Hậu duệ nhà Lý và câu chuyện 800 năm tìm về cố quốc

Thứ Hai, 19/02/2007, 09:01

Trong một lần diện kiến Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Lý Xương Căn đã tặng đồng chí Đỗ Mười đôi câu đối thể hiện tấm lòng của ông cũng như những người mang họ Lý đang ở Hàn Quốc rằng: "Thân ở nơi xa muôn vạn dặm - Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam".

Đã 800 năm trôi qua kể từ sau chuyến vượt biển đầy sóng gió của Kiến Bình Vương Lý Long Tường sang định cư ở đất Cao Ly. Trải bao thăng trầm của lịch sử, gần đây, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Kiến Bình Vương Lý Long Tường đã "chuyển khẩu" về Việt Nam sinh sống sau bao ngày mong ước.

Trong những ngày đầu xuân Đinh Hợi, chúng tôi có cơ may được nghe câu chuyện về chuyến "vượt biển" trở về đầy chất huyền thoại ấy...

Thân ở nơi xa muôn vạn dặm...

Hà Nội những ngày cuối đông tiết trời lạnh giá, mưa phùn lâm thâm báo hiệu mùa xuân đang về. Trước khi gặp gỡ, qua thư điện tử, ông bảo Lý Xương Căn từ khi cùng gia đình về sống ở Việt Nam, cứ cuối năm ông lại phải "lo hai cái Tết", một ở Hàn Quốc và một ở Việt Nam.

Bằng giọng tự hào, ông Căn bắt đầu câu chuyện của mình bằng chuyến hải trình bất đắc dĩ của Kiến Bình Vương Lý Long Tường 800 năm trước mà ông được biết qua phả tộc họ Lý ở Hàn Quốc. Chuyện kể rằng từ khi Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý, triều đại thịnh trị này trải qua hơn 200 năm trị vì với 9 đời vua. Năm 1225 nhà Lý kết thúc vai trò lịch sử của mình bằng việc Trần Cảnh lên ngôi lập ra nhà Trần (1225-1400).

Lúc đó, trên chính trường xảy ra rất nhiều biến cố và con cháu nhà Lý ly tán khắp nơi. Người đi xa nhất là Kiến Bình Vương Lý Long Tường. Ông ra đi không phải để cầu viện hay tìm cách khôi phục nhà Lý, mà để tránh nạn binh đao và lo việc thờ cúng tổ tiên.

Đoàn thuyền vượt biển của Lý Long Tường lênh đênh trên biển gần một tháng thì gặp bão lớn, phải ghé vào Đài Loan lúc đó hoang vu, thưa vắng người. Ở đó ít lâu, người chết vì đói hoặc say sóng, bệnh tật mất già nửa. Long Tường quyết định đi tiếp, nhưng con trai là Lý Long Hiền (có tài liệu viết tên là Lý Đăng Hiền) ốm nặng, cùng gia đình và 200 thuộc hạ ở lại đảo Đài Loan. Mùa thu năm 1226, hạm đội của Lý Long Tường đã tấp vào cửa biển Ongjin-gun (Khang Linh), tỉnh Hwanghae (Hoàng Hải) thuộc phía Đông Bắc bán đảo Triều Tiên. Toàn bộ đoàn thuyền còn hơn 1.000 người sống sót đều lấy họ Lý để tỏ lòng trung thành và biết ơn Lý Long Tường.

Cũng từ đấy, Kiến Bình Vương Lý Long Tường được xem là một anh hùng Cao Ly vì ông đã giúp vua Cao Ly chống lại hai cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ. Năm 1711, người Cao Ly dựng một tấm bia ghi công trạng của Lý Long Tường. Nhờ vậy hậu thế mới biết được ông là một Hoàng thân họ Lý qua định cư tại Cao Ly.

Văn bia dựng ở Thụ Hàng Môn cũng có ghi sơ lược về con cháu của Lý Long Tường. Con cháu ông nhiều người đỗ đạt làm quan. Con ông là Lý Căn, làm Nghệ Văn Đại Đế Học, Kim Tử Quang Lộc Đại Phu; cháu của ông là Lý Huyền Lương giữ chức Lễ Bộ Tham Nghị Thượng Thư; Lý Long Tuyền làm Giám Tu Quốc Sử. Cháu đời thứ 5 là Lý Duy, đời thứ 6 là Lý Mạnh Nghệ được sắp vào hàng 72 danh sĩ ở ẩn vì giữ trung nghĩa, không ra làm quan với kẻ soán nghịch.

Cho đến nay, kể từ Lý Long Tường, họ Lý ở Hàn Quốc đã truyền được 26 đời. Và đã 800 năm qua, dòng tộc này vẫn không nguôi tìm đường về cố quốc, nguyện vọng ấy đã đạt được qua hậu duệ đời thứ 26 là ông Lý Xương Căn.

Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam

"Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, ngay từ nhỏ, hàng ngày được nghe các câu chuyện về dòng giống Việt Nam của cha ông đã ngấm vào trong tim tôi. Nguyện vọng của cha tôi cũng như nhiều người họ Lý sinh sống ở Hàn Quốc là phải tìm được về cố hương. Niềm mong mỏi ấy đã thành sự thật khi năm 1992 Hàn Quốc và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi là người mang họ Lý đầu tiên trở về Việt Nam năm ấy. Không thể nào quên được cảm giác xúc động, tự hào khi có mặt ở Đền Đô, Từ Sơn, Bắc Ninh đúng vào ngày trọng lễ hàng năm..." - đó là lời tâm tình của ông Lý Xương Căn trong buổi tiếp xúc với chúng tôi.

Ông Lý Xương Căn diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo lời ông thì sau chuyến về Việt Nam nhận họ, liên tục trong các năm sau đó ông đã có nhiều chuyến về nước. Giờ đây, bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã sang Việt Nam bao nhiêu lần. Câu chuyện họ Lý ở Hàn Quốc nhận được sự quan tâm của các cấp đảng, chính quyền trong nước. Ông Lý Xương Căn vinh dự được diện kiến với nhiều vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước.

Trong một lần diện kiến Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông đã tặng đồng chí Đỗ Mười đôi câu đối thể hiện tấm lòng của ông cũng như những người mang họ Lý đang ở Hàn Quốc rằng: "Thân ở nơi xa muôn vạn dặm - Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam". Cùng với các cuộc gặp này, ông cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để làm ăn trên đất Việt.

Nỗi niềm quê cha đất tổ cứ canh cánh trong lòng, cuối cùng, sau nhiều đêm trăn trở, ông đã đi đến một quyết định trọng đại là bán toàn bộ gia sản ở Hàn Quốc để đưa cả gia đình về Việt Nam sinh sống. Lúc này, Công ty Cổ phần Việt-Lý do ông sáng lập cũng đã đi vào hoạt động ổn định và gặt hái được một số thành tựu ban đầu.

Còn nhớ ngày mới trở về, hàng loạt khó khăn thách thức, lớn nhất là chuyện ngôn ngữ, bản thân ông chưa biết nói tiếng Việt, còn hai đứa con khi ấy sang Việt Nam không biết học tập ở đâu? Nhà chưa mua được phải đi thuê. Do vậy, việc trước mắt là mời cô giáo đến dạy tiếng Việt cho hai con. Nhờ tố chất thông minh mà hai cháu đều đi học ở trường Việt Nam, nói tiếng Việt "như tiếng mẹ đẻ". Cùng thời gian này, vợ ông sinh cậu con út ở Việt Nam và ông đặt tên là Lý Việt Quốc.

Nói đến chuyện đón Tết, ông Lý Xương Căn cười bảo: "Hàn Quốc và Việt Nam đón Tết cũng có nhiều điểm giống nhau, các món ăn tuy khác nhau nhưng có nhiều điểm tương đồng. Cả thế giới đều biết món Kim Chi là đặc sản Hàn Quốc, nhưng hiện đang có nghi vấn đó là một sản vật mang xuất xứ từ Việt Nam vì có nhiều điểm tương đồng với món dưa chua. Hiện nay, nhà ông sử dụng Kim Chi được gửi sang từ Hàn Quốc cho dù vợ ông vẫn tự làm từ nguyên liệu có sẵn.

Đêm 30 Tết, ở Hàn Quốc cũng đi hái lộc và ngày đầu năm trẻ con cũng được người lớn lì xì. Chúng thường để dành số tiền này để mua sách hoặc nhờ cha mẹ mua quần áo, đồ chơi... Ngày Tết, nhà tôi nấu cả hai loại thức ăn mang đậm phong cách cổ truyền của hai dân tộc".

Có lẽ người nhớ xứ Cao Ly nhiều nhất là vợ ông, bà nom trẻ hơn tuổi và đẹp như diễn viên điện ảnh vậy. Thấy chúng tôi nói chuyện về mình, bà mỉm cười nói bằng tiếng Việt: "Nhớ nhà lắm chứ, nhưng phụ nữ Hàn Quốc cũng như phụ nữ Việt Nam thôi, chồng ở đâu thì mình theo đó. Cũng "thuyền theo lái" nên vui với cái vui của chồng và chồng thấy ở đâu đẹp, ở đâu yên lành thì mình cũng thấy thế...".

Sắp đến Tết, nhà ông Căn được trang hoàng đẹp đẽ, vừa hiện đại vừa cổ kính. Trên ban thờ tổ tiên một bên bày các món ăn, hoa quả Tết theo phong tục Việt Nam và bên kia là các món của Hàn Quốc.

Trước khi chia tay, ông Căn kể: "Có người hỏi tôi rằng bây giờ tôi nhận mình là người Hàn Quốc hay người Việt Nam? Tôi cho rằng mình là người Hàn Quốc đến 99,99% vì đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Vả lại đã 800 năm trôi qua rồi còn gì! Như vậy, về lý thuyết thì phần Việt Nam chỉ có 0,01%  nhưng nó lại nằm trong tim tôi và vì thế 0,01% đã thắng 99,99% rồi".

Quả là một cách so sánh vô cùng thú vị. Ngoài kia, đi trong mưa phùn mùa xuân, bên sắc hoa đào đỏ rực, người Hà Nội đang hối hả sắm Tết trong niềm vui đoàn tụ

Ngọc Tước
.
.
.