Dịch vụ bảo vệ: Chất ít, lượng nhiều

Thứ Ba, 19/04/2005, 13:23

Cách đây 10 năm, Công ty Yuky Sepre 24  là Công ty Dịch vụ bảo vệ duy nhất ở nước ta ra đời. Vài năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường tăng cao, dịch vụ này bùng phát và tới thời điểm này, cả nước đã có trên 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

Thời bao cấp, đội ngũ bảo vệ cơ quan, xí nghiệp thường ưu tiên cho "đối tượng chính sách", không ít người đã mất sức hay tới tuổi hưu. Thế là những người "mắt đã mờ chân đã chậm" lại đi gánh những trọng trách bảo vệ tài sản, tính mạng của những công ty, xí nghiệp quan trọng. Cơ chế thị trường thực sự đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nhiều doanh nghiệp, họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê vệ sĩ chuyên nghiệp, vừa tạo dáng cho bộ mặt công ty lại vừa hiệu quả trong việc bảo vệ tài sản. Chính nhu cầu này đã kéo theo sự ra đời ồ ạt của trên 100 công ty dịch vụ bảo vệ, trong đó không ít công ty "hữu danh vô thực".

Ở quận Phú Nhuận, Tp.HCM, Công ty Dịch vụ bảo vệ V.G, tiền thân là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhà hàng karaoke, nhưng khi thấy làm dịch vụ bảo vệ dễ ăn, doanh nghiệp này liền xin bổ sung thêm chức năng cho công ty rồi tổ chức tuyển người về, giao khoán cho một ông thày chỉ biết dạy võ chịu trách nhiệm đào tạo, sau đó công ty này cũng ký kết hợp đồng bảo vệ cho một số công ty, xí nghiệp. Nhiều người có chuyên môn cho rằng, nếu vệ sĩ chỉ biết võ thuật không thôi thì bảo vệ trở thành "bảo kê" mấy hồi.

Công ty Dịch vụ bảo vệ H. L có trụ sở đặt tại quận Phú Nhuận, Tp.HCM, cũng được coi là một loại hình dịch vụ bảo vệ khá "đặc biệt". Những thành viên thành lập công ty này hầu hết là người bị công ty bảo vệ khác sa thải, vì thế công ty này công khai quảng cáo trên báo: "Ưu tiên nhận những người đã qua công tác ở những công ty bảo vệ chuyên nghiệp…". Thế là số vi phạm kỷ luật bị các công ty khác sa thải tìm về đầu quân cho Công ty H.L và công ty này đương nhiên chẳng phải tốn tiền đầu tư cho khâu đào tạo. Nhưng cái giá phải trả là nhân viên của công ty này vừa làm mất xe máy của khách hàng, vừa để kẻ trộm đột nhập cắt toàn bộ hệ thống camera cùng thiết bị chống trộm trị giá hàng trăm triệu của một siêu thị trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Sau những vụ bê bối tương tự, công ty không có khách hàng và đồng nghĩa với việc 4 tháng công nhân không được trả lương đã tổ chức bao vây "hỏi tội" Ban Giám đốc. Sợ quá, trụ sở của công ty này đã "trốn" khỏi địa bàn quận Phú Nhuận.

Hiện nay, chỉ một số ít công ty có uy tín như Long Hải, Saigon Nam Chính Trực… là không thu tiền đầu vào, nghĩa là người lao động được nhận vào làm việc không phải đóng tiền đào tạo, còn lại rất nhiều công ty thu khoản tiền này rất cao, nhưng chi phí cho công tác đào tạo lại rất thấp hoặc chẳng cần đào tạo chính quy. Anh Phạm Quyết Chiến, nhân viên Công ty Dịch vụ bảo vệ M.D, đã tố cáo vì anh và một số đồng nghiệp xin vào làm việc tại công ty và được phân đi bảo vệ mục tiêu ngay, không học hành gì cả, nhưng vẫn phải đóng một khoản tiền đào tạo là 1,1 triệu đồng. Một điều mà các anh không hiểu nổi là khi được điều tới mục tiêu, các anh đều được đội trưởng dặn dò: "Nếu ai có hỏi thì nói được đào tạo ở trường Đại học Cảnh sát Thủ Đức, làm lâu rồi, từ mục tiêu khác chuyển đến, mức lương trên một triệu đồng…". Đây là cách nói dối để loè đơn vị thuê vệ sĩ, thực tế là lính mới và lương thử việc 3 tháng đầu là 550.000đ, và rất nhiều người chưa hết thử việc đã bị cắt hợp đồng vì nhiều lý do lãng nhách và đương nhiên khoản tiền "đầu vào" đóng cho công ty kể như mất.

Theo một giám đốc công ty bảo vệ, có công ty chỉ sống nhờ vào tiền "đầu vào" và họ cứ tuyển rồi cứ sa thải liên tục. Chúng tôi được biết, có một số người đã đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội của một số tỉnh miền Bắc đặt vấn đề tuyển vệ sĩ, họ đặt giá đầu vào cho người xin việc phải đóng từ 3 đến 4 triệu và họ hứa sẽ trích lại cho tỉnh 1 triệu đồng, thấy việc làm có dấu hiệu mờ ám nên có tỉnh đã cảnh giác và bất hợp tác. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình cũng phải bấm bụng bán lúa, bán trâu để lo cho con em mình có một chân vệ sĩ, nhưng họ không hề biết rằng, công ty mà họ đặt hết niềm tin ấy có nguy cơ phá sản rất cao, bởi những kiểu làm ăn chụp giựt. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh dịch vụ bảo vệ Yuki Sepre 24Co, cho biết hiện nay, việc thành lập các công ty vệ sĩ ồ ạt, nhưng chương trình đào tạo vệ sĩ đều do các công ty vệ sĩ tự lo liệu, chưa có một quy định chuẩn hóa nào, mỗi công ty tự chuẩn bị một chương trình đào tạo của riêng mình, vì thế vệ sĩ nhìn bề ngoài thì rất oai, nhưng bên trong, chất lượng đào tạo thì chẳng ai đánh giá được.

Thực tế, thời gian qua, các công ty dịch vụ bảo vệ đã đóng góp rất nhiều công sức và hiệu quả vào công việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Việc phát triển của các công ty này là một điều đáng mừng, song để ngành nghề này đi vào hoạt động có nền nếp thì Nhà nước cần có những quy định cụ thể cơ quan nào có chức năng đào tạo, cấp phát bằng cấp cho vệ sĩ. Mặt khác, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố, đơn vị quản lý ngành nghề này cần kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ, không để tình trạng bát nháo như hiện nay

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.