Giáo sư Tạ Quang Bửu: Tận tâm, tận lực một đời

Chủ Nhật, 29/08/2010, 16:05
Hơn 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, với tầm nhìn xa trông rộng, chiến lược tài ba và một tư duy biện chứng, rất nhiều điều cơ bản mà GS Tạ Quang Bửu để lại cho nền giáo dục nước nhà, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự khiến chúng ta không thể không suy ngẫm.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Giáo sư (GS) Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên (nay là Bộ GD & ĐT) của Việt Nam. Ông sinh ngày 23/7/1910 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Suốt cuộc đời mình, bằng trí tuệ uyên bác ở nhiều lĩnh vực khoa học và một trái tim dâng cho Đảng, GS Tạ Quang Bửu đã cống hiến trọn vẹn sức lực, tình cảm, tri thức của mình để xây dựng nền khoa học và giáo dục nước nhà từ khi đất nước mới giành độc lập còn vô vàn khó khăn...

Thiếu tướng Tạ Quang Chính, Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp  Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, con trai của Giáo sư Tạ Quang Bửu mở lòng với chúng tôi về cha mình: "Bố tôi dành nhiều thời gian của ông cho việc chung nên thời gian ông dành cho chúng tôi không được nhiều. Nhưng ông đã gián tiếp ảnh hưởng đến chúng tôi, cuốn hút chúng tôi bằng chính hình ảnh làm việc tận tụy, miệt mài của mình. Tôi nhớ là bố tôi đọc sách nhiều lắm. Lúc nào cũng thấy ông cầm sách, có khi đọc từ sáng sớm đến tối muộn. Tài liệu của ông vô cùng đa dạng vì ông từng là nhà quản lý lại say sưa nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Bố ít dành thời gian cho các con, cũng là một thiệt thòi, nhưng bù lại, chúng tôi học được cách sống tự lập, ít dựa dẫm, tự mình bươn chải vươn lên, càng không bao giờ dựa vào uy thế của bố". Nhắc đến đây, Thiếu tướng Tạ Quang Chính rưng rưng nước mắt.

Trong lòng ông kỷ niệm về người cha thân thương ùa về. Năm học lớp 5, Tạ Quang Chính và anh trai Tạ Quang Vinh được gửi vào học tại Trường Văn hoá Quân đội Nguyễn Văn Trỗi, sống xa gia đình, phải tự lập cuộc sống. Nhưng ngay cả sau này, khi bắt đầu bước vào cổng Trường Đại học Bách khoa, trở thành sinh viên thì mọi con đường của ông đều do ông tự lựa chọn, không dựa vào bố mình. Mẹ ông từng tâm sự rằng, chuyện "cụ Bửu" không có thời gian dành cho con cái cũng là lẽ thường tình, cũng là vì việc lớn của đất nước mà cụ phải hy sinh, ngay cả chuyện các con đi bộ đội do tự xin đi hay địa phương gọi, cụ không hề biết.

Thiếu tướng Tạ Quang Chính còn kể, khi trở thành sinh viên ĐH Bách khoa, ông có đủ điều kiện để đi học nước ngoài, nhưng bố ông lại động viên ông nên nhập ngũ. Chính Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã gặp Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thời bấy giờ là đồng chí Lê Quang Đạo đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện cho con mình nhập ngũ. Dường như với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, được cống hiến cho đất nước là một nhu cầu, một đòi hỏi của cuộc sống của ông, vậy nên ông muốn các con mình noi theo lẽ sống đó. Trong cuộc sống, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu là người thanh bạch, giản dị, sống liêm khiết và thanh đạm. Ông chưa một lần đòi hỏi điều gì cho bản thân...

Là cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà, nhưng ông lúc nào cũng khiêm nhường, ẩn mình đi, nhường quyền lợi cho người khác. Ngay cả khi lâm bệnh nặng, nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Xô, ông cũng chưa một lần đòi hỏi phải hội chẩn giáo sư hay chế độ chăm sóc đặc biệt. Ông đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống mênh mang không thể lấp đầy trong lòng giới trí thức khoa học nước nhà…

Thiếu tướng Tạ Quang Chính tâm sự, ông và mọi người trong gia đình luôn suy ngẫm về bố mình. Ông cụ đã ảnh hưởng sâu sắc từ phương pháp làm việc của Bác Hồ. Sau cách mạng Tháng Tám, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu từ Huế ra Hà Nội và được Bác giao làm Thanh nghị trưởng Bộ Ngoại giao, trực tiếp làm thư ký, giúp việc cho Bác. Có hai lần Bộ trưởng bị Bác "chê dốt", nhưng đằng sau câu chuyện đó là những thông điệp sâu sắc.

Lần thứ nhất, Bác yêu cầu thư ký Tạ Quang Bửu dịch bản Tuyên ngôn độc lập sang tiếng Anh. Sau khi chỉnh sửa bản dịch, Bác bảo Bộ trưởng Tạ Quang Bửu phát bản dịch tiếng Anh đó lên đài phát thanh, thì Bộ trưởng băn khoăn, đài phát thanh của ta chỉ phát xa được vài chục cây số, làm sao kẻ địch nghe được. Nghe vậy, Bác cười: "Chú dốt thế, tai vách mạch rừng, chú cứ phát đi". Quả nhiên, chỉ một vài giờ sau khi bản Tuyên ngôn được phát đi, "kẻ địch" lại điên cuồng tức tối nhưng đành bất lực trước thế trận mới của nước Việt Nam mới.

Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện của cha mình, Thiếu tướng Tạ Quang Chính cho rằng, phải là nhà cách mạng chuyên nghiệp, lúc nào cũng đau đáu vận mệnh đất nước thì mới có tư duy nhạy bén được như thế. Trong công việc, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu luôn tìm mọi cách hoàn thành công việc. Ông từng nói với 6 người con của mình là "không làm được cái gì là do mình không muốn làm".

Bộ trưởng Tạ Quang Bửu luôn được Bác Hồ, được Đảng giao những nhiệm vụ quan trọng. Khi được phân công là Thứ trưởng (năm 1946), rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 1947, 1948), Bác giao cho ông phải "xây dựng Quân đội chính quy". Từ năm 1956 đến năm 1961, ông được giao làm Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 1959, ông được giao nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước và từ năm 1965 đến năm 1976, ông là Bộ trưởng Bộ GD & ĐT đầu tiên của Việt Nam.

Thiếu tướng Tạ Quang Chính cho hay, cách sử dụng người của Bác Hồ và của Đảng rất tài tình. Bác tạo cho cán bộ của mình một suy nghĩ, chức sắc không quan trọng. Có người "thắc mắc" với Bác Hồ, vì sao giao cho anh Bửu nhiều trọng trách như thế, thì Bác bảo, nếu chỉ vì chức sắc, Bác sẵn sàng giao cho chú, nhưng vì công việc của đất nước thì việc này Bác phải giao cho chú Bửu. Thấm nhuần tư tưởng không quá coi trọng danh vị của Bác Hồ mà Bộ trưởng Tạ Quang Bửu không bao giờ nghĩ mình là "quan" cả. Ông cứ theo công việc mà làm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng GS Tạ Quang Bửu đến thăm Viện Toán học năm 1986.

Trong suốt 11 năm làm Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã kiên tâm phấn đấu cho một nền giáo dục "thực dạy, thực học", "học đi đôi với hành". Ông đã sớm chỉ ra rằng, đất nước không thể tiến lên được nếu không thanh toán một nền sản xuất không có kỹ thuật và một nền kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học.

GS.TS Lê Thạc Cán, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời bấy giờ nhớ lại, từ giữa năm 1966, các trường đại học phải sơ tán rời khỏi các thành phố về các miền nông thôn và rừng núi, giảng đường, phòng thí nghiệm phần lớn bằng tre nứa, vách đất, mái lợp phên và giấy dầu, bài giảng, giờ thí nghiệm thường bị ngắt quãng bởi còi và kẻng báo động. Lựa chọn nội dung và phương pháp gì để giảng viên, giáo viên giảng dạy cho sinh viên là một câu hỏi lớn. GS Tạ Quang Bửu đã đưa ra định hướng, phải lựa chọn những điều "cơ bản nhất, hiện đại nhất, sát với thực tiễn Việt Nam nhất" (còn gọi là "ba nhất" để giảng dạy và học tập).

Như một luồng gió mới, phương châm "ba nhất" của Bộ trưởng đã tạo ra một không khí thi đua phấn khởi trong toàn ngành và trong giới khoa học. Các trường đại học đã hợp tác với nhau xây dựng các "ban thư ký môn học", tập hợp những cán bộ giảng dạy đầu ngành tại các trường khác nhau cùng lựa chọn những nội dung sát với thực tế Việt Nam nhất để biên soạn. Lần lượt hàng chục bộ giáo trình về Toán học, Cơ học và một số môn khoa học cơ bản khác ra đời, nhanh chóng giúp cho sinh viên của chúng ta có đủ tri thức để tiếp cận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ mới.

Là cây cổ thụ của nền giáo dục Việt Nam, mà bất cứ một chủ trương nào cũng đều ảnh hưởng đến cả một thế hệ, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã có nhiều ý tưởng và việc làm đúng đắn, sáng suốt nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo tiến lên. GS đã từng nói rằng: "Vấn đề không phải là so cái hiện nay với cái trước cách mạng, mà ngày nay phải hơn ngày hôm qua và ngày mai phải hơn ngày hôm nay! Đây là cả một cuộc cải cách to lớn, mà ta gọi là "Cải cách giáo dục" với ý nghĩa chiến lược của nó. Những người như tôi phải làm hết sức mình để phác ra và thực hiện công cuộc đó".

GS Tạ Quang Bửu đã có công lớn trong việc chỉ đạo bậc đào tạo đại học nâng cao chất lượng đào tạo, duy trì kỷ luật nhà trường, đảm bảo sự công bằng xã hội trong tuyển sinh. Ông đã sáng suốt, bản lĩnh khi làm thay đổi cách tuyển chọn đầu vào đại học, tổ chức kỳ tuyển sinh đầu tiên vào năm 1970, được cả xã hội đồng tình và tiếp nhận.

Đã có bài báo viết rằng, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu là người luôn phát hiện, bồi dưỡng, nâng đỡ, cảm hoá các tài năng khoa học. Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, ông đã mời nhiều nhà Toán học Pháp sang Việt Nam giảng về các vấn đề khoa học hiện đại nhất. Ông có mối quan hệ gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều nhà khoa học, kỹ thuật có uy tín của Việt Nam như: Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu…

GS Nguyễn Văn Hiệu nhớ lại: "Đầu năm 1958, tại giảng đường ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS Tạ Quang Bửu thuyết trình về phát minh Vật lý mới đoạt giải thưởng Nobel của hai nhà bác học người Mỹ gốc Hoa. Buổi thuyết trình hôm ấy đã mang đến cho tôi một niềm hứng thú vô biên mặc dù vào lúc đó, tôi chưa thật hiểu rõ nội dung phát minh nói trên. Cho nên, ngay sau khi được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân Dubna ở Liên Xô, tôi say mê lao vào nghiên cứu lĩnh vực nói trên và chẳng bao lâu sau, công bố 12 công trình về neutrino".

Nhân nói về cách bồi dưỡng, nâng đỡ cảm hoá nhân tài của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, tôi chợt nhớ đến câu chuyện PGS.TS Vũ Đình Hoà, Huy chương Bạc Toán quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, hiện đang là Trưởng bộ môn Khoa học máy tính, ĐH Sư phạm Hà Nội kể cho tôi nghe.

Năm 1974, khi đó anh chuẩn bị tham dự kỳ thi Toán quốc tế. Bộ trưởng cho mời anh đến gặp gỡ nói chuyện. Anh lo lắm thế nhưng mọi khoảng cách đã bị xoá nhoà, mọi lo âu đã tan biến khi Bộ trưởng đến bên anh trìu mến hỏi thăm sức khoẻ của anh, động viên anh học tập và tặng cho anh rất nhiều sách. Trên đường về nhà, Vũ Đình Hoà đã khóc vì xúc động trước những cử chỉ ấm áp mà ân tình của người đứng đầu ngành Giáo dục. Sau này, có đôi lúc gặp khó khăn và cả thất bại trong cuộc đời làm khoa học, PGS Vũ Đình Hoà lại nhớ đến ánh mắt trìu mến của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu mà vượt qua…

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910, tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cụ thân sinh của ông là Tạ Quang Diễm, đỗ cử nhân, là một nhà Nho dạy học một đời thanh bạch. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Đào, một người yêu văn chương, nổi tiếng với nhiều bài thơ trên các báo Tiếng dân, Phụ nữ Thời đàm với bút danh Sầm Phố. Xã Nam Hoành, nơi chôn rau cắt rốn của GS Tạ Quang Bửu sau này đổi tên thành xã Khánh Sơn, một xã giàu truyền thống cách mạng, năm 1995 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đây còn là vùng quê có truyền thống hiếu học, còn lưu danh rất nhiều người đã đỗ đạt cao trong các kỳ thi, đặc biệt có hai người đỗ "Thám hoa", trong đó "cụ Thám nhất" là ông Nguyễn Đức Đạt là cố ngoại của GS Tạ Quang Bửu. Tưởng nhớ công lao cụ Nguyễn Đức Đạt, các học trò của cụ đã xây lăng cụ ở xã và hiện nay, ở TP Vinh, Nghệ An có một con đường mang tên Nguyễn Đức Đạt.

T.P.

Thu Phương
.
.
.