Khai quật tàu cổ Hội An

Thứ Hai, 08/05/2006, 08:33

Trong số 10 con tàu cổ bị đắm trên vùng biển Việt Nam được phát hiện mấy năm qua,  có tới 4 chiếc bị đắm trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Người viết bài này chưa bao giờ được theo các nhà khảo cổ để "khảo cổ" các con tàu đắm. Thế nhưng bù lại đã được các nhà khảo cổ học kể cho những câu chuyện với nhiều tình tiết lý thú...

Theo Tiến sĩ (TS) Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì  các bình gốm Chu Đậu có hoa văn tinh xảo, những cổ vật được vớt lên ở con tàu cổ Hội An từ vùng biển Cù lao Chàm trong đợt triển lãm Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2006 là luận cứ khoa học, góp phần chứng minh cho sự tồn tại của nghề gốm Chu Đậu (Hải Dương) ở Việt Nam hàng thế kỷ trước.

Những cổ vật từng nằm sâu dưới lòng đại dương hàng trăm năm nay đã khiến TS Quân hồi tưởng lại những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - thời điểm cơn lốc về  cổ vật tàu đắm Hội An xoáy sâu vào lòng dân xứ Quảng. Phải gần 7 năm sau, được phép của Bộ VH-TT, các đơn vị chức năng gồm Visal, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Trung tâm Khảo cổ học Trường đại học Oxford (Anh) mới tiến hành phối hợp khảo sát, xác định chính xác vị trí đắm của con tàu cổ.

TS Phạm Quốc Quân, người đã từng tham gia từ đầu đến cuối cuộc “khai quật” con tàu cổ bị đắm này còn nhớ như in những ngày “nằm gai nếm mật”. Ông kể: “Tàu nằm sâu cách mặt nước trên 70m là một thách thức lớn đối với khảo cổ học trong và ngoài nước nên việc tiếp cận nó là vô cùng khó khăn. Đã thế lúc trời yên thì dòng chảy của vùng biển Cù lao Chàm lại cực kỳ phức tạp; và khi dòng chảy tạm ổn thì trời Cù lao Chàm chẳng chịu yên”.

Vùng biển Cù lao Chàm vừa “đỏng đảnh” vừa hung dữ đã ít nhất 3 lần làm thất vọng các chuyên gia khảo cổ học đến từ 7 nước khác nhau trên thế giới trong quá trình “thám sát” tàu cổ Hội An. Chuẩn bị cho đợt “khai quật” lần một, hai thợ lặn nước ngoài chưa tiếp cận được mục tiêu đã bị nổ mắt kính, phải chuyển ngay lên tàu. Trong khi hai thợ lặn này đang nói lảm nhảm do nồng độ nitơ trong máu quá cao thì hai thợ lặn khác vừa thay thế cũng suýt mất mạng bởi thiết bị lặn có sự cố. Lần thứ hai tiếp cận tàu cổ vùng biển Cù lao Chàm, các nhà khảo cổ học nước ngoài đã tiến hành quy mô hơn, đồng bộ hơn thông qua việc sử dụng hỗn hợp khí nitơ, ôxy cho thiết bị lặn.

Thông thường, mỗi thợ lặn xuống 45 phút là phải lên khỏi mặt nước và tiến hành giảm áp trong suốt 3 giờ liền. Tuy nhiên, do tàu cổ đắm ở độ sâu quá lớn, thời gian quy định lại ít nên nhiều khi các thợ lặn chưa tiếp cận được mục tiêu đã hết giờ... Tốn hơn 500 ngàn USD cho các thợ lặn mà tọa độ tàu cổ vẫn bặt vô âm tín. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, bởi bước sang ngày thứ tư của đợt khảo sát lần hai thì có một cơn bão ập đến bất ngờ. Tại vùng biển Cù lao Chàm, cơn bão này đã suýt cướp đi 47 sinh mạng, trong đó chủ yếu là các chuyên gia khảo cổ học dưới nước và thợ lặn hàng đầu thế giới như Mỹ, Indonesia, Anh, Hà Lan, Việt Nam...

Cơn bão đến nhanh và mạnh chỉ trong vòng nửa ngày nên thủy thủ của đoàn (trên hai xà lan, một tàu kéo và một tàu liên lạc) đã không kịp trở tay.  Một đêm vật lộn với bão tố, 2 dây neo trong tổng số 4 dây neo của xà lan đã bị vắt chéo lên nhau và xà lan có nguy cơ bị lật nghiêng. Hàng tấn nitơ trên tàu có trị giá hàng tỉ đồng và toàn đoàn khảo sát có nguy cơ thành thiên cổ... Những giây phút cuối cùng của đêm đen, thuyền trưởng người nước ngoài đã quyết định chặt đứt hai dây neo xà lan trị giá hai tỉ đồng để cứu đoàn... Bình minh ló rạng,  bão bớt dữ dội và lúc đó xà lan chở 47 sinh mệnh đang trôi tự do cũng được tàu kéo đưa về cảng Đà Nẵng sửa chữa.

Lần thứ ba tiếp cận tàu cổ Hội An, các nhà khảo cổ học đã phải dùng phương pháp bão hòa khí thông qua chuông lặn bằng kim loại mà trong chuông đã được trang bị những phương tiện thông tin hiện đại nhất để xử lý hình ảnh phục vụ kịp thời công tác định vị tàu và trục vớt cổ vật. Có mặt tại vùng biển Cù lao Chàm lần này, ngoài 4 thợ lặn thay phiên nhau trong chuông lặn được thả luân phiên xuống nước là 100 chuyên gia, cán bộ của 7 quốc gia nổi tiếng về khảo cổ học dưới nước.  Ngay cả khi hai chuông lặn thay nhau kéo lên khỏi mặt nước thì các thợ lặn cũng phải thường xuyên ở trong khối cầu ấy và hàng ngày được cán bộ đoàn phục vụ cơm nước.--PageBreak--

Ở hàng tháng trời trong khối cầu kim loại, hết lôi lên rồi lại thả xuống, thợ lặn nào chẳng muốn ra nhưng làm gì được phép, bởi nếu họ ra ngoài, lại phải ngốn mất 3 giờ giảm áp, và hao phí cho quá trình giảm áp không nhỏ. May mắn là những nỗ lực của hơn 100 con người trong quá trình tiếp cận mục tiêu đã được đền đáp. Với tổng mức đầu tư trên 6 triệu USD, xác một con tàu kích thước 29,4mx7,2m... được làm bằng gỗ tếch, với hơn 240.000 hiện vật trên tàu, chủ yếu là đồ gốm sứ có nguồn gốc Chu Đậu và hàng trăm hiện vật là tư trang hành lý của thủy thủ đoàn như ấm, ang, nồi, chiêng cháo, cốc, chày, nhẫn vàng, tiền xu... hành lý của thủy thủ đoàn đã được các nhà khảo cổ đưa ra khỏi lòng đại dương chất lên 7 chiếc xe ôtô tải chở về kho chứa.

TS Phạm Quốc Quân hồ hởi kể về bộ sưu tập độc đáo từ vùng biển Cù lao Chàm, còn một điều nữa là lần đầu tiên trong đợt “khai quật” tàu Hội An, đoàn khảo cổ đã phát hiện 11 hài cốt, trong đó có sọ một phụ nữ tương đối hoàn chỉnh độ 25 tuổi và sọ một bé trai khoảng 3 tuổi có đặc điểm chủng tộc Thái.

Sau khi được chia cho các đơn vị trưng bày: Bảo tàng Lịch sử  Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Quảng Nam, một phần cổ vật tàu cổ Cù lao Chàm đã được Công ty Buterfild (Mỹ) đưa về Mỹ bán đấu giá. Do công tác tiếp thị chưa tốt nên người Việt ở hải ngoại chưa được tiếp cận, nắm bắt thông tin về cuộc đấu giá và giá trị cổ vật vì vậy không làm nóng “sàn” đấu giá. Cuối cùng Việt Nam  chỉ thu về hơn 4 triệu USD. Còn lượng cổ vật từ tàu cổ Hội An bị đắm trên vùng biển Cù lao Chàm mà Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Visal được ăn chia theo tỉ lệ trong quá trình trục vớt khai thác hiện không nhỏ và được gìn giữ cẩn thận.

Đến nay, “tiếng nói” từ hàng trăm ngàn cổ vật được phát hiện dưới lòng đại dương của 10 con tàu bị đắm trên vùng biển Việt Nam được phát hiện trong vòng 15 năm qua đã giúp các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước có thêm luận cứ khoa học chứng minh con đường tơ lụa gốm sứ trên biển cách nay nhiều thế kỷ, thể hiện sự giao thương của hai nền văn minh Đông và Tây đã đi qua biển Việt Nam. Theo các chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Trung tâm KHXH&NV quốc gia, Trung tâm Khảo cổ học Trường đại học Oxford (Anh) thì sự giao lưu buôn bán giữa hai nền văn minh Đông - Tây đã có từ những thế kỷ đầu CN, song đến thế kỷ X, XI mới bắt đầu rộng mở. Hàng loạt thương cảng, thương điếm đã được hình thành, tạo nên sự sầm uất của con đường tơ lụa, gốm sứ trên biển.

Các chuyên gia nhận định rằng con đường tơ lụa, gốm sứ trên biển với điểm cực tây từ Roma (Italia) qua các hải cảng vùng Bắc Phi, Trung Cận Đông, men theo phía nam biển Ấn Độ, qua Thái Lan, vòng qua eo biển Malacca, sau đó chia ra hai ngả. Ngả thứ nhất men theo vùng biển Việt Nam, qua các cảng Côn Đảo - Cù lao Chàm - Hội An vào vùng biển nam Trung Hoa để tới nam Nhật Bản. Ngả thứ hai đi vào quần đảo Indonesia, Philippines rồi ngược lên vùng phía nam Trung Hoa, để tới nam Nhật Bản. Điểm tận cùng phía đông con đường này là cảng Hakata trên đảo Kuyshu (Nhật Bản).

Hơn 1.000 cổ vật được “lọc” ra từ kho báu dưới lòng đại dương để đến với Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2006 lần này vừa đa dạng về màu sắc, vừa phong phú về chủng loại, có nguồn gốc từ Chu Đậu (Việt Nam), Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, một lần nữa chứng minh sự giao thương giữa nước ta với nước ngoài đã có từ lâu và kỹ thuật sản xuất đồ gốm của ông cha ta đã đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ đó

Ngọc Luận
.
.
.