Đón Tết trên con đò cuối cùng

Thứ Hai, 24/01/2011, 09:17
Trong những ngày xuân đang nô nức về trên khắp các miền, mọi người tất tả ngược xuôi để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Còn hai hộ dân xóm vạn đò cuối cùng TP Huế cũng chỉ mong đủ tiền để mua cho mấy đứa nhỏ cái áo đủ ấm và ăn đủ no. Đây là hai hộ dân vạn đò cuối cùng còn lênh đênh trên sông Hương khi mùa xuân đang về.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, từ đời ông nội đến đời mấy đứa con của anh Lê Văn Kính và Lê Văn Sinh, số đò 014, khu vực 1, tổ 1, phường Phú Cát (TP Huế) là đời thứ bốn đều đón giao thừa trên ghe thuyền. Cái kiếp sông nước gắn với họ từ khi mới lọt lòng mẹ, rồi khi lập gia đình ông bà lại sắm cho mỗi người một con đò nhỏ để sinh hoạt. Đó cũng chính là "ngôi nhà hạnh phúc" của những người sống trên khu vực vạn đò chợ Đông Ba.

Do theo chế độ là mỗi hộ khẩu chỉ được cấp một căn hộ tại khu tái định cư trên cạn, và hỗ trợ mua trả góp thêm một căn hộ, mà gia đình anh Kính và anh Sinh không tách khẩu nên một căn hộ cho ông nội, còn một căn hộ mua trả góp cho người anh trai. Thế nên, mong ước lên bờ vẫn chưa đến tay của anh chị. Hai con đò vẫn chưa thể lên cạn được trong đợt di dân lên khu tái định cư mới cùng các hộ dân lần này.

Những đứa trẻ đang mong được đón Tết trên bờ.

Năm nào cũng thế, cứ xuân đến là cả xóm vạn đò rạo rực chuẩn bị để hòa mình không khí đón Tết, nên dù không có gì nhiều nhưng ngày Tết cũng cố gắng chuẩn bị chút kẹo bánh, mâm cỗ để cho anh em bà con láng giềng chèo đò đi chúc Tết nhau.

Đó là những mùa xuân trước, nhưng năm nay, khi mà những hộ đò láng giềng đều đã lên cạn để chung vui xuân trong căn nhà mới ấm áp thì hai anh em Kính và Sinh cùng gia đình của mình vẫn phải đón Tết trên hai con đò đơn độc nằm lẻ loi bên góc sông Hương.

Thằng nhỏ Lê Văn Lành (8 tuổi) con anh Kính trò chuyện: "Đêm đến trên đò lạnh lắm, gió từ dưới sông luồn qua mấy tấm ván mỏng, chăn cũng không đủ ấm, cháu không ngủ được mấy đêm ni rồi. Tết ni xin mẹ mua cho cái áo ấm mặc mà chưa có…". Ba đứa con nhỏ nhà anh Kính đều đi học, nhưng áo ấm còn chưa có đủ mặc sao nói đến áo đẹp để mang Tết.

Anh kể: "Hàng ngày, tui người đi lặn thuê, ai thuê lặn gì đi nấy còn nếu không thì cũng không có việc chi mần. Còn vợ tui thì mua bán lại mấy mớ ốc hôm nhiều thì được 50.000 - 70.000 đồng. Hôm thì 30.000 không đủ để cho cả nhà ăn trong ngày, làm răng mà đòi có áo đẹp với quần đẹp hả chú. Mấy đứa nó cũng đòi áo quần mặc Tết đó, nhưng cũng đành chịu vậy. Chỉ mong là chúng mặc ấm là được rồi!".

Còn ba đứa con của anh Sinh cũng không đứa nào được đi học, lầm lũi qua các con phố lượn ve chai đưa đi bán lấy tiền. "Con cũng muốn đi học lắm, nhưng nhà nghèo không có tiền đi học. Ngày trước con hay chèo đò đi lượm ve chai trên sông Hương để về bán lấy tiền cho mẹ mua thức ăn"- thằng nhỏ Lê Văn Chiến, con đầu anh Sinh thủ thỉ nói.

Ông Trần Trung Hòa - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cát cho biết: "Phường còn có hai hộ đò cuối cùng vẫn chưa thể đưa lên bờ được, chúng tôi đã có công văn gửi trình lên Ban ĐT&XD thành phố, UBND TP Huế để kiến nghị hỗ trợ hai căn nhà trong khu tái định cư cho hai trường hợp này. Chúng tôi đang cố gắng để đưa hai hộ vạn đò này lên bờ sớm nhất trong thời gian có thể".

Chia tay hai hộ vạn đò còn sót lại cuối cũng trên sông Hương, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi không khí lạnh dự báo lại đang tràn về đợt mới. Mấy đứa nhỏ rét run môi tím bầm vì mặc không đủ ấm, đêm không ngủ được, những ngày Tết lại đến gần mong sao chúng có quần áo đẹp như chúng bạn cùng lứa

Ngô Toàn
.
.
.