Kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 - 2005)

Còn mãi đức độ Nguyễn Văn Linh

Thứ Hai, 18/07/2005, 09:45

Trên cương vị Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (1986 - 1991), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp to lớn vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Ông cũng là tác giả của hàng loạt bài trong chuyên mục nổi tiếng trên báo Nhân Dân một thời: “Những việc cần làm ngay” với bút danh N.V.L mà lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin đề cập tới khía cạnh phẩm chất đạo đức, điều mà tất cả đồng bào, đồng chí có dịp tiếp xúc, làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Linh đều ngợi ca.

Một trong những đức tính nổi trội mà khi nhớ về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, các bạn bè thân hữu của ông đều muốn nhấn mạnh: Đó là sự trung thực.

Là người tham gia cách mạng từ rất sớm, ngay từ năm 1929, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Linh đã có chân trong “Học sinh đoàn” do Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội lãnh đạo. Chính vì lẽ ấy mà năm 1936, sau khi từ nhà tù Côn Đảo trở về, ông được cử đi xây dựng lại cơ sở Đảng ở Hải Phòng vì T.Ư cho rằng ông đã là đảng viên từ năm 1930. Tại Đại hội Đảng bộ Hải Phòng năm 1937, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư, song - theo như Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại thì đồng chí Nguyễn Văn Linh đã “không dám nhận” quyết định này. Ông làm báo cáo gửi lên Xứ ủy và Xứ ủy đã công nhận kết nạp Đảng cho ông để ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy.

Cũng vậy, mặc dù là linh hồn của công cuộc Đổi mới, nhưng để rành rẽ, bao giờ ông cũng khẳng định: “Phải nói, người tìm hiểu tình hình và đề xướng đổi mới chính là anh Trường Chinh chứ không phải là tôi”.

Ngay từ những ngày mới được bầu làm Tổng Bí thư, ông đã tâm sự với những đồng chí thân quen: “Tôi chỉ làm một nhiệm kỳ, rồi tôi nghỉ để đồng chí còn trẻ, khỏe thay tôi”. Và ông đã thực hiện đúng như vậy. Khi có người đề nghị ông tiếp tục ở lại đảm đương công việc, ông đã thoái thác bằng một câu nói chí lí “ Cần phải biết dừng đúng lúc”.   

Trung thực bao giờ cũng đi đôi với thẳng thắn: Thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của mình cũng như của người. Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, có thể nói, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là vị lãnh đạo Đảng đầu tiên ở ta đã dũng cảm dùng hai chữ “khủng hoảng” để chỉ thực trạng kinh tế Việt Nam những năm cuối thập kỷ 80 (thế kỷ XX). Thậm chí, ngay trong kì họp thứ 2 Quốc hội khoá VIII (ngày 29/12/1987), ông còn dùng hình ảnh cho thấy chúng ta “như là nấu nồi cơm, ăn hết cơm rồi vét cháy ăn, rồi ăn luôn cả nồi”, để rồi từ đó chúng ta càng thêm quyết tâm đổi mới.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng là người rất thẳng thắn, kiên quyết đối với những vấn đề có tính nguyên tắc. Theo hồi ức của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, trong lần gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp sau khi Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ 3 quyết định sửa đổi điều 6 và điều 7 của hiến pháp Liên Xô (thực chất là gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đánh đồng Đảng Cộng sản với các đảng phái khác và các tổ chức quần chúng, xã hội), ông đã chất vấn vị thủ lĩnh của “thành trì của CNXH” tại sao có chuyện đó và cảnh báo: “Với tư cách một người cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí đây là một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường không chỉ đối với Liên Xô”. Trước những lời lẽ nghiêm khắc đó, Goócbachốp lúng túng thanh minh và cuối cùng đành cười xòa để gỡ thế bí: “Dù sao cũng xin cảm ơn đồng chí đã thẳng thắn nói lên ý kiến của mình”.

Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng nhận được nhiều nghĩa cử cao đẹp từ đồng bào, đồng chí. Nhiều việc ông khắc sâu trong tâm khảm để rồi có dịp là ông lại thực hiện lòng biết ơn. Ở mặt này, ông quả là người sống có trước có sau. Chuyện kể rằng, trong một bữa ăn, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã kể cho đồng chí Lê Xuân Tùng- bấy giờ đang là trợ lý của ông - về một người đồng chí đã che chở mình trong một hoàn cảnh hiểm nghèo, bất ngờ tại Sài Gòn. Đó là đồng chí Lê Xuân Tứ. Ông nói, ông rất nhớ thương và biết ơn người đã cứu mình. Hóa ra đó chính là cụ thân sinh đồng chí Lê Xuân Tùng. Câu chuyện đã gây xúc động cho cả hai người. Nhờ những thông tin quý báu này mà đồng chí Tùng đã thêm hiểu về quá trình đấu tranh anh dũng của cha mình. Sau đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng gia đình đồng chí Tùng ra thăm Côn Đảo và tại đây, ông đã chỉ cho gia đình đồng chí Tùng nơi cụ Lê Xuân Tứ trút hơi thở cuối cùng.

Được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đúng vào lúc đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội và trên thế giới, công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu rơi vào thế bế tắc,  Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hiểu rằng, nếu người lãnh đạo sống xa hoa lãng phí, xa cách quần chúng thì “nói hay mấy cũng chẳng ai tin”. Bởi vậy mà ông luôn nhủ mình phải luôn ý thức giữ gìn cuộc sống cá nhân sao cho thanh bạch theo gương Bác Hồ.--PageBreak--

Khi nhận chức Tổng Bí thư, ông bỏ việc dùng chuyên cơ khi không cần thiết, không cho xe hú còi dẹp đường khi đi lại trong thành phố. Giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, trên chiếc xe Lada màu vàng nhạt không có máy điều hoà nhiệt độ, ông thường xuyên đến thăm các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội cũng như  đến với các tầng lớp nhân dân.

Đối với những người thân trong nhà, ông cũng không cho hưởng đặc quyền đặc lợi gì. Theo như chị Nguyễn Thị Bình, con gái ông kể lại, thì suốt thời gian làm Tổng Bí thư, ông chỉ cho người nhà ra nước ngoài hai lần. Một lần khi Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi mời ông và phu nhân cùng sang thăm. Lần thứ hai khi Đảng Cộng sản Liên Xô mời cả gia đình ông sang nghỉ.

Ở đây, cũng cần giới thiệu thêm nỗi đau gia đình mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phải gánh chịu, để thấy sự hy sinh cho cách mạng của ông lớn đến chừng nào.

Ông sinh ra trong một gia đình công chức ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Bốn tuổi đã mồ côi cha và đến mười tuổi thì lại mồ côi mẹ. Có kỷ niệm xa xót mà ông nhớ mãi: Năm ông 15 tuổi, do rải truyền đơn chống đế quốc, ông bị chính quyền thực dân bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Khi những người tù bị đưa đến Sáu Kho (Hải Phòng), ông chợt lạnh người khi nghe thấy từ trên bờ có tiếng con gái run run, yếu ớt cất lên trong đêm đen: “ Anh Cúc ơi (ông tên thật là Nguyễn Văn Cúc), em nhớ anh lắm. Anh giữ sức khỏe để về với em”. Thì ra đó là tiếng em gái gọi ông. Cô bé khi ấy mới 12, 13 tuổi. Ông ra Côn Đảo một thời gian thì cô bé- phần vì côi cút một mình, phần vì nhớ thương anh nên mang bệnh mà chết!

Năm 33 tuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kết hôn cùng nữ đồng chí Ngô Thị Huệ (sau này bà làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long). Hai người có với nhau bốn mặt con, nhưng do điều kiện cuộc sống thời chiến quá kham khổ nên người con đầu của ông bà đã mất ngay khi mới chào đời. Sau này, cậu út (tên gọi Nguyễn Văn Linh, là người con trai duy nhất của hai vợ chồng) cũng đột ngột qua đời khi còn rất trẻ. Thương nhớ con, ông đã lấy tên con làm tên chính của mình. Như vậy, ông bà chỉ còn lại hai người con gái.

Tuy hiếm muộn là thế, song với hai người con gái này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng chỉ mong muốn họ “biết lao động như mọi người”. Chị Bình kể lại rằng khi chị còn ngồi trên ghế nhà trường, ba chị thường xuyên viết thư yêu cầu con cần cố gắng học tập nhưng không khuyến khích phải bằng mọi cách vào được đại học: “ Điều cần thiết là phải say sưa tự học, tìm sách mà học, mà mở rộng kiến thức” và “Khi chúng tôi học xong, ông để chúng tôi tự đi tìm việc, chỉ khuyên nên làm gì cho đúng khả năng của mình”.

Thật cảm động nếu ta đọc lá thư ông gửi cho con gái bị bệnh khi ông đang ở cương vị Tổng Bí thư: “Con phải giữ gìn sức khỏe mới được. Nuôi một lứa heo này rồi thôi đừng nuôi nữa. Nên nuôi một đàn vịt cho đỡ mệt hơn”.

Đúng như nhận xét của ông Nguyễn Văn Hoành - Nguyên Cục phó Cục T.78- Ban Tài chính quản trị T.Ư: Trong số các Tổng Bí thư của Đảng ta, Nguyễn Văn Linh là người có thời gian chiến đấu trong lòng địch và trực tiếp đương đầu với chiến tranh dài nhất. Như thế cũng có nghĩa là thời gian ông ở bên vợ con không được nhiều. Đó chính là lý do mà khi ông thôi cương vị Tổng Bí thư, cả gia đình ông đều cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Họ cảm động nhìn ông thư thái ngồi đánh cờ với cháu trai, dạy bơi cho cháu gái, nhẹ nhàng nâng một cành lan vừa nở, ung dung đi vài đường dưỡng sinh buổi sáng. Tiếc thay, khi cả hai ông bà sắp làm lễ mừng “đám cưới vàng” thì ông lại ra đi.

Có một câu chuyện cảm động ghi lại giây phút cuối cùng của ông: Khi tim ông vừa ngừng đập, điện tâm đồ đã chạy một đường thẳng, chợt cháu Linh- con lớn của chị Hòa (con gái ông) đang đứng bên giường ông gọi lên một tiếng “Ông ơi!”. Ông bỗng mở to mắt nhìn con cháu lần cuối. Hình ảnh ấy in đậm mãi trong tâm trí những người thân của ông.

Viết đến đây, bất giác tôi nhớ tới một nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Đảng ta có được đồng chí Tổng Bí thư như đồng chí Nguyễn Văn Linh là hạnh phúc cho nhân dân”

.
.
.