Hậu phương vững chắc của những người lính đảo

Thứ Bảy, 29/06/2019, 10:20
Chuyến tàu hành trình đưa đoàn thăm thân vài ngày lênh đênh trên biển cuối cùng cũng đến đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. 

Như những người vợ, người thân cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đây, khi biết tin mình là một trong số những người có mặt trong hành trình, chị Nguyễn Thị Bích Hương, 44 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh nhiều đêm chẳng ngủ được, cái cảm giác mong ngóng khiến thời gian trôi chậm chạp. 

Vậy nên, khi con tàu gần tới đảo, chị và tất cả người thân của cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng di chuyển lên boong tàu, nhìn về phía xa xăm hòn đảo đang là một chấm tròn trên biển mà lòng ai cũng cảm thấy hồi hộp đến khó tả…

Chị Nguyễn Thị Bích Hương hạnh phúc trong lần đầu ra đảo thăm chồng.

“Những ngày lênh đênh trên biển, cứ khi tàu ghé mỗi đảo, nhìn thân nhân các gia đình phấn khởi xuống xuồng là lòng mình lại thêm hồi hộp. Chắc vì thế nên khi gặp chồng, mình chỉ biết ôm chặt anh mà không nói nên lời…” – chị Hương bẽn lẽn chia sẻ.

Trên đảo chìm Đá Đông dịp này chỉ có một người thân ra thăm là chị Hương, người phụ nữ duy nhất được anh em trên đảo ưu tiên nhường một căn phòng làm buồng hạnh phúc. Hằng ngày, ngoài phụ giúp việc cơm nước cho đảo, chị lại lên đơn vị với chồng là Thiếu tá Đỗ Văn Minh, biết công việc của anh bận rộn cả ngày nên chị chỉ lặng lẽ ngắm nhìn anh làm việc…

Trong số những người ra thăm cán bộ, chiến sỹ đợt này, chị Hương sẽ có hành trình đặc biệt hơn cả, ngoài được thăm chồng, chị cũng đang rất mong ngóng được ra thăm con, người lính hải quân đang làm nhiệm vụ trên đảo Phan Vinh. 

Chia sẻ về niềm tự hào khi nhà có 2 người lính làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương, chị bảo, từ nhỏ, tình yêu với biển đảo đã ngấm vào máu của cậu con trai cả Đỗ Đức Toàn (20 tuổi). Toàn luôn thích mặc quần áo lính Hải quân và rất tự hào về bố. Đã rất nhiều lần Toàn bày tỏ mong muốn sau này có thể trở thành một người lính, được vươn khơi, bám biển đảo. Chính vì vậy nên sau khi nhập ngũ, Toàn đã chẳng chút băn khoăn, viết đơn xin ra đảo. 

Hôm tiễn chồng và con ra làm nhiệm vụ, lòng chị cũng có chút lo lắng vì nghĩ đến những khó khăn trên đảo, nhưng rồi người mẹ lại dặn lòng mình, kìm nén cảm xúc, động viên con tập thích nghi, làm quen với sương gió, để trưởng thành và hơn cả là hãy sống hết mình với tình yêu từ thủa nhỏ, trở thành người lính đảo, canh giữ biển đảo quê hương, bảo vệ Tổ quốc…

Cũng giống như chị Hương lần đầu ra thăm chồng, chị Mai Thị Tuyết Lành, 33 tuổi, làm việc tại UBND huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cũng đã nhiều đêm chẳng ngủ được. 

Cái ngày chị xuống xuồng để vào đảo Đá Tây C thăm chồng là Thiếu úy Nguyễn Thành Chung, vợ chồng nhìn thấy nhau mà không thể nắm tay, ôm nhau được vì anh còn đang làm nhiệm vụ điều khiển xuồng đưa các đại biểu vào đảo. Gặp chồng, nhìn anh cười tươi, mồ hôi đổ liên tục khiến chị rưng rưng, chị thấy thương anh nhiều hơn khi nhìn nước da chồng đen bóng.

Theo chị Lành, hai vợ chồng cưới nhau được 7 năm, vì điều kiện công việc mỗi người một nơi nên thời gian gặp mặt ít hơn cả thời gian tâm sự với nhau qua điện thoại. 

Cưới nhau được 9 ngày thì anh lên đường làm nhiệm vụ. Khi vợ gần đẻ con đầu, anh xin nghỉ phép được một tuần về túc trực “hộ đê”, nhưng ngày phép hết mà chị vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Sau hai ngày lênh đênh trên biển trở về đơn vị, anh nhận được tin “mẹ tròn con vuông”…

Cũng trên đảo Đá Tây C, chúng tôi còn có dịp gặp gỡ với ông Vũ Hồng Phúc, bố vợ Đại úy Lê Trung Kiên, Chính trị viên của đảo. Do con gái ông vừa sinh được hơn 5 tháng, không thể ra thăm chồng nên ông được cử đại diện cho cả gia đình.

Trước ngày đi, dù anh Kiên đã nhắn trên đảo thực phẩm được nuôi trồng, cung cấp đầy đủ, đồ dùng cũng không thiếu thốn, dặn mọi người không phải mua gì nhưng tâm lý lo con nói vậy chỉ để cho cả nhà yên tâm nên gia đình ông Phúc chuẩn bị rất nhiều thực phẩm từ đất liền.

Ngày đặt chân lên đảo, người cựu chiến binh này thoáng giật mình vì dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn là vậy mà các cán bộ, chiến sỹ vẫn quy hoạch các khu vực rất ngay ngắn để trồng trọt và chăn nuôi. 

“Dù vẫn còn những khó khăn do các yếu tố khách quan tác động nhưng được ra tận nơi, chứng kiến cuộc sống, điều kiện ăn ở của bộ đội đã được cải thiện rõ rệt, các đảo đều có điện, nước ngọt, rau sạch và thực phẩm tươi, tinh thần đoàn kết cán bộ chiến sỹ bền chặt, tôi rất phấn khởi…” – ông Phúc cho biết.

Cho dù con rể có đi biền biệt, dù cháu ngoại vẫn chưa được bố Kiên bế bồng nhưng ông Phúc vẫn nở nụ cười, ông bảo, tất cả là thử thách, đồng thời động viên con rể, không có gì thiêng liêng hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trong đó có gia đình bé nhỏ của chính mình…

Theo Đại tá Đỗ Minh Tuấn, Trưởng phòng Dân vận quân chủng Hải Quân, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân, tất cả những thân nhân ra thăm chồng, con đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được chọn đều là những cá nhân tiêu biểu, hậu phương vững chắc. 

Toàn bộ các chi phí đi lại, ăn ở của các thân nhân đều được Nhà nước chi trả. Tại tất cả các đảo, nơi thân nhân lưu trú, các chỉ huy tại đó đã có kế hoạch dành một “phòng hạnh phúc” nhằm tạo không gian riêng cho vợ chồng, bố mẹ cán bộ chiến sỹ sinh hoạt thuận tiện, thoải mái nhất…

Xuân Trường
.
.
.