Huyền thoại Thất Sơn và vị đạo sĩ cuối cùng
Thất Sơn - vùng đất kỳ bí nhất của miền đồng bằng Nam Bộ - đã dệt nên vô số những câu chuyện truyền thuyết kỳ bí về những đạo sĩ, những nhân vật mai danh ẩn tích, luyện võ, học đạo cứu giúp người nghèo khổ. Bây giờ trên dãy Thất Sơn chỉ còn lại vị đạo sĩ cuối cùng tuổi đã gần 90, lặng lẽ với nghề bốc thuốc cứu người.
Thất Sơn có nghĩa là Bảy Núi, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, người dân miền Tây cũng quen danh từ Bảy Núi. Núi Cấm là 1 trong 7 ngọn núi thuộc dãy Thất Sơn, vì sao gọi là Núi Cấm thì có rất nhiều giả thiết, có người kể lại rằng, Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã có lúc phải vào núi này để chạy trốn, thao luyện binh mã, để tung tích không bị tiết lộ, các cận thần họ Nguyễn đã cấm dân chúng vào núi.
Đạo sĩ trên đỉnh Thiên Cấm Sơn
Người thì kể rằng, có một đạo sĩ có tên Đơn Hùng Tín, thuở làm tướng cướp đã dùng nơi này làm sào huyệt, do đó, ông cấm người dân bén mảng tới. Lại có người cho là, Phật thầy Tây An, người khai sinh ra Bửu Sơn Kỳ Hương đạo đã cấm các tín đồ của mình lên núi cất nhà ở, Phật thầy sợ có người ăn ở sẽ làm ô uế núi non.
Theo học giả Nguyễn Văn Hầu, tác giả cuốn “Nửa tháng trong miền Thất Sơn”: Đơn Hùng Tín chính là người bắt đầu cho truyền thuyết đạo sĩ trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tín, gốc ở rạch Cái Sao, làng Nhị Mỹ, quận Cao Lãnh. Cuộc đời giang hồ của Đơn Hùng Tín từng ngang dọc từ Xiêm Riệp tới Mỹ Tho, người đương thời không mấy ai không biết tiếng.
Hồi nhỏ, Tín là tá canh cho một điền chủ, bất bình trước cảnh tá điền - điền chủ, nên bỏ xứ ra đi. Thiếu thời, Tín đã nuôi chí làm “anh hùng” để trừ các tay điền chủ khắc nghiệt. Trên quãng đường phiêu bạt, Tín học võ thuật và đạo thuật, sau Tín chiêu nạp anh em, cùng nhau đi cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Vì tấm lòng hiệp nghĩa đó, người trong vùng thường gọi Tín là Luông Tín (Vua Tín). Năm 1926, có tin Đơn Hùng Tín bị mật thám Pháp bao vây và bắn chết tại Mỹ Tho, nhưng đệ tử của Tín nói rằng, đó không phải là Đơn Hùng Tín mà chỉ là một kẻ mạo danh. Đơn Hùng Tín nhận ra con đường mình chọn là sai lầm, từ đó, ông giải nghệ và đi tu.
Người khai hoang đầu tiên trên Núi Cấm không phải là đạo sĩ Đơn Hùng Tín, vào những năm 1850, thầy Đoàn Minh Huyên, người đời sau còn gọi là Phật thầy Tây An đã cùng với rất nhiều môn đệ đặt những bước chân đầu tiên lên đỉnh Núi Cấm. Phật thầy đã thực hiện giáo lý tự tu tự độ, hướng dẫn môn đệ khai hoang nhiều nơi ở miệt An Giang, Núi Cấm là một vùng trong số đó.
Ban ngày các tín đồ đi khai hoang, đêm về thì lễ bái, niệm Phật, tham thiền. Theo tinh thần vô vi, nhập thế, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương dù xuất gia cũng vẫn phục sức như người thường và tự làm lấy để sống mà tu. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương nhiều người đã tuân theo thuyết nhập thế ấy, hòa với chúng sinh để giúp đời.
Phật thầy Tây An có 2 đại đệ tử là cụ Đình Tây và cụ Tăng Chủ, 2 cụ có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng phi thường. Có một truyền thuyết về cụ Tăng Chủ thế này: cụ Tăng võ nghệ rất giỏi, hình vóc cao lớn, miệng rộng, tai dài, tiếng nói sang sảng. Ông có tài áp phục thú dữ, có lần ông Tăng Chủ một mình cầm mác rượt... cọp, khi đánh con cọp bất tỉnh, ông không giết mà lại thả cọp về rừng, từ đó, con cọp cũng “tu” và không dám bén mảng tới khu dân ở.
Năm 1911, người ta thấy xuất hiện tại sườn Núi Cấm một thảo am và một đạo sĩ lực lưỡng, khoác áo tràng đen, chân đất, đầu búi tóc, ngày hai buổi ngồi thiền nhưng đêm đêm vẫn mài gươm luyện võ, người này xưng danh là Bảy Do. Lâu dần, người người kéo về quy phục rất đông. Đạo sĩ Bảy Do cho dựng lên một ngôi chùa lớn, lấy tên là Nam Cực Đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nam Cực Đường thu phục hàng ngàn đệ tử. Cụ Bảy Do vốn là người yêu nước và Nam Cực Đường đã trở thành tổng hành dinh của một tổ chức kháng chiến chống Pháp.
Sau này, Pháp gài mật thám giả làm bổn đạo. Năm 1917, Pháp đem quân bao vây Nam Cực Đường, đạo sĩ Bảy Do bị bắt cùng với hơn chục môn đệ. Ông bị kết án và giam tại khám lớn Sài Gòn, rồi bị phát lãng tại Côn Lôn. Đạo sĩ Bảy Do đã cắn lưỡi tử tiết vào năm 1926, khi đó ông mới 45 tuổi.
“Kị mã” leo đỉnh Cấm Sơn
Trên đỉnh Thiên Cấm Sơn có ngôi chùa Phật Lớn nổi tiếng linh thiêng, ngày thường phật tử khắp nơi về lễ lạt rất đông. Đường từ chân lên đỉnh Thiên Cấm Sơn có thể nói là con đường “chông gai” nhất miền Tây, đồi dốc không chỉ thoai thoải mà hầu hết là dựng đứng, không ít đá hộc chắn ngang đường.
Từ ngày xưa, khách hành hương lên chùa Phật Lớn phải đi mất 2 ngày, ngày đi, ngày về. Chỉ có người trong vùng mới dám chạy xe, người lạ không tài nào dám chạy xe lên xuống Núi Cấm. Sau này, không biết ai nghĩ ra loại xe ôm leo núi, thế là ngày nay dưới chân Núi Cấm có một đội ngũ hơn 100 chiếc xe ôm thường trực, có người vui miệng gọi đây là đội quân “kị mã” Núi Cấm.
Đường từ chân lên tới đỉnh Núi Cấm đi đường xe hết khoảng 10 cây số nhưng các bác tài “hét” giá 60 đến 70 nghìn. Giá cả “đắt đỏ” như thế nhưng khách vẫn gọi xe ôm đông nườm nượp, vì thế rất nhiều đàn ông dưới chân Núi Cấm đều ra làm xe ôm. Một ngày, mỗi bác tài chỉ cần một khách cũng kiếm được hơn 50 nghìn.
Lâu dần, khách càng đông cánh xe ôm càng nhiều, tranh giành khách diễn ra như cơm bữa dưới chân núi linh thiêng. Thế là, cánh xe ôm “chân chính” tập hợp nhau lại để thành lập hẳn một... nghiệp đoàn xe ôm. Vài chục người rồi lên đến hàng trăm người được điều chuyển, hoạt động như một hợp tác xã. Đến lượt ai người đó xuất bến, và phải có giấy của lãnh đạo nghiệp đoàn. Đây có lẽ là một nghiệp đoàn xe ôm kỳ lạ nhất nước ta.
Hỏi về các vị đạo sĩ, giới xe ôm Núi Cấm có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ. Anh xe ôm tên Ba chở chúng tôi leo đỉnh Thiên Cấm Sơn quả quyết rằng, hiện giờ, đạo sĩ trên đỉnh Cấm Sơn chỉ còn lại duy nhất một người: ông Ba Lưới, những người còn lại hầu hết là từ nơi khác đến, không thì cũng chỉ là mạo danh đạo sĩ để làm những chuyện “thương thiên hại lý”. Anh khuyên chúng tôi, nếu muốn biết tường tận về các đạo sĩ, phải gặp cho được đạo sĩ Ba Lưới.
Vị đạo sĩ cuối cùng và nỗi buồn nhân thế
Đạo sĩ Ba Lưới ngồi trước mặt chúng tôi trong căn nhà gỗ nhỏ chênh vênh bên suối, một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu sồng, đầu quấn khăn rằn, 88 tuổi nhưng đôi mắt vị đạo sĩ già này vẫn còn tinh anh lắm.--PageBreak--
Ông tên thật là Nguyễn Văn Y, quê gốc Chợ Mới, An Giang. 22 tuổi, mộ danh những đạo sĩ trên đỉnh Cấm Sơn, ông bỏ quê lên núi tầm sư học đạo.
Ông kể, ông không nhớ chính xác mình đặt chân lên đỉnh Núi Cấm vào năm nào, khoảng năm 1945, ngày ấy đường lên đỉnh Núi Cấm chỉ là những đường mòn trơn trượt, cây to che phủ tứ bề, rừng rậm đến nỗi không một ánh nắng lọt xuống. Rừng xanh thăm thẳm, chim kêu, vượn hú nghe đến rợn người, ông Ba Lưới kể rằng, hồi đó, người yếu bóng vía thường không dám bước chân đến vạt rừng quanh Núi Cấm.
Ngày đầu trên đỉnh Núi Cấm, chưa tìm được nơi ở của các vị đạo sĩ chân tu, ông tự hái trái rừng, đào hang để ở và tự tu luyện một mình. Lần hồi ông mới tìm đến những thảo am của những vị đạo sĩ khác. Thời gian này trên đỉnh Núi Cấm rất đông đạo sĩ tu luyện. Hầu hết họ đều ở trong hang núi, họa hoằn lắm mới có người cất thảo am để tu luyện, phần đông trong số đó là theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Tây An sáng lập lên, ông Ba Lưới sau này cũng theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông còn làm quản sự một ngôi chùa trên đỉnh Thiên Cấm Sơn.
Chúng tôi hỏi ông, nghe đồn ông từng hạ rắn hổ mây, ông cười hiền hậu rồi kể rằng, ngày mới lên Thiên Cấm Sơn, rắn rết nhiều vô kể. Một hôm ông đi kiếm củi về, đột nhiên thấy một con hổ mây đen thui, dài có đến bốn mét vắt ngang thân cây. Nghe tiếng đạp lá rắc rắc, con rắn khổng lồ ngóc đầu dậy lao về phía ông.
Ông Ba Lưới nhẹ nhàng thoát miếng đớp của con rắn, bình tĩnh nhìn hướng di chuyển của nó, ông lấy sức bình sinh giáng thật mạnh một đòn gánh chí mạng vào cổ rắn. Con rắn này sau khi chết, ông đâu dám ăn thịt, ông hì hục đào một cái hố lớn và... chôn cất tử tế. Đây là con rắn lớn nhất mà ông từng được chạm mặt. Ông bảo cuộc đời tu luyện của ông trên đỉnh Núi Cấm này gặp hàng chục con rắn khổng lồ.
Nhưng người đời truyền tụng, giữ sự kính trọng đối với các vị đạo sĩ Thất Sơn không phải từ những câu chuyện mang tính truyền thuyết ấy, đạo sĩ Thất Sơn ai cũng có tài bốc thuốc cứu người, nhiều đạo sĩ như ông Ba Lưới có mặt trên đỉnh Cấm Sơn cũng vì lẽ đó.
Theo lời ông Ba Lưới, lúc ngọn Núi Cấm này còn hoang vu, cây rừng là nguồn thảo dược vô cùng phong phú, người ta đã từng gọi nơi đây là “kho thuốc” Bảy Núi. Cuộc đời ông Ba Lưới gắn liền với núi rừng, tháng nào ông cũng bỏ ra vài ngày, lặn lội khắp các hang sâu, núi thẳm tìm cho được những cây thuốc quý về trị bệnh cứu người. Nhiều thầy thuốc và những người sống bằng nghề bốc thuốc ở vùng Bảy Núi - An Giang đều coi ông là bậc tiền bối về nghề hái thuốc, ông đã đặt chân lên khắp vùng Thất Sơn, từ núi Két, núi Cô Tô, núi Tượng, núi Dài cho đến đỉnh Thiên Cấm Sơn.
Ông Ba Lưới nhớ có lần, người ta khiêng lên cho ông một người bệnh thập tử nhất sinh, người này bệnh viện đã trả về vì hết khả năng cứu chữa, người nhà năn nỉ quá, cái tâm người thầy thuốc khiến ông không thể chối từ. Bệnh viện đã trả về thì bệnh nặng khỏi nói.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, người nhà bệnh nhân phải thuê người khiêng từ chân núi lên, bệnh nhân đến tay ông chỉ còn thoi thóp, bắt mạch, ông biết người bệnh này chỉ còn một tia hy vọng sống sót. Ông đã bỏ ba ngày, ba đêm để mày mò tìm bệnh, sau đó là những phương thuốc đặc biệt nhất để cứu chữa, túc trực từng phút bên người bệnh, lúc người bệnh hồng hào trở lại cũng là lúc sức già khiến ông mệt mỏi rã rời.
Khi ra về, bệnh nhân và người nhà đã lạy lục cảm cái ơn tái sinh của ông, ông chỉ bảo, số người bệnh chưa tận, chưa thể nào chết được. Nói rồi ông phẩy tay đi vào trong, không nhận bất cứ một đồng nào của gia đình bệnh nhân.
Quanh Núi Cấm, người dân đánh nhau u đầu bể trán, sốt rét hay đau khớp, ung thư, viêm thần kinh, tứ chứng nan y đều tìm đến ông. Ông chỉ rầu một nỗi, từ năm 1980 đến nay, cư dân vùng Bảy Núi và người tứ xứ kéo lên Cấm Sơn phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản bừa bãi khiến cho nhiều loại dược liệu quý hiếm cứ mai một dần. Bây giờ, muốn kiếm được một cây thuốc quý để cứu người, đạo sĩ Ba Lưới phải cơm đùm, cơm nắm, lặn lội vào tận rừng sâu, cực khổ không kém những người đi ngậm ngải tìm trầm.
Lại thêm, bây giờ các thầy thuốc đông, tây y cũng kéo đến khu vực Thất Sơn để tìm dược liệu ngày một đông đúc. Ngày xưa, khi ông tìm được một cây dược liệu quý, ông phải quỳ xuống khấn vái chư thần, coi cây nào nhổ được, không thì dưỡng; không nhổ hết, bứng trọn gốc như mấy thầy lang bây giờ. Biết nếu không giữ, kho dược liệu quý này sớm muộn sẽ cạn kiệt, mấy năm trước, ông bỏ không ít thời gian ra để sưu tầm chúng về rồi trồng và chăm sóc trong mảnh vườn nhà, giờ nhà ông cũng lưu giữ đến vài trăm loại dược liệu quý hiếm.
Hơn 10 năm trước, muốn có người kế nghiệp, đạo sĩ Ba Lưới đã “mở cửa” nhận môn đồ dạy võ, dạy nghề bốc thuốc cứu người, nhưng một thời gian dài, ông không thể tìm ra chân truyền, phần đông môn sinh của ông chỉ chăm chăm học võ, khoe mẽ, cậy võ làm càn, ông chán nản đóng cửa bế môn