Hải Phòng: Chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm xây dựng đô thị
Thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng thành phố và các địa phương phát hiện trong năm 2006 quận Hải An có 625 trường hợp, Ngô Quyền 544, Lê Chân 432, Kiến An 86 trường hợp... xây dựng trái phép, phổ biến tình trạng đua nhau xây chen, xây lấn chiếm.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là con số thống kê được, trên thực tế vi phạm trong xây dựng đô thị của Hải Phòng còn lớn hơn nhiều. Đơn cử, tại các khu tập thể đông dân cư như Đổng Quốc Bình, Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền); Lâm Tường, An Dương (Lê Chân); Lý Thường Kiệt, Trại Chuối (Hồng Bàng)... tình trạng cơi nới, xây chen, lấn chiếm là phổ biến.
Trăm kiểu xây chen, xây lấn
Ông Nguyễn Duy Nhâm, Chủ tịch phường Đổng Quốc Bình phải thừa nhận, ngay trên địa bàn phường có 51 lô nhà nhiều tầng, được xây dựng cách đây 30-40 năm. Ngày trước, khoảng lưu không của tất cả các ngôi nhà này là rất rộng, đến nay hầu hết các hộ sinh sống ở đây đều cơi nới, xây dựng công trình phụ... lấn chiếm hết không gian trống. Nhiều gia đình tầng dưới còn xây dựng đè lên cả hệ thống thoát nước, cấp nước, thậm chí còn tranh chấp gây mâu thuẫn, kiện cáo nhau.
Ở các khu dân cư, vi phạm xây dựng cơ bản còn phức tạp hơn nhiều. Xây dựng không đúng giấy phép, lấn chiếm lối đi chung, tranh chấp diện tích liền kề... đã xảy ra hàng trăm vụ đưa nhau ra chính quyền giải quyết vẫn không xong.
Gia đình anh Trần Văn Sơn (số 21/23 Nguyễn Đức Cảnh, phường An Biên, quận Lê Chân) xây dựng nhà 4 tầng theo giấy phép xây dựng của quận, nhưng trong quá trình thi công đã vi phạm gây hư hỏng đến các nhà bên cạnh.
Qua nhiều lần giải quyết buộc anh Sơn phải sửa chữa, bồi thường cho các gia đình hàng xóm. Hay gia đình bà Nguyễn Thị Hương (số 12, ngõ 1, Bến Bính, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) khi sửa chữa, xây dựng gian nhà phụ đổ ô-văng đã lấn khoảng không của ngách đi chung, gây khó khăn đi lại cho các hộ xung quanh.
Mặc dù, quận đã vận động tự sửa chữa vi phạm bằng cách tháo dỡ công trình lấn chiếm nhưng họ cố tình không chịu, buộc UBND quận Hồng Bàng phải ra quyết định cưỡng chế. Đó mới chỉ là những trường hợp phát sinh tranh chấp chính quyền mới phát hiện ra.
Giải quyết vi phạm bằng cách nào?
Đến các quận trong nội thành, chúng tôi đều đặt câu hỏi với các đơn vị chức năng liệu có ngăn chặn, xử lý việc xây chen, xây lấn? Tất cả đều có chung một câu trả lời: Nếu chính quyền kiên quyết, vi phạm sẽ được hạn chế. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc nhiều lúc chính quyền đã thiếu xử lý triệt để.
Theo phân cấp quản lý, Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý các cơ quan, đơn vị xây dựng công trình công và các nhà mặt đường. Các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp quận, phường. Rõ ràng, chính quyền cơ sở quản lý, kiểm tra và xử lý là chính.
Thực tế, nơi nào chính quyền quan tâm và có giải pháp hợp tình, hợp lý, nơi đó tình trạng vi phạm trong xây dựng xảy ra rất ít. Điển hình là phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân), cùng các ngành, đoàn thể làm tốt công tác vận động quần chúng và giao cho từng đảng viên lưu ý phát hiện vi phạm xây dựng để kịp thời xử lý đã ngăn chặn được các hành vi xây dựng trái phép.
Ngược lại, ở phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) nhiều trường hợp xây dựng trái phép, sai giấy phép xây dựng, nhưng chính quyền sở tại không giải quyết triệt để ngay từ đầu, phải mất quá nhiều thời gian chưa giải quyết dứt điểm một số trường hợp vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, giải quyết và xử lý vi phạm xây dựng đô thị không thể kéo dài gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Bởi vậy, các cấp chính quyền cần kiểm tra, thống kê đầy đủ hộ dân vi phạm, có biện pháp vận động nhân dân tự động sửa sai vì quyền lợi chung của cộng đồng, những trường hợp cố tình phải được xử lý theo qui định của pháp luật.
Trên hết, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp xử lý sớm các trường hợp vi phạm