Hành trình tìm bạn liệt sĩ của cựu học sinh Chu Văn An

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:54
Ban ngày đi khắp nghĩa trang dò từng hàng mộ để tìm tên bạn không thấy, đêm về các cựu học sinh trường Bưởi ôm nhau khóc, cùng khấn 'Cảnh ơi bạn ở đâu, chỉ chỗ cho chúng mình đưa bạn về với mẹ...'.


Một sáng tháng 5, cựu học sinh lớp G trường Chu Văn An (niên khóa 1970 - 1973) tập trung tại quán cà phê trên đường Lê Hồng Phong (Ba Đình, Hà Nội) thông tin cho nhau về việc tìm kiếm hài cốt hai người bạn học là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và Vũ Duy Hùng. Những cựu học sinh trường Bưởi tuổi 60, tóc muối tiêu, gặp nhau vẫn thân mật gọi cậu tớ, xưng chúng mình như thời niên thiếu ngồi chung một lớp hơn 40 năm trước.

Liệt sĩ Vũ Duy Hùng (ảnh trái) và Đặng Trần Cảnh (ảnh phải) - cựu học sinh lớp G trường Chu Văn An, niên khóa 1970 - 1973. Ảnh: Bà Hồng Hà cung cấp.

Mùa hè đằng đẵng

Lớp G khóa ấy có 84 học sinh, đều là thiếu niên Hà Nội gốc, thân thiết nhau. Đặng Trần Cảnh, Vũ Duy Hùng trong lớp là đôi bạn tính tình trái ngược. Cảnh hiền lành, thích chơi đàn, còn Hùng nghịch ngợm, chuyên đầu têu những trò nhất quỷ nhì ma của tụi con trai trong lớp.

"Tôi với Cảnh nhà ở phường Bưởi, cách nhau vài trăm mét. Hồi đó Hà Nội còn tuyến tàu điện Bờ Hồ - Bưởi qua trường, chúng tôi thường nhảy tàu điện đi học nhưng Cảnh thì không bao giờ vì nó hiền và nghiêm túc lắm", ông Nguyễn Quý Bình, bạn "nối khố" với liệt sĩ Cảnh nhớ lại.

Mùa hè 1971, chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt. Từng đoàn xe rầm rập từ khắp các cổng trường của Hà Nội chở theo tân binh là hàng nghìn học sinh, sinh viên ra trận. Nam sinh lớp G đủ tuổi cũng tình nguyện tòng quân.

Tháng 1-1972, Vũ Duy Hùng và 4 bạn học là lứa đầu tiên lớp G nhập ngũ. Xe đưa đoàn quân tập trung ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm). Con gái lớp G chia nhau tiễn bạn. Xe đi rồi, cả đám còn chạy theo khóc. Tân binh Hùng huấn luyện vài tháng rồi vào thẳng chiến trường Quảng Trị.

Tháng 9 năm ấy, Đặng Trần Cảnh cũng lên đường. Chàng trai Hà Nội khéo đàn, ban đầu định thi vào Nhạc viện Hà Nội, nhưng nhà khó khăn nên xin đi học trường lái xe ở Thạch Thành (Thanh Hóa). Từ đây, anh viết đơn nhập ngũ, qua huấn luyện rồi vào chiến trường Tây Nam Bộ.

Năm1972, Hà Nội bị dội bom. Lớp 9G cùng trường sơ tán về Mỹ Đức (Hà Tây cũ). Sau Hiệp định Paris, họ trở về học tiếp với sĩ số không còn nguyên vẹn. Những học sinh còn lại vừa ôn thi đại học vừa ngóng thư từ chiến trường gửi về. Lớp G năm ấy có 6 người ra trận, đều là những chàng trai Hà Nội 17 tuổi, khôi ngô, nhiệt thành.

"Đó là mùa hè dài đằng đẵng trong quãng đời học sinh. Chúng tôi đến trường, đi học đại học, còn Cảnh, Hùng đều hy sinh khi mới 18", bà Hạ Hồng Hà, lớp phó 9G năm xưa khóc nói.

43 năm sau, lớp trưởng Bá Dũng trong buổi hội ngộ cựu học sinh 9G đầu năm 2016 khi đa số họ đã về hưu nói: "Hơn 60 năm cuộc đời phải làm một cái gì đó cho đáng, chúng mình đi tìm hai bạn học liệt sĩ đi". Cả lớp đồng tình, nhóm Tìm bạn về được lập ra, họ lên kế hoạch, kết nối cựu học sinh lớp G hai miền Nam - Bắc để hỗ trợ nhau. Trước đó vào năm 2003, họ từng có một đợt nỗ lực tìm thông tin nhưng không có kết quả.

Bà Hạ Hồng Hà bật khóc khi kể về những bế tắc trong hành trình đi tìm bạn học Đặng Trần Cảnh. Ảnh: Hoàng Phương

Hành trình mông lung và bế tắc

Cuối tháng 5/2016, bà Hồng Hà cùng các bạn học Trần Tường Huấn, Trần Anh Tuấn đến hai gia đình liệt sĩ Cảnh và Hùng thắp hương xin phép đi tìm. Đầu mối duy nhất họ có là hai tờ giấy báo tử. Giấy báo của liệt sĩ Cảnh ghi vỏn vẹn thông tin chiến đấu ở "chiến trường KB", nơi chôn là "nghĩa trang chiến trường", tên còn bị ghi sai thành Đặng Xuân Cảnh. Thông tin của liệt sĩ Hùng rõ ràng hơn, có đơn vị Sư đoàn 312, hy sinh tại mặt trận Quảng Trị.

Nhóm bắt đầu tìm kiếm thông tin từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) nhưng không có kết quả. Được sự trợ giúp của tình nguyện viên Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, cả nhóm nhận được thông tin liệt sĩ Đặng Trần Cảnh có hồ sơ ở Quân khu 9 và hy sinh tại Trạm phẫu T (Trạm phẫu tiền phương), tỉnh Kiên Giang.

Cuộc tìm kiếm không hề suôn sẻ, có lúc họ bất lực và bế tắc vì liên tục nhận được cái nhìn nghi ngại lẫn câu trả lời không có thông tin từ nhiều cơ quan. Tình bạn và hình ảnh người mẹ già 94 tuổi của liệt sĩ Cảnh đêm đêm đọc bài văn khấn con thôi thúc họ không bỏ cuộc. Đi đến nghĩa trang nào, họ cũng thắp hương rồi chia hai nhóm: tìm bia mộ và đọc tài liệu. Các cựu học sinh sống ở miền Nam lập các đội Rạch Giá 2, Rạch Giá 3, phân công việc cụ thể để hỗ trợ cho nhóm Tìm bạn về (Rạch Giá 1).

Mang theo hy vọng đến các nghĩa trang huyện Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang), nhóm thắp hương rồi đi từng hàng mộ dò tìm tên bạn học trong số hàng nghìn ngôi mộ. Nước mắt lặng lẽ rơi khi nhìn thấy nhiều mộ ghi "Tên đồng chí gắn liền với chiến công lịch sử". Hy vọng càng mỏng manh, có đêm họ chỉ biết ngồi khóc rồi viết lên Facebook lớp. Bạn học cùng nhau cầu khấn "Cảnh ơi bạn ở đâu, chỉ chỗ cho chúng mình đưa bạn về với mẹ…".

Ngày 13/6 khi tìm đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Gò Quao, cả nhóm lại tiếp tục thất vọng khi nhận được cái lắc đầu của người quản trang tên Trần Khả Năng. Biết họ tận Hà Nội đi tìm bạn học liệt sĩ, ông trầm ngâm rồi gọi điện thoại và giở bản đồ nghĩa trang xem liên tục. Lật tìm tập tài liệu cá nhân trên nóc tủ, ông khẳng định "70% đây rồi". Cả nhóm như điếng người khi thấy trên tờ giấy kẻ ô đã ố vàng, ở cột thứ 6 một hàng chữ mất nét "Đặng Trần Cảnh, hy sinh 23-9-1973, quê quán Bưởi, Hà Nội".

Thì ra, người quản trang từng làm việc ở Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao. Ông vô tình có tấm sơ đồ nghĩa trang liệt sĩ ấp 6 Kim, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc do ông Tư Quắm - người chịu trách nhiệm chôn cất liệt sĩ lập ra từ năm 1973. Thời kỳ này, vùng kênh ấp 6 Kim có trạm phẫu tiền phương của Quân khu 9, đây là vùng chồng lấn, nay ta mai địch nên những ngôi mộ liệt sĩ không có bia chữ.

Nhóm cựu học sinh lớp G trường Chu Văn An thăm mộ liệt sĩ Đặng Trần Cảnh đã có đầy đủ thông tin trong một chuyến đi đầu năm 2017. Ảnh: Bà Hồng Hà cung cấp.

Năm 1983, có cuộc đại quy tập hài cốt liệt sĩ từ xã, huyện về nghĩa trang tỉnh. Do di chuyển bằng xuồng, qua nghĩa trang trung chuyển, làm thiếu khoa học nên nhiều ngôi mộ liệt sĩ có danh tính trở thành thiếu thông tin. Từ manh mối của người quản trang, nhóm bạn học có được hai tài liệu quan trọng là sơ đồ nghĩa trang liệt sĩ ấp 6 Kim và sơ đồ di chuyển từ nghĩa trang 6 Kim về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang.

Tìm tiếp đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang, cả nhóm được ông Phan Đình Sáu, Trưởng ban quản lý cho xem sơ đồ vị trí các ngôi mộ. Trong đó, khu mộ chuyển từ nghĩa trang ấp 6 Kim về hoàn toàn trùng khớp với tờ sơ đồ do ông Năng cung cấp.

Nhận thấy khả năng mộ liệt sĩ Cảnh nằm trong lô 119 mộ chuyển từ nghĩa trang 6 Kim về, nhóm vội xin giấy xác nhận, làm đơn kiến nghị gửi Cục người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đề nghị được xin giám định mẫu ADN để xác minh danh tính liệt sĩ thiếu thông tin.

Ngày 18-6-2016, dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, thanh tra và pháp y của Cục người có công, lô 119 mộ liệt sĩ được khai quật để lấy mẫu. So sánh với mẫu hài cốt tách chiết tại nghĩa trang, ngày 10-10-2016, kết quả giám định của Viện Pháp y quân đội kết luận "Mẫu hài cốt liệt sĩ lấy tại mộ số 1, hàng 6, khu A, ô 3 có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với ông Đặng Trần Công, em trai liệt sĩ Đặng Trần Cảnh".

Nhận được thông tin giám định đúng là bạn, các cựu học sinh lớp G đều có cảm giác "lơ lửng" vì mừng vui. Có người đang đi đường biết tin đã dừng xe để khóc. Khi nhóm đến nhà thắp hương cho bạn, mẹ liệt sĩ Cảnh ôm họ nghẹn ngào "Mẹ mừng vì nó nằm với đồng đội, thế là ấm êm rồi". Bao nhiêu năm khi chưa biết chỗ con nằm, bà mắt kém vẫn ngày ngày soi đèn pin viết bài tụng, phòng khi trăm tuổi về trời, con cháu có khấn bà thì đọc cả đoạn khấn viết cho anh Cảnh.

Có kết quả giám định rồi, nhóm lại hướng dẫn gia đình viết đơn gửi Ban quản lý nghĩa trang tỉnh Kiên Giang để làm bia mộ đầy đủ thông tin cho liệt sĩ Cảnh.

"Tổng kết lại hành trình, chỉ có thể nói là tan tác cõi lòng vì thương bạn. Mọi thông tin đều mông lung, chỉ có sự kiên định của người đi tìm và cầu mong vào cái duyên với người đã mất", bà Hồng Hà chia sẻ.

Nhóm Tìm bạn về lớp G lại lên kế hoạch đi tìm hài cốt liệt sĩ Vũ Duy Hùng. Đầu mối mà họ có là tờ giấy báo tử ghi đơn vị C3D1E141F312, liệt sĩ hy sinh ngày 25-11-1972 ở động Ông Do (Quảng Trị). Nhiều năm nay, em trai liệt sĩ Hùng mải miết tìm hài cốt ở địa chỉ trên, đi khắp nghĩa trang Quảng Trị, Đường 9, Trường Sơn nhưng chưa có kết quả.

Người nhà kể lại năm 1972, một đồng đội cùng Sư đoàn 312 mang chiếc ba lô còn quân trang về cho gia đình, báo tin anh Hùng đã hy sinh, có nói rõ vị trí chôn cất, kèm miếng sắt ghi tên, trên đầu kê hòn đá lớn. Mẹ liệt sĩ không tin, khóc lóc dữ dội khiến người kia vội vã rời đi. Giờ, các cựu học sinh lớp G và người nhà đang tìm kiếm người đồng đội ấy để hỏi thông tin, mong tìm được liệt sĩ Hùng.

Theo vnexpress.net
.
.
.