Đi tour giá rẻ: Du lịch hay hành xác?
Với một tour du lịch “cao cấp” tới Trung Quốc (giá 800 USD), 8 ngày đi tua là 8 ngày chúng tôi phải di chuyển liên tục trên những chặng đường dài có khi vài trăm cây số từ sáng đến chiều, không nghỉ trưa, không nghỉ tối mà chỉ nghỉ đêm, trong điều kiện tất cả các khẩu vị ăn uống đều xa lạ.
Tôi mua “tua” của Công ty Du lịch Hòa Bình với giá 800 USD cho 8 ngày 7 đêm ở Trung Quốc. Theo chương trình, với số tiền đó, tôi sẽ được tham quan hầu hết các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở 6 thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó ở Bắc Kinh 3 ngày Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu, Thâm Quyến, Quảng Châu mỗi nơi 1 ngày.
Tua tôi mua là một tua cao cấp bởi với giá 800 USD, tôi sẽ được đi bằng đường hàng không từ Hà Nội tới Bắc Kinh và ngược lại và từ Hàng Châu tới Thâm Quyến với khoảng cách khoảng 1.400 km thì thay vì phải nằm tàu hỏa ít nhất là 15 tiếng, tôi sẽ được bay trên tuyến bay nội địa của Hàng không Trung Quốc với thời gian chớp nhoáng chỉ có vẻn vẹn một tiếng rưỡi. Còn các tua Trung Quốc khác, rẻ hơn khoảng 400 USD hoặc thấp hơn nữa, các lữ khách phải chấp nhận đi bằng đường bộ với thời gian di chuyển lâu hơn và tiêu hao sức lực nhiều hơn.
Đoàn chúng tôi gồm 47 người, quá đông so với các đoàn bình thường khác nhưng có thể do phải tiết kiệm chi phí nên Công ty Du lịch Hòa Bình chỉ bố trí có 1 hướng dẫn viên. Đó là một chàng trai gốc Hoa, nói giọng miền
Do đông người nên đoàn chúng tôi phải chia làm 2 nhóm, bay từ Nội Bài sang Bắc Kinh trên 2 chuyến bay khác nhau. Nhóm 1 bay chuyến muộn lúc 10 giờ 10 phút từ Nội Bài sang thẳng Bắc Kinh lúc 14h 45’ và nhóm 2 bay sớm hơn lúc 9h 20’ nhưng đến Bắc Kinh muộn hơn lúc 16h vì phải bay 2 chặng từ Nội Bài đến Quảng Châu rồi tiếp tục quá cảnh từ Quảng Châu tới Bắc Kinh.
Phải chia làm 2 nhóm mà lại chỉ có một hướng dẫn viên nên đoàn của tôi có nhiều người tỏ ý lo ngại. Nhưng Công ty Du lịch Hòa Bình trấn an rằng, người hướng dẫn sẽ bay đi bằng chuyến muộn từ Nội Bài với nhóm 1 (để vẫn có thể làm thủ tục đầy đủ cho nhóm 2 bay đi chuyến sớm) và do đến Bắc Kinh sớm nên vẫn có thể đón được nhóm 2 đến muộn.
Như vậy là nhất cử lưỡng tiện, tuy chỉ có 1 hướng dẫn viên nhưng vừa tiễn vừa đón được cả 2 nhóm. Công ty Du lịch Hòa Bình còn dặn dò kỹ lưỡng nhóm 2, nhóm phải quá cảnh ở Quảng Châu rằng, đến Quảng Châu nhóm này cứ yên vị trên máy bay chờ đến khi máy bay tiếp tục cất cánh bay tới Bắc Kinh.
Nhưng đến sân bay Quảng Châu thì sự thể không phải như vậy. Thấy các hành khách khác đã rời khỏi máy bay mà nhóm chúng tôi vẫn ngồi lại, những người có trách nhiệm trên máy bay nói một tràng tiếng Hoa. Chúng tôi lắc đầu tỏ ý không hiểu. Họ lại tiếp tục nói một tràng tiếng Anh nữa. Chúng tôi vẫn lắc đầu. Cuối cùng, họ ra hiệu, chỉ chúng tôi ra phía cửa. Lúc này, chúng tôi mới hiểu, họ yêu cầu, tất cả phải rời máy bay xuống làm thủ tục quá cảnh ở sân bay Quảng Châu.
Không biết tiếng Hoa, cũng không biết tiếng Anh, tất cả nhóm tôi đều thót tim lo lắng. Giữa sân bay Quảng Châu rộng mênh mông, biết đi lối nào? làm thủ tục ở đâu? Sự tiết kiệm của Công ty Du lịch Hòa Bình đã làm khổ chúng tôi, những quý khách của họ. Nhưng rồi, cuối cùng, rất may chúng tôi bám gót được một tua du lịch của người Việt và mọi việc cũng ổn thỏa.
16h, nhóm của chúng tôi tới sân bay Bắc Kinh. Tất cả mọi người đều mệt lả sau một chặng bay dài. Ai cũng chờ đợi sẽ được về khách sạn tắm rửa, tạm nghỉ ngơi một chút. Nhưng không, tất cả được đưa lên xe du lịch đi tiếp khoảng 40 cây số nữa về chỗ ăn tối. Bữa ăn tối kéo dài chừng 2 tiếng, chúng tôi mệt hơn bởi ăn uống không hợp khẩu vị.
Ăn xong, khoảng 19h, ai cũng hy vọng sẽ được về khách sạn nghỉ ngơi. Nhưng, lại một lần nữa thất vọng vì sau bữa ăn, cô hướng dẫn viên người Bắc Kinh mặt tươi như hoa thông báo, tất cả mọi người lên xe đi đến rạp để... xem xiếc. Nhiều người trong đoàn, trong đó có tôi, không đủ sức khỏe để chống chọi với cơn mệt đã ngủ thiếp đi trong rạp.
Đêm ấy, về khách sạn, làm thủ tục nhận phòng và vệ sinh cá nhân xong đã là... 24h. Tất cả lữ khách ngủ vùi trong cơn mệt. Sáng hôm sau đúng 6h chuông báo thức. Ăn sáng xong, chúng tôi lại tiếp tục lên xe đi chừng 70 cây số để tới Vạn Lý Trường Thành, bắt đầu cuộc chinh phục, leo lên những bậc thang cao xa thăm thẳm. Cho tới giữa trưa thì trở về, tiếp tục đi 70 cây số nữa để tới thăm một xưởng sản xuất ngọc.
Sau bữa ăn trưa, các lữ khách không được nghỉ, lại tiếp tục leo lên xe đi tiếp 2 điểm tham quan nữa để rồi đến chiều muộn sau bữa ăn tối là cuộc dạo chơi ở phố đi bộ đến tận nửa đêm. Tổng cộng trong ngày hôm đó, các lữ khách đã đi tham quan 5 điểm với đoạn đường di chuyển hơn 200 cây số.
Ngày thứ ba ở Bắc Kinh vẫn tiếp tục như vậy với 4 điểm tham quan trên một đoạn đường di chuyển hàng trăm cây số để rồi sau bữa ăn tối, không được nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục mang vác hành lý ra ga Bắc Kinh đáp tàu đi Thượng Hải ngay trong đêm.
Nhưng dẫu sao, 3 ngày ở Bắc Kinh vẫn chưa mệt bằng những ngày tiếp theo ở các thành phố khác, vì ở những nơi này chúng tôi chỉ có 1 ngày vừa di chuyển vừa tham quan. 10h, tàu mới đến Thượng Hải, ngay sau khi xuống tàu, các lữ khách tiếp tục được đưa lên xe máy lạnh tham quan 7 điểm nữa cho tới đêm khuya mới về khách sạn, ngủ một đêm để sáng tinh mơ hôm sau lại tiếp tục lên xe di chuyển vài trăm cây số đến thành phố khác.
Mệt nhất là chặng Hàng Châu - Thâm Quyến. 23h đêm hôm trước mới được về khách sạn Hàng Châu nghỉ đêm, nhưng 4h sáng hôm sau cả đoàn đã phải lục tục trở dậy đi tiếp khoảng 40 cây số ra sân bay làm thủ tục bay đi Thâm Quyến. Đến Thâm Quyến là 10h, các lữ khách tiếp tục đi tham quan 4 điểm nữa và buổi tối xem biểu diễn nghệ thuật cho đến đêm mới về khách sạn.
Cứ như thế, 8 ngày đi tua là 8 ngày di chuyển liên tục trên những chặng đường dài có khi vài trăm cây số từ sáng đến chiều, không nghỉ trưa, không nghỉ tối mà chỉ nghỉ đêm, trong điều kiện tất cả các khẩu vị ăn uống đều xa lạ. Tính ra, trong 8 ngày đi tua, chúng tôi đã di chuyển dễ đến cả vài ngàn cây số với cường độ liên tục, ròng rã ngày đi nhiều, đêm ngủ ít.
Chỉ có những người khỏe mạnh như lực sĩ và thích hợp với tất cả các loại khẩu vị ẩm thực dù là lạ lẫm nhất mới có thể chịu được cường độ đi tua như vậy. Đoàn của tôi đã có những người ốm. Ấy là tôi còn mua tua cao cấp với 3 chặng đường dài nhất được đi máy bay chứ nếu mua tua giá rẻ đi hoàn toàn bằng đường bộ thì chắc còn mệt biết chừng nào.--PageBreak--
Mua sắm ở nước ngoài: Hãy tỉnh táo trước những chiêu tiếp thị
Ngay khi bắt đầu đặt chân tới thủ đô Bắc Kinh, cô hướng dẫn viên người địa phương xinh đẹp và nói tiếng Việt tốt như người Việt đã bắt đầu nói đến một linh vật có tên là bì hươu. Linh vật này có hình dáng hơi giống con sư tử.
Sự linh thiêng của con bì hươu đã tác động mạnh tới suy nghĩ của du khách khi nó được gắn với sự thành công của nhiều nhà kinh doanh ở đất nước này qua câu chuyện kể đầy hấp dẫn của cô hướng dẫn viên du lịch. Cô còn nói rằng, vào đêm giao thừa, lúc sang canh, một chính khách nước ngoài đã phải trả một số tiền tương đương với 2 tỉ đồng Việt Nam (VNĐ) để được sờ vào con bì hươu đang đặt ở Viện Nghiên cứu phong thủy Trung Quốc, bởi con bì hươu đã mang lại nhiều may mắn cho ông.
Hai ngày sau, trước khi đoàn du lịch của chúng tôi rời Bắc Kinh, cô hướng dẫn viên hỏi cả đoàn có muốn đi sờ con bì hươu để lấy may không? Tất nhiên là cả đoàn đều giơ cả hai tay đồng ý vì trong khi chính khách nọ phải trả những 2 tỉ đồng để được sờ vào con vật linh thiêng này thì chúng tôi lại được ưu ái cho sờ miễn phí.
Đến nơi, 47 người trong đoàn chúng tôi xếp hàng lần lượt từng người một được vào sờ con bì hươu với mong muốn tiền bạc, phúc đức sẽ theo mình về nhà. Xong xuôi, cả đoàn được hướng dẫn đi tiếp đến một căn phòng ở ngay trên lầu hai. Ở đó, đèn điện sáng choang và có đến hàng trăm con bì hươu được giới thiệu là làm bằng ngọc bày trong tủ kính.
Thì ra, đây là chỗ bán bì hươu cho khách. Cô hướng dẫn viên giới thiệu, nghe như thần thoại: ai hay đánh bạc mua một con bì hươu về để trong túi sẽ thắng; ai chồng có tính trăng hoa mua con bì hươu về để ở nhà, chồng sẽ bỏ ong bướm để quay về sum họp; ai muốn con học giỏi hãy mua bì hươu vào để trong cặp sách cho con... Tóm lại, bì hươu đặt ở đâu thì may mắn sẽ tìm đến.
Chỉ có điều giá của các con bì hươu cao ngất ngưởng. Con lớn nhất có giá 13.585 USD tương đương hơn 200 triệu VNĐ; con nhỏ nhất bằng chừng ngón tay út có giá khoảng 500 nghìn VNĐ, còn con trung bình khoảng 1.600 NDT, tương đương 3,2 triệu VNĐ.
Tuy giá cả mắc thế nhưng sự linh thiêng của con bì hươu qua lời dẫn dắt khéo léo của cô hướng dẫn viên địa phương đã khiến cho nhiều du khách không ngần ngại móc hầu bao. Và thế là đã có vô khối những con bì hươu to nhỏ theo đoàn chúng tôi về Việt
Ở một điểm tham quan khác có tên là Đồng Nhân đường, gọi nôm na là một viện đông y. Đầu tiên các du khách được xem một thí nghiệm thót tim do bác sĩ đông y và hai cộng sự của ông ta thực hiện. Trong khi hai cộng sự của ông ta đứng giữ hai đầu một sợi xích sắt đã được nung đỏ thì vị bác sĩ không ngần ngại vuốt đôi bàn tay trần của mình qua đó. Mùi da thịt cháy bốc lên khét lẹt. Ai cũng ngỡ ông ta sẽ bị bỏng nặng, nhưng không, một loại thuốc đã được các cộng sự của ông ta bôi ngay vào chỗ da thịt bị cháy sém đó và thật kỳ lạ, đôi bàn tay vừa bị nướng qua sợi xích sắt nung đỏ kia không hề hấn gì.
Loại thuốc kỳ diệu đó là thuốc bôi bỏng với giá 600 nghìn VNĐ, đắt gấp 20 lần thuốc bỏng do Việt
Ngay tối đó tại một nhà hàng ăn ở Bắc Kinh, trong khi thưởng thức món lẩu Trung Hoa, tôi đã vô tình bị một vết bỏng nhẹ. Một người bạn cùng tua đã mang vị thuốc thần kỳ mà chị vừa mua với giá 600 nghìn VNĐ ra bôi cho tôi với hy vọng vết bỏng trên đôi tay tôi sẽ biến mất y như vị bác sĩ đông y kia. Nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra với tôi. Vết bỏng ấy ở nơi bàn tay tôi phải hàng chục ngày sau mới lành.
Ở tất cả các điểm tham quan kết hợp với mua sắm khác, hàng hóa đều có giá bán cao ngất ngưởng. Ở Tô Châu, một địa danh nổi tiếng về hàng tơ lụa, một chiếc khăn lụa mỏng có giá 400 nghìn VNĐ, một chiếc áo gấm trần bông ngắn có giá 900 nghìn VNĐ, một chiếc quần lụa có giá 600 nghìn VNĐ và một chiếc áo lụa không tay có giá 400 nghìn VNĐ.
Nhưng người mua vẫn thấy nhẹ lòng khi rút ví, bởi lẽ trước khi được dẫn đến cửa hàng này, du khách đã được tham quan một phân xưởng sản xuất lụa ở kề bên. Ở đó, người mua sẽ được chứng kiến con tằm nhả ra tơ thế nào rồi từng sợi tơ mỏng mảnh ấy sẽ được dệt thành tấm lụa kỳ công như thế nào.
Ở một xưởng chế tác ngọc nổi tiếng Bắc Kinh, một chiếc vỏ gối nạm ngọc được quảng cáo là chữa bệnh đau đầu, điều hòa huyết áp có giá khoảng 1 triệu VNĐ, chiếc vòng ngọc có giá khoảng 10 triệu VNĐ. Tại sân bay Quảng Châu, hai lữ khách cùng tua với tôi trong lúc chờ quá cảnh đã dạo chơi thăm thú sân bay được quảng cáo là đẹp nhất châu Á, sau đó đã vào một nhà hàng ăn uống thưởng thức 2 bát phở đậm đặc hương vị Trung Hoa để rồi tái mặt khi nhận được hóa đơn tính tiền trị giá 170 NDT tương đương với 340 nghìn VNĐ cho 2 bát phở.
Thì cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Bắc Kinh đã bảo, có đi tua mới biết túi tiền mình nhỏ