Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trên Cửu đỉnh triều Nguyễn

Thứ Hai, 16/06/2014, 12:37
Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, mới đây, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện thêm một bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó chính là những chi tiết, hình ảnh về biển đảo được khắc họa tinh xảo trên bề mặt bộ Cửu đỉnh, được Bộ VHTT&DL công nhận là báu vật Quốc gia…

Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho lính thợ phường Đúc, Huế, đúc vào năm 1835, gồm 9 đỉnh đồng: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh và được xem là báu vật tượng trưng, gắn liền với tên tuổi và công lao của 9 vị vua có công với triều đình nhà Nguyễn. Bộ Cửu đỉnh được đúc theo dạng bầu tròn, cổ thắt, trên miệng có 2 quai và dưới bầu có 3 chân.

Trong đó, Cao đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long, người sáng lập triều đình nhà Nguyễn nên được đúc với trọng lượng lớn nhất (2.601kg) và cao 2,5m. Theo các tài liệu lịch sử, trên mỗi đỉnh, vua Minh Mạng đã chọn ra những người thợ giỏi bậc nhất của nước Việt Nam lúc bấy giờ để chạm khắc 17 họa tiết và 1 bức họa thư thể hiện cảnh vật, núi sông, trời biển và sản vật của đất nước. Đến tháng 3/1837, toàn bộ 9 đỉnh đồng trên được đúc hoàn thành và được vua Minh Mạng cho đặt trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành (Đại Nội - Huế).

Trải qua gần 180 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế đánh giá: Ngoài mang tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 tấm họa tiết được chạm nổi tinh xảo... Đáng quan tâm, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Phan Thuận An (trú ở TP Huế), phát hiện trong số các họa tiết được chạm khắc trên bề mặt của bộ Cửu đỉnh có hình ảnh biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo ông Phan Thuận An, hình ảnh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được khắc rõ nét nhất nằm ở bề mặt Cao đỉnh, với 3 hình ảnh là biển Đông, ô thuyền (thuyền thường được quân tuần tiễu thời vua Gia Long dùng để đi biển) và con ba ba. Ngoài ra, trên Nhân đỉnh còn có chạm khắc hình ảnh biển Nam, cá voi, đồi mồi. Hình ảnh biển Tây, thuyền rồng, con rùa trên Chương đỉnh và cửa biển Thuận An, cửa biển Đà Nẵng, biển Cần Giờ trên Nghị đỉnh, Dụ đỉnh, Thuần đỉnh...

Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu, tư liệu Hán - Nôm được người dân Thừa Thiên - Huế gìn giữ, trong đó có Châu bản triều Nguyễn vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì những hình ảnh biển đảo được khắc ghi trên bộ Cửu đỉnh từ thời vua Minh Mạng là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, góp phần khẳng định: Hoàng Sa và Trường Sa là một phần không thể tách rời lãnh thổ Việt Nam!

Lê Anh
.
.
.