “Nghiệp vụ sư phạm và trình độ ngoại ngữ của nhiều “Tây balô” có khi còn kém xa giáo viên trong nước. Các trung tâm biết cả, nhưng họ có mất gì đâu nên sẵn sàng thu học phí cắt cổ. Còn người học thì sính ngoại cứ lao vào như thiêu thân”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hà Nội hiện có 23 cơ sở giáo dục có 100% vốn nước ngoài (nhưng nhiều trung tâm thực chất chẳng có một đồng vốn thực hiện nào cả!) và chưa bao giờ “Tây balô” dạy học ở các trung tâm này lại đông và thoải mái như hiện nay. Một con số thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì Trường UNIS có 73 giáo viên nước ngoài, Trung tâm Apollo có 45 người...

Tuy nhiên, một  vị quan chức của Sở này rất lo ngại khi mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội sau khi thanh kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục có 100% vốn nước ngoài ở Hà Nội đã phát hiện rất nhiều vi phạm về cung cách quản lý giáo viên nước ngoài tại các cơ sở. Hầu hết họ không ký hợp đồng lao động, giấy phép lao động với giáo viên nước ngoài. Lác đác vài nơi có làm thủ tục này nhưng không quan tâm tới thời hạn lưu trú nên đã ký hợp đồng dài hơn thời hạn lưu trú.

Do chưa có uy tín, làm ăn lại chụp giật nên các cơ sở không có điều kiện tuyển, mời giáo viên ở nước ngoài vào nên đã chọn cách tuyển người nước ngoài đang du lịch, mà lại tuyển giảng dạy bán thời gian nên không cơ sở nào chịu trách nhiệm quản lý họ, ngoài giờ, những giáo viên “Tây balô” này đi đâu, làm gì cũng không ai biết.

Một đại diện của Phòng Quản lý người nước ngoài, Việt kiều nhập xuất cảnh - Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, một người nước ngoài muốn ở lại Việt Nam để dạy học thì phải có cơ sở giáo dục tiếp nhận, đồng thời phải xin phép qua Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi đó Cục sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích nhập cảnh, có thể gia hạn 3 tháng, 6 tháng, tối đa là 1 năm (trường hợp có thẻ tạm trú, có giấy phép hành nghề, có thể được gia hạn 3 năm). Tuy nhiên, số “Tây balô” dạy học chui ở Việt Nam cũng không ít, gây ra nhiều phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh trật tự

Thu Phương
.
.
.