Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Những chuyện cười ra nước mắt

Thứ Năm, 16/02/2006, 06:46

Sau khi thi được đầu vào một cách dễ dàng, những tiến sĩ giấy tương lai tiếp tục lơi lỏng trong học tập. Một giáo sư kể rằng, có nhiều người còn mạnh dạn xin thầy cho lớp nghỉ tháng tết để chúng em còn “làm ăn”. Có cô nghiên cứu sinh đi học ăn vận như đi dạ hội, phấn son lộng lẫy, học thì ít mà nghe điện thoại thì nhiều...

Sau 30 năm kể từ khóa đào tạo sau đại học trong nước đầu tiên năm 1976, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức một Hội nghị tổng kết, trong đó thẳng thắn chỉ ra những yếu kém và bất cập của công tác đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Việt Nam. Dư luận đánh giá đây là một sự dũng cảm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy muộn màng nhưng còn hơn không...

Tiến sĩ giấy - anh là ai?

“Tiến sĩ giấy”, từ hình tượng trong một bài thơ trào phúng của nhà thơ Nguyễn Khuyến đã trở thành từ để chỉ những người học không thật, thi không thật mà được mang vinh danh cao quý này. Theo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 1976 đến nay các cơ sở đào tạo sau đại học trong nước đã đào tạo được gần 8.400 tiến sĩ và 39.000 thạc sĩ thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ, ở hầu hết các chuyên ngành quan trọng và thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Trong đó chỉ tính riêng năm 2005 đã cấp 451 bằng tiến sĩ và gần 8.000 bằng thạc sĩ. Số lượng các cơ sở đào tạo sau đại học cũng như quy mô đào tạo được phát triển và mở rộng.

Cả nước hiện có 155 cơ sở đào tạo sau đại học, trong đó có 127 cơ sở đào tạo tiến sĩ. Nhiều người cho rằng, nước ta đang “lạm phát” tiến sĩ và các cơ sở đào tạo đã phát triển với tốc độ “thần tốc”. Nhưng, theo một chuyên gia giáo dục thì nếu tính tỉ lệ theo đầu dân thì số lượng chừng ấy tiến sĩ và thạc sĩ chưa phải là “lạm phát” nhưng điều lo ngại hơn là chất lượng chứ không phải là số lượng nhiều hay ít. Có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là trong hàng vài chục nghìn tiến sĩ và thạc sĩ đã được cấp bằng có không ít những “tiến sĩ giấy”.

Những câu chuyện về sự lơi lỏng kỷ luật phòng thi trong các kỳ tuyển sinh đầu vào khiến cho các thạc sĩ, tiến sĩ tương lai tha hồ trao đổi hay quay cóp đã không còn là quá hiếm. Một vị giáo sư kể, ông có một cô học trò ông dạy hồi đại học. Bẵng đi một thời gian khá dài, bỗng dưng một hôm cô đột ngột đến thăm thầy. Sau một hồi vòng vo tam quốc, cô ấy bảo rằng cô ấy được quy hoạch làm cán bộ, mới chỉ cấp phòng thôi nhưng vì cơ quan cô là cơ quan văn hóa nên rất cần tấm bằng thạc sĩ để cho oai. Vì thế, cô ấy đã quay trở lại trường nộp hồ sơ thi cao học. Cô tha thiết cậy nhờ thầy với tư cách là giáo sư có uy tín hãy giúp cô ấy bằng cách tìm cho cô ấy một cái “phao”. Cô ấy còn nói rằng, các môn chuyên ngành thì cô ấy còn xoay xở được bằng cách quay cóp nhưng riêng môn tiếng Anh thì quay cóp cũng không xong nên muốn nhờ thầy nói với giám thị làm ngơ để bạn cô ấy sẽ chuyển bài từ bên ngoài vào phòng thi. Vị giáo sư nọ, đương nhiên là từ chối trước lời đề nghị khiếm nhã của cô học trò.

Kỳ thi cao học năm ấy, cô học  trò này trượt. Ấy thế mà chỉ ít lâu sau khi đi giảng bài cho một lớp cao học cùng chuyên ngành nhưng ở một cơ sở đào tạo khác, vị giáo sư cực kỳ ngạc nhiên khi thấy cô học trò này là sinh viên ở đây với số điểm thi đầu vào ngoại ngữ cực cao. Cô học trò cũng chẳng cần quanh co giấu giếm gì mà nói trắng ra với thầy: "Hôm thi đầu vào ở trường mình coi chặt, em không dùng phao được chứ ở cơ sở đào tạo này thoáng lắm thầy ạ”. Rồi cô ấy thao thao bất tuyệt kể, cô có một người bạn, hôn nhân không hạnh phúc, công việc cơ quan nhàn rỗi mà con cái lại lớn hết cả rồi nên đi học cao học cho vui. Chính cô bạn này đã mách cho cô nộp hồ sơ vào cơ sở đào tạo này để thi vì ở đây “thoáng”. Câu chuyện vui của cô học trò đã làm vị giáo sư rầu lòng suốt một thời gian dài, cho dù ông biết không phải tất cả các học trò của ông đều như cô ta.

 

Kết quả giám định bài thi của ông Trần Tiến Hùng.
Còn đây là một câu chuyện khác xảy ra ở một cơ quan nghiên cứu khoa học. Ở đây, các thạc sĩ, tiến sĩ không phải đi học để cho vui hoặc để trang trí mà học để làm nghiên cứu thực sự. Ấy thế mà chỗ này vẫn có tiến sĩ giấy và còn hơn thế, tiến sĩ giấy hiện đang giữ chức vụ cao. Chuyện kỳ quặc đó xảy ra ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (KHKTNNVN), một cơ quan nghiên cứu đầu ngành của ngành nông nghiệp nước ta. Đó là trường hợp của ông Trần Tiến Hùng, nghiên cứu sinh khóa 1997 - 2002. Chuyện nhờ người thi tuyển đầu vào nghiên cứu sinh của ông Hùng chỉ bị phanh phui khi có người công tác tại Viện KHKTNNVN tố cáo việc gian lận trong thi cử. Nội dung tố cáo đã được khẳng định là đúng khi Viện KHKTNNVN trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Hà Nội giám định chữ viết trên các bài thi của thí sinh Trần Tiến Hùng.--PageBreak--

Tại Bản thông báo kết quả giám định số 1119/PC21 của Công an Hà Nội đã khẳng định: “Chữ viết trên: Bài kiểm tra tiếng Anh - trình độ C - môn đọc + viết có phách số: Đ 135 ghi tên Trần Tiến Hùng, số báo danh: 11 (05 trang ký hiệu TLCGĐ) so với chữ viết trên: Bài thi môn: Di truyền có phách số D14 ghi tên Trần Tiến Hùng, số báo danh 04 (01 tờ và 01 phách - ký hiệu TLMSS: M1) là không phải do cùng một người viết ra”. Ngoài kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Hà Nội, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cũng có một kết luận giám định (số 3311/C21) khẳng định: “Chữ viết trên “Bài kiểm tra: tiếng Anh - trình độ C - môn nghe ngày 23-5-1997 có số phách N82 đứng tên Trần Tiến Hùng (ký hiệu A) với chữ viết trên Bài thi môn Di truyền có số phách D14 và trên đầu phách “Bài thi môn Di truyền” có số phách D14 mang tên Trần Tiến Hùng là không phải do một người viết ra”. Kết quả giám định của hai cơ quan giám định quá đủ căn cứ để khẳng định ông Hùng đã nhờ người khác thi hộ đầu vào nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ấy thế mà năm 2002, ông Hùng đã trở thành tiến sĩ (?!). Thậm chí, ông này còn được giữ chức Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại khóa Nghiên cứu sinh 1997-2002 ở Viện KHKTNNVN, còn có một nghiên cứu sinh khác cũng viết “2 kiểu chữ”, đó là ông Đoàn Hữu Thanh. Trong kết luận giám định số 3312/2004/C21 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cũng đã kết luận: “Chữ viết trong bài kiểm tra tiếng Anh - trình độ C - môn đọc + viết” ghi tên Đoàn Hữu Thanh có số phách Đ120 với chữ viết trong bài thi môn Di truyền ghi tên Đoàn Hữu Thanh số phách D9 là không phải do cùng một người viết ra. Chữ viết trên bài kiểm tra tiếng Anh ghi tên Đoàn Hữu Thanh và chữ viết trong bài kiểm tra tiếng Anh ghi tên Lê Quốc Thanh có số phách DV30 là do cùng một người viết ra”. Nhưng cũng như ông Hùng, ông Đoàn Hữu Thanh đã trở thành... tiến sĩ (?!).

Giáo sư (GS) Nguyễn Khắc Phi, một nhà nghiên cứu có tên tuổi, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội I, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, người đã và đang hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ cho rằng, nếu không có ngoại ngữ hoặc trình độ ngoại ngữ yếu thì các thạc sĩ, tiến sĩ sẽ không thể thành công trong nghiên cứu. Người làm nghiên cứu phải biết được những chỗ trống khoa học hay những vấn đề mà người đi trước đã làm nhưng chưa giải quyết thấu đáo để mình sẽ nghiên cứu tiếp tục. Tất cả những điều này, nếu không có ngoại ngữ thì làm sao thực hiện được. Ấy thế mà do những lỏng lẻo trong thi tuyển đầu vào, những người không đủ trình độ như các trường hợp kể trên vẫn đường hoàng trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí trở thành cán bộ lãnh đạo đứng đầu cơ quan nghiên cứu khoa học.

Sau khi thi được đầu vào một cách dễ dàng, những tiến sĩ giấy tương lai tiếp tục lơi lỏng trong học tập. Một giáo sư kể rằng, có nhiều người còn mạnh dạn xin thầy cho lớp nghỉ tháng tết để chúng em còn “làm ăn”. Có cô nghiên cứu sinh đi học ăn vận như đi dạ hội, phấn son lộng lẫy, học thì ít mà nghe điện thoại thì nhiều. Nhưng kết quả thì hầu hết đều tốt cả, rất ít người bị trượt. Nghĩa là đã thi đầu vào được là sẽ được thành thạc sĩ, tiến sĩ. Giáo sư Lê Quang Minh - Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ - đã kể trên một tờ báo rằng, năm ngoái ông có sáng kiến tặng quà, biểu dương tiến sĩ xuất sắc nhưng rồi sáng kiến này cũng bị đổ bể khi các cộng sự đã chuyển tới ông danh sách tới 40 tiến sĩ xuất sắc. Trong khi trên thực tế, theo ông xuất sắc chỉ duy nhất có một người.

Tôi đem chuyện của GS Minh đến kể cho một người làm ở Phòng quản lý khoa học của một trường đại học. Anh ta bảo, nếu cứ căn cứ vào điểm luận văn, luận án thì các tiến sĩ của ta toàn xuất sắc là phải vì điểm 9, 10 nhiều lắm. Trong khi đó, ở nước ngoài đây là những điểm rất hiếm hoi. Thậm chí, ở một số nước điểm 8 là đã phải có một hội đồng thứ hai chấm lại.

Đào tạo tiến sĩ: Những yếu kém và bất cập

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm công tác đào tạo sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dũng cảm đánh giá thẳng thắn những yếu kém và bất cập của công tác này. Trong đó, nêu rõ công tác đào tạo sau đại học tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao trong khi nền kinh tế xã hội của đất nước đang có những đổi mới và phát triển mạnh mẽ. 4 vấn đề yếu kém và bất cập được chính Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận. Đó là: Thứ nhất, chương trình đào tạo; Thứ hai, ở khâu tuyển sinh và tổ chức đào tạo; Thứ ba, về đội ngũ giảng viên và thứ tư là công tác quản lý đào tạo sau đại học.--PageBreak--

Chương trình đào tạo thạc sĩ hiện nay có thời lượng quá lớn từ 80 đến 100 đơn vị học trình nhưng lại xa rời thực tế, không phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngay cả nội dung các chuyên đề tiến sĩ cũng chưa đạt được hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức chuyên ngành hẹp cũng như giúp nghiên cứu sinh giải quyết các vấn đề của đề tài nghiên cứu. Việc xác định đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học. Rất nhiều đề tài nghiên cứu sinh quá rộng, quá chung chung, nhiều đề tài không hợp lý, không cụ thể. Phương pháp giảng dạy ở bậc sau đại học lạc hậu với tình trạng thầy đọc - trò ghi y như học sinh phổ thông trong khi cái cốt yếu trong phương pháp đào tạo sau đại học phải là đối thoại, thảo luận.

Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh theo số lượng chứ không phải căn cứ vào chất lượng; tổ chức thi tuyển đầu vào chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được tình trạng vi phạm trong thi cử. Khá nhiều nghiên cứu sinh hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không tham gia các hoạt động nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn, học thuật. Do đó, việc bảo vệ luận án chỉ mang tính hành chính, mất đi tính học thuật cần thiết. Đáng tiếc rằng đây là khâu quan trọng nhất đánh giá chất lượng của một luận án tiến sĩ nhưng hầu như đang bị thả nổi. Chất lượng của đội ngũ giảng viên cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Yếu kém lớn nhất của đội ngũ giảng viên - theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo - là một số người thiếu khả năng và thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Khắc Phi thực sự lo ngại vì theo ông, chỉ riêng ở lĩnh vực nghiên cứu văn học thì hầu như các bậc cây đa cây đề hoặc đã mất hoặc không còn đủ sức khỏe để tham gia giảng dạy. Lớp giảng viên kế tục tuy cũng có một số người giỏi nhưng điều lo ngại là cường độ dạy học của các thầy lớn quá. Không chỉ tham gia giảng dạy ở đơn vị công tác chính, các thầy còn đi thỉnh giảng rất nhiều ở các nơi khác, các địa phương. Với cường độ đứng lớp như vậy, theo GS Nguyễn Khắc Phi, e rằng, chất lượng đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh sẽ bị hạn chế. Còn một điều này nữa mà những người có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, đó là công tác kiểm tra thanh tra hoạt động đào tạo sau đại học chưa được thường xuyên và các sai phạm không được xử lý một cách kiên quyết và dứt điểm. Theo chúng tôi, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho những yếu kém của công tác đào tạo sau đại học chậm được khắc phục mà kéo dài, dai dẳng trong nhiều năm qua.

Số lượng nghiên cứu sinh trong nước đã tốt nghiệp và được cấp bằng phó tiến sĩ, tiến sĩ từ năm 1977 đến 2005

Tổng số 8.383 người.
Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là ngành Khoa học xã hội (bao gồm cả kinh tế): 3.592 người (chiếm 43%).
Thấp nhất là ngành Khoa học quân sự: 280 người, chiếm 3%.
Khoa học tự nhiên: 1.542 người, chiếm 18%.
Y, dược: 1.325 người, chiếm 16%.
Khoa học kỹ thuật: 924 người, chiếm 11%.
Nông, lâm, ngư nghiệp: 720 người, chiếm 9%.

Tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý đào tạo sau đại học, về tiêu chuẩn của đội ngũ giảng viên sau đại học, về chương trình đào tạo sau đại học, về quy chế tuyển sinh và về công tác đánh giá luận văn, luận án... Một số giải pháp chính đã được đưa ra, như: Thực hiện rà soát lại các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo yêu cầu của Chính phủ, báo cáo trình Thủ tướng xem xét quyết định những cơ sở đủ điều kiện được giao quyền tự chủ toàn bộ trong đào tạo và cấp bằng tiến sĩ; Tăng cường kiểm tra thanh tra và xử lý kiên quyết các vi phạm; Các cơ sở cần lựa chọn các giảng viên giỏi, có đủ năng lực về chuyên môn, về phương pháp sư phạm và nghiên cứu để tham gia giảng dạy sau đại học; Về chương trình đào tạo sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng tối thiểu về số môn học, thời lượng chương trình và yêu cầu xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng tiên tiến, phù hợp với phần lớn các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của cả nước

.
.
.