"Hành trình tội ác" của chất độc da cam

Thứ Sáu, 18/02/2005, 16:39
Thực tế, sau chiến tranh, tại nhiều vùng ở miền Nam bị quân đội Mỹ rải chất độc, tỉ lệ sinh con quái thai cao gấp 10 lần; sinh con chết, sẩy thai cao gấp 6 lần so với các vùng khác; nhiều trường hợp vô sinh, bệnh u phát triển...

Chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến chống lại lực lượng du kích, năm 1961, một số cố vấn quân sự Mỹ đã đề xuất “sáng kiến” sử dụng chất độc da cam vì nó có thể “khai quang”, tức là làm trống đồng cỏ, quân đội Việt Nam sẽ không có nơi ẩn nấp, ngụy trang và Không quân Mỹ tha hồ thả bom cắt tuyến đường Trường Sơn.

Tháng 8/1961, hóa chất diệt cây bắt đầu được vận chuyển đến Việt Nam. Các hóa chất này được chứa trong các phùng phuy (mỗi thùng chứa 55 gallons) với mã màu khác nhau: chất màu hồng, chất màu xanh lá cây, màu xanh da trời, màu tía, màu da cam.

Bất chấp sự phản đối của một số nghị sĩ Mỹ và dư luận quốc tế, ngày 20/11/1961, Tổng thống John F.Kennedy quyết định sử dụng chất diệt cỏ và làm rụng lá cây (gọi chung là chất độc diệt cây) để phá hoại mùa màng, thảm thực vật nhằm ngăn chặn sự chi viện của nhân dân miền Bắc cho cuộc chiến đấu của miền Nam.

Quyết định này được chính quyền Ngô Đình Diệm ủng hộ nồng nhiệt. Diệm cho rằng, ông ta “biết Cộng sản đang ở đâu” và tin chắc rằng chiến dịch này sẽ thành công mỹ mãn. Ngay từ đầu năm 1962, chương trình rải chất độc diệt cây đã được triển khai trên quy mô lớn, ở nhiều vùng thuộc các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào.

Chiến dịch phun hóa chất diệt cây của Mỹ có tên gọi “Operation Trail Dust”. Chiến dịch này chia ra nhiều chiến dịch và chương trình, như chiến dịch Ranch Hand (bàn tay nông dân) chiếm tới 95% việc phun hóa chất.

Theo kế hoạch sử dụng chất độc hóa học, từ năm 1961, các phi công quân sự Mỹ bắt đầu tới miền Nam, trực tiếp đảm nhận lái máy bay rải chất độc hóa học, thay thế cho phi công ngụy. Nhằm tránh dư luận, các phi công này và chuyên viên kỹ thuật đều làm việc theo danh nghĩa là những quân nhân tình nguyện, ký hợp đồng với chính quyền Diệm.

Khi làm việc, họ mặc thường phục, cải trang như những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi bị bại lộ, bị ta tố cáo và bị dư luận tiến bộ lên án, Lầu Năm Góc chối phăng, không chịu trách nhiệm về mình. Tuy vậy, từ năm 1962 lực lượng không quân Mỹ bắt đầu nắm giữ việc phun hóa chất trên quy mô lớn ở khu vực miền Trung.

Từ sau năm 1965, hàng vạn quân Mỹ ồ ạt nhảy vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam. Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành cũng leo lên những nấc thang mới. Những loại chất độc mới được đưa vào sử dụng (như chất trắng), phạm vi ngày càng rộng, cường độ ngày một tăng, nhiều phương tiện mới được điều từ Mỹ sang miền Nam.

Theo các cựu chiến binh Mỹ kể lại, máy bay dùng vào việc rải chất độc hóa học thường là loại máy bay C-123 hai động cơ. Thông thường mỗi tốp máy bay đi rải có 2 chiếc C-123, khi cần thiết có thêm máy bay tiêm kích F-4 yểm trợ. Máy bay chở chất độc trong các thùng (lượng chất độc trên 4.000 lít) với màu sơn da cam, màu xanh hay trắng để phân biệt loại chất độc, bay phun rải ở độ cao 40m.

Từ các thùng chất độc, một thiết bị bơm có áp lực lớn làm chất lỏng phun qua các ống gọi là “những chiếc vòi” ở hai bên cánh với lưu lượng 4.050 lít/giờ. Thời gian phun rải hết chất độc khoảng 3 - 5 phút, và diện tích phun rải khoảng 140 ha. Phần lớn (90%) chất da cam được rải xuống Việt Nam bằng máy bay C-123, phần còn lại (10%) bằng máy bay trực thăng, xe vận tải, đi bộ.

Năm 1969, khi Richard Nixon lên cầm quyền và thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trong xu hướng giảm thiểu sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam, chiến dịch Ranch Hand cũng giảm 30%. Tháng 4/1970, sau khi có báo cáo của một nhóm các nhà khoa học về tác hại của chất da cam/điôxin gây dị dạng bẩm sinh cho người dân, Bộ Quốc phòng Mỹ buộc ra lệnh tạm đình chỉ chiến dịch Ranch Hand.

Nhưng trên thực tế, các chất khai quang khác vẫn được rải xuống Việt Nam. Phải đến tháng 7/1971, chiến dịch mới hoàn toàn chấm dứt.

Trong thời gian từ năm 1961 - 1971, theo số liệu điều tra, quân Mỹ đã sử dụng 76,9 triệu lít chất độc diệt cây (có tài liệu là 72 triệu hoặc gần đây là 82 triệu lít), trong đó đáng chú ý là chất độc da cam có chứa dioxin.

Cụ thể: chất màu tím 495.190 lít (chiếm 0,6%), chất màu xanh lá cây 1.892.773 lít (2,5%), chất màu trắng 20.556.525 lít (26,7%), chất màu xanh 4.741.381 lít (6,2%) và chất da cam 49.268.937 lít (64%). Phần lớn chất diệt cây (khoảng 90%) được phun trong thời gian từ năm 1966 - 1969, và những chất có hàm lượng dioxin cao đều được phun vào đầu chiến dịch, khi mà ta còn chưa có kinh nghiệm đề phòng.

Chất da cam rất nguy hiểm với người do có chứa tạp chất dioxin trong thành phần của nó. Đây là chất độc có độc tính cao nhất trong số các chất độc tổng hợp được biết từ trước đến nay, sản phẩm phụ hình thành trong  quá trình điều chế chất da cam.--PageBreak--

Theo tính toán các nhà khoa học Liên Xô trước đây, chỉ cần 1gr dioxin cũng đủ giết chết 8 triệu người. Thế nhưng chất da cam rải xuống đồng ruộng, làng mạc Việt Nam chiếm tới 64% tổng khối lượng chất độc diệt cây mà quân Mỹ sử dụng, với hàm lượng 366kg chất điôxin (có tài liệu 400 - 600kg), trung bình 163mg/ha, cao gấp nhiều (hàng chục, hàng trăm lần) quy định dùng trong nông nghiệp.

Dioxin gây nhiễm độc qua đường hô hấp, tiêu hóa với các triệu chứng: da và niêm mạc mắt bị kích thích, nhức đầu, nôn mửa, tổn thương gan, phổi, hệ tim mạch, cơ thể suy nhược; trên những người bị nhiễm độc phát hiện thấy các biến loạn thể nhiễm sắc, tăng tỉ lệ ung thư gan nguyên phát và dị tật ở con cái, đẻ non, sẩy thai.

Theo tài liệu của Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ và Cục Quân sự Hoa Kỳ, tổng số vụ rải chất độc của Mỹ lên tới 8.532 vụ và 25.585 thôn, ấp bị chọn để phun rải (con số này có thể còn thấp hơn thực tế). Có 10 vùng bị ảnh hưởng chất độc hóa học nặng nhất là: Phước Long (704 vụ), Thừa Thiên (606 vụ), Bình Định (558), Long Khánh (502), Tây Ninh (473), Quảng Nam (737), Biên Hòa (366), Bình Dương (357), Quảng Trị (347), Kon Tum (311).

Về phân bố số lượng, riêng 10 vùng này chiếm tới 47% lượng chất độc mà quân Mỹ đã phun rải trên toàn miền Nam. Một số lưu vực sông cũng bị ảnh hưởng nặng nề là: lưu vực sông vùng Đông Nam  Bộ (41% lưu vực), sông Hương (39%), sông Thạch Hãn (33%).

Vì thế, người dân ăn phải các loài cá trên sông bị nhiễm dioxin đã gián tiếp bị nhiễm độc. Kết quả của những cuộc rải thảm chất độc hóa học mà quân Mỹ tiến hành, đã làm trên 2 triệu người Việt Nam, chủ yếu người già và trẻ em và hơn 60.000 lính Mỹ và chư hầu bị nhiễm độc: hủy hoại thiên nhiên Việt Nam với 3.340.000 ha đất đai bị nhiễm độc (có 2 triệu ha rừng), 44% đất canh tác trở nên hoang mạc.

Những khảo sát của các nhà khoa học 20 năm sau chiến tranh cho thấy, vẫn còn  22% rừng tự nhiên và  31% đất trồng vẫn thuộc vùng bị nhiễm chất độc hóa học.

Với trên  49 triệu lít chất da cam mà quân Mỹ đã sử dụng trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam đã tồn lưu một lượng chất độc dioxin kỷ lục trong lịch sử của các cuộc chiến tranh hóa học xảy ra trên thế giới là  360kg.

Trong quá trình tồn lưu trong đất, dưới tác dụng của điều kiện thời tiết (mưa, gió...), điôxin dịch chuyển đến các khu vực xa hơn, nhất là vùng thấp trũng và tiếp tục tồn tại ở đó. Theo Ủy ban 10-80 của Việt Nam, hiện có khoảng 50 khu vực trên miền Nam còn tồn lưu dioxin với mật độ đáng kể, đe dọa cuộc sống của cộng đồng dân cư và môi trường sinh thái.

Theo báo cáo của các nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế lần thứ  II (11/1993) về tác hại chất độc diệt cây mà quân Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam, cho thấy rừng ngập mặn và úng phèn, có đến 240.000 ha (trong tổng số 2 triệu ha rừng bị rải chất độc hóa học) bị phá hủy. Đặc biệt khu rừng Sác (Cần Giờ) đã gần như  bị phá trụi, không còn cả giống trồng.

Nhà động vật học Mỹ Pleiffer dự đoán phải  100 năm nữa mới khôi phục được hệ sinh thái ở đây (nếu để phát triển tự nhiên). Chiến tranh hóa học đã làm cho tài nguyên lâm sản bị cạn kiệt, tính ra có tới  75 triệu m3 gỗ thương phẩm bị đốt cháy thành than. Sau chiến tranh, miền Nam chỉ còn  29,2% rừng, dưới mức “an toàn sinh thái”, không đủ chức năng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác hại của thiên tai như chống xói mòn, lũ lụt, hạn hán...

Ngay từ năm 1979, Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) đã có báo cáo trình Quốc hội Mỹ về hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam phải thừa nhận: “Nếu không có các biện pháp hiệu quả để phục hồi rừng, thì hậu quả xấu của việc sử dụng chất diệt cây sẽ hành hạ Việt Nam trong vòng 100 năm nữa”.

Việc rải chất độc da cam/dioxin một cách bừa bãi đã mang lại nhiều tai hại cho chính binh lính Mỹ và chư hầu chiến đấu ở miền Nam Việt Nam.

Chính con trai của Đô đốc Mỹ Zurnwatl, cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đã bị nhiễm chất da cam khi đang chỉ huy một giang thuyền ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Người con trai duy nhất của Trung úy Zurnwalt, tức cháu nội của Đô đốc Zurnwalt, cũng bị bại liệt ít lâu sau khi sinh.

Đến nay đã có hàng chục ngàn lá đơn của các binh sĩ Mỹ, Australia, Nam Triều Tiên từng chiến đấu ở Nam Việt Nam, đòi 37 công ty Mỹ liên quan đến việc nghiên cứu, sản xuất chất độc điôxin phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả

Phan Nguyễn
.
.
.