Đắk Lắk: Cần bảo vệ tốt hơn vườn quốc gia Yok Đôn

Chủ Nhật, 11/06/2006, 13:33

Theo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, tình trạng xâm hại rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn trong thời gian gần đây khá phức tạp.

Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545ha thuộc địa bàn 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Đây là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất nước ta, có nhiều gỗ và động vật rừng hoang dã quý hiếm, hệ sinh thái rừng khộp, rừng thưa họ dầu điển hình trên thế giới và duy nhất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm qua, việc quản lý bảo vệ rừng ở đây thiếu chặt chẽ, thậm chí có lúc còn buông lỏng và chịu sự tác động tiêu cực của con người nên rừng và động vật rừng ngày càng bị mất, gây bức xúc dư luận.

Theo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, tình trạng xâm hại rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn trong thời gian gần đây khá phức tạp. Con số báo cáo của 8 trạm kiểm lâm và đội cơ động thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, trong năm 2005 và những tháng đầu năm 2006 đã xảy ra 346 vụ xâm hại đến rừng.

Tuy con số này chưa nói lên hết tình hình phức tạp ở đây, nhưng điều đáng nói là trong số đó, có 41 vụ lực lượng kiểm lâm không lập biên bản vi phạm khi phát hiện theo quy định. Trong số 63 vụ lập biên bản xử lý hành chính, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn mới chỉ xử phạt 15 vụ (?).

Qua kiểm tra, 10 hồ xử lý vi phạm lâm luật ở đây đều không đúng theo quy định, không có biên bản xác minh hiện trường, biên bản lấy lời khai đương sự và bỏ sót hành vi vi phạm…

Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, xử lý sai phạm, việc giao khoán rừng đến từng hộ dân quản lý bảo vệ cũng không đem lại hiệu quả thiết thực. Theo báo cáo, năm 2005 đã có 33.900ha rừng ở đây được giao khoán cho 1.130 hộ dân thuộc 3 huyện khu vực Vườn quốc gia quản lý, bảo vệ với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Tuy tiền mất nhưng rừng cũng không được bảo toàn mà thậm chí còn bị khai thác nhiều.

Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn, năm 2005 có 61 hộ vi phạm hợp đồng để rừng bị tác động, khai thác gỗ, săn bắt trái phép… Nhưng ngược lại trong biên bản nghiệm thu thanh toán tiền, Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn đánh giá các hộ này đạt yêu cầu về công tác quản lý bảo vệ rừng, rừng được bảo vệ tốt… để rút tiền Nhà nước. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia cho rằng nếu đánh giá trong biên bản nghiệm thu không đạt thì ảnh hưởng đến việc rút tiền trả cho dân.

Qua hồ sơ nhận khoán còn thể hiện có không ít trường hợp chỉ ký kết để nhận tiền, có hồ sơ người nhận khoán không ký tên vào đơn xin nhận khoán… Theo phản ánh phía người dân nhận khoán thì cho rằng, bảo vệ mỗi ha rừng chỉ trả 50.000đ/năm là không thỏa đáng. Trong khi đó từ nhà đi vào rừng ở vườn quốc gia hàng chục km, nên mỗi năm chỉ đi vào rừng một vài lần cho có hình thức vậy thôi.

Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện xử lý 53 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 111,33m3 gỗ các loại và tất cả đều xử lý hành chính. Theo ông Đỗ Minh Kha, Hạt trưởng Kiểm lâm Buôn Đôn thừa nhận, trên địa bàn có Vườn quốc gia Yok Đôn nên tình hình vi phạm lâm luật khá phức tạp. Ngoài ra, trong vùng lân cận còn có nhiều xưởng xẻ gỗ hoạt động nên cũng khó kiểm soát hết.

Đoàn kiểm tra huyện Buôn Đôn đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, tập thể và cá nhân liên quan đến việc để xảy ra tình trạng rừng ở đây bị xâm hại, nhưng xem ra đây cũng chỉ là hình thức chung chung. Trong khi chờ sự kiểm điểm trách nhiệm ấy thì hằng ngày, hằng giờ, rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn "chảy máu"

Ngọc Như
.
.
.