Khám phá hẻm Sài Gòn

Thứ Tư, 19/01/2005, 08:34
Cái từ "hẻm" trong kho tàng ngôn ngữ dân gian có từ khi nào? Tôi đi hỏi, ai cũng chỉ cười: Hẻm là hẻm! Ông già bán xá xíu đầu hẻm thì càng hóm hỉnh: "Chú mày ạ! Ngôn ngữ Việt Nam có cụm từ ‘ngõ hẻm’. Thành phố Hà Nội ra đời trước dùng từ ngõ để chỉ các lối đi trong phố. Thành phố Sài Gòn mình thành lập sau dùng từ hẻm cho tiện ấy mà”.

Có ai sống ở thành phố mà không liên quan đến hẻm? Xin đừng trưng ra câu “nhà mặt tiền” vội. Bởi, cái tư duy và phương cách làm ăn ở ta từ trước đến nay thì phần lớn những căn nhà mặt tiền kia dùng mở cửa hiệu, công ty, trung tâm... chứ không mấy ai có nhà mặt tiền lại đóng cửa để đấy. Đa phần, người ta dồn diện tích để cho thuê. Cái sự dồn nén ấy mặc nhiên đưa cuộc sống sinh hoạt của phần lớn người dân vào trong hẻm. Hẻm phong phú? Hẳn rồi! Một du khách nước ngoài tâm đắc: “Đến với Sài Gòn mà chưa từng la cà trong các hẻm thì chưa phải mác... Tây balô!”.

Công bằng mà nói, hẻm chứa đựng tất cả những vinh quang, cay đắng và hỉ, nộ, ái, ố trên đời. Bên cạnh những tương thân, tương ái, nhân từ, đức độ thì đâu đó trong những con hẻm của chúng ta tồn tại không ít những tiêu cực, tệ nạn và thậm chí cả tội ác!

Hẻm cũng có phận giàu nghèo như phận người. Hẻm giàu thì rộng thoáng, bê tông nhựa và cao ráo, sạch sẽ, nhà cao tầng, rào quây gọn ghẽ. Những con hẻm nghèo thì khỏi nói người ta cũng hình dung được phần nào. Dẫu mấy năm nay chủ trương bêtông hóa từng con hẻm đã đạt độ phổ cập thế nhưng nó vẫn có những đặc thù bao đời không thể khác: sâu, nhiều gấp gãy, nhiều quẹo ngoéo đến nỗi có số nhà phải gắn tới... 5 cái “xuyệc”.

Rồi những sạp hàng, quầy hàng cứ chìa ra lấn chiếm theo kiểu tạm thời. Nhà nhà mở quán, người người đứng bán, mới ngó tưởng phong phú, nhộn nhịp lắm. Kỳ thực, dân hẻm bán phục vụ nhau là chính. Còn khoản tiếng ồn thì không hà tiện chút nào: tivi, chiếu phim, karaoke, game vi tính, cãi cọ và từng chập từng chập tiếng động cơ xe máy tạo cho không gian bản tổng tấu sôi nổi tới 23 giờ đêm mới tạm lắng.

Đối với đa số người, được sống giữa nội thành là một hạnh phúc. Chỉ cần hai chữ “nội thành” nghe đã hơn người. Hỏi thăm nhà nhau đang ở đâu? Trả lời rằng: tôi đang Q.1, Q.3, Q.5 là được nể lắm... song còn cái thực tế họ có đang chen chúc vào cái nơi mật độ dân số cao nhất thế giới kia và sống theo kiểu gì thì lại là chuyện khác.

Thực tế, đã từng có gia đình quá chật chội phải vận trù chỗ ở đến từng chi tiết nhỏ nhất: nhà 4 người, 2 xe đạp, 1 xe máy; chiều đi làm về, xe đạp úp thìa nhờ ngách nhà hàng xóm. Tối, bao giờ cũng phải đủ mặt gia đình mới ngủ được. Xe đạp con bé đi học muộn treo lên tường. Xe máy dựng ngay đầu giường, bàn ghế chồng lên nhau cho chiếc xe đạp còn lại và lúc ấy cái gọi là căn nhà mới đóng nổi cửa. Kể từ ngày cô chị có bạn trai thì “lịch ngủ” còn sát sao hơn. Ông bố quy định: cô gái chỉ được hẹn hò với người yêu vào ban ngày. Nếu bất quá ban tối thì 22 giờ là giới nghiêm.

Có những căn nhà chỉ vẻn vẹn 15m2 nhưng trong đó tồn tại đến... 3 phân vùng: gác lửng, giường và... "cộng hòa liên bang..." đất! Những cặp vợ chồng trong cùng nhà không ai dám sinh con.

Ai cũng bảo: “Ở thành phố là nhất!”. Có lẽ hơi nhầm! Đối với những ông, những bà từ nhà quê về thăm con cháu, người thân thì: Tôi bị đày trong cái hẻm hun hút này đã hai tháng rồi! Nhà gì mà cứ san sát vào nhau. Hễ mở cửa ra là thấy người ta cứ nhìn chòng chọc vào mình. Ngày thường cả nhà nó đi làm, đi học hết, mỗi tối bó gối trước cửa sắt trông ra hẻm như thằng tù, chân tay cuồng rộc! Tôi là tôi phải nói dối nó xin về quê mấy tháng rồi lại vào. Nhưng mà bác ạ! Tôi mà về được quê thì còn lâu tôi mới đâm đầu vô cái hẻm như cái hút lươn này...”.

Những tên hẻm một thời

Hẻm Chùa, Cây Điệp, Cây Me, Vườn Dừa, Vườn Cau, Bà Cả, Bà Hai, Bà Ú, Bà Ù...

Đã xưa rồi một con hẻm lẫy lừng thời Sài Gòn cũ nằm ở trung tâm Q.1: hẻm 100 Nguyễn Công Trứ! Nhắc đến con hẻm này, người ta nhớ tới gã giang hồ nhỏ thó tên là Đại. Gã hùng cứ ở khu Ca Thay rồi vươn ra các vùng lân cận. Với cái căn cứ 100 này, Đại trở thành đầu đảng trong nhóm “Tứ đại thiên vương” (Biệt danh mà giang hồ trước năm 1975 đặt cho 4 gã Đại, Tỳ, Cái, Thế).

Ở Q.10, suốt mấy chục năm, đường Lê Hồng Phong cộm lên mấy con hẻm không số đầy tai tiếng và “chiến tích” gần khu Ba Ta. Tai tiếng đến độ hẻm hình thành cái tên rất rợn người: Hẻm "thịt" hoặc hẻm..."đĩ!". Bất kể ngày đêm, khách chơi bước vào cái “vàm” đầu hẻm đã được đội quân ma cô (gồm bà già, trẻ con) tiếp dẫn chu đáo. Khách được dẫn đến một trong những “động” của khu vực. Tại đây, túc trực hàng vài chục cô gái đủ lứa tuổi, lòe loẹt phấn son, áo váy hở hang đứng ngồi ngả ngớn cho “thượng đế” mặc tình chọn lựa với giá rẻ bất ngờ. Nói là chọn cho oai chứ nếu không chọn được mà quay ra thì thượng đế lỗ nặng. Chọn xong,  ghé qua bàn má mì đóng tiền xuất và... dìu nhau lên gác.

Con hẻm này một thời đa phần người lạ “đóng tiền ngu”. Ví như một thanh niên nào đó đi lạc vào hẻm (dẫu hẻm có lối đi sang khu khác) đều bị chặn lại: đi đâu? Dù cái lý do vào hẻm như thế nào cũng khó thỏa đáng bọn người chặn lại bởi họ vặn vẹo rằng: “Đã biết đây là hẻm "đĩ" sao còn đi vào? Vào mà không kiếm gái thì chỉ có thể là người của công an, ăngten cho công an thôi. Tại sao có bao nhiêu đường đi mà phải qua đường hẻm này? Muốn yên thân, kẻ lỡ đi qua kia nếu sáng dạ thì xì ra 10 ngàn đồng tiền mãi lộ là yên chuyện.

Ngán ngại cho đến bây giờ vẫn là mấy con hẻm bên khu BĐT, các lối đi ngoắt ngoéo đến nỗi người lạ đi vào là quên lối ra. Hẻm này có tiếng bởi một "nghiệp vụ" giang hồ kinh khốc: đòi nợ mướn! Chả là một dạo, khu này có khá nhiều anh chị dữ dằn về trốn tránh nhà chức trách, tụ tập tìm nhau. Dân giang hồ gọi khu này là khu da xanh và da đỏ (tính từ những hình xăm trổ). Một cái tết nọ, có hai thanh niên lạ hoắc (chắc dân đi chúc tết lộn đường) ôm cái xe máy láng coóng chạy vô đã bị đập gãy nửa hàm răng chỉ vì tội “phóng nhanh, máy nổ điếc tai...”.--PageBreak--

Đòi nợ mướn song hành với đâm thuê. Mấy cộm cán nương náu chờ... việc ở đây từng dựng vở đâu có thua gì phim xã hội đen Hồng Kông. Nợ khó đòi dứt khoát tiền công ăn nửa số. Còn đánh mướn! Thang giá quá rõ ràng và tiền công ăn theo tình trạng vết chơi: số vết rạch mặt, lượng máu đổ, răng rụng... tất tật vẫn chỉ là hợp đồng miệng mà đa phần xài tiếng lóng!

Đồng dạng khu này là hẻm 26, Q. Gò Vấp. Trước đây, nơi này là khu căn cứ quân sự. Từ ngày đất nước mở cửa, nó chuyển ngay thành khu... hầm bà lằng: buôn lậu, đạo chích, quái xế, bụi đời... Mấy cụ già cao tuổi người địa phương bảo chưa thấy nơi nào từng tập hợp đầy đủ các ngôn ngữ địa phương như khu này.

Một dạo đi tìm tài liệu viết bài, ngồi quán cà phê nghe được con hẻm người ta đặt tên là “hẻm thành phố Ma”; hẻm nằm ở cuối đường CVA nhưng vì gò mả ở khu này nhiều, người sống xen kẽ, chung với mồ mả. Mấy bà nội trợ vừa kể vừa khẳng định: “Không ma sao được khi họ ăn, ngủ, nghỉ ngơi cùng cạnh gò mả, trên gò mả. Chỉ riêng cái cảnh trời chưa sáng, họ múa may tập khí công giữa cái khu vực mả vuông, mả tròn như thế thoạt nhìn chả khác... ma hiện hồn!”.

Khu Sở Thùng mấy năm trước có một hẻm tên là: hẻm Quảng Ngãi! Mới nghe qua thấy thật! Nhưng khi tìm đến nơi mới vỡ lẽ vì phía cuối hẻm đa phần dân di cư quê Quảng Ngãi. Thương lắm! Họ làm bất cứ nghề gì có thể để kiếm sống. Phổ thông nhất vẫn là lượm ve chai. Những người dân đồng cảnh cứ nương vào nhau mà sống.

Bao nhiêu năm rồi, khu Bà Chiểu có cái hẻm gọi là hẻm Bầu cua, nơi đây nằm cạnh rạp Huỳnh Long. Năm nào cũng vậy, dân lắc bầu cua tụ về lắc đúng 3 ngày Tết. Có Tết, người lớn trẻ con xúm đông xúm đỏ. Len chân vào đây đã khó, nhưng ăn nổi tiền của những nhà cầm cái có các ngón lắc bịp đời thần sầu kia còn khó vạn lần. Kinh! Có thằng thợ lắc còn đào vỉa hè để chôn xuống cả cục hít (nam châm) to tổ bố và chỉ nhoáng một cái, mấy chú chạy cờ đã “siêu âm” xong con mòng nào nặng túi và "đánh chữ" cho thằng thợ lắc đeo vài chiêu cho đến khi con mòng kia... ở trần mà về! Cuộc chơi chỉ tồn tại ba ngày Tết – cái lúc mà bọn trẻ còn chút tiền lì xì trong túi. Tết qua: rã đám.

Bên Q.7, có những con hẻm được gọi vui là... hẻm tạm trú, một phép tính chia cái con số vui vật vã: có con hẻm cao điểm 1 nhân khẩu gánh tới... 24 người tạm trú! Tại khu vực này còn có cái tên hẻm đúng nghĩa: hẻm Cô đơn! Con hẻm bé tẹo nhưng luôn có khoảng gần trăm cô gái chưa chồng. Xen kẽ những cô gái thợ may, công nhân khu chế xuất lương thiện là không ít những “nàng Kiều” thời di động...

Đã có hẻm ta thì có hẻm Tây. Cái danh từ Tây bây giờ quá quen thuộc rồi. TB có “chung cư Tây”. Q.1 có “phố Tây, hẻm Tây... Nước ta hình như là nơi có số lượng Tây balô vào loại nhiều nhất Đông Nam Á. Các dịch vụ... theo Tây được bung ra: cơm bụi, bida, cho thuê phòng, cho thuê xe máy... đúng điệu kiểu Tây. Vui nhất là nhiều khi những dịch vụ này có cổ phần (hùn hạp) của những ông Tây balô không hộ khẩu.

Những nỗ lực diệu kỳ

“Tôi phục mấy ông chính quyền với công an bây giờ quá! Sao ư? Thì toàn bộ hệ thống kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hũ... nhà, chòi, ứ tắc... đan ken hàng nửa thế kỷ; chính quyền Sài Gòn cũ đã bó tay. Vậy mà bây giờ giải tỏa, di dời, thông thoáng được. Tài lắm!”. Đó là lời khen chân thành của đa số người dân từng sống hai chế độ ở Tp. HCM.  Ngày nay, du khách có thể nhàn tản đi bộ hai bên bờ kênh kè đá với những thảm cỏ, cây cối xanh thanh bình dọc kênh Nhiêu Lộc. Để có được những giây phút nhàn tản này, có biết bao mồ hôi, công sức và nỗ lực của chính quyền và nhân dân thành phố.

Phong trào bêtông hóa hẻm mấy năm qua thực sự đem lại nhiều thiết thực cho đời sống người dân. Hầu hết những con hẻm lầy lội đã không còn lầy lội. Người dân tự nguyện đóng góp chi phí cùng làm với Nhà nước để nâng cấp những con hẻm của mình. Có suy diễn quá hay không khi nâng cấp con hẻm của mình chính là chúng ta đã nâng tầm văn hóa lên một thang bậc mới!

Những “hẻm đĩ”, “hẻm bịp”, “hẻm sầu đời” đã mất tên không phải theo thời gian mà do nỗ lực truy triệt, xử lý của nhà chức trách. Những khu tiếng tăm một thời như Chương Dương, Vân Đồn, Tôn Đản, Mả Lạng, ga xe lửa cũ... nơi đã mất tên, nơi đã yên bình trở lại. Đã có người từng định thay những “Cây Me, Cây Điệp...” bằng những con hẻm mang số nhưng hình như đó không hợp gu với lối gọi dân dã của Sài Gòn.

Với một thành phố đông dân, phức tạp như Tp. HCM thì nội chuyện “quản lý hẻm” thôi đã là chuyện không nhỏ. Đợt khảo sát thực tế tình hình dân nhập cư 2004 vừa qua, ban Pháp chế HĐND thành phố thống kê những con số đáng giật mình: Có phường chỉ 5.000 căn nhà nhưng trong những con hẻm kia 1/3 là những căn nhà không số; 3.000 phòng cho thuê; gần 1.000 người tạm trú... Thậm chí, có phường những người dân nhập cư chiếm 76% dân số như phường TT, Q. Tân Phú. Về tình hình trật tự, theo CA TP hiện chỉ  có 80% chủ hộ cho thuê nhà, thuê phòng là quản lý được, còn lại là chưa thể kiểm soát...

Rõ ràng, mảng khuất của bức tranh còn nhiều việc phải làm. Các tình trạng phạm pháp, sống lơ lửng, trôi dạt và vạ vật tạm bợ... chỉ chờ sự lỏng lẻo của nhân viên chính quyền là lập tức trồi lên. Ngoài ra tình trạng môi sinh, môi trường cùng hàng loạt vấn đề hạ tầng đòi hỏi phải xử lý rốt ráo...

Có thể nói, những thực trạng trên không chỉ thách thức những người quản lý đô thị và xã hội mà còn là nỗi e ngại đối với đa số chúng ta. Xóa bỏ những tệ nạn trong những con hẻm của Tp. HCM không chỉ là mong muốn  mà đã nâng lên thành mơ ước của nhiều người. Để lành mạnh hóa một địa bàn không chỉ là chuyện ngày một ngày hai. Có lẽ, cách tốt nhất là chung tay gắng sức, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người để xây dựng những con hẻm, những khu phố văn hóa giàu đẹp

Việt Hoà
.
.
.