Gặp lại những huyền thoại của "Đội quân tóc dài"

Chủ Nhật, 08/03/2015, 09:19
"Hai chị em – Hai trận tuyến" là câu chuyện kể về một thời hào hùng của "Đội quân tóc dài" và phong trào "Ba đảm đang" bằng hình ảnh chân thực, giản dị về cuộc sống, chiến đấu của phụ nữ hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau 40 năm đất nước thống nhất, lớp thế hệ phụ nữ huyền thoại với sức mạnh níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, trở thành "niềm tự hào của dân tộc, nỗi khiếp sợ của kẻ thù" đã gặp nhau tại Hà Nội trong niềm vui và nước mắt tuôn trào.

55 năm đã trôi qua kể từ ngày ra đời của "Đội quân tóc dài" và 50 năm của phong trào "Ba đảm đang" thì đây được coi là một cuộc triển lãm quy mô nhất với những hình ảnh tả thực đã làm sống lại những năm tháng khốc liệt của chiến tranh nhưng cũng đầy hào hùng và vinh quang của một thời "Cả nước lên đường", "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".

Không giấu được xúc động khi ra Thủ đô Hà Nội, nguyên lãnh đạo "Đội quân tóc dài" xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu – bà Nguyễn Thị Lập khi nhìn bức ảnh của nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà lãnh đạo, biểu tượng của "Đội quân tóc dài" đã bật khóc.

Năm nay 83 tuổi nhưng bà Lập vẫn còn minh mẫn và sức khỏe dẻo dai, bà đã vượt hơn 1.000km từ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng ra Hà Nội tham dự triển lãm.

Tham gia "Đội quân tóc dài" từ ngày còn trẻ, bà nhớ lại: "Ác liệt nhất là vào năm 1960 – 1961, thời kỳ này, chị em vừa đấu tranh vũ trang vừa đấu tranh chính trị rất gay gắt. Đêm thì tập kết, sáng trực tiếp cầm đơn đưa đến Đồn Giá Rai. Nội dung đơn là kêu gọi địch không được lập ấp chiến lược, không được bắt lính, chống gom dân lập ấp. Thời kỳ này, địch đàn áp rất dã man, ở ấp 25 có 2 chị hy sinh, rồi đến ấp 15 thêm 3 chị hy sinh nữa...".

Nói đến đây, bà Lập lấy tay lau nước mắt. Với bà, ký ức bi tráng của một thời lại ùa về. "Năm 1962 địch đã thu đơn của Đội quân tóc dài, chúng không đánh đập nữa. Chị em nộp đơn xong bơi xuồng về, tay giơ cao để mừng thắng lợi" – bà Lập tiếp lời.

Bà Nguyễn Thị Lập xúc động trước tấm ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà Lập đã bị địch bắt giam cầm ở Cần Thơ, Thủ Đức, sau đó đày ra Côn Đảo, khi ấy bà đã đảm nhận cương vị Ủy viên BCH Công vận TP Cần Thơ.

40 năm sau ngày đất nước giải phóng, bà đã nhiều lần đi tìm lại đồng đội cũ, nhưng người còn, người mất, người thất lạc tin tức.

Bà chia sẻ: "Từ lúc ra đây, được gặp lại các chị em từng hoạt động một thời, tôi chỉ rưng rưng nước mắt. Triển lãm này thật có ý nghĩa khi giúp chị em chúng tôi được gặp lại nhau, xum vầy đoàn tụ".

Hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cuộc đời riêng của bà cũng giống như bao người phụ nữ trong "Đội quân tóc dài" ngày ấy, chịu rất nhiều mất mát.

Năm 1954, chồng tập kết ra Bắc khi bà đang mang thai được 5 tháng. Một mình sinh con, nuôi con và hoạt động cách mạng.

Trong một lần bà đi hoạt động, cô con gái nhỏ 5 tuổi ở nhà bị té xuống ao chết đuối. "Lúc đó tôi chỉ muốn được đi theo con. Nếu còn sống, năm nay nó cũng hơn 50 tuổi rồi" – bà lại sụt sịt.

Sau này đất nước thống nhất, bà không sinh thêm được người con nào nữa và bà đã nhận nuôi 2 người con nay đã trưởng thành.

Gặp bà Tịnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lưởng, ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng ôm chầm lấy bạn. Năm nay cũng 83 tuổi, biết nhau trong "Đội quân tóc dài" ngày ấy, tuy cùng ở Sóc Trăng nhưng hiếm hoi lắm hai bà mới có cơ hội được gặp nhau. "Tui vui quá, từ sáng tới giờ chỉ khóc" - bà Lưởng chia sẻ.

Bà nhớ như in, ngày 26/2/1962, bà tham gia vào "Đội quân tóc dài" của huyện Thạnh Trị, sau đó làm Trưởng ban "Đội quân tóc dài" của xã Thạnh Trị và bị địch bắt giam tại Sóc Trăng.

Ở vào tuổi "xưa nay hiếm" mà các bà vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh như thế này thật đáng mừng. Chỉ vào bức ảnh "Phong trào báo nói", cô Trần Thị Lan, ở TP Hồ Chí Minh cảm động cho biết: "Người nói ở trên loa là tôi đó". Khi ấy cô Lan là Tổng Thư ký Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đô thị miền Nam, trong một lần xuống đường tuyên truyền, cô đã được tác giả ghi lại

"Đây là dịp hiếm hoi chị em hai miền Nam – Bắc được gặp nhau nên chúng tôi rất sung sướng được gặp mặt tất cả chị em, bạn bè thân quen cũ. Niềm vui này sẽ mang mãi về sau" – cô Lan tự hào kể.

"Hai chị em – Hai trận tuyến" là những câu chuyện chân thực, giản dị về cuộc sống, chiến đấu của phụ nữ hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Ở "Trận tuyến miền Nam" được miêu tả bằng rất nhiều bức ảnh về Bến Tre quật khởi, đấu tranh chính trị ở Củ Chi, ngã ba Chim Chim (Tiền Giang)...

Những câu chuyện đầy cảm xúc, có thể chạm vào trái tim mỗi chúng ta bởi nó đã truyền tải được những thông điệp về lòng yêu nước, nghị lực và tình yêu thương, sự dũng cảm, kiên cường, đức tính đảm đang, trung hậu của người phụ nữ Việt Nam.

Chúng ta sẽ bắt gặp ở đây câu chuyện về những bà má miền Nam tay không cản xe tăng địch, giữ gìn hoa màu với tinh thần "Một tấc không đi, một ly không rời" để bảo vệ mảnh đất quê hương; hay "Đội quân tóc dài" huyền thoại với sức mạnh "níu" cánh máy bay, bịt nòng đại bác, trở thành "niềm tự hào của dân tộc, nỗi khiếp sợ của kẻ thù".

Về người vợ liệt sỹ 3 năm làm vợ, bà chỉ được ở bên chồng 40 ngày, rồi sau một mình vò võ mang thai, nuôi con, chờ chồng suốt 14 năm với niềm tin chồng mình vẫn đang chiến đấu ở miền Nam.

Về những cô gái lái xe dẻo dai như Anh hùng Phùng Thị Viên kiên cường vượt qua mưa bom bão đạn dọc Trường Sơn lịch sử.

Những cô gái tuổi đời đôi mươi khi bị bom vùi vẫn bình tĩnh lấy áo che nòng súng, moi đất chui lên, tiếp tục chiến đấu kiên cường...

Còn rất nhiều những đóng góp, hy sinh của những người phụ nữ khác, có chăng họ chỉ khác nhau cái tên, công việc, nhưng tất cả đều giống nhau ở mục tiêu, lý tưởng sống và tình yêu quê hương, đất nước. Và họ, những người phụ nữ ấy đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc.

Trần Hằng
.
.
.