Đầu xuân, “xông đất” công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND
Và cũng thật đặc biệt khi tại địa danh thân thuộc với cán bộ chiến sỹ CAND này, Bộ Công an quyết định xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, nhằm tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt Bác dành cho lực lượng CAND…
Tại công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi quang cảnh, cảnh vật nơi đây đã “thay da đổi thịt” hoàn toàn. Tháng 8-2017, Bộ Công an khởi công Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, nhưng phải đến tháng 11 thì việc thi công công trình mới chính thức được vận hành.
Khối lượng lớn công việc như một thách thức, nhưng đến thời điểm hiện tại, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đã hoàn thiện những hạng mục cơ bản như: Tượng Bác Hồ, bức phù điêu, sân hành lễ, nhà trưng bày, nhà quản lý đón tiếp, trạm điện, bãi để xe, đường vào khu lưu niệm, hạng mục cây xanh, hồ nước… Tượng Bác Hồ được thiết kế thể hiện được thần thái, phong cách giản dị, gần gũi của Người.
Các công nhân lát đá tại chân Tượng Bác Hồ cần mẫn làm việc. |
Tượng Bác được làm bằng chất liệu màu đồng, ánh đỏ đồng nổi bật giữa Khu lưu niệm. Phía sau Tượng Bác là tấm phù điêu dài 50 mét, được làm bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa, chạm khắc tỉ mỉ, mang kiểu dáng của 9 ngọn núi cách điệu, gợi sự liên tưởng về một căn cứ địa cách mạng hùng vĩ.
Một số phần việc còn lại đang được cán bộ, công nhân triển khai hết công suất để công trình kịp tiến độ. Lúc cao điểm, hơn 200 công nhân đến từ Bắc Giang, Nam Định và cả Bình Định tham gia xây dựng Khu lưu niệm.
Anh Nguyễn Hồng Nghĩa, thôn Cầu Thượng, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên đã tham gia công việc tại công trường gần 3 tháng phấn khởi cho biết, vợ chồng anh cùng bà con trong thôn và các thôn lân cận đều tình nguyện tham gia làm việc tại công trường.
Từ 20 tháng Chạp đến nay, vợ chồng anh thức dậy từ 4h sáng và thường kết thúc công việc vào 20h hàng ngày. Nhà gần, đi khoảng hơn 200m là đến công trường nên vợ chồng anh thường là người đến sớm nhất và về muộn nhất.
Anh cho biết được tham gia thi công công trình ý nghĩa tại quê hương, đồng thời sau này được góp sức bảo vệ, gìn giữ khu lưu niệm nên anh và bà con trong xã Nhã Nam rất phấn khởi, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an đã xây dựng công trình ý nghĩa này. Giống như anh Nghĩa, hầu hết các tốp thợ đều cảm nhận được ý nghĩa của công trình, họ đều cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc.
Người dân thôn Chùa Nguộn thì nhiệt tình giúp đỡ, cho cả công nhân và những cán bộ, kỹ sư của Ban Quản lý dự án lên làm việc “ăn cùng, ở cùng”.
Sau khi được các cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng đưa đi thị sát công trường, chúng tôi được tham gia cuộc giao ban nhanh giữa Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, thi công, giám sát để cập nhật tiến độ công trình.
Tại cuộc giao ban, các cán bộ thống nhất, phải ốp đá chân tấm phù điêu xong trong một, hai ngày tới; đốc thúc vận chuyển nốt số cây từ Tây Ninh ra cho kịp tiến độ; chọn hoa trồng dưới chân phù điêu phải hài hòa, tôn vẻ đẹp trang nghiêm của Khu lưu niệm; vấn đề cắm biển giao thông chỉ dẫn vào Khu lưu niệm và bơm nước vào hồ cũng phải được thực hiện khẩn trương, gấp rút...
Anh Lương Trần Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại sinh thái tại Nam Định cho biết, Công ty của anh chịu trách nhiệm hạng mục cây xanh.
Tuy thời gian rất gấp, chất lượng cây lại phải chuẩn về kích thước và tiêu chí kỹ thuật, nhưng khi biết được ý nghĩa đặc biệt của công trình, toàn bộ cán bộ công nhân viên của Công ty đều tham gia với trách nhiệm cao nhất.
Công ty được giao trồng 20.000m2 cỏ, cung ứng 60 loại cây với số lượng lên đến 700 cây, những loại cây cơ bản cũng đã được tập kết về công trình.
Tại công trường chúng tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Tham mưu (Tổng cục Chính trị CAND), Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đang có mặt kiểm tra tiến độ.
Thiếu tướng Toàn cho chúng tôi biết: “Thời gian không còn nhiều nhưng thấy anh em bám chốt công trường, ngày đêm lăn lộn tại đây thì tôi an tâm. Ai cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chu đáo, tỉ mỉ”.
Công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND thể hiện tình cảm, trách nhiệm và quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND (Tổng cục Chính trị CAND là chủ đầu tư).
Các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND thường xuyên có mặt tại công trình đồng thời để kiểm tra tiến độ, lắng nghe các ý kiến đề xuất và chỉ đạo kịp thời.
Luôn nhắn nhủ để cán bộ chiến sỹ thấm nhuần, Khu lưu niệm là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của lực lượng CAND, do đó, các đơn vị tham gia xây dựng công trình phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Toàn: “Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Tân Yên, chính quyền và người dân xã Nhã Nam đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.
Có thể nói, mọi đề xuất, đề nghị từ phía Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND đều được UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện nhanh gọn, khẩn trương. Vì thế chỉ trong thời gian ngắn mà những phần việc quan trọng nhất đã hoàn thành tiến độ”.
Đại tá Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng công trình, Phó Giám đốc Dự án xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND cho chúng tôi biết, Công an tỉnh Bắc Giang vinh dự được Bộ Công an giao nhiệm vụ cùng phối hợp thực hiện xây dựng công trình. Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Bắc Giang phấn khởi xác định tâm thế phục vụ vô điều kiện, vì đây là công trình thiêng liêng, một “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ toàn lực lượng. Từ tháng 2-2017, UBND tỉnh Bắc Giang liên tục có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành cùng phối hợp thực hiện, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao tại địa phương, trong đó có những phần việc rất quan trọng như điều chỉnh quy hoạch, mở rộng ranh giới khu đất xây dựng. |