Giá trị thời đại Hiệp định Geneva về Đông Dương

Thứ Bảy, 19/07/2014, 18:15
60 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết, thế giới đã có những thay đổi lớn lao và cả đảo lộn to lớn, quan hệ quốc tế đã chuyển sang một trang mới, nhưng những bài học của Hội nghị Geneva vẫn còn nguyên giá trị.

“Chiêng có to tiếng mới lớn”

Ngay sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 08 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương chính thức khai mạc, gồm 9 bên (Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đại diện ba chính phủ theo Pháp ở Việt Nam, Lào, Camphuchia) thảo luận về vấn đề Đông Dương. Cuộc đấu tranh ở Hội nghị diễn ra rất gay go, phức tạp.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, đại diện Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và đại diện Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, tướng Đentây đã ký Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam. Hiệp dịnh có 06 chương, 47 điều và 01 phụ bản, với những nội dung chủ yếu: xác định giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự để tách lực lượng hai bên; thực hiện ngừng bắn; quy định những biện pháp cho việc tập kết lực lượng của hai bên; ngăn cấm phá hoại tài sản công cộng, trả thù và phân biệt đối xử, đồng thời bảo đảm quyền tự do lựa chọn vùng cư trú; các bên không tham gia liên minh quân sự, không lập thêm căn cứ quân sự mới và cấm đưa thêm quân đội và nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược vào Việt Nam; trao trả tù binh và dân thường bị bắt và giam giữ trong chiến tranh.

Lễ ký Hiệp định Geneva năm 1954.

Theo nội dung Hiệp định, quân đội và vũ khí nước ngoài phải rút khỏi nước ta; miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra hoàn toàn giải phóng, có điều kiện xây dựng trong hòa bình, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến tiếp theo nhằm hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, các nước tham gia hội nghị thông qua Bản tuyên bố chung: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, thắng lợi của tinh thần nhân văn, nhân đạo và chính nghĩa Việt Nam, thắng lợi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”[1]. Sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hy sinh lớn lao và lòng quả cảm phi thường của quân dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo nên “thực lực mạnh” cho ngoại giao giành thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” đã dội mạnh vào Hội nghị Giơnevơ làm thay đổi hẳn cục diện đàm phán. Không có chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ không có thắng lợi ở Hội nghị Geneva.

Chiến thắng của quân dân ta, của nhân dân ba nước Đông Dương, sự kết thúc thắng lợi chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo nên cái “chiêng rất to” phát ra tiếng vang lớn ngân vang toàn cầu, để chúng ta có “tiếng lớn” - tiếng nói của dân tộc chiến thắng trên bàn đàm phán Geneva (Thụy Sĩ). Đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Chính phủ ta tại Hội nghị đã điện ngay về nước nhiệt liệt hoan hô thắng lợi oanh liệt và tinh thần vô cùng anh dũng của bộ đội và nhân dân ta ở Điện Biên Phủ.

Tư thế của những người chiến thắng

Mang trên mình hành trang chính nghĩa và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, lại được tiếng sấm ngân vang Điện Biên Phủ dội vào mạnh mẽ, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào bàn Hội nghị với tư thế ngẩng cao đầu, tư của một dân tộc chiến thắng và chính nghĩa. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã dõng dạc trình bày lập trường tám điểm với nội dung chủ yếu là: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương.

Sự tham gia của các nước lớn tại Hội nghị để bàn bạc và công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào, Camphuchia, dù muốn hay không, đã khách quan cho thấy sức mạnh và vị thế mới của các nước Đông Dương, đặc biệt là của Việt Nam trên thế giới. Đó là vị thế, uy tín của những dân tộc nhỏ, chậm phát triển nhưng đã anh dũng, quả cảm đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chính nghĩa vì độc lập tự do và cuộc sống của mình và giành được những thắng lợi vĩ đại. Sau những năm chưa có được sự công nhận ngoại giao rộng rãi của cộng đồng quốc tế, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Chính phủ ta tham gia một cách bình đẳng vào công việc của một hội nghị quốc tế tầm cỡ như vậy, cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam đã được nâng cao.

Cũng lần đầu tiên một hội nghị quốc tế lớn với sự tham gia của cả 5 cường quốc ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ) đã trịnh trọng tuyên bố “trong quan hệ với Cao Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó”.

Có đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và so sánh lực lượng vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nhà nước Việt Nam mới chỉ có gần 10 năm xây dựng, còn rất non trẻ, lại phải chống chọi với nhiều thù trong giặc ngoài, kháng chiến chống một tên đế quốc to, với sự hậu thuẫn của đế quốc đầu sỏ, mới thấy hết giá trị và ý nghĩa to lớn của việc cả 5 cường quốc thế giới ngồi vào bàn đàm phán và “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Tính chất chính nghĩa cao cả và thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta đã tạo nên vị thế ấy.

Bài học cho hôm nay

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết, thế giới đã có những thay đổi lớn lao và cả đảo lộn to lớn, quan hệ quốc tế đã chuyển sang một trang mới, nhưng những bài học của Hội nghị Geneva vẫn còn nguyên giá trị. Kiên trì chủ trương độc lập, tự chủ theo tinh thần “việc của ta do ta giải quyết”; sức mạnh tổng hợp toàn diện của đất nước là cơ sở cho đối ngoại, là một bài học lớn mà diễn biến Hội nghị Geneva đã mang lại, cần phải nhận thức thấu đáo và vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

Thực tiễn đã cho thấy, dù muốn hay không các nước lớn vẫn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong các quan hệ và công việc quốc tế, trong việc dàn xếp các xung đột mang tính quốc tế và rất nhiều khi họ lại sử dụng các vấn đề của các nước khác để phục vụ cho những tính toán và lợi ích của riêng mình. Các nước lớn đến Hội nghị Geneva không phải chỉ là để giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, mà còn có những động cơ riêng khác nhau, với những mục đích riêng và cả những toan tính lợi ích cho một ván cờ mới, trong những tình thế mới. Vì thế, Hội nghị đã diễn ra rất phức tạp trong sự đấu tranh quyết liệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sự “dàn xếp” của các nước cường quốc.

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, tình hình thế giới vừa có những mặt thuận lợi vừa có nhiều vấn đề trắc ẩn, khó dự lường. Lợi ích dân tộc luôn là lợi ích chủ đạo chi phối hoạt động của các nước trong giải quyết và xử lý các quan hệ quốc tế. Người ta vẫn nói các nước lớn phải có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh thế giới, nhưng lại thấy các cường quốc ngày càng tìm cách chi phối các nước khác. Họ ra tay giải quyết những bất đồng, xung đột ở các khu vực trên thế giới, nhưng sự giải quyết đó chủ yếu vì lợi ích và sự cạnh tranh ảnh hưởng của họ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó các nước nhỏ bằng những nỗ lực của mình vẫn có thể tác động trở lại. Sự phối hợp của Việt Nam với các nước trong khu vực, xây dựng cộng đồng Đông Nam Á hùng mạnh là cơ sở để phát huy thế chủ động, kiên trì độc lập, tự chủ theo tinh thần “việc của ta do ta giải quyết”, tranh thủ những điều kiện thuận lợi, hợp tác vượt qua thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền, hoà bình, ổn định và phát triển.

Chúng ta cần tiếp tục: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Văn kiện Đại hội Đảng XI). Phải thực hiện cho bằng được: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”

N.M.H.
.
.
.