"Cuộc chiến lịch sử" trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO

Chủ Nhật, 12/11/2006, 08:18
Suốt hơn một thập niên kể từ ngày nộp đơn xin gia nhập WTO (4/1/1995), phái đoàn đàm phán Việt Nam đã thực hiện hơn 200 cuộc làm việc, trong đó đàm phán đa phương (14 phiên), song phương (28 đối tác) với nước nhanh nhất (3 phiên) và nước chậm nhất (13 phiên).

Đây là số lượng nhiều nhất trong lịch sử đàm phán Việt Nam với các tổ chức quốc tế (với ASEAN, Việt Nam mất 2 năm; và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ mất 4 năm) - theo tổng kết của Bộ Thương mại Việt Nam. Trong chuỗi quá trình đàm phán căng thẳng để đạt kết quả “win-win” (hai bên đều thắng), Việt Nam luôn duy trì thế thương lượng phù hợp.

Cuộc đàm phán vất vả

Ngày 5/11/2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm bắt đầu dẫn đoàn Việt Nam sang Genèva (Thụy Sĩ) dự lễ kết nạp Việt Nam vào WTO. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sẽ thay mặt phía Việt Nam ký kết Nghị định thư. Khoảng 17 giờ ngày 7/11/2006 (giờ Việt Nam), lễ kết nạp chính thức bắt đầu. Như vậy, cuối cùng Việt Nam cũng trở thành một thành viên biết "chơi" đúng luật và yêu cầu được xử đúng luật "chơi" trên thị trường mậu dịch toàn cầu.

Cần nhắc lại, WTO là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 150 trong 192 thành viên Liên Hiệp Quốc; chịu trách nhiệm điều tiết 85% thương mại hàng hóa và 90% thương mại dịch vụ toàn cầu. Tất cả đều dựa trên một bộ nguyên tắc khổng lồ trong đó có vài điểm chủ yếu: 1/ Minh bạch trong chính sách; 2/ Đối xử trong công bằng; 3/ Hành xử trong đúng luật (mở cửa thị trường hàng hóa - dịch vụ giúp cho thương mại toàn cầu phát triển)...

Ngoài bộ quy tắc (nằm trong khoảng 30.000 trang), WTO còn có 18 hiệp định: Hiệp định về thuế quan (GATT), dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, trị giá hải quan, hiệp định về vấn đề hàng nông nghiệp, chống bán phá giá, chống trợ cấp, hiệp định về cấp phép nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật, quy tắc xuất xứ...

Với mức độ phức tạp của vô số nguyên tắc và luật lệ cũng như yêu cầu khác nhau của từng chủ thể đối tác, tiến trình đàm phán kéo dài là hiển nhiên. Theo tổng kết từ Bộ Thương mại Việt Nam, về đàm phán song phương, chúng ta đã kết thúc với 28 đối tác. Trong đàm phán song phương, Việt Nam đưa ra bản chào số 4, chào đến 99% số biểu thuế. Thí dụ, đàm phán với Hoa Kỳ, tổng số dòng thuế là 9.400 dòng thuế. Còn với các nước, con số trên tùy thuộc yêu cầu cụ thể từng đối tác (có nước 3.000, có nước 5.000, có nước chỉ 200 dòng thuế)...

 - Ngày 7/11: Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng thông qua văn kiện, chấp nhận Việt Nam là thành viên WTO.

- Ngày 5/12: Việt Nam phê chuẩn văn kiện và thông báo với WTO về việc phê chuẩn.

- 30 ngày sau khi thông báo việc phê chuẩn, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

- Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI cũng sẽ thảo luận và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO. Sau khi Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập, Việt Nam sẽ thông báo chính thức cho WTO về việc phê chuẩn này. Sau 30 ngày khi WTO nhận được thông báo, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO và các cam kết của Việt Nam trong WTO bắt đầu có hiệu lực.

(Theo website của Bộ Thương mại)

Đàm phán song phương luôn là cuộc đọ sức căng thẳng. Chẳng hạn, khi đàm phán với Trung Quốc, quốc gia từng ký vào Hiệp định Tự do thương mại ASEAN và những tưởng như thế cũng đủ để không cần thương thảo dài dòng, vậy mà cuối cùng Việt Nam phải đàm phán 10 phiên trong đó rất nhiều đợt căng thẳng, đàm phán suốt đêm, tập trung vào các mấu chốt vấn đề thí dụ: mở du lịch, ngân hàng phụ, mở vận tải đường bộ...

Với Mỹ cũng vậy, tưởng chừng hai bên đã ký vào Hiệp định Mậu dịch song phương (BTA) nên không còn gì nhiều để tiếp tục tranh cãi nhưng rồi cũng xuất hiện lắm phức tạp, chẳng hạn vấn đề hạn ngạch hàng dệt may Việt Nam (Mỹ cho rằng, Việt Nam trợ cấp 4 tỉ USD cho ngành dệt may và đoàn đàm phán Việt Nam phải nỗ lực chứng minh quy kết trên là sai).

Còn nữa, gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc điều chỉnh luật lệ phù hợp quy định WTO. Do đó, việc Việt Nam điều chỉnh những gì và như thế nào cũng được thảo luận quyết liệt tại bàn đàm phán.

Theo Bộ Thương mại Việt Nam, chúng ta có kế hoạch sửa và xây mới 25 luật và pháp lệnh (năm 2005 Việt Nam sửa và xây mới 29 luật; năm 2006 sửa và xây mới 10 luật). Trong toàn bộ luật và pháp lệnh cam kết đa phương sẽ sửa và xây mới là 25 luật và pháp lệnh, Việt Nam đã làm xong 24...

Và thành tựu lịch sử

Với tất cả vất vả và khó khăn nặng nề, việc Việt Nam cuối cùng về đến đích hẳn nhiên là thành công xứng đáng được ghi nhận như một thành quả lịch sử. Hãy thử xem lại phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng (thứ 14) tại Genèva vào ngày 26/10/2006 để có thể cảm nhận được ý nghĩa từ thành tựu đàm phán vào WTO của Việt Nam (trích từ website WTO): “...Với tư cách cá nhân, tôi vẫn còn nhớ một ngày hè căng thẳng hồi năm 1998 khi chính tôi bồn chồn quan sát phiên họp đầu tiên của Nhóm làm việc nhưng không phải trong phòng này mà từ phòng phiên dịch cô lập. 8 năm, 2 tháng và 26 ngày đã trôi qua và hôm nay tôi cảm thấy tự tin nhiều hơn khi có mặt tại phiên họp cuối cùng này. Trong suốt giai đoạn trên, tiến trình đàm phán Việt Nam luôn song hành với quá trình cải cách kinh tế của chúng tôi, nâng cao hệ thống pháp lý của chúng tôi để bảo đảm sự nhất quán giữa luật Việt Nam và quy định của WTO...”.--PageBreak--

Thật vô lý và sẽ rất đáng tiếc khi một nền kinh tế đang bùng nổ phát triển với tốc độ nhanh nhất Đông Nam Á như Việt Nam mà không có mặt trong một định chế thương mại toàn cầu như WTO. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Việt Nam, hiện nay, xuất khẩu Việt Nam tăng tương đối nhanh, có năm 23%, có năm 19% (năm 2005, kim ngạch Việt Nam đạt 32,5 tỉ USD). Tuy nhiên, so với các nước khu vực, tỉ lệ trên còn thấp. Thí dụ: Thái Lan (63 triệu dân) có kim ngạch đạt hơn 100 tỉ USD (Việt Nam chỉ bằng 1/3 trong khi có 83 triệu dân); và nếu so với Philippines (dân số 85,2 triệu), Việt Nam bằng 2/3. Và như vậy, muốn thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam phải đạt 100 tỉ USD trở lên và nhập khẩu phải ở mức tương đương.

Hơn nữa, hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đã bị phân biệt đối xử, chẳng hạn hàng dệt may và giày dép xuất vào châu Âu; hoặc do không được hưởng ưu đãi thuế quan đối với nông sản nên không bán gạo được vào thị trường này. Tình trạng bất công như vậy chỉ có thể được xóa bỏ một khi Việt Nam vào WTO.

Năm 1990, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD; bây giờ, chỉ trong một tháng, Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ USD. Do đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 tỉ USD thật ra cũng không quá xa vời. Cần nói thêm, theo thống kê của WTO, trên thế giới hiện có khoảng 70.000 công ty đa quốc gia, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. Nếu trở thành mảnh đất đầu tư hứa hẹn với các công ty đa quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn còn mạnh bội lần...

Vận hội và thách thức

Hẳn nhiên thách thức cũng không ít. Hiện Việt Nam có 230.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh kém. Đó hẳn là một thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có không ít yếu tố cạnh tranh khu vực: lực lượng công nhân hùng hậu, vị trí địa lý có nhiều lợi thế... Lương công nhân tại các nước ASEAN đang tăng dần (do tình trạng lao động thiếu) nên khả năng nhiều tập đoàn chuyển nhà máy sang Việt Nam cũng là một xu hướng mang tính thời cơ (Malaysia mỗi năm phải nhập 3 triệu lao động và Singapore nhập nửa triệu lao động...).

Khi gia nhập WTO, ngành dệt may không bị khống chế bởi hạn ngạch nữa. Tuy nhiên, Việt Nam phải bỏ một số quy định cấm: nhập khẩu thuốc lá điếu, xe hơi cũ, linh kiện máy tính... (trên thực tế, cấm nhập xe hơi cũ đã hủy). Nói cách khác, khái niệm “có sức chơi có sức chịu” chưa bao giờ thể hiện rõ bằng lúc này.

Cần nói thêm, bản tiếng Anh toàn bộ nội dung cam kết về gia nhập WTO của Việt Nam có thể sẽ được công bố trong ngày 7/11/2006, ngay sau lễ kết nạp Việt Nam là thành viên WTO (bản tiếng Việt sẽ được chỉnh lý và công bố chậm hơn nhưng sẽ có mặt trên mạng trước ngày 20/11).

Theo ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về việc gia nhập WTO, các cam kết được công bố  tập trung vào 3 văn bản chính: Báo cáo Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO; biểu cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa; và biểu cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ. Báo cáo Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ bao gồm các giải trình của Việt Nam về chính sách thương mại và các cam kết Việt Nam nhằm thực hiện loạt Hiệp định đa phương của WTO. Biểu cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa bao gồm các cam kết về thuế xuất nhập khẩu, cam kết về thuế quan và cam kết về trợ cấp nông nghiệp...

Tại phiên họp Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết thêm: Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm. Tuy nhiên, điều này chẳng có gì quá lo ngại vì nó chỉ có ý nghĩa trong các vụ kiện bán phá giá. Nhìn chung, Việt Nam cam kết tuân thủ toàn bộ các hiệp định và các quy định mang tính ràng buộc của WTO từ thời điểm gia nhập. Tuy nhiên, Việt Nam được hưởng một thời gian chuyển đổi để thực hiện một số cam kết có liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, trợ cấp cho phi nông nghiệp, quyền kinh doanh...

Cuối cùng, có thể nhắc lại lời ông Ngô Quang Xuân, Đại sứ Việt Nam tại WTO, để đo lường cũng như lượng định các yếu tố vận hội và thách thức đối với Việt Nam kể từ sau thời điểm 7/11/2006: “Sau khi gia nhập, Việt Nam tiếp tục cần một đội ngũ đàm phán thật mạnh để tích cực đóng góp vào các vòng đàm phán trong khuôn khổ WTO. Các cuộc đàm phán này còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với quá trình đàm phán để gia nhập, bởi đây là cuộc cạnh tranh tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế cho hàng hóa Việt Nam ở từng ngành hàng, từng lĩnh vực cụ thể.

Không phải cứ đàm phán thành công là hàng hóa Việt Nam tự tìm được chỗ đứng. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm mình. Hiểu rõ thế mạnh cũng như điểm yếu của các đối tác sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam, tìm hiểu kỹ đặc thù của các thị trường mình muốn vươn tới và tập trung ưu tiên để xây dựng thương hiệu mạnh là những yêu cầu khẩn cấp trước mắt”

M.Kim
.
.
.