Đi tìm sự thật về động táng lớn nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 30/06/2006, 08:51

Đây được coi là một trong những động táng lớn nhất Việt Nam về số quan tài của người cổ xưa. Đau xót thay, báu vật của lịch sử để lại này chẳng có ai ngó ngàng tới - ngoài những kẻ đi tìm của cải. Chẳng biết tìm thấy bao nhiêu châu báu, nhưng họ đã đập phá tan hoang và làm biến dạng những cỗ quan tài của người xưa đã yên nghỉ cả ngàn năm...

Khu vực Hang Ma (thuộc huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) là một địa danh nổi tiếng của miền Tây Thanh Hóa gắn liền với nhiều huyền thoại về thời nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh. Phía trên Hang Ma là dãy núi cao Pha Hang có nhiều hang động chứa đựng các vết tích của lịch sử để lại chưa được khám phá. Chính ở lưng chừng đỉnh ngọn núi này là động táng bí ẩn với hơn 70 quan tài cổ. Động này nằm cách thị trấn Quan Hóa khoảng 2,5km trên dãy núi Pha Hang, bên đường đi Mường Lát.

Để tới được chân núi Pha Hang phải lội qua con sông Luồng chảy xiết. Từ chân núi Pha Hang lên đến động táng chỉ chừng 500m nhưng cực kỳ hiểm trở. Chỉ những người rất bản lĩnh và giàu kinh nghiệm đi rừng mới dám vượt qua ngọn núi cao này. Không có lối mòn, cách duy nhất để lên tới cửa động là bò kiểu “tắc kè”: bám chặt tay vào các mẩu đá tai mèo sắc như dao cứa đến tóe máu, đu người đạp chân nhích từng tấc trên vách núi dựng đứng. Miệng hang hẹp như một vết nứt gãy tình cờ trên vách đá.

Có lẽ bởi lối vào hóc hiểm và ít ngờ như thế, nên nhiều đời nay động táng tập thể này im ngủ dưới sự che chở trầm tĩnh của những tán cây rừng. Một ngày, có người phát hiện thấy cửa hang, anh ta tò mò bò lên. Và phát hoảng khi thấy những dãy quan tài đục bằng nguyên thân gỗ lớn xếp đầy trong lòng hang. Tin về chiếc hang chôn người truyền đi rất nhanh, chẳng mấy chốc những kẻ đi săn lùng của cải ào tới, bọn họ đập phá những cỗ quan tài, cày nát lòng hang hòng truy tìm những báu vật người xưa để lại.

Hơn 70 quan tài cổ không có hài cốt

Chúng tôi men theo vách đá lên đến miệng hang lúc trời vừa đứng bóng. Bên ngoài, nắng gắt như đổ lửa, chỉ đi thêm dăm bước chân đã thấy bóng tối vây đen trước mặt mình. Lòng hang tối lạnh và âm u, gió hút quẩn quanh tạo luồng khí rờn rợn. Không ai bảo ai, bỗng nhiên cả đoàn đi cùng thấy toát mồ hôi, dựng cả tóc gáy. Khi những ngọn đuốc vừa được thắp lên, một quang cảnh tan hoang bày ra trước mắt chúng tôi. Tất cả các cỗ quan tài cổ bị bật tung, nằm ngổn ngang.

Cửa động táng.

Hang hẹp chạy sâu vào trong lòng núi đến 30m, đoạn vòm cao nhất khoảng 10m. Càng vào lòng hang, không khí càng lạnh hơn, chúng tôi đi sát nhau nín thở quan sát những chiếc quan tài cổ bị bật tung và cố tìm những bộ hài cốt. Nhưng thật ngạc nhiên, trong đống gỗ ngổn ngang đã không còn bộ hài cốt nào cũng như các di vật khác còn sót lại. Lần tìm mãi chúng tôi chỉ còn thấy những mảnh xương chi, xương sườn và một số mảnh sành vương vãi trên nền đất đỏ tơi vụn.

Phía trong cùng hang có một giá gỗ với những xà ngang chống qua 2 vách hang, dưới nền những ván gỗ lớn được lát tạo thành sàn, có những cột chống vạm vỡ. Có cảm giác nơi đây những chủ nhân cổ xưa của chiếc hang đã dày công tạo cho mình một “biệt phòng” bằng gỗ. Giá gỗ chỉ còn 2 tầng, một số tấm ván đã bị đổ, một số mảnh quan tài được đặt trên giá (có thể những người đi tìm đồ tùy táng trong mộ đã tạo nên sự di chuyển này?).

Tất cả các cỗ quan tài đều được tạc bằng những thân gỗ lớn, có chiếc hình lòng thuyền, có chiếc khoét hình chữ nhật và đều có tai, chốt hãm. Kích thước giữa các quan tài cũng rất khác nhau, chiếc lớn dài 2,8m, rộng gần 50cm, chiếc nhỏ dài 1,4m, rộng gần 30 cm. Điều đáng ngạc nhiên là, ngoài những vết rìu phá rất mới - tất cả quan tài, cột gỗ đều còn nguyên vẹn, không có dấu vết mục nát bởi thời gian. Quan tài và cột cùng làm bằng một loại gỗ nhẹ xốp, dai và chắc.

Nỗi đau của ông trưởng ban tuyên giáo huyện ủy

Trở lại khu vực thị trấn Quan Hóa chúng tôi tìm gặp những bậc cao niên để dò hỏi những câu chuyện kể về chiếc hang động bí ẩn. Theo như những người dân địa phương ở đây cho biết: Năm 1998, một người dân bản Khằm (thuộc xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa) lên núi tìm dê lạc, tình cờ đã phát hiện ra động này. Vừa đu người trèo lên đến miệng hang, anh ta tá hỏa khi thấy trước mặt là hai cỗ quan tài lớn.

Lần vào sâu trong hang, thì thấy thêm hàng chục quan tài gỗ lớn nhỏ khác xếp ngay ngắn trên các giá gỗ lớn khắp ba tầng hang. Tầng hang thứ tư thì chót vót trên vòm hang, không có lối lên. Sau này, một số ít người dân cũng trèo lên động, người vì tò mò, người ham báu vật, họ bẩy các nắp quan tài, làm xáo trộn vị trí, lấy đi một số rìu đồng, dao kiếm cổ...

Cũng qua sự giới thiệu của những người dân địa phương, chúng tôi tìm đến gặp ông Cao Bằng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quan Hóa. Ông Nghĩa là Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Sau nhiều lần tự mình đi thực địa, nghiên cứu những hiện vật còn lại, truy tầm trong sử sách, ông Nghĩa đinh ninh: đây là động táng tập thể của người Thái cổ. Chủ nhân của động táng này thuộc về dòng dõi quý tộc, vương giả. Họ đã chuẩn bị cho mình chỗ yên nghỉ trên đỉnh núi đá để được tiếp xúc với thần linh và không bị sự làm phiền của những “tạp dân” đời sau. Cho đến nay, đây là một trong những động táng lớn nhất ở miền Tây Thanh Hóa cũng như trong cả nước.

Gặp chúng tôi, ông Cao Bằng Nghĩa xót xa kể: “Đau quá anh ạ, đây là những chứng tích có thể giúp chúng ta có cơ hội khám phá ra cuộc sống của người Thái cổ như thế nào. Nhưng những manh mối chỉ dẫn về người xưa đang mất dần đi, bởi sự thờ ơ và thiếu hiểu biết của những công dân ngày hôm nay”. Ông Nghĩa đau bởi chiến tranh, gió bão suốt hàng nghìn năm không tàn phá được chúng. Vậy mà chỉ với 3-4 năm, rộ lên chuyện đi tìm đồ cổ, những người dân đã đập phá các quan tài cổ, đào nát lòng động táng. Lòng tham ấy có sức hủy diệt tàn bạo, nó xóa bỏ cả những di vật đã được tự nhiên cất giữ suốt hàng ngàn năm.--PageBreak--

Ông Nghĩa nghĩ rằng, việc quan tâm, gìn giữ những quan tài cổ trên còn như một nghĩa cử có hiếu với tổ tiên. Vì vậy, nhiều năm nay ông đã cùng anh em phòng văn hóa huyện lần đi điều tra, khảo sát các hang động thuộc khu vực Hang Ma, mong tìm ra một chỉ dẫn rõ nét hơn về cuộc sống của những cư dân cổ xưa. Ông Nghĩa và những cộng sự của mình đã khám phá ra rằng, ngoài động táng có hơn 70 quan tài cổ đã nói trên, ở khu vực thị trấn Quan Hóa còn có các hang nhỏ khác nằm rải rác trên các vách núi cũng chứa đựng hàng chục quan tài cổ. Điều này là dấu hiệu cho thấy, khu vực núi đá vôi Quan Hóa xưa kia từng quần tụ rất đông dân cư.

Những quan tài cổ rất khó mở, các mép gỗ được ép khít vào nhau một cách tài tình, với chất liệu kết dính đặc biệt. Vừa rồi thanh niên thị trấn đến mở 2 quan tài bên trong vẫn còn nguyên 2 bộ hài cốt. Trong chiếc quan tài (đoán rằng chủ nhân là phụ nữ) có hạt cườm bằng đá rất đẹp, có 2 đồng tiền cổ bằng đồng có chữ Khai nguyên thông bảo thời kỳ nhà Đường. Ngoài ra còn có mảnh vải sặc sỡ, hoa văn thêu công phu, tinh xảo - lấy ra khỏi hang chỉ một vài tiếng sau là mục nát. Và trong quan tài còn lại, là một bộ hài cốt đàn ông, đầu người này gối lên thanh kiếm. Hiện thanh kiếm đã bị lấy mất.

Ông Nghĩa cất công ra Hà Nội, mời một số nhà khảo cổ học về điều tra, đánh giá. Họ đã về làm việc ở đây hàng tháng trời, còn kết quả thì tới giờ huyện vẫn chưa nhận được hồi âm. Ông Nghĩa chỉ biết thắc thỏm chờ đợi kết quả khảo cổ được công bố chính thức. Trong khi chờ đợi, ông Nghĩa rất đau lòng khi những cỗ quan tài cổ nguyên vẹn còn lại tiếp tục bị phá nát mỗi ngày. Ông đã từng đề nghị làm công văn gửi cho các xã có mộ táng trên núi, nhắc nhở họ có trách nhiệm bảo vệ. Nhưng có quan điểm ngược chiều rằng: như thế sẽ “đánh động”, gây sự chú ý và người ta sẽ đến tìm phá quan tài cổ nhiều hơn.

Ông Nghĩa cầm một trong những chiếc xương còn sót lại trong hài cốt cổ.

Sợ rằng đến một ngày sẽ không còn tìm thấy chiếc quan tài cổ nào còn nguyên vẹn, ông Nghĩa đành tự đi sưu tầm những mảnh xương, đồ vật còn sót lại để dành phục vụ nghiên cứu sau này. Ông đã đi cóp nhặt được một số đoạn xương cẳng tay, cẳng chân, răng cùng với một số hiện vật khác... Qua những ống xương tay, chân rất dài, ông Nghĩa kết luận: những người cổ xưa cư trú ở địa bàn này có thân hình vạm vỡ, to cao.

Ai là chủ nhân của những quan tài cổ?

Những bậc cao niên, trưởng bản sống gần đó mà chúng tôi tìm gặp đều trả lời: Trước đây họ chưa từng nghe gì về những ngôi mộ táng trên núi đá này. Tuy nhiên, theo những nhận định ban đầu về những người nằm trong quan tài mà ông Cao Bằng Nghĩa đưa ra thì đây không phải là những người dân bình thường. Bởi người dân thường khi chết là chôn xuống đất.

Còn trong những quan tài cổ kia có những vật quý trong đó (như thanh kiếm, đồng xu, mảnh vải lụa...) thì phải là những người có vai vế trong xã hội mới được chôn cất như vậy. Tuy nhiên, để xác định được niên đại của các quan tài cổ này là rất khó. Một trong những căn cứ có thể xác định được niên đại ở đây là đồng tiền bằng đồng có chữ Khai nguyên thông bảo của thời nhà Đường. Nếu căn cứ vào thời kỳ nhà Đường thì có thể tính ra những quan tài cổ kia có cách đây lên tới hơn 1.200 năm.

Quan tài long thuyền.

Xung quanh lý do tại sao các quan tài cổ lại táng trên núi cao trong hang mà không chôn xuống đất - hiện đang tồn tại nhiều giả thiết. Có ý kiến cho rằng vì thời kỳ đó nước dâng cao nên người cổ xưa mới có thể đưa được những quan tài nặng lên những hang động cao như vậy. Tuy nhiên, theo sử sách, thời kỳ đó vùng này nước chỉ có thể dâng cao 3-5m so với bây giờ, như vậy những quan tài cổ kia nằm trong những vách núi cao hàng trăm mét thì khó có thể đưa lên được. Như vậy cũng có thể, dân cư thời đó có thói quen sống trên đỉnh núi cao, để tránh thú dữ, khi chết đi được mang thi hài xuống trong các hang núi này. Nhưng để sống được trên các chỏm núi là điều không tưởng bởi thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Ông Phạm Hồng Nêu, một bậc cao niên ở địa phương lại đưa ra một giả thiết khác, có thể đó là phong tục của tộc người Thái cổ. Khi ai đó trong tộc mất đi, thì được đưa vào hang ở trên cao để được siêu thoát. Cũng có giả thiết là: có thể đó là động táng những nghĩa sĩ của Lê Lợi hy sinh khi chiến đấu với quân Minh? Bởi nơi đây đã từng xảy ra trận đánh lớn và bên ta bị thiệt hại nhiều về người. Quân Minh rút đi, Lê Lợi đã cho quân đi thu gom những người chết và an táng tại đây.

Ông Nêu đã bác bỏ quan điểm này bởi trận đánh đó xảy ra cách đây hơn 600 năm, người già kể lại phần lớn những quân sĩ tử trận được chôn tại vùng đất bằng chứ không táng quan tài lên hang núi. Ông Nêu cũng cho rằng đây là vùng đất cổ. Tại khu vực này người ta cũng đã từng tìm thấy trống đồng, đồ gia dụng và vũ khí bằng sắt, đồng, trong đó có những lưỡi dao, kiếm từ thế kỷ IV, V.

Ai là chủ nhân của những ngôi mộ trong hang đá trên núi cao vùng Quan Hóa? Họ xuất hiện và quần tụ sinh sống trong buổi văn minh nào của lịch sử? Tại sao những quan tài cổ kia không được chôn xuống đất mà lại để trong hang núi cao? Những câu hỏi này được trả lời thì không chỉ ông Nghĩa, ông Nêu và bao người dân miền Tây Thanh Hóa được cởi bỏ nỗi thắc mắc canh cánh bên lòng mà khoa học khảo cổ còn thu nhận được những dấu vết hết sức hữu ích, trong cuộc phục dựng chân dung các thế hệ tổ tiên người Việt

Hoàng Long - Hồng Quân
.
.
.