Gặp lại những người thân của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi

Thứ Hai, 13/10/2008, 08:57
Sau gần 60 năm, do điều kiện chiến tranh gia đình ly tán, do hoàn cảnh cuộc sống và điều kiện công tác, vừa qua, những người con, cháu của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi ở Hưng Yên, Hà Nội và TP HCM mới có dịp về thăm Thanh Hóa, mảnh đất đã từng cưu mang, đùm bọc và là nơi mà bà đã công tác, chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Cách đây 58 năm, ngày 27/9/1950, tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, Điệp báo Nha Công an Trung ương phối hợp với Công an Thanh Hóa đã lập chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp. Trong trận đánh lịch sử đó, nữ điệp báo CAND Nguyễn Thị Lợi (bí số A16) đã anh dũng hy sinh. Ghi nhận công lao to lớn đó, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi.

Tại thị xã Sầm Sơn hiện nay có một ngôi trường và một con đường mang tên Nguyễn Thị Lợi. Tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi được đặt trang trọng tại khuôn viên Công an tỉnh và tại Trường THPT Nguyễn Thị Lợi (thị xã Sầm Sơn).

Chiến công vang dội của Tổ điệp báo viên và tấm gương hy sinh anh dũng của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi là niềm tự hào của lực lượng CAND, đó cũng là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Bên tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi tại Công an tỉnh Thanh Hóa.

Sau gần 60 năm, do điều kiện chiến tranh gia đình ly tán, do hoàn cảnh cuộc sống và điều kiện công tác, vừa qua, những người con, cháu của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi ở Hưng Yên, Hà Nội và TP HCM mới có dịp về thăm Thanh Hóa, mảnh đất đã từng cưu mang, đùm bọc và là nơi mà bà đã công tác, chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Địa điểm đầu tiên mà những người thân của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi đến thăm là Công an tỉnh Thanh Hóa, nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật về chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin và sự hy sinh anh dũng của nữ Anh hùng liệt sỹ.

Thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Tống Xuân Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo các phòng chức năng, Ban công tác phụ nữ Công an tỉnh cùng các con, cháu trong gia đình nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã bồi hồi dâng hương tưởng niệm, nhớ đến chiến công và sự hy sinh thầm lặng của người nữ điệp báo viên.

Những người con của bà, kể cả những người do bà sinh ra và những người con riêng sau này của chồng bà đều rất xúc động khi nhìn thấy tượng đài người mẹ thân thương, cao cả của mình trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa với dáng vẻ hiên ngang, dũng cảm, nén lại nhớ thương, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm được giao phó. Những người con của bà giờ đây đều đã luống tuổi, tóc điểm bạc. Họ xúc động quây quần, ôm chặt tượng đài mà tưởng rằng mình đang được sà vào lòng mẹ, đang được mẹ âu yếm như những ngày thơ bé.

Bà Nguyễn Thị Tường Vân, người con gái mà Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi đã gửi lại gia đình trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Ngày mẹ hy sinh, bà mới lên 6 tuổi. Chỉ đến khi ông Hoàng Đạo, nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ điệp báo với bí số A13 và cũng chính là người chỉ huy trực tiếp, đã tìm gặp, làm theo đúng ước nguyện của người nữ Anh hùng trước lúc hy sinh thì bà mới hiểu rõ về thân thế và sự nghiệp của mẹ bà.

Giờ đây, đã là bà nội, bà ngoại, bà xúc động quỳ bên tượng đài, thầm hứa với mẹ sẽ nuôi dạy các con, các cháu nên người để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của mẹ - một nữ Anh hùng liệt sỹ của lực lượng CAND.

Trước khi rời Thanh Hóa, những người con, người cháu của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi xúc động chia tay những đồng đội, những người đã giúp đỡ mẹ, bà của họ làm nên chiến công vang dội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng. Những di vật, hình ảnh của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc đối với các thế hệ con cháu hiện nay và mai sau

Thái Thanh
.
.
.