Gặp Mai Văn Huy, người vừa được đặc xá: Phải thật sự ăn năn hối cải

Thứ Tư, 09/09/2009, 10:03
Gánh trên mình án tù chung thân đến 2 tội danh nhưng Mai Văn Huy - nguyên Giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp, người từng bị báo chí dành cho khá nhiều cụm từ như "kẻ coi trời bằng vung", "kẻ nhìn trời bằng nửa con mắt" hay "kẻ ném tiền qua cửa sổ",… chỉ cải tạo đúng 9 năm 21 ngày, đã được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Ngay khi nghe Mai Văn Huy trở về từ Trại giam An Điềm (Quảng Nam), PV Báo CAND đã tìm gặp trước khi Mai Văn Huy ra trình diện với chính quyền tại Đồng Tháp vào sáng 7/9, chúng tôi đã gặp ông…

Gặp lại PV Báo CAND, Mai Văn Huy nhớ và nhắc ngay lần tôi tiếp xúc với anh trong Trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Tháp cách đây hơn 7 năm - trước 2 ngày vụ án buôn lậu, tham ô, đưa hối lộ và cố ý làm trái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử. Nhớ lại phiên tòa sơ thẩm (kéo dài 1 tháng, tuyên ngày 28/6/2002) có đến 39 bị cáo, trong đó Huy được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu,

Huy bộc bạch: "Buôn lậu gần 46.000 tấn xăng dầu trị giá trên 150 tỷ đồng để trốn thuế nhập khẩu trên 33 tỷ đồng; tham ô gần 2 tỷ đồng; đưa hối lộ 70 triệu đồng và 4 lượng vàng, cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn… Thật tình cho tới trước khi nghe HĐXX tuyên án, tôi chỉ nghĩ rằng tội của mình dư sức để… dựa cột. Và ngay sau khi có quyết định thi hành án, tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành hình phạt tù với quyết tâm quay về nẻo thiện…".

PV Báo CAND trò chuyện với Mai Văn Huy (trái) khi vừa được đặc xá, trở về với cộng đồng tại Cần Thơ.

Huy kể, nơi anh được đưa đến cải tạo là Trại giam An Điềm, thuộc địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - vùng đất xa xôi, lạ lẫm mà trước khi phạm tội, anh chưa từng đặt chân tới. "Trên đường di chuyển từ Đồng Tháp ra tới đây, tôi lo nghĩ đủ thứ, trong đó có chuyện mình là "ma mới" bị "ma cũ" ăn hiếp, rồi chuyện mình bị cán bộ trại bạc đãi… Tuy nhiên, khi đến trại rồi, được cán bộ trại, trong đó có Đại tá Nguyễn Ngọc Ánh - Giám thị tới vỗ vai, động viên, cầm tay chỉ từng việc một… tôi xúc động đến phát khóc. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu cảm nhận được tình người trong trại giam".

Mai Văn Huy kể thêm, trong ngày phổ biến 13 điều nội quy trại và những điều thi đua, anh xin được tham gia ngay công việc mà theo cán bộ trại nói rằng phải ít nhất có "thâm niên" 2 năm trong trại mới được phân công. Huy vốn dĩ là nông dân nên không chỉ mau chóng làm quen với công việc khó nhọc này mà còn làm đạt năng suất cao.  

Chẳng bao lâu sau, Huy được phân công làm Đội trưởng Đội 1C có tất cả 70 phạm nhân cũng từng là cán bộ Nhà nước như anh. Việc được phân công là tỉa bắp, cải tạo ruộng, trồng rừng, trồng cây, cải tạo môi trường… Khi trại thành lập Nhà văn hóa truyền thống và phân Trại K2, Huy được phân công làm Đội trưởng Đội Cây cảnh. Trong những ngày ấy, anh có rất nhiều kỷ niệm đẹp với những phạm nhân khác. Anh luôn lên "dây cót" tinh thần anh em để tất cả cùng phấn đấu, hoàn thành tốt công việc, sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Huy kể, trong thời gian ở Trại giam An Điềm, anh từng chứng kiến phạm nhân định trốn trại. Ban đầu, họ giả vờ bị bệnh. Khi cán bộ đến, vừa mở cửa buồng giam, họ tháo chạy ra hướng cổng. Tất nhiên, họ không thể thoát được hàng rào bảo vệ.

Huy kể thêm, là Đội trưởng, theo quy định, anh không phải lao động như những phạm nhân khác nhưng anh vẫn quần quật, không ngại vất vả, hiểm nguy cùng anh em. Không phải chỉ có vậy, theo quy định, ngày cuối tuần, phạm nhân được nghỉ nhưng anh vẫn đăng ký lao động. Nhờ lao động tốt, anh đã nhiều lần được tiền thưởng của trại vào cuối các đợt sản xuất, lễ, Tết…

Trước ngày Huy được xem xét, đề nghị đặc xá, anh tham gia công việc của trang trại nuôi gà và nuôi heo. Trước khi rời trại, cán bộ trại đã có lời mời Huy sớm sắp xếp quay lại trại để hợp tác cùng trại tiếp tục công việc nuôi gà, heo. Vẫn theo lời Huy, dịp lễ 2-9 rồi, Trại An Điềm có 35 phạm nhân được đặc xá. Trong số này có 2 phạm nhân bị án chung thân được về, đó là anh và một anh ở Quảng Ngãi đã chấp hành tốt hơn 12 năm.

Nhận quyết định đặc xá, cầm trong tay tiền mà trại cho để về quê, Huy bịn rịn, nhớ giám thị và các cán bộ quản giáo từng gắn bó với anh từ ngày đầu tiên anh vào trại, nhớ lời động viên, an ủi của bạn bè, người thân qua hơn 2.000 lá thư. Đặc biệt, anh cứ thuộc lòng lời căn dặn của anh em trong trại. "Huy ơi. Ra trại rồi anh phải tiếp tục cố gắng, làm lại cuộc đời. Bởi việc anh sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội cũng là một phần khẳng định chính sách khoan hồng đối với người biết nhận ra lỗi lầm, có thái độ ăn năn, hối cải là đúng. Và anh cũng là tấm gương để anh em chúng tôi phấn đấu làm theo".

Sáng 7/9, sau khi trình diện với chính quyền địa phương nơi cư trú tại Đồng Tháp, Huy cho biết, anh cũng đã tranh thủ thăm một số anh em, đồng chí và doanh nghiệp mà trước đây anh từng làm giám đốc. Trò chuyện với tôi, anh cũng không giấu những công việc sắp phải làm để thực hiện "dự án làm lại cuộc đời" của mình.

Anh nói: "Sai lầm trong quá khứ tôi đã phải trả giá đắt. Từ ngày hôm nay, tôi bắt đầu cuộc sống mới, lối nghĩ mới, chín chắn khác hơn trước rất nhiều. Xã hội này luôn luôn rộng mở vòng tay, cảm thông và chia sẻ với những người biết ăn năn hối cải, đó cũng là điều kiện quan trọng để những người như tôi sớm hòa nhập cộng đồng"

Binh Huyền
.
.
.