Giữ hương sen trà Cụ Trưởng

Thứ Năm, 30/06/2005, 08:20

Trà Cụ Trưởng mang một hương vị lạ lạ, quen quen như đã từng gặp ở đâu đó, thoang thoảng khó quên, nhưng lại không phải là một thương hiệu lớn để nhớ ngay được. Chỉ biết rằng giữa bao la đồng bằng Bắc Bộ, bên những đầm sen ngút ngát mùa hạ, có một người đã giữ hương sen tự nhiên ấy trong vị trà mấy chục năm qua. Đó là cụ trưởng An ở đất Đồng Văn của tỉnh Hà Nam.

Trà sen Cụ Trưởng, một sản phẩm thuộc về thủ công và thuần khiết hương liệu thiên nhiên, đã từng là điểm hẹn của một số tao nhân mặc khách một thời. Bây giờ, cụ trưởng An không còn nữa và Đồng Văn - một khu công nghiệp mới từng bước lớn mạnh, những đầm sen sẽ phải thu hẹp lại nhường chỗ cho nhà máy, công sở. Liệu hương vị trà sen ấy có còn được giữ hay lại theo người về bên kia núi…?

"Tôi đã trăn trở nhiều với câu hỏi đó từ ngày ông nội tôi qua đời, và tôi chỉ biết rằng, tôi sẽ nối nghiệp ông tôi làm trà như những gì ông đã làm được. Còn được như thế nào là chuyện của mai sau…" - Nguyễn Thanh, hiện đang phụ trách phần kỹ thuật làm trà Cụ Trưởng An ở Hà Nam tâm sự.

Nhìn vào những gì là "tài sản" của "trà Cụ Trưởng An" bây giờ, người viết bài này chợt nghĩ, phải là người hoặc yêu nghề truyền thống của gia đình, hoặc nặng lòng với quá khứ mới có thể giữ nghề như thế. Một cửa hàng nhỏ giữa  tấp nập quán xá của thị trấn Đồng Văn, khách tìm đến đây có lẽ cũng chỉ vì "tiếng thơm" từ mấy chục năm qua. ấm trà nhỏ bằng sành, mỗi ấm giá 2.000 đồng, khách vãng lai chỉ "ngồi chơi xơi nước" không đáng bao nhiêu, nên việc bán lẻ trà chắc chắn sẽ không thể có lãi bằng việc bán cà phê hay kinh doanh một mặt hàng nào đó. Vì thế, để giữ khách và cũng để đỡ phí mặt bằng, quán trà phải bán thêm nước khoáng, bánh kẹo và  nhiều đồ uống khác.

Mỗi năm, lớp "hậu duệ" của Cụ Trưởng An chỉ sản xuất được chừng 70kg trà, mỗi kg giá 150.000 đồng, trừ tiền mua chè từ Thái Nguyên 40.000 đồng, tính ra thu nhập không đáng kể. Nhiều người bạn của Thanh tiếc rẻ về diện tích cửa hàng, không phải vì "không biết chọn hàng kinh doanh" mà là "mặt hàng này "cũ kỹ" lắm rồi, kinh doanh không có lãi" nhưng để giữ nghề của ông, các cháu vẫn… bám trụ tới cùng.

Tại sao ư? Cũng tại nhiều điều, nhưng có lẽ là tại… ký ức, một ký ức thưởng thức trà, một ký ức làm trà mà nói ra không dễ tin.

10 tuổi, Thanh đã ngồi làm trà cùng ông. Có lần, anh vô tình làm rơi mấy hạt gạo sen, ông nội anh nhặt từng hạt một và bảo rằng, sen mỗi năm chỉ có một mùa, một bông sen không được bao nhiêu hạt gạo như thế, và mỗi kg chè phải sử dụng tới 100 bông sen Bách Diệp, thứ sen tượng trưng cho nhà Phật, thì không được lãng phí những "hạt ngọc" mà thiên nhiên ban tặng. Ông còn bảo rằng, làm trà sen nếu không kiên nhẫn thì không thể làm được, bởi chính ông cả cuộc đời âm thầm bên chiếc quán nhỏ cũng để giữ thứ hương đồng nội ấy.

Giữ hương sen cho trà.

Ở Đồng Văn, Thanh là người được xếp vào hàng khá giả, không phải khá vì trà mà khá vì một tiệm áo cưới và trang điểm cô dâu kiêm cả chụp ảnh. Dù mùa cưới hay không mùa cưới, Thanh cũng làm không hết việc ở cái cửa hàng "thời thượng" ấy. Vậy nhưng, trong suốt 3 tháng hè, tức là trọn vẹn mùa sen, sáng nào cũng vậy, khi mặt trời chưa lên anh đã bơi thuyền đi hái sen. Bởi lúc này, bông sen mới hé là lúc ủ nhiều hương nhất mà người trong nghề gọi là giai đoạn hoa "hàm tiếu". Khi mang hoa về nhà phải bỏ ra lấy gạo ngay, nếu không để hoa héo sẽ mất hết hương. Công việc này phải làm thật gấp gáp bởi với nắng mùa hè, hoa sẽ héo một cách chóng vánh.

Để có được một kg trà là một công đoạn rất dài, gạo sen sẽ được ướp với trà trong 10 ngày, đưa ra sấy khô rồi lại đưa vào ướp tiếp và càng ướp nhiều lần trà càng ngon, càng thơm. Thanh nhớ lại ngày trước, vì đãi bạn từ Hà Nội một ấm trà mà ông nội anh phải ướp đến 6 lần. Bao nhiêu bông hoa, bấy nhiêu ngày giữ hương, một chén trà nhỏ chứa bao nỗi lòng. Chính vì vậy, bây giờ khi đã có tất cả, Thanh vẫn kiên trì với công việc mà ông nội anh làm như một thú chơi, như một niềm an ủi suốt cả cuộc đời.

"Thực ra, ông nội tôi làm trà từ thời cụ còn rất trẻ, làm cho đỡ phí hoa sen, và làm để thấy rằng, hoa đẹp thì phải thưởng thức chứ không chỉ có đứng nhìn rồi để hoa tàn đi một cách tội nghiệp" - Thanh nói vu vơ thế, nhưng cũng để thấy, anh không để nghề cũ của cha ông tàn đi vội vã như những bông sen cuối hạ.

Nhà Thanh hết đời ông và đời cháu cùng làm, còn đời cha, họ thành đạt hết ở thành phố, thị xã nên không gần gũi với trà, với sen cho lắm. Thanh nhớ lại, ngày xưa, nhà văn Tào Mạt mỗi tuần đạp xe từ Hà Nội xuống đây chỉ để thưởng thức một chén trà rồi lại đạp xe về. Chiếc áo màu sẫm, nụ cười hiền hậu, nhà văn quý trà, quý người nên dừng lại thưởng ngoạn trà và để lại nơi quán nhỏ này nhiều bút tích bằng chữ Hán. Một số nhà văn, nhà báo khác nghe tiếng cũng thỉnh thoảng ghé qua thưởng thức chén trà nếu có dịp công tác qua đây. Cho đến hôm nay, những khách xưa của trà Cụ Trưởng vẫn chung thủy với hương vị trà sen này, họ lên Hà Nội công tác hay trên đường từ Hà Nội về cũng ghé lại quán nhỏ thưởng thức chén trà rồi đi tiếp. Khách uống trà, rồi lại mua trà về, chỉ có vậy mà số lượng trà làm ra hàng năm được tiêu thụ hết chứ chưa bán buôn bao giờ. Thực ra muốn bán buôn cũng khó bởi sen chỉ được đến thế, không thể nhiều hơn để sản xuất một lượng trà khổng lồ, nếu có bán buôn, trà sẽ hết vèo trong khoảnh khắc. Mà theo như lời Thanh nói, ông nội anh là một người không thích xô bồ, làm nghề nhưng cũng là để chơi nghề, kinh doanh nhưng cũng là để giao lưu với bạn bè là chính, cháu quý ông thì cũng không muốn biến những gì ông để lại thành một nghề xô bồ kiếm chác. Buôn bán cứ túc tắc như vậy, vị chè, hương sen cứ thoang thoảng suốt cả một năm và nhiều năm từ thời ông đến thời cháu.

Ngày xưa, ở nơi này sen mọc nhiều lắm. Đi trên quốc lộ 1A, hai bên đường của thị trấn Đồng Văn là cả một trời hoa sen hương ngào ngạt. Bây giờ, khu công nghiệp Đồng Văn hình thành và phát triển, những đầm sen đang mất dần diện tích. Nhà Thanh từ 8 mẫu sen giờ chỉ còn một nửa. Nhưng diện tích trồng sen còn lại được sử dụng cho việc đấu thầu làm diện tích nuôi cá nên anh phải đi thuê chính cái đầm ấy để cấy sen. Để sản xuất trà bằng những năm trước, gia đình anh phải thuê thêm nửa diện tích bị mất ở khu vực khác với cái giá cao cũng… gần bằng giá trà (mỗi mẫu 6 triệu đồng trong vòng 3 tháng).  Anh bảo, nếu mai này diện tích sen ở đây không còn nữa thì anh sẽ về các xã tiếp tục thuê đầm để làm nghề thôi.

Một nghề không thành một làng nghề mà chỉ có một gia đình, một hương vị gần gũi, thanh khiết nhưng không kém phần độc đáo của vùng chiêm trũng Bắc Bộ đã quá quen thuộc với nhiều người suốt mấy chục năm qua. Và chắc chắn, hương vị ấy sẽ không mất đi được, dù nó chỉ thoang thoảng như nó đã từng thoang thoảng từ khi nó có…

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.