Đồng bằng sông Cửu Long khát nước
Còn ở tỉnh Bến Tre, những cơn gió chướng trong dịp Tết vừa qua đã làm nước mặn từ các cửa biển xâm nhập sớm hơn năm trước gần 1 tháng. Ông Phan Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bến Tre - cho biết, hàng chục xã thuộc vùng Nam của hai huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày dù cách biển khoảng 40 km đã bị nước mặn gây ảnh hưởng.
Riêng 3 huyện vùng biển là Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, nước mặn gay gắt đã khiến khá nhiều hộ phải chạy về thượng nguồn các sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai để tìm nước ngọt về dự trữ. Nhiều hộ không có phương tiện thì đành phải mua nước với giá từ 500 đến 1.000 đồng/can (loại 20l). Hiện độ mặn trung bình trên các sông chính của Bến Tre (cũng là các nhánh của sông Cửu Long) khoảng 4‰.
Theo dự báo, nếu tình trạng gió chướng tiếp tục thổi mạnh như những ngày vừa qua, kết hợp với triều cường thì cự ly xâm nhập của nước biển có thể sâu 60 km, với độ mặn 1‰. Tại Tiền Giang, đời sống nhiều người dân vùng cù lao Lợi Quan, gồm 6 xã thuộc hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây là: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân và Tân Thạnh cũng đang bị nước mặn gây ảnh hưởng tương tự.
Các trạm cấp nước và chứa nước Né Bão (Phú Đông), Phú Thạnh, Tân Phú và Tân Thới cũng không thể đáp ứng nổi nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 50.000 dân nơi đây.
"Săn nước" giữa đồng bằng?
San sẻ nhau từng tí nước một, bà con ấp Cà Hom, xã Văn Giáo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giao ước với nhau: Mỗi hộ chỉ được múc 3 - 5 thùng nhựa (loại 10 lít) mỗi ngày. Theo lời anh Ni, một số hộ không đủ xài thì lội bộ sang kênh Bưng Tiền (chảy cắt ngang tỉnh lộ 948, cách đó khoảng 300 mét) để múc lên. Thực ra đấy cũng là tình cảnh chung của cả vùng Bảy Núi, An Giang.
Theo báo cáo của chính quyền 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, hiện 120 đường ô, suối và các hồ chứa nước (như hồ Xoài Soa, hồ Ô Tức Sa, hồ Cây Đuốc...), hàng ngàn giếng xây, giếng phơi gần như đều đã cạn kiệt. Các cánh đồng dưới chân núi Dài, núi Cấm, núi Tượng mà tôi đi qua đều khô trắng.
Tiếp tục hành trình ngược lên khu vực sát biên giới Campuchia, thuộc địa phận các xã An Phú, Xuân Tô, Nhơn Hưng và An Nông của huyện Tịnh Biên, chúng tôi chứng kiến cảnh nước dưới các tuyến kênh nội đồng ở đây xuống rất thấp, có luồng lạch chỉ rộng còn chừng một gang tay. Riêng con kênh Vĩnh Tế nằm sát biên giới, mùa này đã kiệt, lại thêm vỏ lãi, tác ráng chạy nhiều làm mặt nước đục ngầu. Dẫu vậy, một số người dân An Phú tranh thủ chờ và gánh từng thùng nước về bồn dự trữ.
Một cán bộ UBND xã Xuân Tô cho biết, nguồn nước sinh hoạt của ấp Xuân Hiệp đã bắt đầu khó khăn hơn. Những cái giếng cũng đang cạn kiệt từng giờ. Để có nguồn nước tương đối ổn, phải khoan xuống độ sâu 60m trở lên.
Theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm, do trời không mưa, thời tiết khô hanh và kéo dài nên giống như các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, các rừng ở ĐBSCL như U Minh Hạ (Cà Mau), U Minh Thượng, Tứ Giác Long Xuyên và Phú Quốc (Kiên Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), rừng tràm ở Long An... đang ở nguy cơ cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Hiện chính quyền, nhân dân các địa phương này đang tập trung, tích cực triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống cháy rừng. |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Đỗ Vũ Hùng cho biết, tỉnh hiện có gần 120 tuyến kênh (dài trên 650 km) đang cần được nạo vét. Nếu không, tình trạng hạn hán gay gắt này sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 35.000 ha lúa hè - thu. Trước mắt, tỉnh đã chi 5 tỉ đồng để tập trung nạo vét các kênh: Vĩnh An, Hậu Bảy Xã, 26-3 (huyện Tân Châu), kênh Mới, Ninh Phước (huyện Tri Tôn), kênh Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lợi (huyện An Phú)... Xem ra, tình trạng hạn hán ở ĐBSCL đã bắt đầu diễn ra quyết liệt và gay gắt hơn bao giờ hết